Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaXung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan có vượt quá...

Xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan có vượt quá tầm kiểm soát?

Ngày 27/2, Pakistan đã tuyên bố đóng cửa không phận sau khi các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI của Ấn Độ đã bắn hạ 1 chiếc F-16 của Pakistan để trả đũa việc 2 máy bay của họ bị nước láng giềng này bắn rơi. Quan hệ giữa hai quốc gia vốn đã luôn căng thẳng này hiện đang đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc xung đột mới khiến quốc tế lo ngại.

Khu vực chanh chấp giữa Ấn và Pak gọi là Đường ranh giới Kiểm Soát (Line of Control hay LoC).

Khởi nguồn xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan

Ấn Độ và Pakistan đang rơi vào thế đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất kể từ năm 2002. Sau nhiều năm phải hứng chịu những cuộc tấn công khủng bố do các nhóm phi nhà nước cố thủ trên lãnh thổ Pakistan tiến hành, và sau vụ đánh bom liều chết ngày 14/2 khiến 45 nhân viên bán vũ trang thiệt mạng, như giọt nước làm tràn ly, Ấn Độ đã quyết định phản kích. New Delhi đã phát động một chiến dịch không kích vào trại huấn luyện mà họ cáo buộc là do tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed ở Pakistan điều hành. Đây cũng là nhóm vũ trang đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 14/2.

Đòn trả đũa đó ngay lập tức được hưởng ứng tại Ấn Độ bởi nó được coi là hành động vũ lực cần thiết giống như một thông điệp phát đi rằng New Delhi đơn giản không để cho Pakistan dung túng các nhóm phi nhà nước hoành hành mà không thể bị trừng phạt. Nhưng vụ không kích đã làm “bẽ mặt” lực lượng quốc phòng Pakistan được cho là đã bị mất cảnh giác. Ấn Độ coi vụ không kích là cuộc tấn công phủ đầu và được thúc đẩy bởi những nguồn tin tình báo đáng tin cậy về một mối đe dọa sắp xảy. New Delhi luôn nhấn mạnh, đó là các mục tiêu “phi quân sự” và họ không hề muốn khơi mào một cuộc chiến tranh. Trước đây, Ấn Độ đã từng nhiều lần thực hiện các hành động “chống khủng bố” tương tự nhưng ở quy mô có giới hạn. Tuy nhiên lần này thì khác, Pakistan nhìn nhận động thái của Ấn Độ ở mức nghiêm trọng hơn. Islamabad đã chọn cách đáp trả tương xứng.

Ngày 27/2, Không quân Pakistan đã huy động các máy bay chiến đấu F-16 tấn công sang khu vực lãnh thổ bên kia giới tuyến kiểm soát (LOC) do Ấn Độ quản lý. Cùng ngày, quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 2 máy bay của Ấn Độ hôm 27/2. Vụ việc xảy ra một ngày sau khi chiến đấu cơ Ấn Độ tấn công bên trong lãnh thổ Pakistan lần đầu tiên kể từ khi xảy ra chiến tranh năm 1971. Thiếu tướng Asif Ghafoor, phát ngôn viên Lực lượng Vũ trang Pakistan, cho biết các máy bay Không quân Ấn Độ đã xâm nhập không phận Pakistan hôm 27/2 sau khi Pakistan thực hiện 6 cuộc không kích tại khu vực Kashmir do phía Ấn Độ kiểm soát. Ông Asif Ghafoor cho biết thêm một trong 2 máy bay Ấn Độ bị bắn hạ đã rơi xuống khu vực Kashmir do New Delhi kiểm soát. Chiếc thứ hai rơi ở phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Trong một phát ngôn chính thức, Ấn Độ cáo buộc các máy bay chiến đấu Pakistan đã không kích một số “cơ sở quân sự” quân sự của mình và đã đáp trả. Một tình huống phức tạp đã xảy ra khi Không quân Ấn Độ phải chịu thiệt hại trong cuộc đối đầu với Pakistan. Một phi công Ấn Độ đã buộc phải nhảy khỏi chiến đấu cơ MiG-21 và bị bắt giữ tại Pakistan. Quân đội Pakistan đã công bố video cho thấy phi công Ấn Độ vẫn có sức khỏe tốt, có lẽ là để tránh vấp phải những lời chỉ trích sau vụ ngược đãi các phi công Ấn Độ trong cuộc Chiến tranh Kargil năm 1999.

Tương quan lực lượng

Tuy hai nước về ngoại giao được đặt ngang nhau, song Ấn Độ chiếm ưu thế lớn cả về số dân lẫn kinh tế. Năm 2018, ngân sách quân sự của Ấn Độ là 58 tỷ USD trong khi Pakistan chỉ 11 tỷ USD; vì vậy nếu xảy ra xung đột, quân đội Pakistan nhiều lắm cũng chỉ áp dụng sách lược phản công.

Về quân sự, Ấn Độ có 1,2 triệu quân thường trực, Pakistan chỉ có 56 vạn; nếu xảy ra xung đột thì sự chênh lệch lên tới 5 lần. Ấn Độ có 3.500 xe tăng, nhiều hơn Pakistan 1000 chiếc; xe tăng của Ấn Độ phần lớn là T-90 hiện đại của Nga, còn tăng của Pakistan đại đa số là của Trung Quốc.

Ấn Độ có hơn 800 máy bay chiến đấu, mặc dù phần lớn là MIG-21 và MIG-27 được Liên Xô sản xuất từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng có 200 chiếc SU-30 mua từ Nga; Pakistan có 425 chiếc, nhưng phần lớn là các loại cũ của Pháp, Mỹ và Trung Quốc.

Mặt khác, để khắc phục thế yếu về quân sự,Pakistan đã đầu tư rất nhiều tiền để tạo ra lực lượng hạt nhân. Năm 1998, hai bên đều đã tiến hành các vụ thử nghiệm. Hiện Pakistan có khoảng 140 đến 150 đầu đạn hạt nhân, Ấn Độ thì ít hơn khoảng 10 đầu đạn. Tuy Pakistan chiếm chút ưu thế về số lượng đầu đạn hạt nhân, nhưng tầm bắn của các tên lửa mang thì không thể sánh được Ấn Độ.

Hậu quả của xung đột quân sự

Phía Pakistan cho biết xung đột với Ấn Độ tại đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) chia cắt Kashmir khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, 7 người bị thương và buộc hàng ngàn người sơ tán, trường học đóng cửa…

Trong khi đó, 5 binh sĩ Ấn Độ bị thương nhẹ trong vụ bắn pháo kết thúc sáng 27/2. Giới chức Ấn Độ nói rằng 3 máy bay Pakistan đã tiến vào không phận Ấn Độ nhưng bị chặn lại và buộc phải quay về. Do căng thẳng với Pakistan, Không quân Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa sân bay chính của Kashmir ở bang Srinagar cùng với ít nhất 3 sân bay khác ở các bang lân cận.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lần lượt trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Pakistan, kêu gọi hai nước ưu tiên đối thoại và tránh leo thang quân sự. Nhà Trắng (28/2) ra thông cáo phản đối căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai bên “có các bước lập tức xuống thang tình hình căng thẳng”. Theo thông cáo của Lầu Năm Góc, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đang tập trung vào việc giảm căng thẳng và kêu gọi 2 nước tránh có thêm hành động quân sự. Trong khi đó, một quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho rằng đang có nguy cơ “dâng cao không thể chấp nhận được” về hành động quân sự tiếp theo của các bên, sau khi cả Islamabad lẫn New Delhi đều tuyên bố đã bắn hạ máy bay của đối phương tại khu vực Kashmir.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đặc biệt quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi New Delhi và Islamabad giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao. Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Nga bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các sự kiện gần đây và hy vọng giải quyết vấn đề trong hòa bình. Ông lưu ý rằng: “Chúng tôi vô cùng lo lắng về những tình hình mới, chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình và tất nhiên, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế”.

Về phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi, bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại Kashmir. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (28/2) cũng cho biết: Chủ trương của Trung Quốc từ trước đến nay là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia đều phải được tôn trọng. Trung Quốc luôn phản đối mọi hành vi vi phạm Hiến chương của Liên Hợp Quốc cũng như các hành vi vi phạm chuẩn tắc của Luật quốc tế. Trung Quốc đánh giá cao vai trò của Ấn Độ và Pakistan đối với việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực tiểu lục địa Nam Á, đồng thời cho rằng tình hình căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan thời gian gần đây là điều mà nước này không hề muốn thấy, Trung Quốc hy vọng hai nước nhanh chóng đối thoại giải quyết vấn đề. Đồng thời, ông Lục Khảng khẳng định, Trung Quốc hy vọng Ấn Độ và Pakistan có thể kiềm chế một cách tối đa, nhanh chóng tiến hành đối thoại, kiểm soát hiệu quả cục diện nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực tiểu lục địa Nam Á.

Thủ tướng Anh, bà Theresa May cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa hai nước, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Bà cho biết Anh hiện duy trì liên lạc thường xuyên với cả Ấn Độ và Pakistan, đồng thời hối thúc hai bên đối thoại và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Bà cũng khẳng định Anh đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, bao gồm việc thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tìm cách hạ nhiệt tình hình căng thẳng giữa hai nước.

Giới phân tích quân sự nhận định hiện tại tình hình khá căng thẳng, và tất nhiên, có những lo ngại rằng mọi chuyện sẽ còn xấu đi nữa hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều khả năng xung đột sẽ không mở rộng và hai nước sẽ tìm cách thỏa hiệp để giải quyết vấn đề. Ấn Độ đã ra tuyên bố rằng, chính quyền đất nước vẫn nhìn thấy cơ hội thỏa hiệp hoặc xuống thang. Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng đã tuyên bố rằng, chiến tranh không đem lại lợi ích cho bất kỳ ai; ông cũng kêu gọi đàm phán và tìm giải pháp khả thi cho vấn đề này.

Cùng quan điểm trên, Đại tướng Yuri Baluyevsky – cựu Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga nhận định, tình hình bùng phát hiện tại ở khu vực tranh chấp Kashmir sẽ dẫn đến đụng độ cục bộ, nhưng, giống như trong những lần khủng hoảng trước đây, sẽ không trở thành xung đột quân sự quy mô tổng lực. “Xung đột đã bắt đầu không phải từ hôm qua mà cũng không phải hôm nay. Theo góc độ quân sự mà xét thì không bên nào phải xúc tiến hoạt động chiến sự tầm cỡ. Tôi nghĩ rằng các cuộc đụng độ địa phương sẽ tiếp diễn nhưng sẽ không có bất kỳ tăng cường đối đầu quân sự”, ông Baluyevsky nhận xét. Theo ý kiến của tướng Baluyevsky, hôm nay tình huống phức tạp này ít thu hút sự quan tâm của các lãnh đạo chính trị thế giới. “Tất cả mọi người đang nói về cuộc gặp lịch sử ở Hà Nội của Kim Jong-un và Trump, không mấy ai chú ý đến xích mích của hai nước sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt”, vị tướng Nga nói thêm.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng cuộc tấn công của Ấn Độ vào Pakistan là cần thiết vì Pakistan không có khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng khủng bố và trong nhiều năm, đặc biệt là sau vụ tấn công ở Punjab, Ấn Độ yêu cầu Pakistan phải thực thi hành động cứng rắn chống lại nhà lãnh đạo Jaish-e-Muhammad và những kẻ khủng bố ở miền Nam. Tuy nhiên, Pakistan đã không thực hiện bất kỳ hành động rõ ràng nào và không thể hiện ý định làm bất cứ điều gì. Ấn Độ sau đó đã nhận được một số thông tin tình báo từ các nguồn nhân lực và kỹ thuật của mình, theo đó, nhóm khủng bố này đã lên kế hoạch tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn trong những ngày và tuần tới. Và thế là Ấn Độ buộc phải có biện pháp phòng ngừa. Do đó, Ấn Độ coi cuộc tấn công này là một hành động phòng ngừa phi quân sự chống lại một mục tiêu cụ thể, không nhằm chống lại binh lính Pakistan hay thường dân Pakistan.

RELATED ARTICLES

Tin mới