Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDự án Khí Cá Voi Xanh dự kiến khởi động trong năm...

Dự án Khí Cá Voi Xanh dự kiến khởi động trong năm 2019

Ban Khai thác dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết, Dự án Khí Cá Voi Xanh đã hoàn tất thiết kế tổng thể và dự kiến khởi động trong năm 2019. Đây là dự án được điều hành bởi Tập đoàn Exxon Mobil.

Dự án Khí Cá Voi Xanh có tiềm năng kinh tế lớn

Dự án Khí Cá Voi Xanh thuộc lãnh hải xã Tam Quang, huyện Núi Thành, trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, với tổng công suất 3.000 MW cung ứng cho 4 nhà máy điện. Dự án nằm ngoài khơi trong lô 118, thuộc bể Sông Hồng, cách Quảng Nam khoảng 90 km, nằm ở mớm nước sâu hơn 250 mét. Theo kế hoạch, dòng khí đầu tiên của dự án được sẽ được đưa vào bờ cuối năm 2023.

Trữ lượng mỏ Cá Voi Xanh rất tốt, khoảng 150 tỷ mét khối khí cho vòng đời khai thác từ 20 đến 25 năm và là mỏ khí lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam, đến hiện tại. Ước tính, mỏ Cá Voi Xanh có tiềm năng khai thác gần 375 triệu bộ khối khí (cubic feet) và 3.000 thùng condensate/ ngày. Doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD; doanh thu từ điện khoảng 30 tỷ USD. Tổng doanh thu trong vòng đời dự án của toàn Tổ hợp khoảng 60 tỷ USD.

Theo thiết kế, khí và condensate từ Cá Voi Xanh sẽ được vận chuyển qua 2 đường ống ngầm song song về nhà máy xử lý khí trên đất liền, ở Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Từ đây, khí sẽ được cung ứng cho hai nhà máy điện ở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và hai nhà máy tại Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Khả năng Trung Quốc tìm cách cản phá, ngăn chặn Việt Nam khai thác

Khu vực mỏ Cá Voi Xanh nằm tại lô 118, nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam. Song không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngăn cản Việt Nam hợp tác với các đối tác nước ngoài khai thác tài nguyên dầu khí hợp pháp ở Biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách cản phán, ngăn chặn Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông giống như vụ dự án Cá Rồng Đỏ

Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho rằng việc thăm dò dầu khí của Repsol ở vùng biển gần Bãi Tư Chính tại Trường Sa và dự án của ExxonMobil ở khu vực ngoài khơi miền Trung Việt Nam là “hai vấn đề riêng rẽ”. Trung Quốc tuyên bố “đã đạt thỏa thuận với Việt Nam nhằm duy trì nguyên trạng ở Bãi Tư Chính” và khi chính quyền trong nước tái khởi động thăm dò dầu khí ở khu vực này năm ngoái, Trung Quốc đã “gây áp lực lớn” với Hà Nội, và thậm chí “đe dọa sử dụng vũ lực”, khiến “Việt Nam phải xuống thang”. Ông Thayer cho rằng ExxonMobil “hoạt động ở một mỏ gần, nhưng không vượt qúa” đường đứt khúc chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông. Theo ông Carl Thayer, “hai bên đã đạt nhận thức chung, không chính thức, về việc không can thiệp vào các hoạt động của bên kia nếu các hoạt động đó nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế”. Ông Thayer cho rằng sự thấu hiểu này sẽ “giảm bớt nguy cơ” đối với hợp tác hiện thời của ExxonMobil với Việt Nam.

Trung Quốc không có quyền ngăn cản Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi, dựa trên các yếu tố cấu thành chủ quyền của một quốc gia về lãnh thổ đó là khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước và sự đương nhiên thừa nhận trong tập quán quốc tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất có những dữ kiện địa lý, bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế để xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam trong quá trình xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn phù hợp với hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Đó là một quốc gia khi xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ tính chất về mặt nhà nước, tức là nhà nước đó có ban hành văn bản, chính sách và tổ chức quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó hay không khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, đồng thời cách thức xác lập chủ quyền phải được thực hiện bởi tổ chức hành chính trực thuộc nhà nước. Xét về khía cạnh này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Biển Đông đáp ứng đầy đủ tính chất về xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt nhà nước theo quy định của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế.

Quá trình hoạch định và triển khai chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến đã được thể hiện rõ nét trong suốt mọi giai đoạn lịch sử, nội dung đó đã hình thành và liên tục được kế thừa phát triển qua các thể chế nhà nước. Đặc biệt, trong chính sách về biển đảo có nội dung khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những chứng lịch sử đã chứng minh quá trình xác lập chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển đảo của Nhà nước Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những nội dung cơ bản của quá trình triển khai chính sách về biển đối với các Nhà nước phong kiến Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên các vùng biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khu vực Biển Đông luôn được xác định rõ ràng, nội dung này được thể hiện qua những nội dung cơ bản của quá trình hoạch định và thực thi chính sách về biển của quốc gia, điều này hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ vô chủ đương thời. Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại, bởi vậy, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông đã bị một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực bất chấp những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nội dung của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như những quy định của luật biển quốc tế đã xâm chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngoài việc Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, một số văn kiện pháp lý quốc tế từ Tuyên bố Cairo năm 1943, Tuyên ngôn Hội nghị Potsdam năm 1945, Hòa ước San Francisco năm 1951 và Hội nghị Geneve năm 1954 cũng đều đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thừa nhận chủ quyền thuộc về Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 51 nước thành viên của tổ chức Liên hợp quốc là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng và sinh động, nhằm khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực và trên thế giới có cơ sở pháp lý quốc tế từ các hội nghị quốc tế để tiếp tục đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiến tới buộc các bên hữu quan có yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải tiến hành trao trả lại cho Nhà nước Việt Nam đúng theo quy định của luật pháp quốc tế.

Chính vì vậy, Trung Quốc không có quyền ngăn cản hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí của Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam. Nếu Trung Quốc cố tình vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế để cản trở Việt Nam, thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới