Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCanada bắt đầu tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu tới...

Canada bắt đầu tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu tới Mỹ – TQ phản ứng quyết liệt

Chính phủ Canada ngày 1.3 đã tuyên bố chấp thuận tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc theo yêu cầu của phía Mỹ. Một tòa án của tỉnh British Columbia sẽ chính thức khởi động việc điều trần dẫn độ. Phía Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt trước quyết định này.

Bà Mạnh Vãn Chu sẽ đối diện với nguy cơ bị dẫn độ tới Mỹ để xét xử.

Bà Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei, bị bắt tại Vancouver, Canada đầu tháng 12 năm ngoái và hiện đang bị quản thúc tại nhà riêng tại Vancouver sau khi đóng tiền bảo lãnh tại ngoại.  

“Hôm nay, các giới chức Bộ Tư pháp Canada cho phép xúc tiến, chính thức khởi sự tiến trình dẫn độ trong vụ án của bà Mạnh Vãn Chu sau khi đã xem xét các chứng cứ một cách triệt để và toàn diện” – chính phủ Canada cho biết trong một thông cáo.

Văn bản mang tên “Authority to Proceed” (Có thẩm quyền tiến hành) này là bước khởi động đầu tiên của một tiến trình có thể kéo dài hàng năm trời. Ngày 6.3 tới đây, bà Mạnh Vãn Chu sẽ phải ra tòa án Vancouver để dự phiên điều trần. Tại đây, sẽ xác định lịch trình việc điều trần dẫn độ. Luật sư Gary Botting, một chuyên gia về dẫn độ Canada cho báo chí biết, cuộc điều trần dẫn độ thường được sắp xếp trong vòng 6 tháng.

Bản tin của Bộ Tư pháp Canada cũng cho biết, chính phủ Canada “có kế hoạch trao cho tòa án văn kiện với những luận cứ cụ thể, tỉ mỉ”. Theo điều kiện bảo lãnh trước đây, bà Mạnh Vãn Chu sẽ tiếp tục được ở tại nhà riêng ở Vancouver trong suốt quá trình diễn ra việc điều trình dẫn độ.

Chính phủ Canada nêu rõ, cuộc điều trần dẫn độ sẽ không đưa ra quyết định về việc bà Mạnh Vãn Chu có phạm tội gì hay không? Điều trần dẫn độ không phải là xét xử, cũng không phải là phán quyết có tội hay không? Nếu một người cuối cùng bị dẫn độ từ Canada tới quốc gia khác đối mặt với việc bị khởi tố thì người đó sẽ bị xét xử ở quốc gia đó.

Ngày 1.12.2018, bà Mạnh Vãn Chu, con gái ông Nhiệm Chính Phi, người sáng lập công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei, đồng thời là Giám đốc tài chính (CFO) của công ty đã bị bắt giữ tại sân bay Vancouver khi đang quá cảnh để về Hồng Kông theo yêu cầu của phía Mỹ. Phía Mỹ khi đó cáo buộc Mạnh Vãn Chu cung cấp thông tin giả cho các ngân hàng để tránh vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ.

Ngày 28.1.2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố chính thức khởi tố 4 bị cáo, gồm: bà Mạnh Vãn Chu – CFO Công ty Huawei; Công ty Huawei; chi nhánh Công ty Huawei ở Mỹ (Huawei Device USA Inc.) và Công ty Skycom Hongkong (Skycom Tech Co. Ltd.) 23 tội danh với cáo buộc họ phạm phải 13 tội danh lừa đảo và vi phạm lệnh trừng phạt Iran (khởi tố tại Brucklin, New York) cùng 10 tội danh đánh cắp bí mật thương mại của một công ty Mỹ (khởi tố tại Seatle, Washington). Trong đó, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc phạm 4 tội danh gồm: lừa đảo ngân hàng, lừa đảo chuyển tiền qua mạng và đồng mưu lừa đảo ngân hàng, lừa đảo chuyển tiền. Theo đó, yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu tới Mỹ để chịu xét xử tại Brucklin, New York đã được gửi tới Canada trước ngày 30.1.

