Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mới'Gót chân Achilles' khiến Mỹ thua thảm Nga, Trung trong cuộc chiến...

‘Gót chân Achilles’ khiến Mỹ thua thảm Nga, Trung trong cuộc chiến giả định

Sự phụ thuộc quá mức vào căn cứ và chiến hạm lớn khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước tên lửa đối phương trong xung đột quy mô lớn.

“Trong các kịch bản chiến tranh giả định của chúng tôi, Mỹ gần như thảm bại khi đối đầu với Nga và Trung Quốc”, National Interest ngày 11/3 dẫn lời chuyên gia David Ochmanek thuộc tổ chức tư vấn RAND phát biểu trong buổi tọa đàm tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS). “Các loại siêu vũ khí của chúng tôi có quá nhiều gót chân Achilles”.

Theo Ochmanek, nguyên nhân của thất bại này là quân đội Mỹ hiện phụ thuộc quá mức vào các căn cứ quân sự và chiến hạm lớn để vận hành những loại máy bay chiến đấu tàng hình yêu cầu nhiều công nghệ, thiết bị hỗ trợ đi kèm.

“Các căn cứ quân sự trên đất liền và chiến hạm trên biển là những mục tiêu dễ bị tổn thương khi bị tấn công bằng tên lửa tầm xa”, chuyên gia này nhận định. “Những thứ phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng phức tạp ở căn cứ như đường băng, kho xăng dầu cũng đứng trước thách thức rất lớn. Các mục tiêu di chuyển trên mặt biển cũng vậy”.

Ông cho biết trong các tình huống giao tranh mô phỏng, quân đội Mỹ mất rất nhiều sinh mạng, vũ khí, khí tài và thường không đạt được mục tiêu ngăn cuộc tấn công của đối phương.

“Không quân và hải quân Mỹ có thể trở thành nạn nhân của vũ khí siêu vượt âm như Avangard của Nga. Các hệ thống phòng thủ hiện tại của Mỹ không đủ khả năng đối phó với vũ khí có tốc độ bay nhanh gấp 20 vận tốc âm thanh này”, cựu đại tướng Howard Thompson cảnh báo tại cuộc tọa đàm.

Cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Work thì cho rằng tên lửa đối phương cũng là mối đe dọa lớn nhất với ưu thế trên không của Mỹ trong các cuộc giao tranh quy mô lớn. Đòn tấn công tên lửa chớp nhoáng nhằm vào đường băng tại các căn cứ không quân sẽ khiến tiêm kích F-35 không thể cất cánh.

“Trong mọi kịch bản mà tôi biết, tiêm kích tàng hình F-35 thống trị bầu trời khi cất cánh, nhưng nó liên tục bị tiêu diệt ngay trên đường băng với số lượng lớn”, Work nói. Gần 100.000 binh sĩ Mỹ đóng tại châu Âu cũng có thể bị máy bay chiến đấu, tên lửa hay máy bay không người lái đối phương tấn công.

Năng lực tác chiến trên không gian mạng của Trung Quốc cũng là mối đe dọa lớn với quân đội Mỹ. Work cho biết trong các tình huống mô phỏng tác chiến điện tử và chiến tranh mạng, đối phương thường vô hiệu hóa các hệ thống mạng của Mỹ hiệu quả đến mức không ai có thể làm gì.

“Mỗi khi chúng tôi bắt đầu cuộc diễn tập giả định, kẻ địch gần như phá hủy hệ thống chỉ huy, kiểm soát của chúng tôi, khiến chúng tôi phải ngừng lại lập tức”, Work cho biết. Ochmanek giải thích rằng các cơ quan đầu não của quân đội Mỹ bị gây nhiễu và tấn công mạng đến mức “bị chế áp, nếu không muốn nói là tan rã”.

Work nói rằng người Trung Quốc gọi đây là “chiến tranh hủy diệt hệ thống” và họ “lên kế hoạch tấn công mạng lưới tác chiến Mỹ ở mọi tầng nấc, không ngừng nghỉ cũng như luyện tập kế hoạch này mọi lúc”.

Quân đội Mỹ gần đây nỗ lực thay đổi cấu trúc lực lượng và tái trang bị vũ khí để tập trung vào đối phó nguy cơ nổ ra chiến tranh quy mô lớn với các cường quốc, sau nhiều thập kỷ chống phiến quân ở Trung Đông. Các chuyên gia cảnh báo quân đội Mỹ có thể phải chi tới 24 tỷ USD trong những năm tới để khắc phục các “gót chân Achilles” được chỉ ra trong các tình huống chiến tranh giả định.

RELATED ARTICLES

Tin mới