Thursday, September 12, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÝ đồ sau hoạt động “núp bóng dân sự” mới của TQ...

Ý đồ sau hoạt động “núp bóng dân sự” mới của TQ tại Đá Chữ Thập

Trung Quốc đã khai trương một trung tâm cứu hộ trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Mặc dù dưới danh nghĩa là cơ sở cứu hộ, cứu nạn, song đây được xem là một động thái mới của Bắc Kinh nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam.

Hoạt động quân sự hóa của TQ trên Đá Chữ Thập. Nguồn: CSIS/AMTI

Về cái gọi là “trung tâm cứu hộ” trên Đá Chữ Thập của TQ

Báo chí Trung Quốc hôm 29/01 loan tin Bộ Giao Thông Trung Quốc đã chính thức khánh thành trung tâm cứu hộ trên Đá Chữ Thập nhằm “bảo đảm tốt hơn vấn đề an toàn giao thông và vận tải ở Biển Đông”, hỗ trợ cho các hoạt động cứu hộ trên biển ở khu vực phía Nam Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa. Theo báo Japan Times của Nhật Bản, với ý đồ nắm quyền kiểm soát Biển Đông, trong thực tế Trung Quốc đã biến các thực thể trong tay họ thành tiền đồn quân sự, trong đó ba thực thể là Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa đều có sân bay quân sự, được trang bị tên lửa, kho chứa rộng rãi và một loạt cơ sở có thể theo dõi các vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin của nước ngoài.

Để trấn an những lo ngại về việc quân sự hóa các đảo nhỏ đó, Trung Quốc liên tục nói rằng các cơ sở đó chỉ có mục đích phòng thủ, còn chức năng chính của các đảo mang tính chất dân sự, nhằm phục vụ lưu thông cho tất cả tàu bè trong vùng. Nhằm chứng tỏ điều đó, Trung Quốc đã cho xây dựng các cơ sở bảo tồn và phục hồi sinh thái và trung tâm quan sát biển trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Cuối tháng 7/2018, Trung Quốc cũng từng tuyên bố sẽ cho đồn trú vĩnh viễn một tàu tìm kiếm và cứu hộ tại Đá Xu Bi, nơi đã có một hải đăng và bến tàu rộng lớn. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã cho rằng các động thái đó có thể giúp Bắc Kinh áp đặt trong thực tế yêu sách chủ quyền của họ.

Ý đồ nguy hiểm đằng sau “trung tâm cứu hộ”trên Đá Chữ Thập

Âm mưu, ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc đằng sau việc loan báo đưa vào sử dụng “trung tâm cứu hộ” nói trên Đá Chữ Thập là: (i) Phục vụ mục đích tuyên truyền nhằm hướng lái dư luận về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc tìm cách ca ngợi rằng những thành tựu trên góp phần phát triển Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác. Cho rằng các công trình như “trung tâm cứu hộ” sẽ phục vụ mục đích “dân sự” và người dân các nước đều hưởng lợi từ các công trình này như trong đảo bảo an toàn hàng hải; phát hiện, cảnh báo và ngăn ngừa thảm họa thiên tai; giúp người dân trên các đảo ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống… (ii) Các công trình “dân sự” của Trung Quốc sẽ trở thành “công cụ”, “chứng cứ” để củng cố các đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Ngoài ra, các công trình “dân sự” sẽ phục vụ cho chính hoạt động quân sự của nước này ở Biển Đông. (iii) Giúp Trung Quốc giành ưu thế trên Biển Đông, từ đó buộc các nước khác phải nhượng bộ hoặc chấp nhận theo sự dẫn dắt và kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông. Bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc cũng đều giúp nước này hợp thức hóa chủ quyền phi pháp trên các thực thể chiếm đóng. (iv) Tất cả các công trình mang danh nghĩa “dân sự” của Trung Quốc ở Biển Đông thực chất đều là nhằm phục vụ mục đích quân sự, nhằm kiểm soát thực tế toàn bộ Biển Đông. Trong năm 2018, dư luận cho rằng việc Trung Quốc công khai kế hoạch rải các phao cảm biến dưới đáy Biển Đông, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương để cảnh báo sớm sóng thần là nhằm phát hiện, do thám hoạt động của tàu ngầm các nước dưới đáy Biển Đông. Cùng với việc phủ sóng mạng 4G tại một số đảo, đá ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đồng thời triển khai hệ thống gây nhiều sóng radar và tác chiến điện từ để đối phó với các nước.

Các công trình núp bóng “dân sự” tương tự của TQ đã triển khai ở Trường Sa và Hoàng Sa