Việc chính phủ Canada phê chuẩn bắt đầu quy trình dẫn độ mới là bước đầu tiên của quá trình này. Theo luật pháp Canada, tại phiên điều trần dẫn độ sẽ phán định hành vi mà bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc trong vụ án có vi phạm luật pháp của cả hai nước Mỹ và Canada, tức có phù hợp “nguyên tắc phạm tội kép” (Dual Criminality) hay không? Nếu quan tòa Canada nhận định Mạnh Vãn Chu đúng là người phía Mỹ yêu cầu dẫn độ và chứng cứ do phía Mỹ cung cấp là thỏa đáng thì tòa án sẽ giao vụ án cho ông Bộ trưởng Tư pháp để xem xét quyết định có ký lệnh dẫn độ hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ám chỉ, việc phóng thích Mạnh Vãn Chu có thể trở thành một bước trong cuộc đàm phán mậu dịch Mỹ – Trung. Ngoài ra các quan chức Mỹ còn có ý đồ ngăn cản các công ty Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei và đốc thúc các đồng minh làm theo họ, nguyên nhân là lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể lợi dụng thiết bị của Huawei để tiến hành hoạt động gián điệp.

Chính phủ Canada hiện đang tiến hành kiểm tra sự an toàn của mạng lưới viễn thông để quyết định có cho phép Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng di động 5G của họ hay không?

Vụ án Mạnh Vãn Chu đã gây nên sóng gió ngoại giao chưa từng có giữa Trung Quốc và Canada. Từ sau khi Mạnh Vãn Chu bị bắt, Trung Quốc đã lấy ký do an ninh quốc gia để bắt giữ ít nhất 2 người Canada và xử tử hình một công dân Canada khác vì buôn lậu ma túy.

Sau khi quyết định của Bộ Tư pháp Canada được đưa ra, phía Huawei và chính phủ Trung Quốc đều phản ứng quyết liệt. Luật sư David Martin, người đại diện cho quyền lợi của bà Mạnh Vãn Chu bày tỏ thất vọng về quyết định này. Trong một bản tuyên bố, đội ngũ luật sư bảo vệ cho bà Chu nói bà “đang đối mặt với sự vu cáo chính trị của chính phủ Mỹ” và bày tỏ “thân chủ của chúng tôi kiên quyết cho rằng bà không có bất cứ hành vi không chính đáng nào, việc Mỹ khởi tố và dẫn độ đã cấu thành lạm dụng trình tự pháp luật”.

Công ty Huawei ngày 2.3 đã đăng tải tuyên bố của luật sư trên diễn đàn của công ty, gọi cáo buộc của Mỹ xuất phát từ động cơ chính trị; trong tình hình đó, Bộ Tư pháp Canada vẫn quyết định ký lệnh Thẩm quyền tiến hành khiến công ty rất thất vọng.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada hôm 1.3 đã ra tuyên bố bày tỏ “cực kỳ bất bình và kiên quyết phản đối” quyết định của Bộ Tư pháp Canada. Tuyên bố nói, vụ án Mạnh Vãn Chu là “sự bức hại chính trị đối với một công ty công nghệ cao của Trung Quốc” và cảnh báo “kết quả thẩm định cuối cùng là hòn đá thử vàng đối với việc Canada có kiên trì tư pháp độc lập hay không? Chúng tôi sẽ chờ đợi xem điều gì xảy ra”.

Về phía chính phủ Trung Quốc, chiều ngày 2.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng tuyên bố: Trung Quốc cực kỳ bất bình và kiên quyết phản đối phía Canada cố ý xúc tiến cái gọi là trình tự tư pháp dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Chu và đã nghiêm khắc giao thiệp. Ông Lục Khảng nói: lập trường của Trung Quốc trong sự kiện Mạnh Vãn Chu rất rõ ràng và kiên định. Hai nước Mỹ và Canada đã lạm dụng hiệp ước dẫn độ giữa hai bên, áp dụng biện pháp cưỡng chế công dân Trung Quốc là sự xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc; đây là một sự kiện chính trị nghiêm trọng.

Ông Lục Khảng một lần nữa yêu cầu phía Mỹ lập tức hủy bỏ lệnh bắt giữ và yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu; yêu cầu phía Canada lập tức thả Mạnh Vãn Chu để bà trở về Trung Quốc bình an.

RELATED ARTICLES

Tin mới