Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThị trường TQ không còn dễ cho nông sản Việt

Thị trường TQ không còn dễ cho nông sản Việt

Phó Giáo sư Quyền Đình Hà cho rằng, để không phải giải cứu nông sản và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính phải bỏ tư duy, cách làm theo lối cũ kỹ.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, trong năm 2019 và các năm tiếp theo thực phẩm, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng khắt khe hơn.

Bởi vậy, để đưa được nông sản Việt vào Trung Quốc hay tiến vào các thị trường khó tính trên thế giới, doanh nghiệp và nông dân phải tuân thủ theo quy định trong sản xuất và phát triển bền vững, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhận định của lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc không còn là khách hàng dễ tính. Hiện nước này tầng lớp trung lưu chiếm số lượng lớn. Do đó, nhu cầu các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm cũng tăng theo.

Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy, không thể bán những những gì chúng ta có thay vì bán những gì thị trường cần.

Nhiều năm nay, đầu ra nông sản của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó thị trường này ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, con đường xuất khẩu tiểu ngạch sẽ dần đóng cửa.

Trước thách thức lớn đối với nông sản Việt Nam năm 2019 khi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, bài toán đặt ra với ngành nông nghiệp Việt Nam đó là làm như thế nào, làm từ đâu để xuất khẩu nông sản theo con đường chính ngạch.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Quyền Đình Hà – Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay: “Thu nhập bình quân trên đầu người của người dân Trung Quốc khá cao, gần 10.000 đô la Mỹ nên họ yêu cầu cao về chất lượng nông sản là điều tất yếu.

Bởi vậy, việc Trung Quốc hay nhiều thị trường khác trên thế giới siết nhập khẩu nông sản cũng là điều hết sức bình thường.

Bài toán đặt ra làm sao để nông sản Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường như Trung Quốc bằng con đường chính ngạch hay xuất khẩu sang bất cứ thị trường khó tính nào.  

Để làm được điều đó chúng ta phải có quy hoạch vùng một cách bài bản. Không thể mãi tư duy bán những gì mình có”.

Theo Phó Giáo sư Hà, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành, chính quyền địa phương cần bắt tay, phối hợp với nhau để làm sao phổ biến, thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp trước những yêu cầu mới trong phát triển nông nghiệp, trong đó có sự thay đổi của thị trường Trung Quốc để bà con nông dân, doanh nghiệp phải làm như thế nào.  

“Bộ ngành, chính quyền địa phương cần vào cuộc một cách nghiêm túc. Cần thiết hướng dẫn, đào tạo nghề cho nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn chất lượng như tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… có đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng đó, nông sản Việt sẽ không còn rơi vào tình trạng phải giải cứu”, Phó Giáo sư Hà nói chia sẻ.

Phó Giáo sư Quyền Đình Hà cũng chỉ ra: “Các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, chế biến nông sản cần chủ động, mạnh dạn đề xuất, kết hợp với địa phương để quy hoạch vùng nguyên liệu.

Như tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Gia Lai đã có doanh nghiệp đầu tư rất lớn, có vùng sản xuất nguyên liệu tập trung rộng 4.000 ha, ứng dụng công nghệ cao, với các loại cây trồng như dứa, chuối, rau chân vịt, đậu tương rau, ngô ngọt, chanh dây, chuối theo mô hình cánh đồng mẫu lớn cho năng suất, chất lượng cao.

Doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân, hay nói cách khác là doanh nghiệp đặt hàng, hướng dẫn nông dân trồng cây gì, trồng như thế nào theo tiêu chuẩn khắt khe của đối tác. Như vậy sản phẩm làm ra sẽ xuất khẩu dễ dàng, giá trị mang lại cao hơn rất nhiều.

Hay trong miền Nam có doanh nghiệp hướng dẫn bà con sản xuất lúa gạo bền vững theo chuẩn quốc tế (SRP – Sustainable Rice Platform) đạt hiệu quả cao.

Để làm được việc đó, doanh nghiệp này có cả ngàn kỹ sư nông nghiệp đến các vùng để hướng dẫn sản xuất, cung ứng giống, phân bón, thuốc để người dân làm đúng quy trình. Người dân yên tâm sản xuất, còn đầu ra đã được doanh nghiệp lo”.

Bà con trồng dưa hấu huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) từng gặp nhiều khó khăn vì thương lái ép giá. Ảnh: L.N/Báo Gia Lai.

Phó Giáo sư Quyền Đình Hà nói thẳng: “Việt Nam vẫn có rất ít đơn vị làm nông nghiệp một cách bài bản, khoa học. Số doanh nghiệp làm nông nghiệp có sản phẩm xuất khẩu được sang các thị trường khó tính vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp chưa được ưu tiên, khuyến khích, chào đón đúng nghĩa. Có chính quyền địa phương cũng chưa mặn mà, chào đón doanh nghiệp làm lĩnh vực nông nghiệp.

Có một doanh nghiệp than phiền với tôi, khi đến tỉnh Tây nguyên để làm vùng trồng dứa và có xin đề xuất 1000 ha đất, nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì cơ chế cũ.

Đề xuất 1000 ha, nhưng chỉ được chấp thuận 100 ha để làm thử, doanh nghiệp quá nản vì diện tích đất cho làm thử quá nhỏ so với quy hoạch vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp đành phải sang địa phương khác.

Nói như vậy để thấy việc doanh nghiệp chế biến, sản xuất nông sản muốn làm quy mô, bài bản cũng chưa được tạo điều kiện, ưu đãi”.  

Phó Giáo sư Quyền Đình Hà nhấn mạnh: “Xuất khẩu nông sản chính ngạch sẽ mang lại giá trị cao cho nông sản Việt Nam. Còn buôn bán, xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro bởi đối tác nước ngoài có thể trì hoãn, ép giá nông sản.

Trong khi đó, hoa quả tươi chỉ đảm bảo trong ít ngày, nếu không bán được sẽ phải đổ bỏ. Như nhiều lần thương lái phải vứt bỏ nông sản tại cửa khẩu, nhìn sản phẩm bà con nông dân vất vả làm ra phải đổ bỏ rất đau lòng và lãng phí.

Để phát triển nông sản Việt một cách bài bản, lâu dài và mang lại giá trị cao thì cả nông dân, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy theo hướng xuất khẩu  chính ngạch. Xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp Việt sẽ ký kết hợp đồng với đối tác. Có vấn đề gì còn kiện được, chứ xuất khẩu tiểu ngạch thì kiện ai.

Bà con nông dân, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, thay đổi hành động ngay, sản phẩm đến được thị trường Trung Quốc hay các thị trường khó tính khác, nông sản của chúng ta phải có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng”.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự lạc quan, tăng trưởng ngành nông nghiệp trong những năm gần đây là điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất.

RELATED ARTICLES

Tin mới