Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHạm đội tàu sân bay: Kế hoạch thống trị đại dương của...

Hạm đội tàu sân bay: Kế hoạch thống trị đại dương của TQ

Kể từ khi tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động và tàu sân bay thứ hai Type 001A tiến hành chạy thử lần thứ tư trên biển, Trung Quốc đã bộc lộ tham vọng chế tạo hạm đội tàu sân bay nhằm tranh giành quyền thống trị các đại dương với Mỹ.

Trung Quốc chỉ đang học mót công nghệ chế tạo tàu sân bay

So với Mỹ và các cường quốc khác như Nga, Anh, Nhật Bản thì Trung Quốc mới chỉ tiếp cận công nghệ chế tạo tàu sây bay. Điều đáng nói là công nghệ này không phải do Trung Quốc tự nghiên cứu mà nó được học mót từ Nga và các công nghệ hiện nay của Bắc Kinh còn lạc hậu hơn rất nhiều so với Mỹ và các nước phát triển khác. Cả Liêu Ninh lẫn tàu mẫu 001A đều sử dụng các động cơ diesel thông thường, dẫn đến hạn chế về tốc độ và tuổi thọ so với các tàu sân bay chạy bằng hệ thống lò phản ứng hạt nhân hiện đại của Mỹ và Pháp. Cả hai tàu đều không có kích thước lớn. Tàu mẫu 001A chỉ có khả năng mang theo 32-36 máy bay tiêm kích đa nhiệm (cùng với hơn 10 trực thăng), thua xa siêu tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ với sức chứa khoảng 90 máy bay cánh cố định hoặc cánh xoay. Liêu Ninh và tàu mẫu 001A sử dụng hệ thống cất cánh kiểu nhảy cầu (STOBAR) cho các máy bay, thua xa hệ thống ống phóng tiêu chuẩn được ứng dụng trên các tàu sân bay hiện đại. Sẽ phải mất nhiều thời gian để làm chủ những công nghệ tàu sân bay tiên tiến. Chi phí cũng sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đơn giản chỉ sao chép hay cải tiến các thiết kế từ thời Liên Xô.

Một vấn đề khác mà Trung Quốc gặp phải là việc chế tạo một tàu sân bay có khả năng mang theo nhiều máy bay tấn công khác hẳn với việc sở hữu một cụm tàu tấn công bao gồm một tàu sân bay và một loạt tàu ngầm, tàu nổi như tàu khu trục, tàu hành trình, hậu cần cùng với sức mạnh đường hàng không đến từ hỏa lực phòng không, sức mạnh chống ngầm, cảnh báo sớm, chế áp điện tử. Không có những thành tố này, tàu sân bay sẽ rất dễ bị tấn công và tiêu diệt.

Năng lực tác chiến chống ngầm của Trung Quốc vẫn còn hạn chế, đồng nghĩa tàu sân bay dễ trở thành mục tiêu tấn công của ngư lôi đối phương. Tàu ngầm nguyên tử mà Trung Quốc sở hữu được cho là chỉ ngang với thực lực của Mỹ những năm 1980. Hệ thống STOBAR gặp thách thức trong khi xử lý việc cất-hạ cánh của máy bay cảnh báo sớm cánh cố định hay các máy bay kiểm soát, khiến tàu sân bay Trung Quốc không có được sự hỗ trợ từ trực thăng cảnh báo sớm hoạt động ở trần bay cần thiết để mở rộng tầm giám sát. Khác với máy bay tiêm kích đa năng mới nhất, mạnh nhất F-35 của Mỹ, mẫu tiêm kích hàng đầu J-20 của Trung Quốc không phù hợp với tàu sân bay. Hơn thế, Bắc Kinh cũng không có kinh nghiệm trong việc kết hợp những bộ phận cấu thành phức tạp này thành một nhóm tàu tấn công thống nhất. Trên thực tế, huấn luyện và kinh nghiệm luôn là yếu tố bất lợi đối với Trung Quốc trong tất các chiến dịch tác chiến ngoài khơi ở mọi tầm mức. Mỹ đã thực thi các chiến dịch tàu sân bay từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc mới chỉ hoàn tất các khóa huấn luyện phi công nội địa chuyên lái tiêm kích J-15 được trang bị trên tàu sân bay vào năm 2015.

Cuối cùng, đó là vấn đề về hậu cần. Tầm tác chiến của Trung Quốc sẽ phải vượt xa các căn cứ chủ chốt vốn đặt nặng trọng tâm vào tác chiến trên bộ. Với số lượng ít ỏi tàu chiến chạy bằng năng lượng nguyên tử, Trung Quốc sẽ luôn phải đau đầu với hoạt động tiếp liệu. Mỹ đã thiết lập được nhiều căn cứ tiền duyên, cứ điểm hậu cần và trung tâm bảo dưỡng trên khắp thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu hướng đến việc tiếp cận một số điểm đóng trú cơ bản ở Ấn Độ Dương, dù đã đầu tư mạnh vào nhiều cảng nước sâu tại nhiều nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tham vọng của Trung Quốc về hạm đội tàu sân bay

Chương trình đóng tàu của Trung Quốc đang cho thấy một năng lực bùng nổ, có thể chế tạo được nhiều loại tàu ngày một tinh vi, có tốc độ cao. Ví dụ như, tàu sân bay thứ ba được cho là sẽ có kích thước lớn hơn nhiều so với Liêu Ninh và tàu mẫu 001A. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể mang theo nhiều máy bay hơn, với chủng loại đa dạng hơn, trong đó có cả máy bay với tải trọng lớn hơn, tầm tác chiến xa hơn. Sau đó, Trung Quốc có thể sẽ hướng trọng tâm vào phát triển tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai không xa, cho phép mở rộng phạm vi tác chiến, nâng cao tốc độ và giải quyết những e ngại về tiếp liệu. Hơn thế, tàu mẫu 001A được đóng với thời gian chỉ bằng một phần ba thời gian đóng tàu USS Gerald Ford. Lẽ đương nhiên, chiếc USS Gerald Ford lớn hơn, phức tạp hơn và tham vọng tác chiến của Trung Quốc cũng hạn chế hơn Mỹ trong tương lai gần. Nhưng vì thế các tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ sớm được đưa vào biên chế, cho phép giải quyết được những hạn chế trong vận hành mà không sợ biến các tàu này thành “vịt què” khi tác chiến.

Nhưng thành công của Trung trong chế tạo các tàu chiến mới với tốc độ chóng mặt, cũng như khả năng bắt kịp công nghệ mũi nhọn, còn nói lên nhiều điều hơn thế. Số lượng tàu chiến Trung Quốc đóng mới trong 3 năm qua lớn hơn tổng số tàu chiến có trong biên chế hải quân của bất kì một quốc gia châu Âu nào, ngoại trừ Pháp. Trong thời gian này, Trung Quốc từ chỗ không có một tàu khu trục nào đã có trong tay 37 chiếc. Riêng năm 2016, Trung Quốc đã bổ sung vào biên chế 23 tàu nổi mới (Mỹ chỉ có 6 chiếc), trong đó có một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường mẫu 052D và 3 tàu tên lửa mẫu 054A. Theo Lầu Năm Góc, đến năm 2020, Trung Quốc có thể sở hữu tới 69-78 tàu ngầm, vượt xa con số 31 chiếc (hầu hết là loại cũ hoặc mua lại từ nước ngoài) ở thời điểm một thập kỉ trước. Theo báo cáo của Văn phòng tình báo hải quân Mỹ, hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) hiện có tổng cộng hơn 300 tàu chiến các loại, gồm tàu tấn công mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra tên lửa – là lực lượng hải quân lớn nhất ở châu Á.

Điểm nổi bật nhất là việc Trung Quốc sau một thời gian ngắn đã thay thế các loại tàu lạc hậu, tiến sát đến công nghệ của nước ngoài. Năm 2015, Lầu Năm Góc đánh giá khoảng 70% số tàu ngầm của Trung Quốc (bao gồm cả tàu chạy động cơ hạt nhân và động cơ diesel), tàu khu trục, tàu tên lửa có “thiết kế hiện đại”, vượt xa tỉ lệ 30%-40% của một thập kỉ trước. Theo Văn phòng tình báo hải quân Mỹ, tàu tên lửa lớp Giang Khải (lớp 054A), tàu khu trục lớp Lữ Dương (mẫu 052B/C/D) và tới đây là tàu khu trục mẫu 055 đều được xem là các thiết kế hiện đại, có sức mạnh, với nhiều điểm sánh ngang với các mẫu tàu chiến hiện đại nhất của phương Tây.

Mục đích phát triển hạm đội tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc

Trước hết, đó là tham vọng chiến lược của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông hay biển Hoa Đông. Các tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với Trung Quốc vượt ra ngoài hai vùng biển này. Đơn cử như phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tới châu Âu đều được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và đây cũng là tuyến đường nhập khẩu nhiên liệu thiết yếu từ Trung Đông. Hệ quả là, để tránh bị phụ thuộc vào cung đường ở Biển Đông và eo biển Malacca, Trung Quốc đang phát triển các hạ tầng xuất khẩu và nhập khẩu ở nhiều nước ven biển Ấn Độ Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phát triển năng lực hàng hải, các căn cứ cơ sở, mạng lưới hậu cần cần thiết để luôn giữ cho các hành lang này mở trong trường hợp xảy ra xung đột ở phía Đông Trung Quốc. Học thuyết hải quân của Trung Quốc hiện nay hướng tới việc duy trì sự hiện diện thường trực của tàu sân bay ở Ấn Độ Dương.

Hơn thế, Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết phải hướng sự chú ý lớn hơn tới lợi ích của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi. Trên thực tế, các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc ngày càng ủng hộ ý tưởng cho rằng các tên lửa dẫn đường có tầm bắn ngày một xa đòi hỏi năng lực thực hiện đòn tấn công phủ đầu nhằm vào một đối thủ ở vùng biển ngoài khơi phía Đông “chuỗi đảo thứ nhất” – một nhiệm vụ mà tàu sân bay chắc chắn sẽ có vai trò rõ ràng, nổi bật hơn. Ví dụ như Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015 yêu cầu chuyển trọng tâm từ phòng thủ bờ biển sang “kết hợp giữa phòng thủ biển gần và bảo vệ biển khơi” khi đề cập đến việc cần phải trung hòa một đối thủ từ xa trước khi kẻ thù này có thể ra đòn tấn công bằng máy bay cất cánh từ các căn cứ mặt đất và tên lửa nhằm vào đất liền Trung Quốc. Theo một báo cáo nội bộ năm 2016 của hải quân Trung Quốc mà tạp chí The National Interest (Mỹ) có được, các sĩ quan tại Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc thậm chí còn thúc đẩy hơn nữa bước đi này, kêu gọi mở rộng tiềm lực chống xâm nhập khu vực tới tận các vùng biển thuộc cái gọi là “chuỗi đảo thứ hai” (Honshu, quần đảo Mairana, Palau và phía Tây Indonesia), đồng thời phát triển sức mạnh “chống tấn công biển khơi” nhằm thực thi đòn đánh phủ đầu để đáp trả một cuộc tấn công của đối phương nhằm vào bờ biển Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc bắt đầu hướng đến khái niệm tấn công mạnh là cách phòng thủ tốt nhất.

Thế nhưng, thiết lập vị thế thống trị đại dương ở Tây Thái Bình Dương bao trùm “chuỗi đảo thứ nhất” hay bồn địa Ấn Độ Dương sẽ vẫn là một nhiệm vụ quá sức, ngay cả khi Trung Quốc đạt được bước tiến lớn về thiết kế tàu sân bay, công nghệ lẫn kinh nghiệm. Như đã đề cập ở phần trên, các nhóm tàu sân bay của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đều tác chiến xa nhà, nằm ngoài tầm hỏa lực hỗ trợ của tên lửa bờ biển, nhưng lại nằm gọn trong tầm bắn của các hệ thống vũ khí chống phong tỏa đường biển của các cường quốc trong khu vực. Chuỗi hậu cần cho các tàu sân bay có thể dễ dàng bị cắt đứt nếu Trung Quốc không thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc đối với các tuyến hàng hải huyết mạch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, còn các căn cứ thuộc BRI lại dễ bị sức mạnh đường hàng không của đối phương áp chế. Vì thế, năng lực của tàu sân bay giúp Trung Quốc bảo vệ lợi ích ở các vùng biển ngoài khơi trong trường hợp xảy ra xung đột vẫn chỉ mang tính khát vọng là chủ yếu.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ yêu sách về vấn đề Đài Loan và đang có một số tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, trong đó có tranh chấp quần đảo Trường Sa. Một tàu sân bay đi vào hoạt động sẽ là sự bổ sung quan trọng cho tiềm lực vũ khí của Trung Quốc khi tìm cách thống nhất với Đài Loan và thực hiện tham vọng “độc chiếm” Biển Đông.

Kế hoạch trong tương lai

Trung Quốc đã toan tính sẽ xây dựng ít nhất 6 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035, gồm 4 tàu sân bay hạt nhân. Theo giới truyền thông, các tàu sân bay mới của Trung Quốc thậm chí sẽ được trang bị phần cứng có thể gần tương đương các siêu cường hàng đầu thế giới về công nghệ siêu hàng không mẫu hạm, nhằm sánh ngang với Mỹ. Một số thiết bị được giới quân sự Trung Quốc quảng bá có thể có mặt trên tất cả tàu sân bay mới của Trung Quốc là máy phóng điện từ, tương tự siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ. Hệ thống máy phóng điện từ có thể phóng máy bay nhanh và êm hơn so với hệ thống phóng thủy lực. Một cựu sỹ quan của hải quân Trung Quốc cho biết tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc với hệ thống máy phóng điện từ dự kiến gia nhập hải quân vào năm 2035, nâng tổng số tàu sân bay lên ít nhất 6 tàu, mặc dù chỉ có 4 tàu sẽ hoạt động ở khu vực tiền tuyến. Trung Quốc hiện đang rất muốn mở rộng các nhóm tác chiến tàu sân bay để hiện thực hóa tham vọng hải quân toàn cầu và bảo vệ lợi ích đang tăng ở nước ngoài.

Theo kế hoạch, quân đội Trung Quốc dự định vận hành 4 nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân ở tiền tuyến vào năm 2035. Type-001A và Type-002 sẽ trở thành những hàng không mẫu hạm tạm thời, trong khi chờ tàu sân bay hạt nhân đi vào hoạt động. Tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được thay thế bằng Type-001A vào năm 2035.

Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc gần đây tiết lộ thông tin, Bắc Kinh đang bắt đầu chế tạo tàu sân bay thứ ba và cũng là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc. Theo thông tin trên, tàu sân bay này của Trung Quốc vẫn sử dụng lối thiết kế của tàu Liêu Ninh, song hệ thống động cơ được thay từ diezel sang năng lượng hạt nhân và lượng giãn nước lơn hơn so với tàu Liêu Ninh từ 10.000 – 80.000 tấn. Tàu sân bay mới sẽ có boong tàu nhỏ hơn Liêu Ninh và Type-001A, một phần đài chỉ huy sẽ được lắp dưới boong tàu. Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng tàu trên sẽ sử dụng máy bay tiêm kích J-15 là chủ yếu.

Nhìn chung, việc Trung Quốc tham vọng chế tạo hạm đội tàu sân bay để tăng cường cạnh tranh chiến lược với Mỹ và các nước đồng minh. Tuy nhiên, năng lực của Trung Quốc còn nhiều hạn chế, nhất là trong những lĩnh vực mũi nhọn như chế tạo tàu sân bay, thu nhỏ lò phản ứng hạt nhân… điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới