Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTự cho mình có quyền ngăn cấm tàu cá các nước hoạt...

Tự cho mình có quyền ngăn cấm tàu cá các nước hoạt động: TQ đang bất chấp luật pháp quốc tế và công luận

Cùng với việc tăng cường hiện diện quân sự và củng cố sự chiếm đóng trái phép bằng các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo, Trung Quốc còn sử dụng lực lượng cảnh sát biển, dân quân biển để ngăn cản, thậm chí sẵn sàng đâm va, bắt giữ ngư dân Việt Nam và các nước ngay tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa vốn là ngư trường đánh bắt truyền thống, kế sinh nhai bao đời nay của họ.

Tàu cá vỏ sắt của TQ sẵn sàng đâm va, ngăn cản xuôi đuổi các tàu cá Việt Nam ở các ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa.

Hàng năm Trung Quốc cử hàng chục tàu cảnh sát biểntiến hành hàng trămlượt tuần tra, giám sát các hoạt động đánh cá trong khu vựcBiển Đông mà nước này tuyên bố là “thuộc vùng biển Trung Quốc”. Các cơ quan chức năng Trung Quốc loan tin rằng đây là hoạt động của các đơn vị hải cảnh “chống lại việc đánh bắt phi pháp”. Các biện pháp được Trung Quốc sử dụng để ngăn cản tàu cá các nước gồm: (i) Triển khai lực lượng tàu chấp pháp tuần tra định kỳ, nhiều trong số này thậm chí được cử ra đồn trú tại các khu vực xung quanh các đảo, đá do nước này chiếm đóng. (ii) Đơn phương ban hành lệnh cấm bắt cá hàng năm, không chỉ áp dụng cho tàu cá của Trung Quốc mà còn ngang nhiên áp dụng cho tất cả các tàu cá các nước, chủ yếu là nhằm vào Việt Nam và Philippines. (iii) Sử dụng các tàu cá vỏ sắt, tàu cá trang bị vũ khí được mạnh danh là lực lượng dân quân biển của Trung Quốc để vừa hoạt động núp bóng đánh cá, song cũng làm nhiệm vụ cảnh giới, ngăn cản, hành hung tàu cá Việt Nam và các nước khi cần thiết. (iv) Tuyên truyền qua kênh truyền thông, ngoại giao để quy chụp tàu cá các nước về hành vi vi phạm chủ quyền và lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc.

Về lệnh cấm bắt cá, bắt đầu từ năm 1999 đến nay, hàng năm Trung Quốc đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá áp dụng trên toàn Biển Đông kéo dài từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, đây vốn là thời điểm biển êm dịu nhất và là mùa thu hoạch lớn nhất của ngư dân các nước. Năm 2018, Trung Quốc đã đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, kéo dài khoảng hơn ba tháng, bắt đầu từ ngày 1/5 đến 16/8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và Bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm này cũng được áp dụng ở vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông. Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tàu chấp pháp để “giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm”. Cơ quan Cảnh sát biển của Trung Quốc (7/2018) cho biết chỉ 2 tháng sau khi nước này ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông, Trung Quốc đã cử hơn 60 tàu cảnh sát để giám sát các hoạt động đánh cá trong khu vực “thuộc vùng biển Trung Quốc”, bao gồm vùng biển Hoàng Hải và cả Biển Đông. Trong đó, Cảnh sát biển Trung Quốc đã phái đi 6.423 lượt tàu, điều tra 631 tàu “đánh cá bất hợp pháp” ngoài nước với 24 trường hợp bị xử lý hình sự và “đánh đuổi 852 tàu cá nước ngoài”.

Về hoạt động đe dọa, xuôi đuổi và tấn công tàu cá các nước của tàu Trung Quốc trên Biển Đông. Biển Đông là vùng biển diễn ra nhiều hoạt động giao thương hàng hải quốc tế, khu vực và cũng là nơi diễn ra hoạt động đánh bắt hải sản truyền thống của người dân các nước từ bao đời nay. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khu vực này cũng thường xuyên xảy ra các vụ va chạm, đụng độ giữa tàu thuyền các nước mà chủ yếu là giữa tàu Trung Quốc với tàu các nước (Việt Nam, Philippines, Indonesia) và chủ yếu do tàu Trung Quốc gây ra. Đáng chú ý, tình trạng tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, xuôi đuổi và tấn công tàu cá các nước diễ ra ngay trong khu vực Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các nước. Một số vụ việc điển hình cho việc tàu Trung Quốc ngăn cản, đe dọa, tấn công tàu cá các nước như: (i) Tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc xuôi đuổi và tấn công khi đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Điển hình là vụ việc xảy ra hôm 30/7/2017 tại địa điểm cách Đông Nam đảo Cù Lao Xanh, Bình Định 145 hải lý, tàu Bình Định số hiệu 96101 TS bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm vào mạn phải rồi bỏ chạy, làm một ngư dân bị thương nhẹ, tàu hư hỏng nặng. Hôm 21/4/2018, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đã đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS của Việt Nam ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Nam. Ngày 24/5/2018, khi đang đánh bắt tại vùng biển cách đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về hướng Tây Nam, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 96798 TS của Việt Nam đã bị chìm sau khi va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 31102. (ii) Philippines cũng là nước xảy ra nhiều vụ tàu cá của người dân bị tàu Trung Quốc đe dọa và tấn công trên biển. Tháng 6/2012, một ngư dân Philippines đã thiệt mạng và bốn người mất tích khi tàu của họ bị một tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài khơi tỉnh Pangasina. Năm 2014, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã phun vòi rồng để xuôi đuổi tàu cá Phillippines tại Bãi cạn Scarborough. Tháng 2/2015, Chính quyền Philippines tiếp tục tố cáo tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm hỏng ba tàu cá Philippines tại khu vực Bãi cạn Scarborough của Philippines. Tháng 5/2018, một nhóm phóng viên của hãng tin GMA News đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc hai cảnh sát biển Trung Quốc lên một tàu cá Philippines và lấy cá mà ngư dân Philippines đánh bắt ở Bãi cạn Scarborough. (iii) Đối với Indonesia, vài năm trở lại đây, tàu cá và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên xâm phạm, xuôi đuổi và tấn công tàu cá và lực lượng chấp pháp của Indonesia tại quần đảo Natuna (khu vực EEZ của Indonesia). Trung Quốc cũng đòi hỏi có chủ quyền trong khu vực này theo “đường lưỡi bò”. Tháng 3/2016, lực lượng tuần duyên Indonesia đã bắt giữ tàu cá Kway Fey của Trung Quốc cùng 8 thuyền viên đánh bắt trái phép ở vùng biển Natuna. Tuy nhiên, khi lực lượng chấp pháp Indonesia đang lai dắt tàu cá này, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã can thiệp, đe dọa và yêu cầu tàu Indonesia thả tàu Kway Fey trong vòng 30 phút. Phía Chính phủ Indonesia sau đó đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc.

Hành động của Trung Quốc bị dư luận các nước lên án mạnh mẽ. (i) Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần phản đối và bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời lên án mạnh mẽ việc tàu Trung Quốc xuôi đuổi, đe dọa và tấn công tàu cá Việt Nam. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam “Quy chế của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”. Quy định của Trung Quốc cũng đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay. (ii) Chính phủ Philippines đã nhiều lần lên tiếng phản đối tới Chính phủ Trung Quốc, trong đó “kịch liệt phản đối việc Trung Quốc liên tục quấy rối và ngăn chặn ngư dân Philippines kiếm sống một cách hợp pháp tại khu vực Bãi cạn Scarborough”. Nhiều người Philippines (2/2018) đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối việc tàu Trung Quốc xuôi đuổi, tấn công các tàu cá của ngư dân Philippines trong vùng biển quanh Bãi cạn Scarborough. (iii) Chính quyền Indonesia phản ứng bằng cách tuyên bố đặt lại tên vùng biển phía Bắc vùng biển Natuna của Indonesia trên Biển Đông là Biển Bắc Natuna (7/2017) nhằm bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đồng thời Indonesia tăng cường lực lượng hải quân và áp dụng những biện pháp mạnh đối với các hành động vi phạm chủ quyền của tàu thuyền Trung Quốc.

Giới chuyên gia và người dân các nước đều cho rằng việc Trung Quốc ngăn cản,đe dọa và xuôi đuổi tàu cá các nước hoạt động ở Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, ngang ngược. Hành động xuôi đuổi, tấn công tàu cá các nước, trong đó có nhiều ngư dân trên tàu là rất đáng bị lên án vì còn là vấn đề nhân đạo. Chuyên gia hàng hải Ryan Martinson và chuyên gia Malcolm Dewald (Mỹ) gọi hành động tấn công tàu cá các nước của tàu Trung Quốc là “cướp biển thời hiện đại”. Việc Trung Quốc đặt ra cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá” là nhằm tạo ra một “quyền lịch sử” vốn được nhắc tới trong luật biển quốc tế. Tức là nếu Trung Quốc duy trì độc quyền việc đánh bắt cá trên Biển Đông trong một thời gian đủ dài, họ sẽ lý luận là tạo ra một “quyền lịch sử”, cụ thể với quyền đánh bắt cá, nhằm giành quyền ưu tiên cho phía họ độc quyền khai thác Biển Đông. Những hành động trên của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố của Trung Quốc về việc cam kết “không sử dụng vũ lực” để giải quyết tranh chấp và các đánh giá của Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển. Giới chuyên gia cho rằng để duy trì và bảo vệ được an ninh, an toàn hàng hải cũng như bảo vệ ngư trường, môi trường của Biển Đông, Trung Quốc phải chấm dứt việc đơn phương tuyên bố và thực thi những lệnh cấm vô lý, ngang ngược như “lệnh cấm đánh bắt cá” này.

Mặc dù vấp phải sự phản đối, lên án của các nước, song Trung Quốc vẫn nhiều lần cho rằng hành động của mình là hợp pháp và bình thường. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ hôm 03/01 vừa qua, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã ngang nhiên cho rằng việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông thời gian qua là hành động chấp pháp bình thường. Phóng viên hỏi rằng phía Việt Nam nói tàu cá nước này nhiều lần bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tấn công và tịch thu toàn bộ hải sản, tàu thuyền và ngư cụ ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, phóng viên cũng hỏi thêm “Lệnh cấm đánh bắt cá” đơn phương do Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông có được áp dụng cho các tàu cá của các quốc gia khác hoạt động trong cùng khu vực hay không và cơ sở của việc đó là gì. Phía Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời theo thông tin mà phía Trung Quốc có được, thì tàu công vụ của Trung Quốc chỉ hoạt động chấp pháp bình thường trong vùng biển liên quan thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Việc áp dụng các biện pháp đối với các tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép là bình thường và các biện pháp đó được giữ ở mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật.

RELATED ARTICLES

Tin mới