          Một là, xây dựng và vận hành mạng lưới điện cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hôm 29/5/2018, Trung Quốc đã cho vận hành mạng lưới điện cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm. Theo trang “China News Service”, mạng lưới điện này sẽ được sử dụng cho việc phát triển dân sự, thậm chí có thể trở thành một trung tâm kiểm soát, điều khiển các mạng lưới điện trên các đảo khác. Giới phân tích cho rằng về mặt quân sự, nguồn điện ổn định là rất cần thiết đối với các kho vũ khí (tên lửa địa đối không và tên lửa chống hạm) trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và độ mặn cao trên các đảo như Phú Lâm. Hai là, phủ sóng viễn thông 4G trên các đảo, đá chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa. Hôm 07/9/2015, Công ty điện thoại di động Hải Nam thuộc Tập đoàn viễn thông di động China Mobile đã hoàn tất lắp ráp kỹ thuật và bắt đầu sử dụng trạm phát sóng cung cấp dịch vụ sóng điện thoại di động 4G tại đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhờ dịch vụ này, sóng điện thoại di động 4G được bao phủ 07 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Trước đó vào tháng 3/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố đã thiết lập kỹ thuật và phủ sóng 4G tại bãi đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ba là, nghiên cứu chế tạo và lắp đặt các hệ thống điện gió và điện sóng biển. Năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt hệ một thống điện gió trên bãi đá Gạc Ma chiếm đóng phí pháp của Việt Nam, nhằm cung cấp năng lượng cho lực lượng đồn trú và hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá này. Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển và đang thử nghiệm mô hình đầy đủ của nhà máy sản xuất điện từ sóng biển (công suất khoảng 200 KW) ở ngoài khơi quần đảo Vạn Sơn, gần thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo xa bờ. Cơ chế hoạt động của các nhà máy điện dạng này dựa trên nguyên lý dùng sức đẩy của sóng biển để quay turbine phát điện. Bốn là, xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Ngày 12/6/2016, Cục Hải dương Trung Quốc cho biết nước này đang triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Theo đó, sau khi đã lắp đặt một số phao ở Thái Bình Dương, Trung Quốc có kế hoạch lắp đặt một số phao cảnh báo sóng thần ở Biển Đông, vùng biển phía Đông rãnh Ryukyu (Đông Nam quần đảo Ryukyu của Nhật Bản, trên Biển Hoa Đông) và vùng biển Đài Loan. Các phao này sẽ được nối với mạng lưới cảnh báo sóng thần quốc tế, để cảnh báo sớm về nguy cơ sóng thần cho các khu vực bờ biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc, cũng như các nước lân cận. Bộ Khoa học Trung Quốc cũng cho biết, Trung Quốc đang khẩn trương thiết kế, xây dựng một Trạm Nghiên cứu Khoa học ở độ sâu 3.000 m dưới đáy Biển Đông để “trợ giúp hoạt động tìm kiếm khoáng sản”. Năm là, xây dựng và vận hành các ngọn hải đăng. Bắt đầu từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép 05 ngọn hải đăng tại 05 thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, với lý do nhằm tạo thuận lợi và an toàn trong lưu thông hàng hải. Trong số đó, 04 hải đăng tại đá Châu Viên, Gạc Ma, Subi, Chữ Thập đang được sử dụng, còn hải đăng tại đá Vành Khăn sắp đi vào hoạt động. Cục Hải sự Trung Quốc cho biết ngoài 05 ngọn hải đăng trên ở Trường Sa, Trung Quốc đang xây dựng 04 hải đăng khác tại đá Duy Mộng, Hải Sâm, Cồn cát Nam, Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cùng với 31 phao tiêu dẫn hướng trên Biển Đông. Cùng với các công trình này, Bắc Kinh cũng xây các công trình phục vụ quân sự như cầu cảng, sân bay trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép, núp dưới chiêu bài xây dựng các trung tâm cứu hộ, cứu nạn, nhằm phục vụ cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo quốc tế. Sáu là, thăm dò và khai thác nguồn nước ngọt trên đá Chữ Thập chiếm đóng trái phép (thuộc quân đảo Trường Sa của Việt Nam). Một số diễn đàn quân sự Trung Quốc hôm 11/7 vừa qua đưa tin Bắc Kinh đã phát hiện nước ngọt trữ lượng lớn trên đá Chữ Thập. Theo đó, chất lượng nước ngọt có thể đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi và trồng trọt trên đá này. Các trang mạng trên tuyên truyền rằng việc tìm thấy nước ngọt trên đảo có “ý nghĩa quan trọng”, mang lại nguồn cung nước ngọt dồi dào và lâu dài cho việc “duy trì chiếm giữ đảo”; giúp Chính phủ Trung Quốc tiết kiệm một lượng lớn ngân sách trong việc mua và vận chuyển nước ngoạt, thực phẩm từ đất liền ra đảo; “nâng cao tinh thần và sức chiến đấu của binh lính Trung Quốc đang đóng quân (phi pháp) trên đá Chữ Thập”. Bảy là, nghiên cứu và tiến tới triển khai cái gọi là “ngư trường thông minh” ở Biển Đông. Trung Quốc đã khởi công dự án xây dựng “Ngư trường thông minh”, thực chất là tổ hợp gồm 03 trại cá và 01 trại hỗ trợ. Mỗi trại cá là một lồng lưới thép hình lục giác lớn, có kích thước 110 m x 75 m và có thể chứa 250.000 mét khối nước. Theo giới chức Trung Quốc, các “Ngư trường thông minh” này sẽ sớm được triển khai các vùng biển sâu ở Biển Đông, có thể bao gồm vùng biển tranh chấp do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Khi đó, những cong trình này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện, củng cố các tuyên bố chủ quyền, đồng thời Trung Quốc sẽ tiếp tục xuôi đuổi ngư dân các nước ra xa khỏi những “ngư trường” này.

RELATED ARTICLES

Tin mới