Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCần hiểu thế nào khi không ký được tuyên bố chung Hoa...

Cần hiểu thế nào khi không ký được tuyên bố chung Hoa Kỳ – Triều Tiên lần 2?

Kết thúc cuộc họp thượng đỉnh lần 2 giữa 2 ông Donald Trump và Kim Jong-un, biên tập viên cao cấp của The Diplomat — ông Ankit Panda đã có bài viết phân tích những chi tiết trong hội nghị và cách ông hiểu về hai phía Triều Tiên và Hoa Kỳ. VietTimes giới thiệu bài viết này tới quý độc giả nhằm chuyển tải thêm góc nhìn lý giải vì sao cuộc họp thượng đỉnh giữa 2 bên không đưa ra được tuyên bố chung.

Lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên trong bữa ăn tối ngày 27.2.2019.

Trước khi cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội trong tuần này, tôi đã theo lời khuyên của tổng thống Donald Trump, không hy vọng gì nhiều về kết quả của cuộc gặp. Trái ngược với thời điểm sắp diễn ra cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore khi mà hy vọng về việc phi hạt nhân hóa được đặt rất cao, ngay trước hội nghị lần này ông Trump lại chủ động hạ thấp mong đợi, nhấn mạnh rằng ông “không hề vội vàng” trong việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa – tất cả những điều ông quan tâm là việc không có cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo nào diễn ra trong tầm quan sát của ông.  

Tại Hà Nội, kết quả của cuộc gặp còn dưới cả mức kỳ vọng vốn đã ở mức thấp của tôi. Hai phía không thể đi tới bất kỳ sự đồng thuận hữu ích nào. Ông Trump thú nhận tại buổi họp báo rằng Hoa Kỳ thậm chí đã chuẩn bị giấy tờ để hai bên ký. Nhà Trắng đã gửi sớm cho cánh nhà báo một lịch trình thông báo về một “buổi ký kết”. Tất cả những điều này đã bị thay đổi vào phút chót. Và sự việc diễn ra như thể Triều Tiên đã phải từ bỏ Hoa Kỳ vì nước này từ chối xử lý vấn đề cốt lõi, trung tâm của tiến trình đàm phán giữa hai nước ngày hôm nay – và cả trong quá khứ: các lệnh cấm vận/trừng phạt đối với Triều Tiên.

Ông Trump lúc 2h chiều ngày 28.2 đưa ra một phiên bản nguyên nhân không ký được tuyên bố chung. Thì ngay tối muộn hôm đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho họp báo cùng một nhóm nhà báo chọn lọc để đọc một phiên bản khác của ông Kim Jong-un lý giải về kết cục của Hội nghị. Việc phía Triều Tiên triệu tập một cuộc họp báo ngay sau giải thích của ông Trump thay vì đưa ra thông cáo trên truyền thông nước nhà vào sáng ngày hôm sau cho thấy tính cấp thiết trong việc chuyển tải câu chuyện. Ông Trump đã nhấn mạnh với cánh phóng viên rằng việc không ký kết được tuyên bố chung là do Bình Nhưỡng yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ các lệnh cấm vận. Triều Tiên vì vậy phải cung cấp thông tin làm rõ.

Việc Bình Nhưỡng tìm kiếm và coi “giảm nhẹ cấm vận” như một “Sự Nhượng Bộ Trên Hết” trong toàn bộ tiến trình đàm phán, từ lâu đã không còn là chuyện bí mật. Nhưng những cụm từ mà họ dùng để truyền thông nội dung này lại quá uyển ngữ, mơ hồ đối với công chúng đa số. Ngày 13.6.2018, sau Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết ông Kim đã tuyên bố rằng nhiều tiến triển sẽ đạt được “nếu phía Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp thực tiễn để xây dựng lòng tin qua đó cải thiện mối quan hệ Triều Tiên – Hoa Kỳ”.

Trong tuyên bố liên Triều ngày 19.9.2018, mục tiêu này lại được diễn đạt bằng cách nói “các biện pháp tương ứng” có thể dẫn đến kết quả là tổ hợp hạt nhân Yongbyon được quyết định trên bàn đàm phán. Còn câu chữ trong diễn văn năm mới của ông Kim vào ngày 1.1.2019 lại là “những biện pháp đáng tin cậy và những hành động thực tế tương ứng”. Tất cả những cách nói này đều phát tín hiệu mong muốn giảm nhẹ các biện pháp cấm vận/trừng phạt. Những biện pháp khác như tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thành lập văn phòng liên lạc, điều chỉnh tập trận quân sự đều là những điều tốt đẹp cần thực hiện, nhưng nhu cầu cốt lõi vẫn là giảm nhẹ cấm vận/trừng phạt.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho, đã làm rõ điều này một cách chắc chắn sau cuộc gặp ở Hà Nội. Đó là một chi tiết quan trọng trong tiến trình ngoại giao đang gặp vấn đề giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên. Ông Ri lưu ý rằng Triều Tiên đã có một yêu cầu rõ ràng, theo một trình tự rõ ràng: đất nước này muốn 5 nghị quyết gần đây nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được dỡ bỏ và họ sẽ đổi lại bằng “những cơ sở sản xuất hạt nhân tại khu vực Yongbyon”.

Hai điều rút ra từ tuyên bố này: Thứ nhất, chúng ta đã thấy rõ hơn bao giờ hết, rằng từ góc nhìn của Triều Tiên thì những “biện pháp tương ứng” – tức là việc giảm nhẹ cấm vận – cần có hình thù ra sao. Thứ hai, chúng ta cũng có cái nhìn rõ ràng, rằng trong đề xuất của Triều Tiên thì Yongbyon có ý nghĩa gì. Phân tích ý kiến của ông Ri, chúng ta có thể giả định rằng Triều Tiên có thể chỉ tháo dỡ lò phản ứng khí than 5Mwe và các máy ly tâm làm giàu uranium. Lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm và lò phản ứng nghiên cứu IRT sẽ vẫn được giữ lại, cùng với các địa điểm khác tại khu tổ hợp, nơi chứa khoảng 300 cấu trúc nhân tạo.

“Yongbyon” theo mô tả của ông Ri đại diện cho một phần của toàn bộ tổ hợp hạt nhân và chương trình vũ khí của Triều Tiên, nhưng nó cũng chỉ là một phần của những gì Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc nhắc đến trong số 5 lệnh trừng phạt gần nhất để gây áp lực quốc tế với Triều Tiên. Chế độ trừng là phi đối xứng theo thời gian, các nghị quyết trừng phạt áp đặt trong năm 2016 và năm 2017 thể hiện một lượng áp lực trừng phạt rất mất cân xứng nhắm vào Bình Nhưỡng. Đề nghị này, vì vậy, bất đối xứng một cách nghiêm trọng: ông Trump có thể đã thực sự sai lầm khi cho rằng Triều Tiên đã yêu cầu việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, nhưng ý nghĩ của ông là vậy. Nếu không có những cấm vận này, kinh tế của Triều Tiên sẽ cởi mở hơn một cách đáng kể.

Liệu Hoa Kỳ có đúng khi từ chối đòi hỏi của Bình Nhưỡng? Theo đánh giá của tôi, điều này là đúng nếu như đó là một gói phải ký kết ngay lập tức tại Hà Nội, nhưng là sai nếu coi nó là một khung cần thực hiện theo một tiến trình có giai đoạn. Tôi tin rằng quá trình đàm phán với Triều Tiên không thể dẫn đến việc giải giáp hoàn toàn với lý do cơ bản là Triều Tiên không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân. Điều mà họ đang đề nghị là cách thức để có thể hạn chế chương trình vũ khí của họ về tính chất và số lượng. Nhưng để có được thỏa thuận với Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ đến một lúc nào đó sẽ phải nghĩ tới việc giảm nhẹ cấm vận. Với Hàn Quốc cũng vậy, nếu quá trình hợp tác liên Triều được tiếp tục, các lệnh cấm vận đến thời điểm nào đó phải được đặt lên bàn đàm phán.

Có thể điều không may nhất khi Hoa Kỳ từ chối yêu cầu cốt lõi của Triều Tiên có nghĩa là những nhượng bộ để quản lý rủi ro khác vẫn chưa được khai thác. Ông Ri lưu ý rằng Triều Tiên đã đề nghị việc đơn phương chính thức hóa việc đình chỉ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa và các thiết bị hạt nhân ngày 20 tháng 4. Một chính quyền Hoa Kỳ quan tâm đến việc giảm rủi ro về hạt nhân có thể đã nắm bắt được điều này và khuyến khích Triều Tiên ký kết Hiệp ước cấm thử hạt nhân một phần, hoặc tốt hơn là Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (Điều mà Washington vẫn chưa thông qua). Điều này đã không xảy ra và khó có thể hình dung nó sẽ xảy ra trong bối cảnh một người nổi tiếng coi thường chế độ kiểm soát vũ khí quốc tế như John Bolton có một ghế trong bàn đàm phán.

Vậy mọi thứ sẽ đi theo hướng nào? Thời gian sẽ có câu trả lời. Chỉ biết rằng tiến trình vẫn chưa bị thất bại hoàn toàn và chúng ta nhiều khả năng sẽ không phải quay lại những ngày tháng 8.2018, khi những mối đe dọa “bão lửa và cuồng nộ” đầy rẫy khắp nơi. Đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một lần nữa, đó sẽ là thời gian để nhập cuộc và phục hồi tiến trình đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Nên nhớ rằng ông Moon đã hai lần đóng vai trò này vào năm 2018: một lần vào tháng 5, sau khi ông Trump đơn phương hủy bỏ việc tham gia Hội nghị thượng đỉnh; Và một lần vào tháng 9, sau khi ông Pompeo hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 8.2018. Đối với ông Moon Jae-in, thành công của quá trình này là tất cả. Ông không thể để kết thúc dang dở của Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội trở thành khởi đầu cho sự kết thúc của tiến trình hòa giải Hoa Kỳ – Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới