Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTuyên bố và hành động cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông...

Tuyên bố và hành động cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông trong 3 tháng đầu năm 2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố, hành động phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời gia tăng chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong khu vực nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

Tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông

Chính giới Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông

Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (7/3) khẳng định Mỹ nhận thức rõ sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, cho rằng cần phải có phản ứng quốc tế đối với các hoạt động này, trên cơ sở trật tự dựa trên luật lệ, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Để duy trì an ninh khu vực trước các thách thức hiện tại, ông Davidson đề cao vai trò của ASEAN, khẳng định các nước ASEAN có sức mạnh đạt tới thịnh vượng, an ninh, và ngăn chặn các cuộc xung đột khi cùng đoàn kết. Theo ông Davidson, Mỹ và ASEAN chia sẻ sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế và hòa bình giải quyết tranh chấp. Chúng ta cần tăng cường khả năng phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin, đồng thời khẳng định Hải quân Mỹ đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia đối tác trong ứng phó với các thách thức an ninh biển. Đáng chú ý, Đô đốc Davidson cho biết đang hướng tới cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và ASEAN vào cuối năm 2019. Trước đó, ông Davidson (12/2) cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và sẽ có sự tham gia của các đồng minh và đối tác; nhấn mạnh các hành vi của Trung Quốc liên quan đến việc mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế lại là mối đe dọa lớn hơn đối với việc duy trì hoạt động tự do lưu chuyển của các luồng người và thương mại. Theo Đô đốc Davidson, hình thức thể hiện rõ nhất ảnh hưởng của Trung Quốc là việc nước này sử dụng các đảo ở Biển Đông để củng cố các yêu sách lãnh thổ ngày càng tăng của mình. Luật pháp quốc tế không công nhận điều này và việc triển khai các hoạt động tự do hàng hải là cách để Trung Quốc biết rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận các yêu sách đó.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) khẳng định việc Trung Quốc xây đảo và tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh, kéo theo đó là đời sống kinh tế của Philippines và của Mỹ nữa. Ông Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ hậu thuẫn Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang đối với tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông bởi cuộc tấn công như vậy nằm trong phạm vi nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 Hiệp ước Phòng thủ giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai khẳng định cam kết bảo vệ lãnh thổ Philippines ở Biển Đông., Ngoại trưởng Pompeo còn cho biết, Mỹ không chỉ hỗ trợ Philippines trong vấn đề này mà cả các nước khác trong khu vực nữa, có như vậy thì các tuyến hàng hải quan trọng ở đây mới luôn được thông thoáng và Trung Quốc không đe dọa đóng chặn các tuyến đường này. Đáng chú ý, trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Duterte, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của mình theo nhiều cách nhằm ngăn cản tự do hàng hải ở khu vực, đồng thời cho biết Washington có chiến lược an ninh quốc gia để đối phó với vấn đề này.

Nghị sỹ James Inhofe, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ (29/1) cho rằng việc Trung Quốc đang xây dựng các công trình quân sự trên các đảo ở Biển Đông giống như là “đang chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới thứ ba”; khẳng định quân đội Mỹ đã duy trì sự hiện diện ở Biển Đông và rộng hơn là Thái Bình Dương, chủ yếu là theo dõi Trung Quốc yêu sách các đảo đá trước khi biến các rặng san hô thành các pháo đài với đầy đủ vũ khí và vật liệu dự trữ. Việc Trung Quốc không ngừng mở rộng tới quần đảo Trường Sa là kích động các nước láng giềng và tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế, là sự quyết đoán khiến cho hải quân Mỹ phải kiểm tra thông qua các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên.

Đáng chú ý, Thượng viện Mỹ (29/1) đã công bố một báo cáo tình báo về các mối đe dọa toàn cầu. Theo đó, Trung Quốc có vẻ sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và lưỡng dụng tại quần đảo Trường Sa nhằm nâng cao khả năng kiểm soát và thể hiện sức mạnh. Giám đốc tình báo Mỹ Dan Coats cho rằng “khả năng và tầm với quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng khi nước này đầu tư mạnh vào phát triển và chế tạo các loại vũ khí tối tân, và Bắc Kinh sẽ sử dụng lực lượng quân sự của mình để mở rộng phạm vi và gia tăng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình”. Ông Coats dự đoán, theo xu hướng này, Trung Quốc sẽ cố gắng củng cố và tăng cường kiểm soát trong phạm vi tầm ảnh hưởng trực tiếp ở Biển Đông và sự hiện diện trên toàn cầu sẽ được mở rộng hơn nữa. Báo cáo tình báo cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ đẩy mạnh việc truyền bá tư tưởng tới các nước ASEAN rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tại các vùng biển Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực.

Mỹ tiến hành nhiều hoạt động cụ thể để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông

Mỹ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thách thức các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc củng cố các yêu sách biển tại khu vực này. Theo thống kê, Mỹ đã tiến hành 2 hoạt động tự do hàng hải từ đầu năm 2019 đến nay, 5 lần trong năm 2018, 4 lần trong năm 2017, so với 4 lần trong năm 2015-2016. Các hoạt động này đều khiến Bắc Kinh tức giận, phải ra lời cảnh báo và cử tàu ra đuổi tàu chiến Mỹ, đôi lúc suýt xảy ra va chạm. Cụ thể: (1) Lực lượng không quân Thái Bình Dương (4/3) đã điều hai máy bay ném bom B-52 Stratofortress cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, Guam để tham gia các hoạt động huấn luyện thường kỳ. Trong đó, một máy bay đã thực hiện huấn luyện gần Biển Đông trước khi trở lại Guam, chiếc còn lại tham gia hoạt động phối hợp với Hải quân Mỹ và lực lượng phòng vệ trên không và trên biển của Nhật Bản tại khu vực gần Nhật Bản. (2) Mỹ và Anh (18/2) tiếp tục điều tàu chiến tiến hành huấn luyện an ninh hàng hải và hậu cần ở Biển Đông nhằm khẳng định quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi lại trong khu vực. Theo đó, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe trong khi Hải quân Hoàng gia Anh triển khai tàu hộ vệ HMS Montrose tham gia cuộc tập trận hậu cần và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Được biết, tàu hộ vệ HMS Montrose là chiến hạm thuộc Type 23, lớp “Duke”. Tàu có lượng chiều dài 133m, rộng 16,1m, mớn nước 7,3m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.900 tấn. Nó được trang bị vũ khí chủ lực là tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, tên lửa phòng không Sea Wolf, ngư lôi 324 mm Sting Ray và các pháo hạm, súng máy khác. Trong khi đó, Guadalupe là tàu tiếp liệu lớp Henry J. Kaiser thứ 14, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động thường ngày và hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Mỹ và các lực lượng đồng minh hoạt động trong khu vực thuộc trách nhiệm của Hạm đội 7. Trong cuộc tập trận trên, các binh sĩ Anh và Mỹ đã diễn tập kịch bản mô phỏng hoạt động lên tàu, khám xét và bắt giữ với sự tham gia của tàu Montrose và tàu Guadalupe. Các tàu này cũng mô phỏng hoạt động tiếp nhiên liệu trên biển, bảo đảm quá trình chuyển giao nhiên liệu an toàn và hiệu quả mặc dù chưa từng phối hợp với nhau trước đây. (3) Mỹ (11/2) đã điều hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường đi vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn ở Trường Sa nhằm phản đối những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang bế tắc trong cuộc chiến thương mại, động thái mới nhất này của Washington một lần nữa lại khiến Bắc Kinh tức giận. (4) Hải quân Mỹ và Anh (11-16/1) đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ và tàu hộ vệ Hải quân Hoàng gia Anh HMS Argyll tiến hành các hoạt động ở Biển Đông như tập trận liên lạc, chiến thuật phân chia, trao đổi nhân sự, nhằm giải quyết các ưu tiên an ninh biển chung, tăng cường khả năng tương tác, phát triển quan hệ có lợi cho cả hai hải quân trong nhiều năm tới. (5) Hải quân Mỹ (7/1) đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel McMarr cho biết, hoạt động này nhằm “thách thức các yêu sách biển quá đáng”, không hướng đến một quốc gia cụ thể hay chủ đích đưa ra một tuyên bố chính trị nào.

Trung Quốc tiếp tục đưa ra các biện pháp đối phó

Trung Quốc chủ yếu thông qua các quan chức ngoại giao và quốc phòng phản đối hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (28/2) cho rằng, hiện nay dưới sự nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, cục diện Biển Đông là hòa bình, ổn định và tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt; nhấn mạnh Trung Quốc “tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không mà các quốc gia ở Biển Đông được hưởng theo luật pháp quốc tế”, nhưng kiên quyết phản đối một số quốc gia lấy danh nghĩa “tự do hàng hải” tiến hành khiêu khích quân sự ở Biển Đông; đồng thời lồng ghép khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo và vùng nước xung quanh ở Biển Đông, tình hình Biển Đông đang dần cải thiện; cáo buộc việc các tàu và máy bay của Mỹ xâm phạm vào vùng nước và không phận các đảo ở Biển Đông không những không được các nước trong khu vực hoan nghênh mà còn ảnh hưởng đến “an ninh chủ quyền” của Trung Quốc, vi phạm luật pháp, thực tiễn quốc tế, gây nguy hại đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trung Quốc kiên quyết phản đối các hoạt động này; yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền, an ninh của Trung Quốc, tôn trọng khát vọng chung của các nước trong khu vực về bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, không gây rắc rối, tạo sóng ở khu vực. Quân đội Trung Quốc sẽ kiên định thực hiện nhiệm vụ phòng vệ, tiến hành các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (15/2) đã chỉ trích Mỹ lấy cớ để tăng cường triển khai quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bà Hoa so sánh các hoạt động của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, hàm ý kết luận chính Mỹ mới là bên gây ra quân sự hóa khu vực này. Cụ thể, bà Hoa cho rằng Mỹ đưa các tàu chiến và máy bay cùng các vũ khí hiện đại vượt nửa vòng Trái đất đến Biển Đông, trong khi Trung Quốc thực hiện các hoạt động cứu trợ người và phương tiện gặp nạn tại đây. Đồng thời, bà Hoa Xuân Oánh cũng lớn tiếng kêu gọi các nước liên quan tôn trọng ý chí và nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tránh tạo xung đột, hợp tác một cách xây dựng với các nước khác để duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển này. Trước đó, bà Hoa Xuân Oánh (11/2) cho rằng hai tàu khu trục USS Spruance và USS Preble của Mỹ không chỉ xâm phạm vào vùng nước của đá Vành Khăn mà còn đi gần bãi Cỏ Mây, đều thuộc “quần đảo Nam Sa của Trung Quốc” mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc; cho rằng hành động này đã xâm phạm “chủ quyền” của Trung Quốc và làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và trật tự tốt đẹp ở vùng biển này. Trung Quốc kịch liệt phản đối hành động nêu trên, Hải quân Trung Quốc đã ra cảnh báo và đuổi hai tàu chiến của Mỹ đi; tuyên bố Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ “chủ quyền, an ninh của mình và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Song song với việc đưa ra các tuyên bố phản đổi, quân đội Trung Quốc cũng có các hoạt động thực tiễn đáp trả Mỹ ở Biển Đông. Trong hai tháng đầu năm 2019, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai huấn luyện chiến đấu tăng cường theo chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Một đội hình của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành luyện tập bắn đạn thật vào giữa tháng 2 ở biển Hoa Đông. Trong khi đó, một đội tàu hộ vệ khác và một tàu ngầm đã đến Biển Đông, tiến hành nhiều cuộc tập trận, bao gồm diễn tập chống ngầm, phòng không và diễn tập bổ sung. Bên cạnh các cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc, các đơn vị của Bộ binh và Không quân cũng tiến hành các hoạt động tập trận tại các địa điểm khác nhau trên đất liền. Trước đó, Trung Quốc (9/1) đã điều động tên lửa đối hạm tầm xa DF-26 tới khu vực cao nguyên ở Tây Bắc Trung Quốc, sau khi tàu USS Mc Campbell của Mỹ đi vào 12 hải lý các cấu trúc ở Hoàng Sa mà Bắc Kinh cho là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Trung Quốc, mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân, có khả năng nhắm đến các tàu hạng trung và lớn trên biển. Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), từ tháng 4/2018, tên lửa DF-26 được trang bị cho Lực lượng tên lửa thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và đây là lần đầu tiên DF-26 xuất hiện công khai cận cảnh kể từ khi gia nhập PLA.

Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các hoạt động tự do hàng hải và sẽ cử thêm nhiều tàu hải cảnh đến Biển Đông. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ đã được kiềm chế bởi không bên nào muốn chiến tranh; đồng thời nhận định Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác để ngăn chặn tuyến vận tải chở dầu thô của Bắc Kinh qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, qua đó kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới