Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề thượng tôn pháp luật quốc tế ở Biển Đông được...

Vấn đề thượng tôn pháp luật quốc tế ở Biển Đông được đề cập nhiều tại các diễn đàn song phương và đa phương đầu năm 2019

Giải quyết hoà bình các tranh chấp, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.Đây là nội dung được các nước liên tục đưa ra tại các diễn đàn song phương và đa phương ngay từ đầu năm 2019 đến nay.


Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN hẹp và Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16. Nguồn: AFP/AP

Tại Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 (7/3)

Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 (ACDFM-16) đã diễn ra hôm 7/3, tại thành phố Pattaya, Thái Lan. Tại hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu quân sự cấp cao các nước đã có các bài phát biểu tham luận quan trọng, trao đổi sâu rộng về các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó có an ninh biển, chống khủng bố và thảm họa thiên nhiên. Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn, tham dự hội nghị. Đại diện phía Việt Nam bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị ACDFM lần này, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và cam kết của các nước trong việc tiếp tục duy trì tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và các cam kết khu vực; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tránh gây căng thẳng và phức tạp thêm tình hình; tăng cường biện pháp xây dựng lòng tin như thực hành Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) và Hướng dẫn tránh va chạm giữa các máy bay quân sự (GAME). Bên cạnh đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị lực lượng thực thi pháp luật trên biển và hải quân các bên liên quan tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin để giải quyết các sự vụ trên biển, nhất là ngư dân, một cách nhanh chóng, hiệu quả trên tinh thần nhân đạo, góp phần duy trì hoà bình, ổn định vùng biển trong khu vực.

Tại Kỳ họp lần thứ 9, Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Philippines (6/3)

Trong chuyến thăm Philippines và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Philippines của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 6/3 vừa qua, hai bên đã trao đổi sâu và cùng chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc bảo đảm hòa bình ở Biển Đông. Các tranh chấp được giải quyết hoà bình, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá. Tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, hai nước cũng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, chống khủng bố, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm ma túy, tiếp tục tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa lực lượng vũ trang hai nước, cũng như duy trì đều đặn các cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng, tham vấn hải quân song phương.

Tại các cuộc tiếp xúc cấp cao Việt Nam – Mỹ trong dịp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần thứ hai (27-28/2)

Trong dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ tại Việt Nam (27-28/2), Tổng thống Mỹ Donad Trump đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên đã thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình Biển Đông. Hai bên khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ DOC và sớm ký kết COC. Trước đó vào hôm 26/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo nhân chuyến thăm tới Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo ngành ngoại giao Việt Nam và Mỹ tái khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ DOC và sớm ký kết COC.

Trong chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (25-26/2)

Nhân chuyến thăm chính thức Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam theo lời mời của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, hai nước đã ra Tuyên bố chung, trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS; cam kết cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và thúc đẩy để sớm đạt được COC thực chất và hiệu quả, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tại Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan (25/01)

Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan (Joint Commission on Bilateral Cooperation – JCBC) diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan từ ngày 24-25/1/2019. Hai bên nhất trí phối hợp cùng các nước thành viên khác đẩy mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đối với các vấn đề chung của khu vực, trong đó có Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả. Thái Lan hiện nước Chủ tịch ASEAN 2019 và Việt Nam sẽ là nước Chủ tịch ASEAN 2020.

Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (18-19/01)

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/1 ở Chieng Mai, Thái Lan. Bên cạnh các nội dung như tiến trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy liên kết kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại…, duy trì an ninh trên Biển Đông cũng là một nội dung được bàn thảo, coi đây là trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm 2019 này. Các Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian qua, tình hình Biển Đông trên thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng; bày tỏ quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hòa bình và an ninh khu vực.

Tại cuộc Đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc (14/01)

Tại cuộc Đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc ở Lào Cai, Việt Nam hôm 14/01, về vấn đề trên biển, hai bên khẳng định tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung quan trọng giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, nhất trí thúc đẩy giải quyết vấn đề trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển, không làm phức tạp tình hình, thúc đẩy hợp tác phù hợp, cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển. Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về một số diễn biến phức tạp trên Biển Đông trong thời gian qua không có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Đồng thời, hai bên nhất trí tiếp tục cùng các nước ASEAN thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Tại Đối thoại ngoại giao, quốc phòng song phương (“2+2”) giữa Nhật Bản và Pháp (11/01)

Tại cuộc đối thoại này,Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cùng Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly đã có cuộc gặp tại một cơ sở hải quân ở thành phố Brest, Tây Bắc Pháp vào ngày 11/1. Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Các bên cũng nhất trí phản đối những hành động đơn phương gây căng thẳng trong khu vực. Pháp và Nhật Bản đồng ý thiết lập khuôn khổ đối thoại về biển nhằm cải thiện khả năng phối hợp giữa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và lực lượng quân sự Pháp đóng tại các đảo ở nam Thái Bình Dương. Các phái đoàn của hai bên tham gia đối thoại sẽ thảo luận về nhiều vấn đề như an ninh quốc gia, khoa học, công nghệ, môi trường và năng lượng.

Phát biểu trước báo chí hôm 15/1, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã thẳng thắn đánh giá tình hình thực tế, nêu quan điểm rõ ràng của Việt Nam và đề cập tới giải pháp giải quyết những bất đồng trên Biển Đông. “Các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập tại khu vực này, làm cho tình hình Biển Đông “nóng” hơn. Biển Đông là mối quan tâm chung, không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố, gây xung đột trong khu vực. Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông”; khẳng định, lập trường của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đó là quyền của các nước có vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển, không xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và hoàn nghênh các sáng kiến góp phần duy trì hòa bình trên Biển Đông. “Qua gần 20 năm, trong DOC có điều khoản phải tiến tới xây dựng COC. Việc ASEAN – Trung Quốc thương lượng xây dựng COC không phải điều nằm ngoài tiến trình DOC nhưng diễn ra chậm hơn mong muốn của các bên. Hiện trong DOC có nhiều điều khoản chưa thực hiện được, dù hàng năm vẫn kiểm điểm đánh giá việc thực hiện DOC, trong đó có thay đổi các hiện trạng tại Biển Đông là điều DOC chưa làm được, do đó COC phải đảm bảo các yếu tố có tính chất pháp lý ràng buộc”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới