Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại quá trình TQ sử dụng vũ lực đánh chiếm và...

Nhìn lại quá trình TQ sử dụng vũ lực đánh chiếm và sát hại binh sỹ Việt Nam trên đá Gạc Ma

Ngày 14/3 cách đây 31 năm, Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bắn chìm 2 tàu vận tải HQ 604, HQ 605, thảm sát 64 cán bộ chiến sĩ Việt Nam, chiếm trái phép bãi đá Gạc Ma của Việt Nam.

Trung Quốc đã “dòm ngó” Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao từ lâu

Trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, từ ngày 14/2/1986, Trung Quốc đã đưa tàu chiến giả dạng tàu cá đến trinh sát một số bãi cạn ở Trường Sa và đặt các tấm bê tông “kỷ niệm”.

Ngày 3/9/1987, Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sáp nhập trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau đó, họ liên tục cho tàu chiến giả dạng tàu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.

Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã nghiên cứu phương án đóng giữ các đảo chìm bằng cách đóng 2 pông-tông có nhà phủ bạt trên boong đưa ra Đá Đông và Đá Tây, nhưng do sóng gió lớn pông-tông Đá Tây bị đứt neo, trôi không chịu được nên phải kéo về Đá Đông. Sau đó, Bộ Tư lệnh quyết định chuyển sang phương án đưa các tàu vận tải ra canh giữ, làm các nhà cao chân C3 để chốt giữ các đảo chìm.

Trung Quốc bất chấp tất cả, thảm sát binh sỹ Việt Nam để cướp đất, chiếm đảo của Việt Nam

Theo tư liệu lịch sử, hai tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 bãi đá gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi, quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam.

Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn.

Trước sự bành trướng ngang ngược của quân Trung Quốc, Quân chủng Hải quân Việt Nam xác định, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường tiếp tế của ta cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Quân chủng Hải quân Việt Nam điều 3 tàu vận tải mang khí tài, vật liệu xây dựng đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 (thuộc Lữ đoàn 125), do ông Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, Tàu HQ 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5h ngày 14/3/1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta.

Tiếp đó, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do ông Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ 505 do ông Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ 604 và HQ 505 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do ông Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).

Tại Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, một phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và bộ phận của Lữ đoàn 146 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam, đồng thời, đang vận chuyển vật liệu dựng nhà C3. Sáng hôm đó, Trung Quốc cho lính lên tranh chấp với ta. Khi giật cờ không được, chỉ huy quân Trung Quốc đã dùng súng ngắn bắn thẳng vào đầu Thiếu úy Trần Văn Phương, sỹ quan chỉ huy của Lữ đoàn 146. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh, chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83 đã quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc. Khi không giật được, lính Trung Quốc đã dùng lưỡi lê đâm vào vai anh Lanh đến khi gục xuống.

Trước khi ngã xuống, các chiến sỹ Việt Nam đã hành động rất anh dũng. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi bị bắn đã hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Các chiến sỹ của ta lúc đó đã nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, dùng xà beng dụng cụ lao động chống trả lại những hành động hung hãn của Trung Quốc. Không thể phá vỡ được vòng tròn bất tử của các chiến sỹ Hải quân Việt Nam, Trung Quốc rút quân lên tàu rồi hạ pháo 100 ly, 37 ly 2 nòng xả đạn dã man sát hại gần hết số cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 83 lắp dựng nhà và cán bộ chiến sỹ của Lữ đoàn 146 ra giữ đảo. Trong trận chiến đơn phương do Trung Quốc gây ra đã có tổng số 64 cán bộ chiến sỹ đã hy sinh ở cả 3 đảo trong đó, có 26 chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83

Trong khi đó, tại đảo Cô Lin, 6h ngày 14/3/1988, tàu HQ 505 đã cắm hai lá cờ lên đảo. Khi tàu HQ 604 của ta bị chìm, Thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Phát hiện thấy ta cơ động lên bãi, hai tàu của Trung Quốc quay sang tấn công tàu HQ 505. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy. 8h15 ngày 14/3, bộ đội trên tàu HQ 505 vừa dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ 604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm. Cán bộ, chiến sĩ của Tàu HQ 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Cho đến nay, là cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn phấp phới tung bay trên đảo Cô Lin.

Ở hướng đảo Len Đao, 8h20 ngày 14/3, tàu của Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605 của ta. Cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ 605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6h ngày 15/3 mới đến đảo). Tại Len Đao, sau trận chiến Gạc Ma, chúng ta đấu tranh kiên quyết, khiến Trung Quốc lui quân, ta bảo vệ thành công Len Đao đến hôm nay.

Ngoài sát hại các chiến sỹ, phía Trung Quốc còn bắt 9 người trong đó có 6 chiến sĩ của Trung đoàn Công binh 83 mang về đảo Hải Nam giam giữ.

Với quyết tâm cho tàu ủi bãi, dùng Pông-tông neo cắm, lắp dựng nhà C3, Việt Nam đã chốt giữ được 12 đảo chìm trong khi Trung Quốc chiếm được 6 đảo chìm. Trong sự kiện 14/3/1988 xảy ra ở khu vực 3 đảo chìm họ chỉ chiếm được 1 đảo Gạc Ma, chúng ta vẫn giữ được Cô Lin và Len Đao.

Sự kiện này sau đó được gọi là trận chiến Gạc Ma hay các tài liệu nói là cuộc xung đột vũ trang trên biển khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng thực chất, đây là trận chiến đơn phương do Trung Quốc dùng tàu chiến đánh chiếm trái phép các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ đã bắn cháy, chìm các tàu của Việt Nam, thảm sát 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân, chiếm đóng trái phép 6 bãi đá ngầm của Việt Nam.

Đáng chú ý, trong cuộc thảm sát cán bộ binh sỹ Việt Nam trên Gạc Ma sáng ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Việt Nam đã không nổ súng trước, hầu hết là thủy binh tay không; tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 đều là các tàu vận tải. Việt Nam chỉ nổ súng sau để tự vệ. Ngoài ra, Trung Quốc còn cố tình ngăn cản tàu chữ thập đỏ vào tiếp cận để cứu những người bị thương trên đảo.

Các tài liệu và trần thuật của người trong cuộc cho thấy Việt Nam không bất ngờ trước ý định của Trung Quốc. Chứng cứ đơn giản là, từ tháng 1 đến tháng 2, Trung Quốc đã có nhiều hành động khiêu khích quân sự và liên tiếp chiếm đóng 4 bãi đá thuộc Trường Sa, gồm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven và Tư Nghĩa. Cái bất ngờ là mức độ tàn bạo của quân Trung Quốc đối với các chiến sỹ ta.

Âm mưu của Trung Quốc khi chiếm đá Gạc Ma

Các bước đi của Trung Quốc, từ Hải Nam, tới Hoàng Sa và Trường Sa, từ phối hợp quân sự và dân sự đều cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Sau 31 năm sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép Gạc Ma và 6 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại một lần nữa bất chấp luật pháp và sự phản đối của dư luận quốc tế, đang tìm cách cải tạo, mở rộng lấn chiếm quy mô lớn, biến rạn san hô ngầm này trở thành đảo nhân tạo với ý đồ từng bước thâu tóm và độc chiếm Biển Đông.

Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm ở đầu phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm cách rạn gần nhất là đá Cô Lin hơn 3km về phía Đông Nam và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng, phần lớn bãi đá này chìm dưới mặt nước. Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá từ năm 1988, Trung Quốc đã từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc và biến nơi này thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của họ trên Biển Đông.

Mọi thứ lại một lần nữa thay đổi nhanh chóng kể từ cuối tháng 02/2014, khi quân đội Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, mở rộng và lấn chiếm với quy mô lớn chưa từng có. Hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu với cả tá tàu bè lớn nhỏ ngày đêm bơm hút một lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, từ một bãi đá ngầm nửa nổi nửa chìm, Gạc Ma hiện nay đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với những kết cấu rất rõ ràng của một cảng nước sâu, một cầu tàu quy mô lớn, một sân đỗ rộng với đường băng khá dài… Theo như bản quy hoạch do báo chí Trung Quốc tiết lộ, quân đội Trung Quốc đang có ý định biến Gạc Ma trở thành một căn cứ quân sự hỗn hợp không thể chìm với đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, thông tin…

Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích 13,2 ha ở bãi đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc. Các công trình của Trung Quốc được xây dựng cấp tập từ giữa năm 2013, đến nay đã hoàn tất và đưa vào sử dụng, gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác.

Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp ra đa điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30 mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực.

Trung Quốc còn xây dựng trái phép 2 tháp ra đa đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Hiện, họ đã hoàn tất và đưa vào sử dụng trái phép 1 bãi đáp trực thăng ở phía Đông Nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của bãi với chiều dài khoảng 100 m và đặc biệt là xây dựng 1 bến nghiêng rộng 20 – 30m, các loại xe vận tải, xe bánh xích, xe bánh lốp dễ dàng cơ động lên đảo từ những tàu vận tải đổ bộ, chở quân…

Nhìn chung, lịch sử thì đang dần lùi xa còn nỗi đau thì chưa bao giờ nguôi ngoai, nhiều sự trăn trở và day dứt vẫn còn đó. Đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa – một phần của lãnh thổ thiêng liêng của chủ quyền quốc gia dân tộc mà từ thời các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền và khai thác đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Xâu chuỗi nhiều sự kiện liên quan đến cách hành xử của Trung Quốc với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và ở Trường Sa ngày 14/3/1988 đã khẳng định một thực tế rằng, việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép Gạc Ma không chỉ đơn thuần là muốn “sở hữu” hòn đảo này. Đó chỉ là một hành động nằm trong chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, dùng sức mạnh quân sự để khống chế toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả tự do hàng hải và hàng không. Đó là một toan tính nguy hiểm không chỉ đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn gây ra bất ổn trong khu vực và đe dọa hòa bình thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới