Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines lại căng thẳng và mâu thuẫn liên quan vấn đề Biển...

Philippines lại căng thẳng và mâu thuẫn liên quan vấn đề Biển Đông

Trong những ngày gần đây, nội bộ Philippines liên tục có các dấu hiệu cho thấy đang mâu thuẫn, bất đồng liên quan vấn đề Biển Đông.

Phó Đô đốc Rene Medina (quân phục trắng), chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines

Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Philippines

Bộ Quốc phòng Philippines lo sợ sẽ xảy ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, nên tìm cách né tránh Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (5/3) cho rằng Mỹ có khả năng liên quan đến một cuộc chiến tranh tại Biển Đông hơn là Philippines nhưng chính Philippines sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến như vậy chỉ vì Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1951 giữa hai nước. Bộ trưởng Lorenzana cho rằng cần phải xem lại Hiệp ước này để làm rõ những mập mờ có thể gây hỗn loạn và nhầm lẫn trong một cuộc khủng hoảng. Ông Lorenzana nhắc lại việc năm 1995, Trung Quốc hung hăng chiếm giữ một đảo đá Philippines yêu sách, khi đó “Mỹ đã không ngăn chặn”. Ông Lorenzana nhận định, các lực lượng của Mỹ đang đẩy mạnh cái gọi là tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược, có vẻ như sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang hơn là Philippines. Tuy nhiên, trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước, Philippines đương nhiên sẽ bị liên quan. Đây là điều mà ông Lorenzana không trông chờ và không mong muốn.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines lại ủng hộ Mỹ và Hiệp ước nói trên. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario (6/3), hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về việc Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Ông Del Rosario cho rằng đây là một trong những phát biểu quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ kể từ khi Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước được ký kết năm 1951. Cần phải coi đây là tuyên bố tích cực, đáng tin cậy của chính sách đối ngoại Mỹ về khẳng định sự tuân thủ các quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, Philippines cần phối hợp với Mỹ trong việc vạch ra giới hạn đỏ ở bãi cạn Scarborough để có thể ngăn chặn mọi kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này của Bắc Kinh. Theo ông Del Rosario, điều này mang tính cấp bách vì một mặt, Bắc Kinh coi Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough là tam giác an ninh ở Biển Đông để triển khai sức mạnh hải quân; mặt khác, bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ biển gần nhất của Philippines có 124 hải lý. Do vậy, với việc Mỹ là đồng minh hiệp ước duy nhất, Philippines cần phải công nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của liên minh này, phải nhận thấy Philippines cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của mình. Ông Del Rosario cho rằng việc xây dựng năng lực quân đội Philippines mạnh hơn, nhanh hơn chỉ có thể được thực hiện với sự trợ giúp và cam kết của đồng minh hiệp ước này.

Giới chuyên gia, học giả và truyền thông Philippines cũng có những cách nhìn khác nhau về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Giám đốc Viện các vấn đề về Biển và Luật biển của Đại học Philippines Jay Batonbacal (4/3) cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ không chỉ gửi thông điệp tới chính phủ Philippines mà còn tới rộng rãi công chúng và đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Đây là lời cảnh báo cho các quốc gia khác nếu có ý định thách thức chủ quyền của Philippines. Chuyên gia an ninh Chester Cabalza cho rằng, Philippines nên nhân cơ hội này để tăng cường khả năng quân sự bởi “cả Trung Quốc và Mỹ đều đề nghị hỗ trợ Philippines”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo không có gì mới. Công tố viên Dodo Dulay (5/3) cho rằng phát biểu này chỉ đơn thuần là biện pháp trấn an Philippines rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu có tấn công ở Biển Đông, có khác chăng đây là lần đầu tiên Mỹ công khai những gì họ đã nói rõ trong công hàm năm 1999 gửi Philippines về phạm vi của Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau bao gồm cả Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ vẫn chần chừ trong việc viện dẫn Hiệp ước này đối với tranh chấp Biển Đông. Cam kết hậu thuận Manila khi xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông là tất cả những gì nước này có thể kỳ vọng. Mỹ sẽ không dại dột đối đầu với Bắc Kinh trong các vụ việc liên quan đến quyền đánh cá của ngư dân Philippines hay bảo vệ các yêu sách của Manila đối với các đá không người ở mà không mấy quan trọng đối với Mỹ. Mối quan tâm thực sự duy nhất của Mỹ ở Biển Đông là tự do hàng hải; Mỹ muốn vùng biển này mở, không cho phép Trung Quốc tạo ra đe dọa nào nhằm đóng những tuyến hàng hải quan trọng về kinh tế này. Cũng có ý kiến cho rằng, không nên đặt cược vào phát biểu này của ông Pompeo. Mỹ đã hứa hẹn nhiều nhưng khi Philippines rơi vào tình huống dường như sắp sửa xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi sự bảo đảm từ Mỹ, họ vẫn im lặng hoặc nói rằng họ phải nghiên cứu trường hợp đó kỹ lưỡng hơn. Mỹ sẽ không gửi tàu chiến đến để giúp đỡ hải quân Philippines bởi Mỹ biết rõ rằng điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc, không chỉ làm chết hàng triệu người dân hai nước mà còn dẫn đến sụp đổ kinh tế toàn cầu.

Được biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) lần đầu tiên tuyên bố khẳng định việc Trung Quốc xây đảo và tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh, kéo theo đó là đời sống kinh tế của Philippines, và của Mỹ nữa. Ông Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ hậu thuẫn Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang đối với tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông bởi cuộc tấn công như vậy nằm trong phạm vi nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 Hiệp ước Phòng thủ giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai khẳng định cam kết bảo vệ lãnh thổ Philippines ở Biển Đông. Ngoại trưởng Pompeo còn cho biết, Mỹ không chỉ hỗ trợ Philippines trong vấn đề này mà cả các nước khác trong khu vực nữa, có như vậy thì các tuyến hàng hải quan trọng ở đây mới luôn được thông thoáng và Trung Quốc không đe dọa đóng chặn các tuyến đường này.

Hiệp ước An ninh Mỹ – Philippines 1951 (MDT) là công cụ pháp lý quan trọng để Mỹ bảo vệ Philippines trước các hoạt động khiêu khích, đe dọa an ninh từ Trung Quốc. MDT được ký kết vào ngày 30/8/1951 tại Washington, DC giữa đại diện của Philippines và Mỹ, trong đó quy định cả hai nước sẽ hỗ trợ nhau nếu một trong hai nước bị tấn công từ bên ngoài. Cụ thể: Điều II, Mỹ và Philippines bằng cách tự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau để duy trì và phát triển năng lực cá nhân và tập thể chống lại các cuộc tấn công vũ trang. Điều III, Mỹ và Philippines thông qua Bộ Trưởng Ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện để tham khảo, trao đổi ý kiến liên quan việc thực hiện MDT khi Mỹ hoặc Philippines nhận thấy toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh bị đe dọa bởi cuộc tấn công vũ trang ở bên ngoài Thái Bình Dương. Điều IV, khi Mỹ hoặc Philippines công nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang trong khu vực Thái Bình Dương đe dọa đến hòa bình và an ninh của một trong hai nước thì Mỹ hoặc Philippines sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nước kia. Điều V, một cuộc tấn công vũ trang quy định trong Điều IV bao gồm một cuộc tấn công vũ trang trên lãnh thổ, trên các vùng đảo thuộc chủ quyền của Mỹ hoặc Philippines ở Thái Bình Dương, hoặc tấn công các lực lượng vũ trang, tàu, máy bay của Mỹ hoặc Philippines ở Thái Bình Dương. ĐIỀU VIII, MDT có hiệu lực vô thời hạn.

Trung Quốc điều tàu cá bao vây đảo Thị Tứ

Theo giới truyền thông, khoảng 50 chiếc tàu của Trung Quốc đã tập trung và xua đuổi ngư dân Philippines khỏi một dải cát gần đảo Thị Tứ ở Trường Sa hôm 3/3. Ngày 4/3, các nhà hoạt động tại Philippines đã tổ chức biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối hành động này. Fernando Hicap, Chủ tịch Hội ngư dân Pamalakaya lên án việc Trung Quốc tiếp tục chiếm vùng biển và ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận sinh kế của họ. Ông cho biết, bên cạnh việc biến vùng biển này thành các căn cứ quân sự, Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ hoạt động đánh bắt cá và những ai có thể ra vào vùng nước đánh cá. Việc làm này “không chỉ đe dọa đời sống ngư dân Philippines mà đe dọa cả vấn đề an ninh lương thực của hàng triệu người dân Philippines sống phụ thuộc vào nguồn thức ăn là cá”. Ông Hicap đã kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra phản đối mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên, Người phát ngôn của Tổng thống Duterte, Salvador Panelo, cho biết, chính phủ ủng hộ người dân Philippines bởi “ngư dân chúng ta đã đánh cá ở đó, không ai có quyền đuổi ngư dân đi”; tuy nhiên các cơ quan chức năng sẽ phải xác minh thông tin này. Jay Batongbacal, chuyên gia luật biển tại Đại học Philippines, mô tả các tàu cá của Trung Quốc là ví dụ về “chiến lược vùng xám” của Bắc Kinh, theo đó, các tàu dân sự được sử dụng để tránh việc quy trách nhiệm trực tiếp bằng cách biện hộ đó không phải tàu của chính phủ. Ông Batongbacal cho rằng “điều Philippines cần làm là phản đối mọi trường hợp ngăn chặn tàu cá vì nó vi phạm các quy định về an toàn”.

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines bác bỏ thông tin nói trên. Phó đô đốc Rene Medina, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Tây cho biết họ không nhận được thông tin nào về việc ngư dân Philippines bị Trung Quốc ngăn chặn không cho đánh cá hoặc tiếp cận các bãi cát quanh đảo Thị Tứ, Trường Sa; ngược lại, ngư dân Philippines vẫn đánh bắt bình thường và có thể nghỉ ngơi, trú ẩn trên doi cát quanh đó. Tuy nhiên, ông Rene Medina cho biết, có 10 tàu Trung Quốc đang neo đậu gần đó, nhưng Bộ Tư lệnh miền Tây không nhận được báo cáo nào về việc các tàu này quấy rối ngư dân Philippines, ngoại trừ sự hiện diện “kỳ lạ”, vì các tàu này không có hoạt động đánh bắt nào. Bộ Tư lệnh miền Tây vẫn đang giám sát chặt 10 tàu Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết, các tàu này thực sự là tàu “dân quân biển” Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines không bình luận về sự hiện diện này, nhưng lưu ý Trung Quốc đã cam kết với Philippines, họ không để bạo lực nổ ra.

Yếu tố Trung Quốc đã chi phối toàn bộ giới lãnh đạo Philippines

Trung Quốc không tiếc tiền để đầu tư, viện trợ cho Philippines để chi phối, tác động trong vấn đề Biển Đông. Ngay sau khi PCA (7/2016) đưa ra phán quyết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (10/2016) có chuyến thăm 04 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm, Bắc Kinh và Manila đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với tổng giá trị lên đến 24 tỷ đô la. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China; các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 15 tỷ USD. Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez (21/10/2016) cho biết Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận sơ bộ trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD.

Trong chuyến thăm của Bộ Thương mại Philippines tới Bắc Kinh vào tháng 01/2017, Trung Quốc đã cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines; cho Manila vay 500 triệu USD để mua sắm trang bị quân sự, đề nghị Philippines mua 03 tàu ngầm với trị giá 108 triệu USD, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố và bàn giao cho Philippines 23.000 khẩu súng trường M4.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai và tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành đai, Một Con đường” của ông Duterte(5/2017) , Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp gói viện trợ 73 triệu đô la và hỗ trợ xây cơ sở hạ tầng tại Philippines; ngoài ra 9 công ty của Trung Quốc cũng ký ý định thư để đầu tư nhiều dự án kinh doanh trị giá 9,8 tỷ đô la tại Philippines.

Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (25/11/2017), Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch hợp tác kinh tế dài hạn với Philippines. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 14 thỏa thuận hợp tác liên quan đến kinh tế và quốc phòng. Trung Quốc cũng cam kết viện trợ 150 triệu nhân dân tệ (22,6 triệu đô la Mỹ) để giúp tái thiết thành phố Marawi, nơi bị tàn phá nặng nề sau cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và các tay súng phiến quân Hồi giáo.

Kể từ đó, mới chỉ có một thỏa thuận được hiện thực hóa là khoản vay 73 triệu USD cho dự án thủy lợi ở phía bắc thủ đô Manila. Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia trong cuộc họp báo đồi đầu tháng nói rằng quá trình cho vay của Trung Quốc có vẻ chậm hơn với những gì Manila nhận được từ các nước khác như Nhật Bản.

Tổng thống Duterte không dưới một lần khẳng định sự hỗ trợ về mặt tài chính của Bắc Kinh là lý do chính để Manila xoay trục khỏi Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, khi nói đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Trung Quốc vẫn chưa thể sánh ngang với Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc và Singapore. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố mới đây khẳng định Bắc Kinh vẫn đang tuân thủ các cam kết đầu tư ở Philippines và Trung Quốc hết sức coi trọng việc hợp tác hữu nghị với Philippines, luôn hỗ trợ kế hoạch ‘Xây dựng Lớn, Xây dựng Mạnh’ của Tổng thống Duterte. Nhưng nếu nhìn thực tế, tuyên bố này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có vẻ chỉ mang tính chất tượng trưng bởi nhiều cam kết trong số 27 thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện.

Dưới tác động, lôi kéo, mua chuộc của Trung Quốc, Bắc Kinh và Manila đã 03 lần tổ chức “tham vấn song phương” về vấn đề Biển Đông. Tại các cuộc họp, hai bên đã khởi động Điều khoản tham chiếu (TOR) của Cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông (BCM), đánh giá lại kinh nghiệm của hai nước về Biển Đông, thảo luận khả năng hợp tác hàng hải thực tiễn, hai nước đã xây dựng cơ sở đối thoại “mang tính cơ chế” nhằm giải quyết tốt hơn vấn đề Biển Đông, xử lý các khác biệt giữa hai bên, đưa đối thoại “quay về quỹ đạo”; thảo luận về vấn đề hợp tác trên Biển Đông, đạt được nhiều thỏa thuận mang tính tích cực về việc triệu tập các nhóm công tác kỹ thuật trong những lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển và an ninh chính trị. Trong đó, hai nước được cho là đã đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để tìm ra cách cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà không thiên vị tuyên bố chủ quyền của bên nào trong khu vực…

Tuy nhiên, việc Trung Quốc cố tình mua chuộc Philippines tiến hành tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông chẳng qua là biện pháp đánh bóng hình ảnh và lách luật của Bắc Kinh. Mục tiêu đằng sau việc thúc đẩy tham vấn song phương này của Trung Quốc thực chất chỉ nhằm tiếp tục củng cố chiến thuật chia rẽ các bên yêu sách, hạ thấp vai trò của ASEAN; giúp Bắc Kinh giảm thiểu rủi ro chính trị và ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tà; tuyên truyền việc “hợp tác song phương” để minh chứng hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không bị cản trở và diễn biến tình hình Biển Đông ngày càng càng ổn định.

Tóm lại, Philippines từ nước đầu tàu trong việc bảo vệ chủ quyền và chống lại các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nay đã bị lợi ích kinh tế và nguồn tiền viện trợ của Bắc Kinh tác động, ảnh hưởng khiến Manila gần như bỏ qua tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hành động của Philippines là chịu sự tác động, chi phối của chính sách thực dụng do Tổng thống Duterte dẫn đầu và nguồn đầu tư quá lớn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Philippines cần xem xét, cân nhắc cẩn thận, tránh bị rơi vào tình cảnh vừa đi vay nặng lãi, vừa mất chủ quyền ở Biển Đông, lại còn bị người dân trong nước lên án, chỉ trích.

RELATED ARTICLES

Tin mới