Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTương lai mờ nhạt cho kế hoạch khai thác chung dầu khí...

Tương lai mờ nhạt cho kế hoạch khai thác chung dầu khí ở Biển Đông giữa TQ và Philippines trong năm 2019

Philippines và Trung Quốc (20/11/2018) đã đồng ý hợp tác phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông, với cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ làm việc với Manila để “xử lý các vấn đề bất đồng” tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, theo giới quan sát qua những gì đang diễn ra cho thấy rất khó để đạt được kết quả như hai bên mong đợi đối với hình thức hợp tác này trong ngắn hạn và trung hạn.

Trung Quốc và Philippines ký hợp tác phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông. Nguồn: Phil star

Dư luận cho rằng tương lai của kế hoạch khai thác chung dầu khí ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines trong năm 2019 còn quá xa vời và khó có thể đạt được kết quả như hai bên mong đợi, nhất là theo như ý đồ tính toán của Trung Quốc khi đặt ra hình thức hợp tác khai thác chung với Philippines. Cho đến nay, cả Trung Quốc và Philippines đều đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về thỏa thuận này, trong khi hai bên vẫn còn có những cách diễn giải khác nhau về nội hàm của khai thác chung. Phía Trung Quốc cho rằng khai thác chung là khái niệm dùng để chỉ hai hay nhiều quốc gia đạt được hiệp định hợp tác giữa chính phủ trong việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các khu vực chồng lấn, qua đó phối hợp thực thi quyền tài phán trong khu vực và tạo điều kiện để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, phía Philippines cho rằng hợp tác khai thác chung giữa hai nước là việc cùng thăm dò tài nguyên, chứ không phải khai thác toàn diện, đề cập tới phạm vi cơ bản giới hạn trong lô SC57 (thuộc chủ quyền Philippines và hiện do Philippines kiểm soát nhưng Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền).

Hai bên cũng có sự khác biệt trong cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung. Hiện nay cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung chủ yếu đến từ hai khía cạnh, một là dựa trên “nguyên tắc hợp tác” và “nghĩa vụ đàm phán” được đề cập trong Hiến chương Liên hợp quốc. Nguyên tắc còn lại là dựa trên các biện pháp “sắp xếp tạm thời” được đề cập trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Đây là cơ sở chính của luật quốc tế về vấn đề khai thác chung trong các cuộc tham vấn và đối thoại giữa hai nước Trung Quốc và Philippines trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do phán quyết của Toà ủng hộ chủ trương của Philippines, do đó dư luận Philippines nhận định rằng đây là cơ sở quan trọng để Philippines giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông cũng như các vấn đề về khai thác chung trong tương lai. Tổng thống Philippines R.Duterte từng nhấn mạnh rằng ông sẽ không từ bỏ phán quyết của Toà trọng tài Biển Đông, đồng thời cho rằng đây là một “chiến thắng mang tính lịch sử” của Philippines và đưa ra đề xuất về việc sử dụng phán quyết của Toà tại một thời điểm thích hợp.

Về mặt xã hội, đang có nhiều tiếng nói tiêu cực ở Philippines trong nội bộ chính quyền và người dân Philippines. Do khai thác chung có thể là hành động vi phạm luật pháp của Philippines. Theo quy định của luật pháp liên quan ở Philippines, việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này phải được đặt dưới sự kiểm soát và giám sát chung của nhà nước. Philippines phải nắm giữ ít nhất 60% cổ phần trong hợp tác khai thác chung các nguồn lực. Thêm nữa, Philippines vẫn chưa có đủ “lợi ích” trong việc khai thác chung. Thành tựu duy nhất của chính phủ Philippines hiện nay là Trung Quốc có thể cho phép ngư dân Philippines quay trở lại vùng biển ngoài bãi cạn Scarborough để đánh bắt cá, nhưng điều này không đủ để đánh đổi lấy việc Philippines đồng ý khai thác tài nguyên dầu khí với Trung Quốc trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines. Do vậy, chính phủ Philippines nên cho phép các công ty dầu khí trong nước thành lập các công ty con chuyên khai thác lô SC72, sau đó, mời phía Trung Quốc cùng tham gia dưới hình thức liên doanh. Song điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc gián tiếp thừa nhận các quyền chủ quyền của Philippines điều mà phía Trung Quốc cho rằng điều này là không thể chấp nhận được. Hoặc là Tổng thống Duterte phải trực tiếp sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan khác để cho phép các nước khác cùng tham gia khai thác tài nguyên dầu khí trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines và hạ thấp các điều kiện.

Hôm 23/01/2019, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên tiếng chỉ trích việc chính phủ nước này và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông hồi tháng 11/2018. Thực tế cho thấy Philippines đang ngày càng phụ thuộc về kinh tế từ Trung Quốc. Mặc dù phía Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư và cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính ưu đãi lên đế hàng chục tỉ USD cho mục tiêu phát tiển nền kinh tế Philippines. Song đến nay nguồn vốn này vẫn chưa đổ về Philippines, cũng như chưa có bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được khởi công. Bên cạnh đó, các khoản vay của Trung Quốc thường không quan tâm khả năng trả nợ của đối tác, nhưng đổi lại cũng đòi hỏi lãi suất “cắt cổ” hoặc yêu cầu tài sản thế chấp hoặc có giá trị kinh tế lâu dài hay có vị trí an ninh, chiến lược đặc biệt quan trọng trong khu vực như mỏ khoáng sản hay cảng biển để giành thêm quyền kiểm soát trong trường hợp bên đi vay vỡ nợ. Những dự án hạ tầng có vốn đầu tư Trung Quốc đang gây ra hệ lụy nhãn tiền đối với Philippines vì thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp và lao động địa phương, điều kiện gói vay của Trung Quốc kèm theo việc phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công hoặc phải sử dụng lao động nhập cư người Trung Quốc, khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc do nhà nước nắm quyền quản lý các dự án đầu tư tại Philippines. Họ biến các địa phương của Philippines thành những khu người Hoa trên đất Philippines.

Trên biển, Trung Quốc đã lợi dụng nghiên cứu khoa học để đòi hỏi chủ quyền. Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines (2/2018) đã phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho năm cấu trúc trong rãnh Benham mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Trong khi rãnh Benham là khu vực nằm hoàn toàn trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines. Không những vây, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ trang để dọa nạt Philippines trên biển. Cảnh sát biển của Trung Quốc liên tục ngăn cản và tịch thu toàn bộ cá đánh bắt của ngư dân Philippines tại vùng biển Scarborough nằm trong EEZ của Philippines. Thất vọng với cách tiếp cận quá mềm mỏng của chính quyền Tổng thống R. Duterte, nhiều quan chức quốc phòng hàng đầu của Philippines đang có xu hướng phản đối hợp tác khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines thông qua việc công bố các thông tin liên quan tới việc Trung Quốc đang dần từng bước củng cố hạ tầng và sự hiện diện ở Biển Đông cho giới truyền thông hoặc cho những người chỉ trích ông Duterte tại Quốc hội. Bộ phận chính trị gia khác tại Toà án, Quốc hội và các đảng chính trị đối lập tại Philippines liên tục chỉ trích thái độ nhu nhược trước Trung Quốc của Tổng thống Duterte, cho rằng Chính quyền Philippines đã bỏ qua phán quyết của Tòa, chấp nhận đánh đổi chủ quyền cho Trung Quốc để lấy lợi ích kinh tế. Người người dân Philippines đã phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc vi phạm phán quyết, xâm phạm chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough. Chắc chắn, chính sách thực dụng của chính quyền Philippines hiện nay và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tiếp tục gây ra làn sóng phản kháng nhất định trong nội bộ chính quyền,người dân và công luận tại Philippines. Đây chính là những cản trở chính khiến kế hoạch hợp tác phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ không như hai bên mong đợi.

Có thế nói, con đường phía trước của việc hợp tác khai thác chung dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông còn rất xa vời. Bản thân ông R.Duterte người xúc tiến việc hợp tác khai thác chung ở phía Philippines còn đang vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn trong nội bộ và việc phải đối mặt với sức ép người dân ngày càng lớn khi thời điểm cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống Philippines 2022 đến gần. Đối với Trung Quốc, trên bình diện quốc tế nước này đang phải chịu những dư luận chỉ trích gay gắt về chính sách ở Biển Đông, thậm chí dư luận đó còn mạnh mẽ hơn ở Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới