Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinVành đai Con đường thắng đậm vì kết nạp được thành viên...

Vành đai Con đường thắng đậm vì kết nạp được thành viên “khủng”: Nhà Trắng cau mày ái ngại

Thành viên mới tham gia sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới xét theo GDP.

Ảnh minh họa: Reuters

Quyết định của Italy

Italy được cho là đang chuẩn bị tham gia sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) – siêu dự án kinh tế của Trung Quốc với mục tiêu kết nối các quốc gia xuyên suốt châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ thông qua cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư, xây dựng.

Việc Italy tham gia Vành đai Con đường sẽ là một chiến thắng lớn cho Trung Quốc. Hiện tại, Italy là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới xét theo GDP. Đây sẽ là quốc gia lớn nhất có mặt trong siêu dự án của Trung Quốc.

Theo Financial Times, các quan chức Italy đã lên kế hoạch kí một Biên bản ghi nhớ (MOU) để ủng hộ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng với Bắc Kinh khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Rome vào ngày 22/3 tới.

Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italia Michele Geraci nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các sản phẩm ‘Made in Italy’ sẽ đạt được thành công với khối lượng xuất khẩu lớn tới Trung Quốc, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.”

Ông cũng nói thêm rằng MOU “chưa hoàn thiện, nhưng sẽ được kí kết để kịp chuyến thăm của ông Tập.”

Hiện chưa rõ nội dung cụ thể của MOU. Các hợp đồng được kí kết giữa Trung Quốc và các đối tác trong khu vực hầu hết đều được giữ kín.

Medi Telegraph, một trang web chuyên đăng tải nội dung về giao dịch tại Địa Trung Hải, cho biết các nhà chức trách Italy tại cảng Genova đang chuẩn bị thành lập một công ty mới với Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) để vận hành “các công việc quy mô lớn liên quan đến cảng Genoa.”

Được triển khai từ năm 2013, sáng kiến Vành đai Con đường được chia làm 6 tuyến đường trên bộ với tên gọi Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, và một tuyến đường biển gọi là Con đường Tơ lụa Trên biển. Xuyên suốt các con đường này là hệ thống đường sắt, đường ống dẫn gas, tuyến vận chuyển hàng hải và những dự án cơ sở hạ tầng khác.

Trung Quốc được cho là đã đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ USD tới 8 nghìn tỷ USD cho siêu dự án này. Đây là một trong những ưu tiên cao nhất của ông Tập, và được viết trong hiến pháp Trung Quốc năm 2017.

Những nền kinh tế lớn khác trên thế giới, bao gồm Mỹ và Ấn Độ, không muốn tham gia Vành đai Con đường và có những mối lo ngại rằng tham vọng quân sự và chính trị của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng theo cùng với những dự án thương mại và trao đổi công nghệ giữa bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn chưa chấm dứt.

Trung Quốc đã bị cáo buộc cho các quốc gia vay nợ với mức lãi suất cao tới mức khó trả được. Sri Lanka là ví dụ điển hình nhất, khi nước này trong năm 2017 đã phải cho phép Trung Quốc sử dụng hoàn toàn một cảng biển quan trọng vì không trả được nợ.

Năm ngoái, Malaysia đã hủy bỏ dự án cơ sở hạ tầng trị giá 22 tỉ USD với Trung Quốc với lí do liên quan tới khoản nợ quốc gia khổng lồ.

“Bởi người Trung Quốc, cho người Trung Quốc”

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tại Nhà Trắng đã đưa ra cảnh báo với quyết định của Italy.

Phát ngôn viên Garrett Marquis nói: “Chúng tôi coi dự án Vành đai Con đường là sáng kiến ‘sáng lập bởi Trung Quốc, nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc'”.

“Chúng tôi bày tỏ lo ngại và không cho rằng quyết định của chính phủ Italy sẽ đem lại bất kì lợi ích kinh tế nào cho người dân Italy, mà sẽ gây tổn hại tới danh tiếng toàn cầu của Italy về mặt lâu dài,” ông Marquis nói.

Các nước EU đã có thái độ khác nhau đối với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Đức và Pháp đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hạn chế sức ảnh hưởng từ Trung Quốc, ví dụ như tăng cường các biện pháp quản lí đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, các nước như Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã đón chào đầu tư Trung Quốc. Cảng Piraeus, cảng biển lớn nhất của Hy Lạp, hầu như nằm dưới sự quản lí của Công ty Vận tải Đại dương Trung Quốc (COSCO).

RELATED ARTICLES

Tin mới