Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaXây mạng lưới năng lượng ở Biển Đông: TQ đang muốn kiểm...

Xây mạng lưới năng lượng ở Biển Đông: TQ đang muốn kiểm soát nguồn năng lượng trong khu vực

Thời báo Hoàn Cầu (14/3) trích dẫn ý kiến của giới chuyên gia trong nước cho biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sẽ hỗ trợ phát triển Khu vực Vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Macao bằng cách xây dựng hai mạng lưới truyền tải năng lượng bao gồm một loạt các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông.

Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định, động thái này sẽ “tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc” và giúp đảm bảo nguồn cung của Bắc Kinh. Trong khi đó, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, dự kiến các mạng lưới trên sẽ cải thiện việc truyền năng lượng cho Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macao. Được biết, CNOOC đã xác định Biển Đông là khu vực chính để thăm dò và phát triển dầu khí và tập đoàn này đã xây dựng một chiến lược thăm dò nước sâu. CNOOC đang có kế hoạch xây dựng một loạt các mỏ dầu nước sâu ở phía Đông Biển Đông trong vài năm tới. Tập đoàn này cũng sẽ phát triển mỏ khí nước sâu 100 tỉ mét khối đầu tiên ở phía Tây Biển Đông. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu Cầu không đề cập vị trí chính xác các mạng lưới truyền tải năng lượng mà CNOOC sẽ xây dựng cũng như các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông nằm trong mạng lưới này.

Được biết, Biển Đông là một trong những khu vực có trữ lượng dầu mỏ phong phú lớn trên thế giới. Nằm ở phía Đông của Việt Nam, phía Nam Trung Quốc và phía Tây Phillippines, phía bắc Indonesia, tây bắc Malaysia, Brunei, đông bắc Singapore, Biển Đông được xem như “trái tim hàng hải” của Đông Nam Á. Đồng thời, nhờ vị trí chiến lược, trải dài từ eo biển Malacca ở phía đông đến eo Đài Loan ở phía Bắc, Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng và sôi động nhất thế giới. Theo Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng dầu khí tiềm năng ở Biển Đông vượt xa so với những dự đoán trước đây và và thậm chí còn nhiều hơn các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của cả châu Âu. EIA dự đoán Biển Đông nắm giữ trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đã được chứng minh và ở dạng tiềm năng. Theo EIA, khu vực này bao gồm hàng trăm hòn đảo nhỏ, đá và san hô, phần lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, khu vực quanh quần đảo Trường Sa hầu như chưa được kiểm chứng là có dầu và hầu hết các nguồn tài nguyên hydrocarbon được dự đoán nằm ở Bãi Cỏ Rong ở cuối phía Đông bắc của quần đảo Trường Sa. Vùng đất thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện không có phát hiện dầu khí nào đáng kể và dự báo tiềm năng cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, con số này vẫn ít hơn so với trữ lượng 14,8 tỷ thùng dầu đã được chứng minh của Trung Quốc và bằng khoảng một nửa trữ lượng dầu đã được chứng minh của Mỹ (20,6 tỷ thùng). Trong khi đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng ước tính khu vực này nắm giữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ m3 khí tự nhiên chưa được khám phá.

Trước đây, Trung Quốc (27/5/2018) cũng ngang nhiên đưa vào vận hành trái phép một mạng lưới điện cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hệ thống đường dây điện này có thể tải điện từ các máy nhiệt điện và điện mặt trời. Mạng lưới vừa được vận hành có thể được nối với hệ thống điện chính của tỉnh Hải Nam hoặc vận hành độc lập và sẽ giúp tăng gấp 8 lần lượng điện cung cấp trên đảo Phú Lâm, phục vụ cho các hoạt động trái phép của quân đội Trung Quốc tại đây. Đáng chú ý, một số trang mạng của Trung Quốc còn ngang nhiên biện minh cho rằng mạng lưới điện đầu tiên này cũng sẽ được sử dụng cho việc “phát triển dân sự và quân sự”, thậm chí có thể trở thành một trung tâm kiểm soát, điều khiển các mạng lưới điện trên các đảo khác. Riêng về mặt quân sự, nguồn điện ổn định là rất cần thiết đối với các kho vũ khí trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và độ mặn cao trên các đảo như Phú Lâm. Các hệ thống tên lửa địa đối không và tên lửa chống hạm của Trung Quốc trên đảo này kể từ nay có một nguồn điện ổn định. Việc lắp đặt mạng lưới điện là một bước mới của Trung Quốc trong việc phát triển trái phép các đảo trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Động thái trên của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (12/3) đã chỉ trích Trung Quốc vì “ngăn chặn sự phát triển năng lượng ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng ép”. Ông Pompeo nhấn mạnh hoạt động xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đã ảnh hưởng tới các nước ASEAN trong việc tiếp cận nguồn năng lượng này;cho rằng hành động này của Trung Quốc sẽ ngăn cản các nước ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng có thể khai thác được tại Biển Đông có trị giá lên tới hơn 2.500 tỷ USD; đồng thời chỉ trích “hành động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc tại vùng biển quốc tế”, cho rằng “đây không đơn giản là vấn đề về mặt an ninh”; khẳng định chính phủ Mỹ ủng hộ an ninh năng lượng tại các nước Đông Nam Á và Mỹ muốn các quốc gia trong khu vực có quyền tiếp cận với nguồn năng lượng mà họ sở hữu.

Trước đó, Trung Quốc đã công bố Đề cương Quy hoạch phát triển Khu vực vịnh Quảng Đông – Hồng Công – Macao mở rộng (gọi tắt là Khu vực Vịnh mở rộng). Đây là chiến lược cấp quốc gia do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân hoạch định và thúc đẩy, nhằm phát triển vùng này trở thành hình mẫu cho sự phát triển chất lượng cao. Chính phủ Trung Quốc coi Hồng Công là trung tâm tài chính và giao thương; Macau là điểm đến du lịch và giải trí lớn; Quảng Châu là trung tâm thương nghiệp và giao thông quốc tế; Thâm Quyến là thành phố chuyên về đổi mới sáng tạo. Việc xây dựng nền kinh tế kiểu mới mang tính sáng tạo của Vùng Vịnh này sẽ góp phần thúc đẩy cục diện cải cách toàn diện tại Trung Quốc. Trong tương lai Vùng Vịnh Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao sẽ trở thành một quần thể thành phố mang tầm quốc tế năng động, một trung tâm sáng tạo khoa học công nghệ có ảnh hưởng; là trụ cột quan trọng của việc xây dựng Sáng kiến “Vành đai, Con đường” và là biểu tượng của sự hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc đại lục với Hồng Kông-Ma Cao. Theo quy hoạch, trong thời gian tới, vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao sẽ xây dựng thành vùng vịnh hàng đầu thế giới và cụm thành phố đẳng cấp thế giới, vai trò nâng đỡ và dẫn dắt trong phát triển kinh tế và mở cửa đối ngoại của Trung Quốc sẽ tiếp tục được tăng cường. Vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao được xây dựng dưới điều kiện một nước, hai chế độ, ba khu thuế quan và ba loại tiền tệ. Theo đề cương, Khu vực Vịnh mở rộng bao gồm: Khu hành chính đặc biệt Hồng Công, Khu hành chính đặc biệt Macao và chín thành phố của tỉnh Quảng Đông là Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Triệu Khánh; tổng diện tích 56.000km2; tổng số dân khoảng 70 triệu người (tính đến cuối năm 2017); GDP đạt khoảng 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,48 nghìn tỷ USD) năm 2017.

Quy hoạch xác định, Khu vực Vịnh mở rộng sẽ được phát triển thành một cụm thành phố đầy sức sống đẳng cấp thế giới, một trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ quốc tế có ảnh hưởng toàn cầu, một trụ đỡ quan trọng cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, một minh chứng cho hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc lục địa với Hồng Công và Macao, và một vòng tròn sống chất lượng để sống, làm việc và đi lại. Hồng Công, Macao, Quảng Châu và Thâm Quyến sẽ được tập trung phát triển để đóng vai trò như tổ hợp động cơ bốn lõi hạt nhân của Khu vực Vịnh mở rộng.

Quy hoạch chia làm hai giai đoạn, ngắn hạn từ nay đến năm 2022, và dài hạn đến năm 2035. Đến năm 2022, cơ bản hình thành khuôn dạng một khu vực vịnh đẳng cấp hàng đầu quốc tế và cụm thành phố đẳng cấp thế giới đầy sức sống và sáng tạo cao với cơ cấu công nghiệp tối ưu hóa, sự vận hành trôi chảy các nhân tố của sản xuất và môi trường sinh thái hài hòa. Đến năm 2035, khu vực này sẽ có một hệ thống kinh tế và mô hình phát triển chủ yếu thúc đẩy bởi sức đổi mới sáng tạo, với sức mạnh kinh tế và công nghệ tăng mạnh và sức cạnh tranh và ảnh hưởng quốc tế được tăng cường hơn nữa. Các thị trường trong khu vực này sẽ cơ bản được kết nối cao, với sự vận hành thông suốt của các nguồn lực và nhân tố đa dạng của sản xuất. Sự phối hợp phát triển vùng được cải thiện đáng kể, với ảnh hưởng đối với các vùng chung quanh được tăng cường hơn nữa. Các nguồn tài nguyên được bảo tồn và sử dụng hiệu quả, môi trường sinh thái được bảo vệ, và một khu vực vịnh đẳng cấp hàng đầu quốc tế để sống, làm việc và đi lại được phát triển hoàn chỉnh.

Theo “Đề cương”, sự phát triển sau này của vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao tối thiểu có 6 “sáng tạo”. Một là sáng tạo về khoa học – công nghệ: Hành lang sáng tạo khoa học – công nghệ “Quảng Châu – Thâm Quyến – Hồng Công – Ma-cao” sẽ khánh thành, các cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học quan trọng và thiết bị nghiên cứu khoa học lớn mà Trung Quốc xây dựng và bố cục tại Quảng Đông sẽ mở cửa có trật tự với Hồng Công và Ma-cao, Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao sẽ tập trung tăng cường năng lực chuyển hóa thành quả khoa học-công nghệ. Hai là sáng tạo tài chính: Phát huy đầy đủ chức năng của các thị trường vốn và dịch vụ tài chính ở Hồng Công, Ma-cao, Thâm Quyến, Quảng Châu… xây dựng đầu mối tài chính quốc tế. Ba là sáng tạo chế độ: Kiến tạo môi trường kinh doanh hàng đầu ổn định, công bằng, minh bạch và có thể dự kiến, tăng cường toàn diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng cơ chế hoàn thiện điều phối xuyên biên giới trong các vụ án liên quan quyền sở hữu trí tuệ, triển khai thí điểm chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn có sáng tạo ngành nghề, sáng tạo nhân tài và sáng tạo quản lý.

Chính vì vậy, vấn đề cung ứng năng lượng để phát triển Khu vực Vịnh mở rộng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, việc CNOOC tìm cách xây dựng một mạng lưới năng lượng, kết nối các giếng dầu ở Biển Đông sẽ là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước trong khu vực. Hành động này của Trung Quốc không chỉ khiến gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, mà còn có khả năng sẽ xảy ra các cuộc xung đột không mong muốn ở vùng biển này, vì:

Thứ nhất, các khu vực mà Trung Quốc định khai thác dầu khí ở Biển Đông không nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Bắc Kinh; nó đều thuộc vùng biển của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vì vậy, kế hoạch trên của Bắc Kinh không chỉ vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Thứ hai, việc Trung Quốc đơn phương tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông mà chưa tham vấn, xin ý kiến của Việt Nam cũng như các bên liên quan là vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương mà Bắc Kinh đã ký kết với Việt Nam cũng như với ASEAN.

Phía Việt Nam trước nay luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi và có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, nhấn mạnh các hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển này là trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quàn đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, nỗ lực để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); đồng thời yêu cầu các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc cần tôn trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, chấm dứt các hành vi xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới