Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 01/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 01/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 01/03/2019.

ASEAN – Trung Quốc thảo luận về việc thực hiện DOC

Ngày 1/3, trang Global New Light of Myanmar đưa tin, trong hai ngày 27-28/2, tại Myanmar đã diễn ra cuộc họp lần thứ 27 Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Cuộc họp đã thảo luận về Dự thảo đơn nhất văn bản đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trao đổi về tình hình Biển Đông và ghi nhận các tiến triển trong việc thực hiện DOC, đàm phán COC. Các đại biểu tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và ghi nhận lợi ích của việc Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản đối Mỹ, Anh hoạt động ở Biển Đông

Tại cuộc họp báo ngày 28/2, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các hoạt động và phát biểu gần đây của Mỹ và Anh về Biển Đông.

Về việc Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson gần đây tuyên bố sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và máy bay F-35B đến Biển Đông thể hiện “sức mạnh cứng”, ông Nhậm Quốc Cường cho rằng, hiện nay dưới sự nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, cục diện Biển Đông là hòa bình, ổn định và tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt. Đối với phát biểu của một số người Anh, Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh đã giải thích rõ ràng. Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không mà các quốc gia ở Biển Đông được hưởng theo luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối một số quốc gia lấy danh nghĩa “tự do hàng hải” tiến hành khiêu khích quân sự ở Biển Đông.

Về việc các quan chức chính trị và quân sự Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, ông Nhậm Quốc Cường một lần nữa khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo và vùng nước xung quanh ở Biển Đông, tình hình Biển Đông đang dần cải thiện. Ông Nhậm Quốc Cường cho rằng, việc qua lại ở Biển Đông là tự do, nhưng tự do hàng hải không đồng nghĩa với việc xâm phạm và vi phạm luật pháp. Việc các tàu và máy bay của Mỹ xâm phạm vào vùng nước và không phận các đảo ở Biển Đông không những không được các nước trong khu vực hoan nghênh mà còn ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm luật pháp, thực tiễn quốc tế, gây nguy hại đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trung Quốc kiên quyết phản đối các hoạt động này; yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền, an ninh của Trung Quốc, tôn trọng khát vọng chung của các nước trong khu vực về bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, không gây rắc rối, tạo sóng ở khu vực. Quân đội Trung Quốc sẽ kiên định thực hiện nhiệm vụ phòng vệ, tiến hành các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc

Ngày 28/2, The Washington Post đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Philippines và ngay lập tức có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của mình theo nhiều cách nhằm ngăn cản tự do hàng hải ở khu vực, đồng thời cho biết Washington có chiến lược an ninh quốc gia để đối phó với vấn đề này. Tại cuộc gặp, Tổng thống Duterte và Ngoại trưởng Pompeo tái khẳng định quan hệ đồng minh lâu dài Mỹ – Philippines và thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác về an ninh khu vực và chống khủng bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines “ngây thơ” trong việc sửa đổi Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines

Ngày 28/2, CNN Philippines đưa tin, cựu Nghị sỹ Walden Bello của Philippines cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana thật “ngây thơ” khi kỳ vọng Mỹ sẽ thay đổi quan điểm và đưa vùng biển Philippines yêu sách ở Biển Đông vào Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước. Ông Bello cho rằng chính sách nhất quán của Mỹ là nước này không muốn dính líu vào vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau năm 1951 giữa Philippines và Mỹ không bao gồm vấn đề Biển Đông, quần đảo Trường Sa vì Hiệp ước này được thảo luận trước khi Philippines công khai yêu sách của mình trong những năm 1970. Do vậy, Mỹ sẽ không dễ dàng thay đổi lập trường này. Giáo sư Herman Kraft, Đại học Philippines đồng ý với phát biểu của cựu Nghị sỹ Bello, khẳng định biển Tây Philippines không nằm trong phạm vi Hiệp ước. Tuy nhiên, có những điều khoản trong Hiệp ước có thể diễn giải theo hướng bao trùm cả Biển Đông, ví dụ các điều khoản liên quan đến việc tấn công tàu, binh sỹ Philippines đang hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương thì có thể hiểu là cả khu vực Biển Đông và biển Tây Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới