Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGạc Ma năm 1988, trận chiến hay là thảm sát?

Gạc Ma năm 1988, trận chiến hay là thảm sát?

Cách đây 31 năm, hải quân Trung Quốc đưa lực lượng tiến xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng vũ lực cưỡng chiếm bãi đá Gạc Ma nằm trong cụm đảo Sinh Tồn. Rồi sau đó, Trung Quốc tiếp tục cưỡng chiếm thêm các đảo, bãi ngầm khác ở Trường Sa như Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Xu Bi. Hành động hải quân Trung Quốc dùng vũ lực cướp đoạt lãnh thổ, đất đai của nước láng giềng bên cạnh mà chính Trung Quốc đã từng coi là đồng chí, anh em thân thiết “môi hở, răng lạnh” được báo chí Trung Quốc tung hô là những “trận chiến thắng lợi” của quân đội nước này. Và mỉa mai thay, cuộc cưỡng chiếm với lợi thế tối đa về lực lượng và vũ khí nghiêng về phía Trung Quốc, dẫn tới cái chết của 64 người lính công binh hải quân Việt Nam lại dường như được phía quân đội Trung Quốc coi là “chiến lệ” đáng học tập, rút kinh nghiệm cho hải quân nước họ. Vậy đây là trận chiến hay là thảm sát?

Sáng 14/3/1988, ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam tiếp cận bãi đá Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình tôn tạo và cắm cờ chủ quyền Việt Nam. Do Gạc Ma là bãi san hô có diện tích nhỏ, đây đó có một vài mỏm đá nhô lên khỏi mặt nước, còn hầu hết bãi đều chìm trong nước biển ở độ sâu từ đầu gối đến ngang thắt lưng người, nên các lính công binh Việt Nam phải đổ bộ lên bãi bằng xuồng nhỏ và dầm mình trong nước biển để làm nhiệm vụ. Tàu hải quân Trung Quốc với ý đồ cướp đất đã có từ trước nên rập rình ở vùng biển cụm Sinh Tồn bấy lâu nay; khi phát hiện thấy lính công binh Việt Nam không có tàu bảo vệ, lên đảo ngập nước không có công sự che chắn, lại chỉ có mấy khẩu tiểu liên khoác vai, liền lao tới. Ba chiếc tàu chiến lớn tiếp cận Gạc Ma, cho xuồng áp sát, đổ quân đòi giật cờ của Việt Nam. Thế là diễn ra cuộc giằng co, đấu khẩu dữ dội giữa hai bên. Những người lính Việt Nam nhận được mệnh lệnh từ chỉ huy là không được nổ súng trước, cho dù có xảy ra việc gì đi nữa. Họ đã được quán triệt trước từ ở nhà, rằng khi ra biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng không được tạo cớ cho đối phương châm ngòi gây chiến tranh. Người Việt Nam đã “đi guốc vào bụng Trung Quốc” nên hiểu rằng phải làm thế. Nhận thấy tương quan lực lượng Việt Nam không thấm vào đâu so với mình, phía Trung Quốc liền rút quân ra, về tàu lớn và rồi từ trên các con tàu đó, họ chĩa đại liên 25 mm, súng 12 ly 7 và các loại súng, pháo khác nhằm vào những người lính Việt Nam đang đứng trên bãi nước ngập mà xả đạn. Những đường đạn đỏ lừ, những cột nước bốc lên và những người lính công binh Việt Nam lần lượt đổ gục trên mặt biển mênh mông. Chỉ 28 phút sau, mặt biển quang tạnh bóng người, không một ai sống sót. 64 người lính Việt Nam bị giết hại như thế. Họ đâu có được “nghênh chiến” với quân Trung Quốc. Họ đâu có được trang bị đại liên, súng, pháo để “đấu nhau” với quân Trung Quốc. Họ cũng không có chiếc tàu chiến hiện đại nào đứng yểm trợ cho từ bên ngoài. Cuộc đấu không cân sức như thế mà Trung Quốc gọi là “trận chiến”. Thảm sát người ta như thế mà gọi là “thắng lợi”. Không những thế, năm 2009, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc, họ còn đem băng video do quân họ quay được khi đó ra phát trên Internet để “khoe” với thiên hạ về công trạng của hải quân Trung Quốc. Thật không có quân đội nước nào lại ghi danh vào lịch sử công trạng của mình như cách quân đội Trung Quốc đã làm. Và không biết “chiến lệ” mà các thế hệ hải quân Trung Quốc sau này học được ở đây là những gì, rút ra được kinh nghiệm gì. Có lẽ họ học được bài học về “lấy thịt đè người” và rút ra được kinh nghiệm về thảm sát giết người không ghê tay. Bài học “lấy thịt đè người” thì đã thất bại từ hồi chiến tranh xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam năm 1979, khi định dùng chiến thuật “biển người” xông vào lãnh thổ Việt Nam nhưng bị chặn đứng. Còn kinh nghiệm giết người không ghê tay thì quả là họ có rút ra được. Bằng chứng là chỉ hơn một năm sau, ngày 04/6/1989, quân đội Trung Quốc đã lại ra tay, đưa xe tăng xả súng bắn rồi nghiền nát và đốt xác phi tang chính hàng ngàn người dân Trung Quốc đang biểu tình ngay tại quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, trong vụ động loạn mà dân gian vẫn gọi là “Thảm sát Thiên An Môn 1989” hay “Mùa xuân Bắc Kinh 1989”.

Đấy là nói về vai trò cụ thể của quân đội Trung Quốc trong vụ việc ở Gạc Ma, cướp không một phần lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng chẳng qua họ là người thực hiện mà thôi. Ở đây phải nói rằng, ý đồ chiến lược sâu xa mở rộng biên giới lãnh thổ quốc gia xuống phía nam của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc mới đáng quan tâm và nó đã có từ lâu, được một trong những lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cổ vũ, ủng hộ nhiệt thành và ông ta cũng là người thực hiện tích cực nhất so với những người tiền nhiệm. Đó là ông Đặng Tiểu Bình. Chính Đặng Tiểu Bình là người “bật đèn xanh” cho hải quân Trung Quốc gây sự với hải quân Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa tháng 1/1974, để rồi dùng vũ lực cưỡng đoạt hoàn toàn quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng hòa. Chính Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979 mà ông ta hô hào là cuộc “phản kích tự vệ” nhưng lại để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Cũng chính Đặng Tiểu Bình là người phê duyệt kế hoạch tác chiến của Quân ủy trung ương quân đội Trung Quốc về đánh chiếm các đảo ở Trường Sa, mở rộng lãnh thổ Trung Quốc về phía Nam. Một phần của kế hoạch trên là cưỡng chiếm Gạc Ma và nó được hải quân Trung Quốc thực thi bằng một vụ thảm sát cực kỳ dã man đối với những người lính công binh hải quân Việt Nam “tay không tấc sắt”. Trớ trêu thay, cũng chính Đặng Tiểu Bình là người đã ra lệnh cho quân đội Trung Quốc thảm sát đồng bào mình tại quảng trường Thiên An Môn năm nào. Con người này, lịch sử Trung Hoa có ghi nhận rằng, ông ta vừa có công, vừa có tội. Nhưng lịch sử Việt Nam có lẽ chỉ nhận thấy ông ta là con người có tội với đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam mà thôi, trong đó có tội thảm sát ở Gạc Ma.

Sau vụ thảm sát trên, báo chí Trung Quốc hí hửng đánh giá: “Sau trận chiến này, Trung Quốc đã có 6 điểm đứng chân ở Nam Sa. Có nghĩa là chúng ta đã tiến thêm được 500 – 600km xuống phía Nam”. Thế là, bản chất tham vọng về biên giới lãnh thổ trên biển của Trung Quốc đã lộ ra, chứ đâu phải họ chỉ muốn vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Vì nếu theo đúng quy định của Công ước này, quốc gia ven biển có chiều rộng bao nhiêu hải lý vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ đường cơ sở sẽ rất cụ thể và chẳng có chỗ nào cách xa Trung Quốc đến 500 – 600km. Cách tính đường biên giới Trung Quốc tiến xuống phía Nam như trên đã vượt trên mọi sự cho phép và nếu cứ theo như cách tính đó, không lâu nữa, Trung Quốc sẽ tiến thêm một bước tới tận vùng biển Natuna của Indonesia và cũng chưa biết chừng, họ lại gây ra một vụ thảm sát tương tự tại vùng biển này đối với người Indonesia.

Mặc dù hiện nay, Trung Quốc vẫn đang hiện diện ở Gạc Ma và 5 thực thể nữa do họ chiếm đóng ở Trường Sa từ năm 1988. Nhưng trong tiềm thức của người dân Trung Quốc, cả chính quyền một số địa phương ở Trung Quốc nữa, vẫn có rất nhiều người hiểu rằng, nghĩ rằng và cho rằng, đất nước họ cho dù có to, rộng đến đâu thì đường biên giới quốc gia cũng chỉ đến cực Nam tỉnh Hải Nam là hết. Bằng chứng khó phủ nhận là cho tới tận năm 2008, 20 năm sau khi xảy ra sự kiện thảm sát Gạc Ma, ở bãi biển Tam Á, nơi tận cùng sát biển của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, vẫn có một khu du lịch rất đông du khách nội địa Trung Quốc và nước ngoài đến tham quan, thưởng ngoạn. Khu du lịch đó có tên là “chân trời, góc biển” và hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc khi giới thiệu nó cho du khách nước ngoài, vẫn buột mồm nói rằng, lãnh thổ của Trung Quốc đến đây là tận cùng rồi.

Vì vậy, hệ thống báo chí, truyền thông và cả bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc dù có lấp liếm hay khoe khoang với bàn dân thiên hạ và người dân nước họ như thế nào chăng nữa về chủ quyền biên giới, lãnh thổ thì sự thật về vụ thảm sát Gạc Ma, sự thật về ý đồ lấn chiếm mở rộng biên giới Trung Quốc tiến xuống phía Nam bằng hành động vô nhân tính, phi đạo lý của giới lãnh đạo bành trướng Trung Quốc vẫn không thể che đậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới