Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững thách thức TQ phải giải quyết trong kỳ họp quốc hội

Những thách thức TQ phải giải quyết trong kỳ họp quốc hội

Quốc hội Trung Quốc sẽ phải thảo luận nhiều vấn đề khó khăn về tăng trưởng kinh tế, chiến tranh thương mại và sáng kiến Vành đai, Con đường.

Kỳ họp quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc hôm qua thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi nó diễn ra vào năm Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập nước, nhưng cũng là thời điểm Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy. Nền kinh tế nước này chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập kỷ với sức ép ngày càng gay gắt từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, trong khi sáng kiến Vành đai và Con đường vấp phải nhiều hoài nghi từ dư luận thế giới, theo bình luận viên Sophia Yan của Telegraph.

Báo cáo công tác chính phủ được Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc tại lễ khai mạc kỳ họp quốc hội ngày 5/3 cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chính trong năm qua, như GDP vượt 90.000 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,6% so với năm trước, tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức 5%, các công cuộc cải cách chính quyền trung ương và địa phương diễn ra thuận lợi…

Nhưng điều không được nhắc tới trong báo cáo là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc ở nước ngoài trong sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang vấp phải những rào cản lớn. Hàng loạt quốc gia đối tác bắt đầu xem xét lại hoặc hủy bỏ những thỏa thuận vay nợ nhiều tỷ USD của Trung Quốc để thực hiện các dự án này, do lo ngại về nguy cơ tài chính.

Sau khi chứng kiến việc Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong vòng 99 năm vì không thể trả khoản vay từ Bắc Kinh, các nước ban đầu chào đón sáng kiến Vành đai và Con đường bắt đầu thận trọng. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đình chỉ các dự án 20 tỷ USD của Trung Quốc, Pakistan giảm số tiền vay Trung Quốc để xây dựng dự án đường sắt trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) từ 8,2 tỷ USD xuống 6,2 tỷ USD. Trong khi đó, chính quyền thân Bắc Kinh ở Maldives thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Vành đai và Con đường như công cụ được Bắc Kinh sử dụng để nâng cao lợi ích chiến lược và quân sự. Một số quan chức và nghị sĩ Mỹ công khai mô tả nó như “bẫy nợ” để Trung Quốc giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng nhạy cảm và làm suy yếu quyền tự chủ của các nước đối tác.

Ở châu Âu và châu Mỹ, Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng chỉ trích chưa từng thấy từ chính phủ các nước liên quan đến hoạt động gián điệp mạng, được thể hiện rõ qua làn sóng kêu gọi “tẩy chay” sản phẩm của Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Canada đã hưởng ứng đề nghị của Mỹ, bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, trong khi nhiều đồng minh của Washington thẳng thừng tuyên bố “cấm cửa” Huawei tham gia xây dựng mạng 5G ở nước mình do lo ngại về an ninh quốc gia.

“Người Trung Quốc đang rất quan tâm tới điều này, không phải với cảm giác tích cực rằng chuyến xe Trung Quốc đã cán đích, mà với nỗi lo thường trực như ‘liệu mọi thứ có ổn không'”, Benjamin Cavender, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc (CMR), nhận định. “Họ giờ đây đang bước vào chế độ kiểm soát thiệt hại”.

Theo chuyên gia này, 3.000 đại biểu quốc hội Trung Quốc trong kỳ họp sẽ phải tìm cách trấn an người dân bằng một thông điệp thích hợp. Họ sẽ thảo luận các chính sách về kinh tế, chính trị của chính phủ và bỏ phiếu phê chuẩn các dự thảo luật.

Ông Tập (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bắt tay các đại biểu quốc hội đến từ Nội Mông. Ảnh: Chinadaily.

Ông Tập (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bắt tay các đại biểu quốc hội đến từ Nội Mông. Ảnh: Chinadaily.

Một trong những dự thảo luật rất được quan tâm tại kỳ họp quốc hội lần này là luật đầu tư nước ngoài, trong đó nghiêm cấm hành vi ép buộc chuyển giao công nghệ hay sự “can thiệp” của chính phủ vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Đây được coi là một trong những lý do chính khiến Mỹ phát động cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ được coi là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc, nhất là khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ nâng mức thuế áp với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên mức 25%. Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đến nay vẫn chưa đạt được kết quả rõ ràng, trong khi chính quyền Trump vẫn quyết tâm duy trì sức ép để buộc Trung Quốc nhượng bộ trong lĩnh vực thương mại.

Đây được coi là lý do Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc chỉ ở mức 6-6,5%, thấp hơn mức 6,6% được đưa ra trong kỳ họp quốc hội năm ngoái. Theo Kerry Brown, giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học King ở London, đây có thể là một phần trong nỗ lực “kiểm soát kỳ vọng” của các lãnh đạo Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xử lý cuộc chiến thương mại.

Carl Weinberg, nhà kinh tế học quốc tế hàng đầu tại tổ chức nghiên cứu High Frequency Economics, cho rằng rất có thể một số quan chức Trung Quốc có quan điểm cứng rắn sẽ không muốn nước này phải “nhượng bộ một tấc” trước các đòi hỏi thương mại của Mỹ, đặc biệt là yêu cầu Trung Quốc từ bỏ chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Đây là chính sách nổi bật trong chương trình Made in China 2025, được thiết kế để kích cầu nội địa nhưng lại bị Mỹ chỉ trích là kế hoạch thay thế hàng nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước. Ngoài chương trình này, Trung Quốc còn thực hiện một loạt cải cách kinh tế khác, nhưng các doanh nghiệp nước này cho rằng những biện pháp đó không hiệu quả và quá tập trung cho khu vực quốc doanh.

Trong báo cáo công tác chính phủ đọc trước quốc hội hôm qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường không nhắc đến sáng kiến “Made in China 2025”. Đây là lần đầu tiên sáng kiến này bị loại khỏi một báo cáo quan trọng như vậy kể từ năm 2015. Năm ngoái, ông Lý nhắc đến chương trình này hai lần trong báo cáo của mình, theo Nikkei.

Rumi Aoyama, giáo sư Đại học Waseda ở Tokyo, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc phần nào nhượng bộ trước sự chỉ trích của Mỹ với chương trình này. “Dù chiến lược ngoại giao của Trung Quốc không thay đổi, họ dường như đang thử một hướng đi mới”, ông nói. “Họ giảm bớt vai trò của chính phủ để xoa dịu các lo ngại của Mỹ và châu Âu”.

Aoyama cũng nhận định rằng việc gạt sáng kiến này khỏi báo cáo của ông Lý phần nào cho thấy sự không hài lòng của dư luận trong nước với chính sách đối ngoại của ông Tập, đặc biệt là trong thời kỳ căng thẳng chiến tranh thương mại với Mỹ.

Quốc hội Trung Quốc cũng dự kiến thảo luận kế hoạch triển khai mạng di động 5G với sự hỗ trợ đắc lực của Huawei, tập đoàn đang vướng vào những tranh cãi về an ninh mạng trên khắp thế giới. Các chuyên gia cho rằng cách thức lãnh đạo Trung Quốc thảo luận về vấn đề này sẽ cho thấy Bắc Kinh tự tin đến mức nào trong việc đối phó với những lo ngại của các chính phủ nước ngoài về nguy cơ gián điệp và tấn công mạng.

“Nhiều quốc gia tỏ ra lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có quan hệ mật thiết với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu nước này”, Cavender nói. “Họ thực sự e sợ rằng các tập đoàn đó sẽ cung cấp thông tin cho chính phủ. Dù cáo buộc này có thật hay không, nó vẫn sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài”.

Dù vậy, các chuyên gia đều tin rằng thông qua kỳ họp quốc hội lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tập hợp sự ủng hộ của các đại biểu đối với chính sách của mình. “Chính trị luôn có lúc này lúc khác, nhưng các động thái của ông Tập trước đây cho thấy vào những thời khắc khó khăn nhất, Trung Quốc sẽ luôn tập trung vào vai trò lãnh đạo của ông”, giáo sư Brown nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới