Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiện hạt nhân: Tham vọng gây dựng ảnh hưởng của TQ ở...

Điện hạt nhân: Tham vọng gây dựng ảnh hưởng của TQ ở Nam Mỹ

Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường ảnh hưởng ở Nam Mỹ thông qua việc hợp tác phát triển quan hệ chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ với các nước trong khu vực này. Một trong những lĩnh vực được Trung Quốc ưu tiên và xem là thế mạnh chính là hợp tác xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại các nước.

Nhà máy điện hạt nhân Atucha II tại Argentina. Nguồn: cnea.gov.ar

          Thế mạnh điện hạt nhân giá rẻ “made in china” của TQ

Trong những năm 2000, để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, Trung Quốc đã thực thi một chính sách hợp lý về năng lượng, trong đó coi điện hạt nhân là loại hình năng lượng chủ chốt nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Từ chỗ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…, Trung Quốc đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và tránh sử dụng các loại năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than và dầu, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên về phát triển năng lượng tái tạo. Nhận thức được các tiềm năng phát triển kinh tế nhờ vào việc sản xuất các sản phẩm liên quan đến năng lượng tái tạo cũng như những lợi thế của năng lượng tái tạo trong việc giảm ô nhiễm và phát thải, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn cũng như một thị trường khổng lồ đối với các sản phẩm năng lượng tái tạo này.

Với chính sách này, Trung Quốc phát triển nguồn năng lượng tái tạo song song với việc sử dụng một cách hiệu quả nguồn năng lượng hóa thạch theo lộ trình giảm tỉ lệ tiêu thụ than và dầu, tăng tỉ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt và đặc biệt là tăng tỉ lệ đóng góp của năng lượng hạt nhân. Đến năm 2020, tỷ lệ năng lượng phi hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc sẽ đạt 15%, tỷ trọng sử dụng khí tự nhiên sẽ là hơn 10%, và tỷ lệ tiêu thụ than sẽ được kiểm soát dưới mức 62%. Từ năm 2013 đến năm 2015, tỷ trọng nhiệt điện than ở Trung Quốc đã được hạ xuống từng bước, giảm từ 78,36% (2013) xuống 74,94% (2015). Tỷ lệ điện từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã tăng từ 2,78% (2013) đến 4,32% (2015), và của điện hạt nhân tăng từ 2,10% (2013) lên 3,01% (2015). Trong 10 năm tới, Trung Quốc đặt mục tiêu nâng tỉ lệ đóng góp của điện hạt nhân tăng lên 10%. Dự kiến, Trung Quốc sẽ vận hành 110 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện năng.

Để có được bước phát triển nhảy vọt về điện hạt nhân, Trung Quốc phải trải qua một quá trình phát triển năng lượng nguyên tử và được khởi động từ tháng 1/1955. Năm 1964, nước này thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên ký hiệu A. Ba năm sau đó, Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử thứ hai, ký hiệu H. Năm 1970, trọng tâm của các chương trình hạt nhân chuyển sang mục đích dân sự khi bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Năm 1991, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Kỳ Sơn (Qinshan) thuộc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) ở miền đông Trung Quốc, bắt đầu hoạt động. Đây là loại lò nước áp lực (PWR) có tên là CNP-300 với công suất 288 MW. Chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử của Trung Quốc được hoạch định một cách rõ ràng, bài bản với cách tiếp cận công nghệ hạt nhân hết sức đặc biệt. Một mặt nỗ lực tự thiết kế chế tạo một số nhà máy như Qinshan giai đoạn I và II, mặt khác tìm cách nhập khẩu công nghệ điện hạt nhân từ nhiều nguồn khác nhau, như lò PWR của Pháp cho các nhà máy Daya và Lingao, lò VVER của Nga cho nhà máy Tianwan, lò CANDU của Canada cho nhà máy Qinshan giai đoạn III, lò AP1000 của Westinghouse Hoa Kỳ cho nhà máy Sanmen và Haiyang. Yêu cầu được đặt ra đối với lĩnh vực phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc là tích cực nâng cao năng lực trong thiết kế và nội địa hoá để tiến tới tự chủ công nghệ điện hạt nhân của riêng mình. Để đạt được yêu cầu này, Trung Quốc đã tiến hành các chương trình phát triển nội địa hóa song song với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đưa vào sử dụng những công nghệ điện hạt nhân tiên tiến của thế giới mà nhiều quốc gia đã áp dụng ngay trong quá trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Kết quả là thông qua việc cam kết chuyển giao công nghệ thông qua các dự án, Trung Quốc đang vươn tới trình độ độc lập xây dựng lò PWR cải tiến thế hệ II vào năm 2010 và PWR thế hệ III vào những năm sau đó. Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã hợp tác với Tập đoàn Areva NP (Pháp) và Công ty Westinghouse (Hoa Kỳ) để phát triển một thiết kế tiêu chuẩn của Trung Quốc CNP-1000 với lò PWR 3 vòng tải nhiệt, độ cháy cao và chu kỳ nạp liệu 24 tháng. Ngoài ra, CNNC ký thỏa thuận với công ty Năng lượng hạt nhân Canada (AECL) cùng phối hợp phát triển thiết kế ACR dựa trên công nghệ lò CANDU. Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm tới công nghệ ABWR của Mỹ và Công ty GE Nuclear đang thảo luận với CNNC. Tháng 2/2006, Uỷ ban Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc công bố lò PWR cải tiến cỡ lớn và lò HTR (lò phản ứng làm mát bằng khí gas) cỡ nhỏ là hai loại dự án được ưu tiên phát triển trong 15 năm sau đó.

Hiện nay, Trung Quốc đã và đang xây dựng rất nhiều các nhà máy điện hạt nhân (dựa trên thế hệ công nghệ điện hạt nhân II+ và III) và có xu hướng triển khai các dự án xuống phía Nam. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến ngày 20/9/2016 Trung Quốc đã có 35 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động (tổng công suất là 31.617 MW), 20 tổ máy khác đang được xây dựng (tổng công suất là 22.956 MW) và có 42 dự án tổ máy điện hạt nhân khác nằm trong kế hoạch xây dựng (tổng công suất là 47.930 MW). Kế hoạch dài hạn của Trung Quốc cho chương trình phát triển điện hạt nhân là xây mới khoảng 170 tổ máy điện hạt nhân, có tổng công suất khoảng 195.000 MW (2050) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng và giảm dần lượng khí phát thải gây nóng lên toàn cầu.

Tham vọng và tình hình xuất khẩu điện hạt nhân của TQ tại Nam Mỹ và trên thế giới

Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các nhà sản xuất thiết bị hạt nhân nội địa mở rộng thị trường ra bên ngoài lãnh thổ của họ. Trong lễ kỷ niệm 60 năm phát triển công nghiệp hạt nhân, lãnh đạo Trung Quốc cho biết công nghiệp hạt nhân là nền tảng quan trọng đối với an ninh quốc gia và sẽ tìm cách nâng cao công nghệ hạt nhân và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu điện hạt nhân cho thị trường toàn cầu. Năm 2012, hai tập đoàn nhà nước Trung Quốc, gồm Tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc (CGN) và Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã dựa trên hai loại công nghệ là CPR-1000 và CAP1000 để cùng phối hợp với nhau và cho ra đời một công nghệ có tên Hoa Long I (Hualong One) với mục tiêu xuất khẩu các lò phản ứng thế hệ thứ ba sản xuất tại Trung Quốc – loại lò dựa một phần vào công nghệ Pháp. Đây là loại lò có vòng đời vận hành 60 năm và có công suất 1150 MW. Dù liên doanh này đã xuất khẩu được 6 lò phản ứng ở nước ngoài, nhưng Trung Quốc vẫn muốn gia tăng số lượng này lên nhiều hơn nữa. Các quốc gia mà Trung Quốc đã xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân và dự kiến xuất khẩu là: Pakistan, Romania, Argentina, Anh, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Kenya, Ai Cập, Sudan, Armenia, Kazakhstan. Năm 2015, tại Nam Phi, Chính phủ Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật hạt nhân. Tại Romania và Argentina, CNNC cũng đã ký một bản ghi nhớ cho việc xây dựng hai lò phản ứng CANDU-6 do Canada thiết kế với số tiền 15 tỷ USD, nhưng phần lớn số tiền này do chính Trung Quốc hỗ trợ. Ngoài ra, chính phủ Argentina đã cho phép xây dựng một lò phản ứng Hoa Long I tại vùng Atucha, tỉnh Buenos Aires. Riêng tại Argentina, có 3 nhà máy điện hạt nhân, trong đó nhà máy Atucha I, nhà máy đầu tiên tại Mỹ Latinh, với công suất 357 MW và được khánh thành năm 1974. Nhà máy thứ hai có tên Embalse với công suất 648 MW được đưa vào vận hành năm 1984, còn nhà máy thứ ba có tên Atucha II đi vào hoạt động tháng 6/2014. Hai nhà máy mang tên Atucha III và Atucha IV sẽ được xây dựng với tổng vốn đầu tư 15 tỷ USD, trong đó thiết bị và dịch vụ do Trung Quốc cung cấp. Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Argentina và Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác về việc tài trợ và xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia Nam Mỹ, với tổng vốn đầu tư 15 tỷ USD.

Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Quốc gia (SPIC), doanh nghiệp hạt nhân lớn thứ ba Trung Quốc hiện đang đàm phán với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc xây dựng 2 lò phản ứng CAP1400. Tháng 8/2015, dự án xây dựng Hoa Long I ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc đã khởi công tại Karachi (Pakistan). Các dự án cao cấp nhất của CNNC được thực hiện tại Pakistan, với 2 lò phản ứng cỡ nhỏ đã đi vào hoạt động và hai lò khác đang triển khai xây dựng. Tuy Trung Quốc tuyên bố rằng thiết kế lò phản ứng Hoa Long I là một trong những lò phản ứng an toàn nhất trên thế giới. Nhưng công nghệ này hiện chưa được kiểm chứng. Ngoài việc phát triển và xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân “Made in China” thì Trung Quốc hiện bắt đầu tham gia xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C tại Vương Quốc Anh có trị giá 18 tỷ bảng Anh (tương đương 24 tỷ USD). Dự án này, ngày 15/9/2016, được Chính phủ Anh thông báo đồng ý cho triển khai. Đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân mới nhất ở Vương quốc Anh được xây dựng kể từ sau khi nhà máy điện hạt nhân Sizewell B được đưa vào vận hành thương mại năm 1995. Dự án gồm 2 tổ lò phản ứng nước áp lực thế hệ III+ EPR (European Pressurized Reactor), có công suất điện lắp đặt mỗi tổ máy là 1670 MWe. Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) là chủ đầu tư và Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) giữ 33,5% cổ phần trong Dự án. Bên cạnh đó, 2 tập đoàn còn có kế hoạch phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân mới sử dụng công nghệ lò phản ứng của Trung Quốc (Hoa Long I) sẽ được xây dựng tại Sizewell ở Suffolk và Bradwell ở Essex (Anh). Các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Lào và Campuchia, hiện nay cũng đang rất quan tâm tới việc xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng và để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững. Hiện tại hai quốc gia, Lào và Campuchia đã có những bước đi đầu tiên như việc ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân với đối tác là Liên bang Nga, một cường quốc về phát triển và xây dựng công nghệ điện hạt nhân. Thái Lan, Indonesia cũng đã quan tâm tới công nghệ Hoa Long I của Trung Quốc.

Toan tính tại khu vực Biển Đông

Cùng với việc tham gia xây dựng, phát triển và xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân như trình bày ở trên thì, Tổng Công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) cho biết Trung Quốc dự tính xây khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân di động, đặt quanh khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, tổng vốn đầu tư 40 tỷ Nhân dân tệ (6 tỷ USD). Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng. Công nghệ nhà máy điện hạt nhân di động này cũng tương tự như công nghệ điện hạt nhân dùng trong quân sự. Kế hoạch nói trên của Trung Quốc sẽ tạo ra các vấn đề trong hợp tác an toàn hạt nhân với các quốc gia Đông Nam Á giáp Biển Đông. Thông thường, để chứng minh cho cộng đồng quốc tế về sự an toàn của chương trình điện hạt nhân, một quốc gia cần thông qua Công ước An toàn hạt nhân và tham gia vào quá trình rà soát Công ước bằng cách gửi báo cáo quốc gia cho cuộc họp đánh giá vốn IAEA tổ chức ba năm một lần. Sau khi tham gia Công ước này vào năm 1996, Trung Quốc thường xuyên đệ trình báo cáo quốc gia về an toàn hạt nhân tại các cuộc họp tổng kết, trong đó gần đây họ cũng đưa vào bản đồ có chứa lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Vì các báo cáo này thường được công khai, các bên thứ ba như các nước Đông Nam Á có thể xác minh liệu Trung Quốc có thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết cho các cơ sở hạt nhân dân sự của mình hay không. Tuy nhiên, họ sẽ không thể kiểm tra về chất lượng giám sát an toàn của Trung Quốc đối với các nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai, vì Công ước An toàn hạt nhân chỉ áp dụng cho các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền. Quan trong hơn, việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi được xem là bước đi mới, nguy hiểm của Trung Quốc nhằm củng cố cho các yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới