Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 04/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 04/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 04/03/2019.

Mỹ thề sẽ bảo vệ nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông

Ngày 1/3, The Guardian đưa tin, phát biểu tại Manila sau cuộc gặp với Tổng thống Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định việc Trung Quốc xây đảo và tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh, kéo theo đó là đời sống kinh tế của Philippines, và của Mỹ nữa. Ông Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ hậu thuẫn Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang đối với tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông bởi cuộc tấn công như vậy nằm trong phạm vi nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 Hiệp ước Phòng thủ giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai khẳng định cam kết bảo vệ lãnh thổ Philippines ở Biển Đông. Theo Inquirer, Ngoại trưởng Pompeo còn cho biết, Mỹ không chỉ hỗ trợ Philippines trong vấn đề này mà cả các nước khác trong khu vực nữa, có như vậy thì các tuyến hàng hải quan trọng ở đây mới luôn được thông thoáng và Trung Quốc không đe dọa đóng chặn các tuyến đường này.

Phản ứng trước phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, tại cuộc họp báo ngày 1/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng không có gì phải lo lắng do tình hình Biển Đông nói chung đang ổn định nhờ nỗ lực của các nước trong khu vực. Ông Lục Khảng tiếp tục chỉ trích Washington bằng cách nêu đích danh “nếu các nước ngoài khu vực, ví dụ như Mỹ, thực sự muốn hòa bình, yên tĩnh và an lành cho người dân ở đây, họ nêu tránh gây rắc rối”. Đối với phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo liên quan đến các đe dọa mà các nước phải đối mặt, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng Mỹ có thể yên tâm vì không ai biết rõ tình hình và lợi ích của người dân hơn chính các nước liên quan.

Công ty Dầu khí Ấn Độ muốn rút khỏi lô dầu khí 128 ở Biển Đông

Theo tin từ trang Mint của Ấn Độ ngày 4/3, trong bối cảnh tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông, công ty dầu khí ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ đang muốn rút khỏi lô 128 và chuyển sang một lô khác của Việt Nam. Theo một nguồn giấu tên cho biết, OVL không muốn khoan tại lô này do lo ngại các nguy cơ liên quan. Trước đó, bất chấp việc Trung Quốc đưa ra mời thầu các lô dầu khí ở Biển Đông và phản đối sự hiện diện của các tàu khảo sát của Ấn Độ tại khu vực, ONGC Videsh vẫn quyết định phối hợp với Việt Nam tiếp tục thăm dò lô dầu khí 128 ở Biển Đông và Việt Nam đã gia hạn 5 lần hợp đồng cho công ty này. Tuy nhiên, cuộc đối đầu quân sự căng thẳng dài 73 ngày giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Doklam năm 2017 đã khiến quan hệ song phương đi xuống. Hiện hai bên đang tiến hành các cuộc gặp để bình thường hóa quan hệ. Theo một quan chức chính phủ giấu tên của Ấn Độ, sau quá trình thăm dò, không có nguồn khí ở lô 128 nhưng OVL hiện diện ở đây là do phía Việt Nam muốn vậy; và để thực hiện cam kết hợp đồng với Việt Nam, OVL đang thương lượng để chuyển sang một lô dầu khí khác của Việt Nam.

Malaysia có quyền yêu sách ở Biển Đông

Ngày 2/3, tờ New Straits Times của Malaysia đăng bài viết cho rằng Malaysia có quyền yêu sách ở quần đảo Trường Sa. Bài viết cho rằng theo luật biển, Malaysia có quyền yêu sách lãnh thổ trong phạm vi biên giới hợp pháp của mình ở Biển Đông, bao gồm các đảo, bãi cạn, bãi ngầm của quần đảo Trường Sa. Theo Chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu Tan Sri K. “Bob” Thanabalasingam của Hải quân hoàng gia Malaysia, các yêu sách của nước này là “không thể bác bỏ được, trừ những khu vực có chồng lấn yêu sách với các nước láng giềng” bởi các yêu sách của Malaysia hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật Biển 1982. Ông Thanabalasingam cho rằng, yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc là phi pháp vì không có điều khoản nào trong luật nói về quyền lịch sử. Theo ông Thanabalasingam, các yêu sách của Trung Quốc rất nực cười vì họ mở rộng ra đến tận vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần với lãnh hải của Sabah và Sarawak. “Thậm chí, nếu quay trở lại cách đây 100 hay 1000 năm, họ chưa bao giờ thực thi yêu sách của mình”. Theo một chuyên gia phân tích quốc phòng, Malaysia tỏ ra nghiêm túc trong vấn đề Trường Sa từ khi Thủ tướng Mahathir lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên. Phát biểu tại Bộ Quốc phòng ngày 21/2 vừa rồi, Thủ tướng Mahathir cho rằng, với vị trí chiến lược, Malaysia phải đối mặt với nhiều đe dọa từ các cường quốc, và đây là lúc nước này “cần thực hiện chính sách ngoại giao phù hợp mà không phải đánh đổi chủ quyền”. Martin A. Sebastian, Giám đốc Trung tâm An ninh biển và Ngoại giao thuộc Viện Biển Malaysia, ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Mahathir, cho rằng Malaysia đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa từ những năm 1980-1990 để khẳng định chủ quyền của mình; dù hiện nay các nước xây dựng tại các đảo nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Kuala Lumpur sẽ duy trì nguyên trạng để cùng tồn tại hòa bình. Ông Sebastian cũng cho biết, Malaysia nên bảo vệ các nguồn sinh vật biển ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở Trường Sa vì điều này sẽ gây xói mòn và tổn hại môi trường.

Làm thế nào để Trung Quốc giải quyết bế tắc FONOP?

Ngày 1/3, Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) của Mỹ đăng bài viết của Liu Xiaobo, nghiên cứu viên kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hải quân thế giới thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, phân tích về cách thức Trung Quốc có thể đối phó với các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ. Bài viết cho rằng các hoạt động này của Mỹ ở Biển Đông đã trở thành chiến trường chính trị với vỏ bọc pháp lý giữa Washington và Bắc Kinh. Sẽ là không thực tế nếu Trung Quốc yêu cầu Mỹ từ bỏ FONOP hay Mỹ yêu cầu Trung Quốc từ bỏ các yêu sách của mình. Trong bối cảnh đó, bài viết đề xuất 3 lựa chọn chính sách để giúp Trung Quốc thoát khỏi bế tắc này.

(i) Duy trì nguyên trạng: nếu các tàu chiến Mỹ tiếp tục thực hiện FONOP một cách định kỳ, Trung Quốc phản ứng theo cách cũ, thì Mỹ sẽ chiến thắng. Cho đến nay, vụ tàu USS Decatur ngày 30/9/2018 có lẽ là vụ duy nhất Trung Quốc hành động ngăn chặn trên thực tế, nhưng sau đó Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không hề nói gì về nỗ lực này, cho thấy Bắc Kinh từ bỏ cơ hội công khai những gì được coi là xua đuổi thành công.

(ii) Phản ứng gay gắt: thậm chí nếu Trung Quốc đối mặt với các hoạt động FONOP của Mỹ bằng bạo lực, bao gồm tiếp cận nguy hiểm, va chạm, hoặc thậm chí xung đột nhỏ, việc ngăn chặn FONOP vẫn không khả thi. Điều này sẽ chỉ dẫn đến so sánh tương quan sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Washington sẽ không nhượng bộ trước áp lực quân sự của Trung Quốc. Thậm chí trong trường hợp xảy ra xung đột, căng thẳng dâng cao ở Biển Đông sẽ tạo cơ hội cho Mỹ và các đồng minh để củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực.

(iii) Thỏa hiệp lẫn nhau: Trung Quốc và Mỹ có thể tối đa hóa lợi ích chung bằng cách tham vấn, thỏa hiệp lẫn nhau về các quy định liên quan đến tự do hàng hải. Ở cấp độ kỹ thuật, các hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu nhằm vào các yêu sách quá đáng của Trung Quốc, bao gồm đường cơ sở thẳng; yêu cầu tàu chiến xin phép trước khi vào lãnh hải; kiểm soát an ninh ở vùng tiếp giáp; quyền tài phán đối với các hoạt động quân sự nước ngoài ở vùng đặc quyền kinh tế; quyền tài phán đối với không phận phía trên vùng đặc quyền kinh tế; các đảo nhân tạo ở Trường Sa và yêu sách lãnh hải xung quanh các đảo này. Ngoại trừ điểm cuối mà Trung Quốc coi là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, các tranh chấp đều xuất phát từ khác biệt trong cách hiểu và diễn giải các quy định của luật biển đương đại. Khi Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng toàn cầu với các dự án như sáng kiến “Vành đai, Con đường” và được hưởng lợi từ các hoạt động phối hợp phát triển, Bắc Kinh có thể nhận thấy lợi ích từ khái niệm tự do hàng hải. Điều này có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc và Mỹ đàm phán về tranh chấp liên quan đến FONOP.

Bài viết đưa ra kết luận, cho rằng thay vì tập trung vào các yêu sách không thể hòa giải về chủ quyền đi ngược lại lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, các bên nên thảo luận về việc sử dụng và quản lý biển như thế nào. Kiềm chế và tránh xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông nên trở thành chính sách lâu dài của Trung Quốc. Việc giải quyết các quan điểm khác biệt về tự do hàng hải thông qua đàm phán thận trọng, sửa đổi nội luật và chính sách trong nước về quyền qua lại vô hại hay sử dụng vùng đặc quyền kinh tế về quân sự có thể là cách giúp đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới