Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiGió ngược chờ Sáng kiến Vành đai và con đường

Gió ngược chờ Sáng kiến Vành đai và con đường

Môi trường bên ngoài Trung Quốc đã thay đổi đến mức gần như không thể nhận ra so với lúc Sáng kiến Vành đai và con đường được tung ra vào năm 2013.

Một công nhân xây dựng nhìn về cây cầu Sinamale do Trung Quốc trợ vốn ở Male – Maldives Ảnh: REUTERS

Gần đây, Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) nhận phải nhiều tin xấu. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy bỏ 2 dự án lớn của BRI vì lý do kinh phí cao, bao gồm một tuyến đường sắt trị giá 20 tỉ USD.

Chính phủ mới của Pakistan cũng đang kêu gọi xem xét lại Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), siêu dự án chủ chốt của BRI được Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 60 tỉ USD.

Chưa hết, chính phủ Myanmar vừa thông báo với Bắc Kinh rằng kế hoạch xây dựng đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ sẽ không được phép tiếp tục. Đến Maldives, đảo quốc tí hon trên Ấn Độ Dương, cũng đang cố gắng tái đàm phán khoản nợ 3 tỉ USD, tương đương với 2/3 GDP của nước này, mà họ đã mượn của Trung Quốc để làm vốn cho các dự án của BRI.

Tại Trung Quốc, hầu như không có bất kỳ dấu hiệu dao động công khai nào trong việc ủng hộ BRI từ những quan chức hàng đầu. Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cha đẻ của BRI, sáng kiến khổng lồ trải khắp một nửa thế giới này đại diện cho sức mạnh và tầm ảnh hưởng của đất nước.

Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Đã có những nỗi bất an ngày càng tăng về BRI tại Trung Quốc. Với một đất nước đang chịu sức ép về kinh tế, vật lộn trong chiến tranh thương mại với Mỹ và đối mặt chỉ trích từ các nước nhận đầu tư BRI, đang có nhiều nghi vấn về việc liệu chính phủ có sử dụng nguồn lực một cách đúng đắn hay không.

Đã có người phát hiện Bắc Kinh bắt đầu thu hẹp BRI, ít nhất là về mặt tuyên truyền. Vào tháng 1-2018, tờ Nhân dân Nhật báo có tới 20 bài báo viết về BRI. Đến tháng 1 năm nay, số lượng bài viết chỉ còn có 7.

Rất có thể nguồn đầu tư của Bắc Kinh dành cho BRI sẽ hao hụt khá nhiều trong năm nay và những năm sắp tới. Rõ ràng, những cơn gió ngược của kinh tế đang cản đường BRI.

Trước hết, môi trường bên ngoài của Trung Quốc đã thay đổi đến mức gần như không thể nhận ra so với lúc ông Tập tung ra BRI vào năm 2013. Vào thời điểm đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiệm cận 4.000 tỉ USD.

Việc sử dụng một phần số tiền này để đầu tư vào cơ sở hạ tầng dường như là ý tưởng tuyệt vời. Nếu kết hợp với các nhà thầu và vật liệu Trung Quốc, BRI còn giúp giải quyết vấn đề dư thừa năng suất trong các ngành công nghiệp thép, xi măng và xây dựng của nước này.

Nhưng thế giới đã thay đổi trong 5 năm qua. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khiến dòng vốn chảy khỏi nước này và làm dự trữ ngoại hối sụt giảm hơn 1.000 tỉ USD. Nếu tính thêm ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại lên cán cân thanh toán của Trung Quốc trong tương lai, nước này khó lòng tạo ra đủ thặng dư ngoại hối để duy trì quy mô đầu tư cho BRI.

Tình trạng mất cân bằng cán cân thanh toán sẽ buộc Bắc Kinh sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nhân dân tệ và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Hệ quả là Bắc Kinh sẽ phải xem xét những cam kết bên ngoài thật cẩn thận, ví dụ đánh giá lại các dự án quy mô được rót vốn bằng ngoại hối. Một số dự án có thể bị thu hẹp hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, những trở ngại của BRI không chỉ đến từ tình trạng suy giảm ngoại hối của Bắc Kinh. Trên mặt trận nội địa, Bắc Kinh phải đối mặt với một cơn bão lớn mang hình hài của chi phí lương hưu leo thang trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế và thuế thu nhập đi xuống.

Triển vọng tài chính ảm đạm đã được bộ trưởng tài chính Trung Quốc thông báo với sự thẳng thắn khác thường tại một hội nghị thường niên tổ chức vào tháng 12-2018. Bộ trưởng Lưu Côn cảnh báo: “Tất cả các cấp chính phủ phải đi đầu trong việc thắt lưng buộc bụng và làm hết sức để cắt giảm chi phí hành chính”. Không lâu sau cuộc họp, Thượng Hải, thành phố giàu nhất Trung Quốc, ra lệnh cắt giảm 5% đối với hầu hết các sở, ngành trong năm 2019.

Lỗ hổng lớn nhất đối với ngân sách của Bắc Kinh là chi phí lương hưu bởi dân số nước này đang già đi nhanh chóng. Theo Bộ Tài chính, chính phủ Trung Quốc hồi năm 2017 phải bù đắp 1.200 tỉ nhân dân tệ vào khoản lương hưu còn thiếu hụt.

Một số người cho rằng BRI sẽ vẫn an toàn vì đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, hiện thực kinh tế khắc nghiệt sẽ buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc chọn lựa thận trọng. Dấu hiệu thể hiện xu hướng này đã xuất hiện gần đây khi Bắc Kinh chỉ cho Pakistan vay mới 2,5 tỉ USD dù “đồng minh mọi thời tiết” này được cho là đề nghị vay tới 6 tỉ USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới