Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐiểm tinĐầu tư từ TQ: Dù rủi ro, người dân Nepal thừa nhận...

Đầu tư từ TQ: Dù rủi ro, người dân Nepal thừa nhận không còn lựa chọn

Với việc hoàn thành 140km đường nối từ thủ đô Kathmandu của Nepal về phía bắc thông qua sáng kiến Vành đai – Con đường, Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng hiện diện ở khu vực Nam Á.

Dự án thủy điện Rasuwagadhi do ngân hàng Trung Quốc Exim Bank rót vốn. Ảnh: Tom Vater.

Dự án từ Trung Quốc mọc lên “như nấm”

Vào đầu thế kỉ 19, Nepal chủ yếu xuất khẩu gạo, bột mì và bơ sang Tây Tạng, đồng thời nhập khẩu ngược lại len và muối từ vùng đất này. Tuy nhiên hiện tại, hầu hết những đoàn xe tải di chuyển từ Nepal về phía Jilong, Trung Quốc đều trống trơn, ngoại trừ thỉnh thoảng là những chuyến xe chở lúa mì và ớt. Trong khi đó, 90% hoạt động thương mại dọc biên giới chủ yếu vận chuyển hàng hoá tiêu dùng và công nghiệp từ Trung Quốc đến Nepal.

Trong thời gian qua, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai – Con đường” đang “mọc lên như nấm” ở khu vực biên giới 2 nước, bao gồm kế hoạch sửa chữa các cây cầu nối liền các thị trấn biên giới Nepal và Trung Quốc.

Tháng 6/2018, Nepal và Trung Quốc đã khởi động lại kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt tới Jilong vào năm 2020 với số vốn đầu tư lên tới 8 tỉ USD, trong đó kết nối với Kathmandu thông qua thị trấn Timure vào năm 2027 và hướng tới Lumbini, biên giới Nepal với Ấn Độ.

Ngoài ra, Nepal và Trung Quốc cũng đã kí các thoả thuận về việc phát triển các dự án thuỷ lợi, nhà máy sản xuất xi măng và các khu chế xuất nông sản với tổng trị giá đầu tư lên tới 2,4 tỷ USD.

Theo Bộ công nghiệp Nepal, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc tại nước này đã vượt tất cả các quốc gia khác trong 3 năm liên tiếp tính tới 12/7/2018. Trong khi đó, vốn đầu tư từ Ấn Độ ở cùng thời điểm chỉ bằng khoảng 10% của Trung Quốc

Đối với quốc gia Nam Á, cái giá cho những dự án này là sự ủng hộ về ngoại giao đối với Bắc Kinh: Lãnh sự Nepal tại Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, được biết đến là cơ quan ngoại giao nước ngoài duy nhất tại đây, đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với cả Tây Tạng và Đài Loan.

Lo ngại tác động tiêu cực

Trận động đất xảy ra vào năm 2015 đã gần như phá huỷ hoàn toàn tuyến đường nối biên giới 2 nước đi qua thị trấn Timure của Nepal. Đến nay, khu vực cửa khẩu Tatopani – Zhangmu vẫn chưa thể hoạt động trở lại do thiệt hại nặng nề từ trận động đất, đối mặt với tình trạng tương tự là nhà máy thuỷ điện Rasuwagadhi vốn đang trong giai đoạn thi công và được ngân hàng Trung Quốc Exim Bank cấp vốn.

Sau trận động đất, quân đội Trung Quốc đã tham gia hỗ trợ Nepal trong công tác cứu hộ và tiến hành di tản các công nhân Trung Quốc tại nhà máy, nơi 35 người đã thiệt mạng.

Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại biên giới 2 nước thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Sáng kiến “Vành đai – Con đường”. Dự án thuỷ điện cũng được khởi động lại vào năm 2016 bất chấp sự phản đối từ người dân địa phương do lo ngại tác động tiêu cực về môi trường.

Khado, chủ một nhà nghỉ tại thị trấn Timure cho biết sự phát triển của khu vực này đang kéo theo làn sóng người lao động và du khách từ Ấn Độ, bên cạnh đó là giới doanh nhân Trung Quốc.

International Rivers, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ về môi trường, đã kêu gọi cần đánh giá lại các rủi ro và lợi ích từ những dự án của Trung Quốc tại Nepal. Đáng chú ý, tổ chức này đã đặt dấu hỏi về tính bền vững và hiệu quả lâu dài của dự án thuỷ điện Rasuwagadhi do tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu.

Nepal với hơn 6.000 dòng sông trải dài khắp đất nước, coi tiềm năng thuỷ điện là nguồn tài nguyên xuất khẩu chính trong tương lai, đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Thuỷ điện Quốc tế (IHA), tổng công suất lý thuyết từ nguồn lực thuỷ điện tại Nepal lên tới 84,000 megawatt, trong khi hiện công suất lắp đặt mới chỉ ở mức 753 megawatt. Ngoài ra, quốc gia này cũng kì vọng sẽ tận dụng được vị trí chiến lược với biện giới phía Nam là cửa ngõ hướng tới thị trường Ấn Độ.

Các nhà đầu tư Trung Quốc nhận được những ưu đãi lớn từ phía chính quyền Kathmandu để đầu tư tại đây. “Đối với lĩnh vực năng lượng, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm đầu tiên, và giảm xuống 50% trong 5 năm tiếp theo, đối với lĩnh vực du lịch là 100% trong 5 năm với các khoản đầu tư trên mức 17,5 tỷ USD”, Binod Prasad Acharya, chuyên viên kinh tế tại sứ quán Nepal ở Bắc Kinh cho biết tại một hội thảo về xúc tiến vốn đầu tư Trung Quốc vào tháng 2/2017.

Hiện, cả Ấn Độ và Mỹ đã cảnh báo Nepal về các khoản vay với những điều khoản không rõ ràng từ Trung quốc, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh đang đẩy các quốc gia đang phát triển vào những bẫy nợ, qua đó giúp nước này gia tăng các ảnh hưởng chính trị trong tương lai.

Lựa chọn duy nhất

Dẫu vậy, đối với những người dân sinh sống dọc biên giới với Trung Quốc, khoản đầu tư từ Bắc Kinh mang lại những cơ hội đổi đời.

Bahadur Tamang chở khách 3 chuyến mỗi tuần và kiếm được 530 USD mỗi tháng, một khoản tiền không nhỏ tại Nepal, khi GDP đầu người ở quốc gia này hiện chỉ ở mức 1.000 USD ở giai đoạn 2017 – 2018.

Tuy nhiên, đây cũng là một công việc đầy rủi ro. Pasang Lhamu, tuyến đường từ Kathmandu đến biên giới, đã xuống cấp trầm trọng do thường xuyên phải đối mặt với tình trạng lở đất. Đồng thời các lái xe di chuyển qua tuyến đường này thường xuyên bị kiểm tra an ninh do tuyến đường đang được quân đội Nepal kiểm soát. Với hơn 8 tiếng đồng hồ di chuyển, tuyến đường đỏi hỏi một sự tập trung cao độ từ các lái xe.

Pemba Tashi, 37 tuổi, cho biết anh thường làm việc tại những công trường xây dựng ở bên kia bên giới để đổi lại 150 Nhân dân tệ (tương đương 22 USD) một ngày, gấp đôi mức thu nhập kiếm được ở trong nước để kiếm tiền nuôi bốn đứa con ăn học.

“Chúng tôi có thể kiếm được nhiều công việc khác nhau, kéo dài từ vài tuần cho đến 3 năm, trong khi phụ nữ thì làm việc tại các quán bar hay cửa hàng”, Tashi nói. Kể từ năm 2002, người dân Nepal dọc biên giới Trung Quốc được phép tiến vào trong lãnh thổ Trung Quốc trong phạm vi 30km để du lịch, làm việc hay mua bán.

“Mọi thứ trong nhà tôi đều được mua từ Trung Quốc. Chúng tôi phải sang đó để kiếm sống và mua hàng. Đây là cách duy nhất để tiếp tục duy trì cuộc sống trong những năm tới”, Tashi khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới