Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang tập trung nghiên cứu, chế tạo vũ khí mới đối...

TQ đang tập trung nghiên cứu, chế tạo vũ khí mới đối chọi với Mỹ

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời chuyên gia Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang triển khai kế hoạch phát triển vũ khí mới từ súng cho đến chiến đấu cơ nhằm thách thức vị thế siêu cường của Mỹ.

Tàu sân bay nội địa Type 001A của Trung Quốc

Trung Quốc tập trung mọi nguồn lực để phát triển vũ khí thế hệ mới

Chuyên gia về súng Hoàng Huyết Anh thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết, Bắc Kinh đang tập trung đẩy mạnh khả năng phát triển và nghiên cứu nội địa trong tất cả phương diện có thể, đặc biệt là khả năng chính xác. Theo đó, trong giai đoạn trước, Trung Quốc chủ yếu chế tạo vũ khí từ việc sao chép và ăn cắp công nghệ của các nước phát triển, khiến vũ khí của nước này thiếu độ tin cậy và dễ xảy ra các sự cố không mong muốn. Do đó, Trung Quốc quyết tập trung nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí nội địa hóa, có độ chính xác cao.

Được biết, trong năm 2019, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tiếp tục tăng, năm nay ở mức 7,5%. Gần 176 tỷ USD là ngân sách cho quân đội, trong đó ngân sách cho khoa học và công nghệ tăng 13,4%, lên mức 354, 31 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc cũng đang ráo riết đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển. Học viện này đã tuyển mộ 248 chuyên gia về công nghệ cao từ nhiều ngành trong toàn quân và định hướng tập trung của học viện này trong thời gian tới là trí tuệ nhân tạo, quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng (có thể áp dụng cả trong quân sự lẫn đời sống).

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nỗ lực phát triển vũ khí nằm trong chiến lược của Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội và cải thiện khả năng sẵn sàng tác chiến khi các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang chuẩn bị cho đợt phô diễn sức mạnh trong cuộc duyệt binh đánh dấu 70 năm thành lập CHND Trung Hoa vào ngày 1/10 tới.

Một số loại vũ khí Trung Quốc sẽ triển khai trong thời gian tới

Tàu sân bay nội địa đầu tiên Type 001A của Trung Quốc đã trải qua ba đợt thử nghiệm trên biển trong năm 2018 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. Dựa trên thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc chế tạo Type 001A từ năm 2013, với một số cải tiến như nâng cấp hệ thống radar, tích hợp trung tâm chỉ huy và đặc biệt là mở rộng nhà chứa máy bay, cho phép tàu có thể mang theo 32 tiêm kích J-15 thay vì 26 chiếc. Tuy nhiên, Type 001A vẫn sử dụng kiểu cất cánh nhảy cầu truyền thống, vốn bị coi là thiết kế lạc hậu và hạn chế tải trọng của các tiêm kích hạm. Điều này khiến Type 001A nhiều khả năng vẫn chỉ được sử dụng trong các nhiệm vụ tác chiến biển gần của Trung Quốc. Sau khi được biên chế, tàu sân bay nội địa này sẽ được đặt theo tên một tỉnh của Trung Quốc.

Tàu khu trục Type 055: Năm 2019, hải quân Trung Quốc cũng sẽ tiếp nhận loạt tàu khu trục Type 055 đầu tiên sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm trên biển được bắt đầu từ hồi tháng 8. Khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường này có lượng giãn nước tới 12.000 tấn, lớn hơn rất nhiều so với các tàu khu trục thông thường và sẽ đóng vai trò hộ tống chính trong nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của Bắc Kinh. Type 055 được thiết kế dựa trên tàu khu trục mang tên lửa Type 052D và được hải quân Trung Quốc kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ của lớp tàu khu trục tàng hình Zumwalt Mỹ. Về vũ khí, Type-055 được cho là có 128 ống phóng thẳng đứng (VLS) để khai hỏa tên lửa phòng không và các loại đạn khác, nhiều hơn 6 ống so với tuần dương hạm lớp Ticonderoga, lớp tàu mặt nước được trang bị nhiều vũ khí nhất của hải quân Mỹ. Giới truyền thông Trung Quốc thậm chí còn đánh giá, khu trục hạm Type 055 không chỉ đại diện cho trình độ cao nhất của công nghiệp hải quân Trung Quốc mà còn chiếm vị trí “bá chủ” trong hàng ngũ khu trục hạm hải quân thế giới. Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ không tiếc tiền trong cuộc chạy đua với Mỹ. Ông dự đoán Bắc Kinh sẽ đóng mới khoảng 20 tàu khu trục Type-055 và nhiều tàu hộ vệ Type-054 để phục vụ cho 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030.

Tên lửa đạn đạo tầm xa JL-3: Quân đội Trung Quốc hồi cuối tháng 11 có thể đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa JL-3 từ một tàu ngầm Type-032 (lớp Qing) đã được cải tiến trên biển Bột Hải. JL-3 là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thế hệ ba được phát triển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, dự kiến trở thành vũ khí chính của tàu ngầm chiến lược Type-096 tương lai của Trung Quốc. Tên lửa này có tầm bắn ước tính tới 12.000 km, cho phép nó có thể vươn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, dù được phóng từ khu vực gần bờ biển Trung Quốc. JL-3 có khả năng mang được 5-10 đầu đạn với sức mạnh tương đương 16 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima. Giới phân tích cho rằng, ít nhất phải tới đầu năm 2020 thì Hải quân Trung Quốc mới có cặp “song sát” JL-3 và Type 096. “Cặp bài trùng” này được cho là tạo ra mối đe dọa “tốt hơn” so với tàu ngầm Type 094 và JL-2.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 095 sẽ đóng vai trò hộ tống dưới nước cho nhóm tàu tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc. Hải quân nước này dự kiến biên chế tới 8 tàu ngầm Type 095. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Type 095 có độ ồn thấp hơn nhiều so với mẫu tiền nhiệm Type 093B nhờ sở hữu công nghệ giảm thiểu tiếng ồn tốt. Ngoài ra, tàu cũng được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), giúp nó có thể hoạt động trong thời gian dài dưới nước.

Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm FC-31 “Gyrfalcon” được phát triển bởi Tập đoàn máy bay Thẩm Dương. Định danh FC cho biết đây là dự án do tư nhân phát triển độc lập, khác với dòng J-20 của tập đoàn Thành Đô được quân đội Trung Quốc cấp vốn đầu tư. FC-31 có kích thước nhỏ hơn tiêm kích tàng hình J-20 và có thể ứng dụng nhiều cải tiến từ siêu tiêm kích F-35C của hải quân Mỹ. Máy bay có thể mang tối đa 8 tấn vũ khí, gồm hai tấn ở khoang vũ khí giấu trong thân và 6 tấn trên các giá treo dưới cánh.

Máy bay ném bom chiến lược H-20 sẽ gia nhập biên đội máy bay chiến đấu J-20, máy bay vận tải Y-20 và trực thăng Z-20 trong chuỗi máy bay mới có số hiệu 20 thuộc không quân PLA. Dự án H-20 được Bắc Kinh tiến hành từ đầu những năm 2000 nhưng mới được xác nhận vào 2016. Theo các chuyên gia, H-20 ứng dụng thiết kế cánh bay (flying wing) tương tự mẫu B-2 Spirit của Mỹ, tối ưu cho tầm bay xa và khả năng tàng hình trước radar. H-20 được cho là đạt tầm bay 10.000 km và sử dụng 4 động cơ phản lực WS-10 không có chế độ đốt tăng lực. Biến thể H-20 hoàn chỉnh dường như mang được 20 tấn vũ khí gồm bom và tên lửa hành trình với tầm bắn tới 2.000 km, cũng như một số vũ khí tương lai như tên lửa tàng hình GB-6A. Giới phân tích nhận định H-20 có thể đóng vai trò sở chỉ huy trên không của không quân Trung Quốc.

Pháo điện từ sử dụng năng lượng điện từ trường thay cho thuốc phóng để đẩy viên đạn bay rất xa, có thể phá hủy mục tiêu bằng chính động năng của nó. Về nguyên tắc, pháo ray điện sử dụng nguyên tắc lực điện từ Lorentz để đẩy viên đạn rời nòng pháo bằng hai khối tụ điện lắp song song. Nhờ nguồn điện tích lũy cực lớn, lực đẩy điện tử của pháo ray điện tạo ra sơ tốc tới 9.000km/giờ (2,5km/giây) cho viên đạn được phóng đi. Viên đạn được ổn định quỹ đạo nhờ 4 cánh lái nhỏ nằm phần đuôi. Với vận tốc gấp vài lần tốc độ âm thanh, nó vượt qua khoảng cách 160km trong vòng vài giây và tấn công mục tiêu định trước bằng khả năng xuyên phá động năng cực lớn. Theo thông tin từ cộng đồng tình báo Mỹ, pháo ray của Trung Quốc có khả năng tấn công một mục tiêu trên khoảng cách 124 dặm (200 km) với tốc độ lên tới 1,6 dặm /s (2,5 km/s). Pháo ray điện từ trường từ lâu đã là một trong những vũ khí có nguyên lý vật lý mới, là mong muốn của quân đội các quốc gia Nga, Iran và Mỹ do tính hiệu quả về chi phí, các chiến hạm được trang bị một khẩu pháo có tầm bắn của tên lửa có điều khiển, dẫn đường với độ chính xác cao.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí để cạnh tranh với Mỹ

Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm trở lại đây, khi nước này chi tiêu mạnh tay để phát triển ngành công nghiệp vũ khí tiên tiến. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), giai đoạn 2011-2015, giá trị nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 25% so với giai đoạn 2007-2011, tín hiệu cho thấy nước này đang sử dụng ngày càng nhiều các loại vũ khí “cây nhà lá vườn”. Cũng trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 88% giúp nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới. Dù vậy, Bắc Kinh hiện chỉ mới chiếm 5,9% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu, thua xa Mỹ và Nga.

Cũng trong giai đoạn nói trên, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Nga lần lượt tăng 27% và 28%. Trái lại, Pháp và Đức – hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư và thứ năm trên thế giới – có doanh số vũ khí sụt giảm.

Chuyên gia cấp cao Siemon Wezeman của bộ phận nghiên cứu chi tiêu quân sự và khí tài trực thuộc SIPRI, cho biết cách đây khoảng 10 năm, Trung Quốc chỉ có thể cung cấp các thiết bị công nghệ thấp nhưng tình hình giờ đang thay đổi. Một số thị trường lớn bắt đầu quan tâm hơn đến vũ khí tiên tiến do Trung Quốc sản xuất. Để có được kết quả như ngày hôm nay, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD vào ngành công nghiệp vũ khí nội địa để phục vụ tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng nhắm tới các thị trường tiềm năng ở nước ngoài bằng cách bán vũ khí công nghệ cao có giá rẻ hơn Mỹ, Nga và một số cường quốc khác. Hầu hết đối tác mua vũ khí của Trung Quốc đến từ khu vực châu Á và châu Đại Dương, như Pakistan (35%), Bangladesh (20%), Myanmar (16%)…

Dù xuất khẩu vũ khí tăng nhưng Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu một số thiết bị chủ chốt như máy bay vận tải lớn, trực thăng, động cơ cho máy bay, phương tiện cơ giới và tàu biển. Trong đó, theo SIPRI, động cơ chiếm tới 30% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2011. Đáng chý ý, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu các loại vũ khí hiện đại của Nga. Trong tháng 11/2018, Trung Quốc và Nga đã ký thêm 3 hợp đồng vũ khí mới, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo đó, Nga đã sẽ hoàn tất việc chuyển giao máy bay tiêm kích SU-35 và hệ thống phòng không S-400 muộn nhất vào năm 2020 cho Trung Quốc. Ngoài ra, Nga cũng có thể thành lập một trung tâm bảo dưỡng ở Trung Quốc dành cho các hệ thống tên lửa S-300 và S-400.

Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chay đua vũ trang trong khu vực

Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s hồi tháng 12/2015 dẫn báo cáo cho biết chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng từ 435 tỉ USD năm 2015 lên 533 tỉ USD năm 2020, chiếm 1/3 chi tiêu quân sự toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Trang tin DW (Đức) dẫn thống kê cho thấy trong 10 quốc gia có chi tiêu quốc phòng tăng mạnh nhất năm 2015, có một số nước đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, như Philippines, Malaysia, Trung Quốc… Báo The Wall Street Journal cũng dẫn báo cáo trên cho thấy trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, có tới 6 nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với Ấn Độ là nước dẫn đầu và Trung Quốc đứng thứ ba.

Chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á, Zachary Abuza, cho rằng tất cả các nước trong khu vực đang mua vũ khí để phản ứng lại hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như việc nước này ồ ạt tăng chi tiêu quân sự. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Linda Jakobson, Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney nhận định thái độ “khó lường” của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. Theo bà Jakobson, các tác nhân khác nhau ở Trung Quốc như các nhóm lợi ích, quân đội giải phóng nhân dân, các chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật, các công ty khai thác tài nguyên cũng như các ngư dân đều tìm cách đẩy mạnh các quyền lợi của mình thông qua việc thúc đẩy chính phủ có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh hải. “Họ nắm mọi cơ hội để thuyết phục chính phủ thông qua các dự án lấn biển, trang bị các tàu tuần tra lớn, cũng như các công cụ pháp lý để củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, bà Jakobson viết trong bản nghiên cứu của mình.

Việc chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Ngoài ra, quá trình chạy đua vũ trang sẽ dẫn đến ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của mỗi nước, cũng như nguy cơ xảy ra va chạm trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới