Tuesday, March 19, 2024
Trang chủBiển nóngDàn chiến hạm khủng của Mỹ - Anh đổ xô tới Biển...

Dàn chiến hạm khủng của Mỹ – Anh đổ xô tới Biển Đông, TQ “nổi đóa”

Sự xuất hiện của hai tàu khu trục tên lửa Mỹ gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 11/2 và thông tin tàu sân bay duy nhất của Anh HMS Queen Elizabeth cũng đang di chuyển tới Thái Bình Dương khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson xác nhận tàu sân bay duy nhất trong lực lượng hải quân Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth đã được triển khai tới Thái Bình Dương, khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số quốc gia khác trên Biển Đông

Theo ông Williamson, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện giữ vị trí trọng tâm trong hải quân Anh và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2020. Trong hành trình tới Thái Bình Dương lần này, tàu HMS Queen Elizabeth sẽ cùng tham gia sứ mệnh với dàn chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và Anh.

Thậm chí, Bộ trưởng Williamson còn hối thúc các nước phương Tây nên chuẩn bị hỗ trợ cho lợi ích của chính quốc gia thông qua sức mạnh quân sự như việc Anh điều tàu sân bay tới khu vực Thái Bình Dương.

Thông tin được Bộ trưởng Williamson chia sẻ đúng thời điểm Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Cụ thể, trong ngày 11/2, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ là USS Spruance và USS Preble đã tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và tiến lại gần bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Sự xuất hiện của hai tàu chiến Mỹ gần bãi Vành Khăn ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng yêu cầu Mỹ dừng ngay “những hành động mang tính khiêu khích” và cáo buộc tàu chiến Mỹ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. 

Đáng nói, việc 2 tàu khu trục Mỹ tới gần bãi Vành Khăn diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vẫn đang vướng vào cuộc chiến thương mại. Theo đó, hai bên đang cố gắng đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót là ngày 1/3. Đây là thời điểm Mỹ sẽ tăng áp mức thuế từ 10% lên thành 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc.

Giáo sư Wang Yiwei tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định, việc tàu chiến Anh tới Biển Đông là động thái mang tính cứu vãn bộ mặt của Anh trong tương lai sau khi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu hay còn gọi là Brexit.

“Động cơ của giới chính trị gia Anh là nhằm vớt vát niềm tin của thế giới với Anh sau giai đoạn Brexit. Anh đang cố thể hiện sức mạnh và năng lực quốc gia”, ông Wang nói.

Trong thời gian gần đây, Anh cũng đang tăng cường hoạt động trên các vùng biển châu Á và tiến hành hoạt động tuần tra chung với Mỹ. Hồi tháng Một, tàu hộ vệ tên lửa HMS Argyll của hải quân Anh đã cùng tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ tiến hành tập trận chung 6 ngày ở Biển Đông.

Cuộc tập trận này diễn ra sau khi tàu USS McCampbell hoàn thành đợt tuần tra đảm bảo tự do ở Biển Đông và lại gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Trước đó, vào tháng 8/2018, hải quân Hoàng gia Anh cũng đã tiến hành đợt tuần tra đầu tiên ở Biển Đông khi điều động tàu đổ bộ HMS Albion tới gần quần đảo Hoàng Sa.

Tới tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Williamson thông báo Anh có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ở khu vực Thái Bình Dương mà khả năng là ở Singapore hoặc Brunei.

Theo ông Wang, động thái của Anh có thể gây ra những hậu quả tiêu cực nhưng không tác động lớn tới mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc.

“Hợp tác là mối ưu tiên lớn trong quan hệ Anh – Trung và Trung Quốc cũng không muốn có thêm kẻ thủ”, ông Wang nhận định.

Liên quan tới sự xuất hiện của 2 tàu chiến Mỹ gần quần đảo Trường Sa hôm 11/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, “các hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đã vi phạm chủ quyền, gây ảnh hưởng xấu tới nền hòa bình, an ninh, trật tự của Trung Quốc. Trung Quốc cực lực phản đối hành động này”.

Trước đó, một quan chức Mỹ giấu tên chia sẻ với Reuters rằng, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble của hải quân Mỹ chỉ tiến lại gần bãi Vành Khăn. Song theo bà Hoa, tàu chiến Mỹ còn lại gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa.

“Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do đi lại và bay qua Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, nhưng chúng tôi hoàn toàn phản đối bất cứ quốc gia nào lợi dụng hoạt động này để gây ảnh hưởng tới chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”, bà Hoa chỉ trích.

Về phía Việt Nam, Hà Nội luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới