Monday, September 9, 2024
Trang chủBiển nóngAustralia tiếp tục quan ngại các hành vi phi pháp của TQ...

Australia tiếp tục quan ngại các hành vi phi pháp của TQ trên Biển Đông

Phát biểu trong chuyến thăm Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (28/1) cho biết các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gia tăng sự quan ngại về ý đồ trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực; cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne thăm Trung Quốc tuần trước. (Ảnh: Fairfax Media)

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác. Theo ông Pyne, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, do vậy Trung Quốc nên hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông. Ngoài ra, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh “việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng”; cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực” và Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế.

Ngoài ra, ông Christopher Pyne cũng cho biết thêm, Australia sẽ đầu tư hơn 90 tỷ đô la Australia vào một đội tàu ngầm, tàu khu trục và các tàu khác để tăng cường khả năng hàng hải, nhấn mạnh Australia hy vọng sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021.

Thời gian qua, Australia đã điều tàu chiến và máy bay đi qua Biển Đông cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung ở khu vực này. Hiện tại, các tàu Australia vẫn chưa vào trong phạm vi 12 hải lý quanh thực thể nhân tạo được quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông (như Mỹ đã làm). Nhưng trước áp lực của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump thì các hành động của Australia gần đây đã có dấu hiệu vỗ mặt Trung Quốc thật sự thay vì gắng đứng ngoài tranh chấp như thời ông Barack Obama làm chủ Nhà Trắng.

Quan điểm, chủ trương, chính sách của Australia liên quan Biển Đông

Tuy Australia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song khu vực này có ý nghĩa sống còn đối với Australia, nhất là việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa thương mại qua Biển Đông. Hiện hầu hết các tuyến đường thương mại của Australia đến khu vực Đông Bắc Á, Đông Á đều đi qua Biển Đông. Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott (10/2013) từng nhấn mạnh gần 60% thương mại của Australia đều thông qua Biển Đông. Chính vì vậy, việc hàng hóa, tàu thuyền tự do lưu thông không bị cản trở, kiểm soát ở Biển Đông là một trong những vấn đề được Australia đặc biệt quan tâm. Trong những năm gần đây, Australia đã đóng vai trò tích cực nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và giao lưu kinh tế cho các tuyến đường thương mại của Australia qua vùng biển này.

Không những vậy, việc Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo phi pháp và trên khai vũ khí trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, nhất là một số loại tên lửa có khả năng vươn tới một bộ phận lãnh thổ Australia đã đe dọa trực tiếp môi trường hòa bình và ổn định của Australia.Tình hình an ninh khu vực Biển Đông cũng có tác động trực tiếp đến hoạt động giao thông hàng hải và vận chuyển hàng hóa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thương mại của Australia. Ngoài ra, khi tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Khi đó, Australia là nước có lợi ích thiết thực ở Biển Đông sẽ bị kéo theo và ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng, nhất là hoạt động của hải quân Australia.

Xuất phát từ lợi ích thiết thực của mình, Australia đang ngày càng tăng cường hiện diện và can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Về quan điểm chính thức, Australia tuyên bố sẽ không ủng hộ hoặc liên minh, liên kết với bất kỳ nước nào trong các tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Australia giữ vai trò trung lập, nhưng kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực không bị ảnh hưởng, lên án các hành động quân sự hóa trong khu vưc. Về mặt công khai, Australia bày tỏ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế Australia vần ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Một mặt thông qua các kênh ngoại giao cùng các diễn đàn quốc tế để tạo áp lực yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động phi pháp ở Biển Đông; mặt khác Australia tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, tích cực tham gia các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Ngoài Bộ trưởng Quốc phòng AustraliaChristopher Pyne, nhiều lãnh đạo cấp cao của Australia cũng đã lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Khi vừa mới lên nắm quyền, tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (21/9/2015) kêu gọi Trung Quốc giảm hoạt động xây dựng trái phép đảo tại Biển Đông, cho rằng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông “không mang tính xây dựng”, khẳng định đang có một số căng thẳng về vấn đề các đảo, bãi cạn ở Biển Đông và Trung Quốc cần có hành động hợp lý; nhấn mạnh “sự trỗi dậy của Trung Quốc không nên ảnh hưởng tới an ninh và sự hài hòa tương đối trong khu vực”, đồng thời cảnh báo “việc Trung Quốc có ý định chiếm trọn Biển Đông chắc chắn sẽ gây hậu quả ngược lại với những gì nước này mong muốn đạt được”. Tại Đối thoại Shangri-la năm 2017, ông Malcolm Turnbull cũng thể hiện sự quan ngại về tình hình Biển Đông, đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất lên án những động thái của Trung Quốc thời gian qua ở khu vực, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực. “Nếu chúng ta muốn duy trì tính năng động của khu vực thì chúng ta phải bảo vệ cơ cấu vốn có dựa trên các quy tắc đã tồn tại bấy lâu nay. Điều này có nghĩa là hợp tác chứ không phải hành động đơn phương để tạo ra lãnh thổ, quân sự hóa các khu vực tranh chấp”, Thủ tướng Australia nhấn mạnh. Đồng thời, ông Turnbull cũng khuyến khích Trung Quốc xây dựng lòng tin trên toàn cầu thông qua việc giúp ngăn chặn các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhiều lần đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; kêu gọi các bên kiềm chế và tránh các hành động có thể gia tăng căng thẳng trong khu vực; ủng hộ ASEAN và Trung Quốc đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông.

Đáng chú ý, Đại sứ Australia tại Philippines Amanda Gorely (7/2016) từng đưa ra tuyên bố khẳng định vấn đề Biển Đông “là giá trị, nguyên tắc rất quan trọng và cơ bản, là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Australia”, cho rằng những cơ sở mà Trung Quốc đơn phương xây dựng trên Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời khẳng định cách tiếp cận và chính sách của Canberra đối với Biển Đông là rất nhất quán trong khoảng thời gian dài. Australia không ủng hộ các hành động của bất kỳ quốc gia nào đi ngược lại phán quyết của PCA, trong đó có hoạt động quân sự hóa, đồng thời khuyến khích cả Trung Quốc lẫn Philippines thực thi phán quyết này.

Hay Sách Trắng Ngoại giao của Australia (11/2017) nêu bật tình hình Biển Đông, coi đây như là “một vấn đề lớn của trật tự khu vực” và bày tỏ “đặc biệt quan ngại về tốc độ và quy mô chưa từng thấy” của các hoạt động bối đắp, xây dựng mà Trung Quốc tiến hành trong khu vực biển tranh chấp, nhấn mạnh “Australia phản đối việc sử dụng các thực thể tranh chấp và các cấu trúc nhân tạo trên Biển Đông để phục vụ cho các mục đích quân sự, đồng thời khẳng định Australia ủng hộ việc giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Một số hoạt động nổi bật của Australia ở Biển Đông trong năm 2018:

Trong năm 2018, Australia tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông, đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác, giao lưu với các nước liên quan nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cụ thể: (1) Australia (24/10) đang triển khai thêm nhiều tàu chiến đến Biển Đông và hoạt động tại các căn cứ quân sự trên khắp Thái Bình Dương trong bối cảnh Australia đang gồng mình trước việc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh ở khu vực. Theo các số liệu được một Ủy ban trong Thượng viện Australia công bố, Hải quân Australia đã chậm rãi tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông trong vòng 5 năm qua. Tại buổi điều trần trước Thượng viện Australia, Chỉ huy Lực lượng Quốc phòng Angus Campbell cho biết, việc con số tăng lên không chỉ phản ánh thực tế Australia đang hiện diện nhiều hơn ở khu vực mà còn cho thấy nước này “tham gia nhiều hơn với các đối tác trong khu vực tại một vùng biển trung chuyển đến 1/3 lượng vận tải thế giới và là tuyến đường tự nhiên giữa Australia và các đối tác thương mại lớn”. (2) Phát biểu bên lề Hội nghị của Viện các vấn đề quốc tế Australia tại Canberra, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (15/10) đã thể hiện lập trường thận trọng một cách rõ ràng về việc tiến hành các cuộc tuần tra trên biển ở Biển Đông sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nhiều hơn ở vùng biển tranh chấp này. (3) Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Australia (10/10) đã thảo luận về khả năng hợp tác quân sự và an ninh trong khuôn khổ chiến lược của Tokyo về “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết, có thể Nhật Bản sẽ tham gia tuần tra trên biển cùng với Australia tại Biển Đông. (4) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (3/10) đã bày tỏ lo ngại về những “thủ thuật hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc (30/9) áp sát tàu chiến của Mỹ. Ông Pyne cho biết Chính phủ Australia sẽ coi bất cứ việc sử dụng hành động đe dọa nào trong khu vực đều là “bất ổn và tiềm ẩn nguy hiểm”, khẳng định “Australia đã nhiều lần thể hiện lo ngại về việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các bên tranh chấp kiềm chế không tiến hành các hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”. (5) Thủ tướng Australia Morrison (3/10) cho biết Australia sẽ đóng vai trò là “cái đầu lạnh” khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giữa một bên là Mỹ – đồng minh an ninh, và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trước đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (25/2) khẳng định sẽ tiếp tục cho phép Hải quân Australia tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông sau khi có sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Frances Adamson cho biết an ninh hàng hải, bao gồm cả tự do hàng hải, là “cần thiết để bảo đảm cho các tuyến đường thương mại mà Australia phụ thuộc vào”. Theo bà Adamson, cạnh tranh Trung – Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng Australia cũng thấy có cơ hội để hợp tác, bởi “quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò quan trọng nhất trong tương lai, và tình hình quan hệ đó sẽ tạo ra bức tranh chiến lược khu vực”. (6) 3 quân chủng hải, lục, không quân của Australia (2-19/10) đã tham gia vào cuộc tập trận an ninh quốc tế kéo dài hai tuần ở Biển Đông. Cụ thể, quân đội các nước Australia, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh sẽ tham gia cuộc tập trận Bersama Lima 18 từ ngày. Tư lệnh quân đội Australia, Đội trưởng Nicholas Pratt, cho biết cuộc tập trận Bersama Lima bao gồm các nội dung huấn luyện thực địa, bắn đạn thật cũng như luyện tập chỉ huy để kiểm tra khả năng hoạt động của các lực lượng hải quân, lục quân và không quân Australia. Cuộc tập trận này cũng sẽ tăng cường hiểu biết của các quốc gia đối tác về chiến thuật và quy trình triển khai hoạt động, chứng minh giá trị vô giá trong việc xây dựng khả năng tương tác giữa quân đội các nước trong khu vực và các tình huống huấn luyện thực tế liên quan. (7) Tại Đối thoại Chiến lược Ba bên tại Singapore, Ngoại trưởng Australia, Mỹ và Nhật Bản (4/8) đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, trong đó có vấn đề sử dụng các hệ thống vũ khí hiện đại trên các khu vực tranh chấp. Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị nêu rõ: “Các Bộ trưởng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương áp đặt, làm biến đổi nguyên trạng và gây gia tăng căng thẳng”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ghi nhận những tiến triển về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cho rằng COC cần phù hợp với luật pháp quốc tế và các bên cần đẩy mạnh cam kết về chấm dứt các hành động làm leo thang tranh chấp. Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La 2018, Australia, Mỹ và Nhật Bản (2/6) đã nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần hợp tác nhằm đối phó với mọi nỗ lực đơn phương nhằm phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông, mà rõ ràng nhắm đến các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở khu vực. Các quan chức cũng nhất trí triển khai một chương trình hành động chiến lược về an ninh biển áp dụng cho cả ba nước. (8) Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia Richard Marles (24/7) cho biết Đảng Lao động ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia thực hiện tự do hàng hải (FONOP) phù hợp với luật pháp quốc tế, và sẽ cân nhắc việc phối hợp với các nước khác.

Phản ứng của Trung Quốc

Phản ứng trước sự quan ngại và tuyên bố của Australia về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn phản đối, đe dọa Australia sẽ “gánh hậu quả nghiệm trọng” nếu tiếp tục có các hành động cản trở Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần đưa ra các tuyên bố cho rằng “Australia không phải là một bên liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đôn, hy vọng Australia sẽ giữ cam kết là không nghiêng về bên nào trong vấn đề này và dừng ngay việc đưa ra các tuyên bố thiếu thận trọng”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đại tá Ngô Khiêm cũng nhiều lần tuyên bố kêu gọi Australia trân trọng đà phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, không tham gia hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào có thể làm tổn hại đến sự ổn định trong khu vực.

Truyền thông Trung Quốc, nhất là những trang mạng mang tính hiếu chiến như Thời báo Hoàn Cầu, Thiết Huyết… đăng nhiều bài viết đe dọa rằng Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp mạnh gây “ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Australia” nếu Canberra nhúng tay vào Biển Đông, cảnh báo hành động của Australia sẽ “đầu độc quan hệ với Bắc Kinh và làm rung chuyển nền tảng cân bằng chiến lược (của Australia) trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc”; nhấn mạnh Australia nên công nhận sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và đừng để vấn đề Biển Đông làm tổn thương quan hệ song phương, hoặc trở thành “công cụ cho thế lực nước ngoài phá hoại ổn định khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới