Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững hành động thể hiện tham vọng của TQ ở Biển Đông

Những hành động thể hiện tham vọng của TQ ở Biển Đông

Nhìn vào những diễn biến trên Biển Đông trong năm 2018, nhiều người cho rằng tình hình Biển Đông tuy phức tạp nhưng lắng dịu. Phức tạp là do cuộc cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Lắng dịu là do Trung Quốc hạn chế các hành động gây hấn, quá quyết đoán đối với các nước là các bên tranh chấp trong khu vực. Đánh giá đó về cơ bản đúng với một thời điểm là năm 2018, nhưng không phản ánh được thực trạng tình hình Biển Đông.Vậy thực trạng tình hình Biển Đông hiện nay như thế nào? Để đánh giá đúng thực trạng tình hình Biển Đông, cần phải nhìn vào một chỉ dấu quan trọng: Những biện pháp và hành động mà Trung Quốc đã tiến hành để thực hiện tham vọng bành trướng ở Biển Đông trong thời gian qua.

– Trung Quốc đã đưa ra nhiều yêu sách chủ quyền và yêu sách biển, trong đó yêu sách tham vọng nhất có thể kể ở đây là năm 2009, Trung Quốc chính thức công khai yêu sách đối với vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông. Thời gian gần đây, lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc liên tục khẳng định “các đảo tại Nam Hải (Biển Đông) từ trước đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, “chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc đã hình thành, phát triển, duy trì trong lịch sử hàng nghìn năm”.

– Áp đặt các quy định nội luật tại Biển Đông để khẳng định chủ quyền: Trung Quốc đã ban hành những bộ luật về biển, đảo, trong đó đơn phương biến các vùng biển nằm ngoài vùng biển của Trung Quốc thành vùng biển của mình, biến hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thành các quần đảo của họ, bất chấp luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

– Tiến hành các hoạt động kiểm soát, khống chế và làm chủ Biển Đông trên thực địa

Trung Quốc tìm mọi cách kiểm soát Biển Đông trên thực tế nhằm góp phần tạo ra chứng cứ Trung Quốc đã và đang thực thi chủ quyền của mình trên Biển Đông. Những hành động này bao gồm:cho tàu hải giám, tàu ngư chính và các tàu vũ trang tiến hành tuần tra vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”, đâm phá, cướp bóc, đánh đập ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong các vùng biển truyền thống của Việt Nam; tiến hành các chương trình khảo cổ học tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tìm chứng cứ chủ quyền lâu đời đối với hai quần đảo này; tổ chức các đợt du lịch đến quần đảo Hoàng Sa; hàng năm, đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, đồng thời cho hàng chục nghìn tàu cá Trung Quốc ồ ạt vào đánh cá trên vùng biển Việt Nam và các nước khác; cản phá các hoạt động khai thác tài nguyên hợp pháp của các nước láng giềng trong vùng biển của mình; ngang nhiên gọi thầu 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam; đưa giàn khoan HD-981 vào khoan thăm dò tại khu vực nằm trên thềm lục địa của Việt Nam; từ cuối năm 2013, ồ ạt tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trên những đá, bãi ngầm mà Trung Quốc đánh chiếm được vào năm 1988, làm cơ sở để xây dựng những căn cứ quân sự, sân bay và những công trình dân sự lớn như ngư cảng, cơ sở hậu cần, hải đăng.Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Hoàng Sa và các đảo nhân tạo ở Trường Sa, tạo ra một cục diện mới có lợi cho Trung Quốc trên Biển Đông; tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật với các loại vũ khí hiện đại, hình thức đa dạng, quy mô lớn nhằm đe dọa các nước và tăng cường năng lực tác chiến và đánh chiếm các đảo ở Biển Đông.

Những hành động nói trên của Trung Quốc là nhằm từng bước thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, khống chế và kiểm soát Biển Đông và tiến tới mục tiêu lâu dài là biến Biển Đông thành ao nhà của mình.

– Các biện pháp ngoại giao và thông tin, tuyên truyền

Trung Quốc dùng biện pháp ngoại giao để khẳng định chủ quyền; gây sức ép buộc các bên tranh chấp chấp nhận gác tranh chấp, cùng khai thác; thực hiện kế sách của Tôn Tử không đánh mà thắng; gây sức ép với Chính phủ các nước có các công ty dầu khí đang hợp tác với Việt Nam để buộc dừng các hợp đồng làm ăn với Việt Nam; thực hiện chính sách chia rẽ để dễ dàng gây sức ép với từng nước tranh chấp; sử dụng sức mạnh kinh tế, sức mạnh mềm để phân hóa các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông; cử nhiều đoàn cấp cao đi các nước Mỹ, Nga, Philippines, Singapore tuyên truyền về yêu sách “đường lưỡi bò”…

Đồng thời, Trung Quốc sử dụng bộ máy thông tin tuyên truyền, cả chính thức và không chính thức, bằng nhiều thứ tiếng quốc tế khác nhau, trên nhiều diễn đàn khác nhau để:

Một là, tuyên truyền cho cái gọi là chủ quyền biển, đảo của Trung Quốc ở Biển Đông; làm cho nhân dân Trung Quốc tin rằng Trung Quốc có chủ quyền lâu đời ở Biển Đông; làm cho dư luận thế giới hiểu mơ hồ về tình hình Biển Đông; vẽ lên một bức tranh không trung thực về những tranh chấp ở Biển Đông.

Hai là, tuyên truyền về cái gọi là lập trường và thiện chí hòa bình của Trung Quốc: Trung Quốc không có gen xâm lược. Trung Quốc chỉ mong muốn và phấn đấu cho hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực Biển Đông.

Ba là, đe dọa sử dụng vũ lực.Đầu năm 2016, Trung Quốc đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh nếu Philippines thực hiện kế hoạch khai thác dầu khí ở Bãi Cỏ Rong. Báo chí Trung Quốc nhiều lần đe dọa “Trung Quốc đã từng dạy Việt Nam, nếu Việt Nam không chân thành sẽ còn nhận bài học lớn hơn”…

– Sử dụng vũ lực để tiến xuống Biển Đông

Những vị trí quan trọng mà Trung Quốc chiếm được ở Biển Đông đều bằng biện pháp vũ lực. Năm 1956, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm thuộc nhóm An Vĩnh. Sự kiện này diễn ra trong khi quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam vào tháng 4/1956 và để lại khoảng trống quyền lực tại Biển Đông. Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa trong bối cảnh Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang thảm bại, quân Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam và Mỹ không có bất cứ hành động thiết thực nào để hỗ trợ cho Việt Nam Cộng hòa giao chiến với Trung Quốc. Năm 1988, Trung Quốc một lần nữa sử dụng vũ lực đánh chiếm một số đá, bãi thuộc quần đảo Trường Sa trong bối cảnh Mỹ làm ngơ và Liên Xô đã rút ra khỏi Hiệp ước Liên minh quân sự đồng minh song phương ký năm 1978. Năm 1995, Trung Quốc sử dụng sức mạnh chiếm bãi Vành Khăn do Philippines kiểm soát. Năm 2012, Trung Quốc sử dụng tàu hải giám và tàu cá để chiếm bãi cạn Scarborough, nằm cách bờ biển phía Bắc đảo Luzon của Philippines hơn 220 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km. Kể từ tháng 6/2012, Trung Quốc đã duy trì sự kiểm soát tại bãi cạn này.

Có thể thấy gì qua những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông?

Qua phân tích những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, người ta có thể thấy được một số điểm đáng chú ý:

Một là, thấy rõ mục tiêu lâu dài của Trung Quốc trên Biển Đông là độc chiếm Biển Đông. Mục tiêu này bao gồm: toàn bộ các đảo trong bốn quần đảo nằm trong “đường lưỡi bò”, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các quyền chủ quyền đối với vùng biển rộng khoảng 80% diện tích Biển Đông, trùm lên một phần lớn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh Biển Đông, trong đó có phần lớn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò”; toàn bộ tài nguyên thiên nhiên, trong đó tài nguyên dầu khí, và tài nguyên sinh vật sống (tài nguyên cá) trong phạm vi khu vực biển nói trên; và quyền kiểm soát đối với vùng trời phía trên vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”.

Việc thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông còn nhằm phục vụ cho những mục tiêu quan trọng khác của Trung Quốc như: triển khai Chiến lược biển, nhanh chóng vươn lên thành cường quốc biển; biến Biển Đông thành sân sau của mình, đẩy các nước lớn khác ra khỏi Biển Đông; kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng tại vùng biển này; sử dụng Biển Đông như là một bàn đạp để tiến ra các vùng biển khác.

Hai là, có thể thấy mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi.Tham vọng Biển Đông của Trung Quốc có nguồn gốc từ chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Trung Hoa hay là tư tưởng Đại Hán. Tư tưởng bành trướng đã ăn sâu vào xương tủy của các triều đại Trung Hoa, từ cách đây vài nghìn năm cho đến nay. Bành trướng được một số lãnh đạo Trung Hoa coi là một lẽ tự nhiên, một nhu cầu để sinh tồn nhằm đáp ứng về nhu cầu mở rộng không gian sinh tồn và chiếm đoạt tài nguyên của một dân số khổng lồ hơn một tỷ người. Bành trướng là bản chất của Trung Quốc, không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc có thể thay đổi bản chất bành trướng của mình.

Tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông là nhất quán, xuyên suốt, được khẳng định từ thế hệ lãnh đạo thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thế hệ lãnh đạo hiện nay. Những thế hệ tiếp theo sẽ còn theo đuổi tham vọng bành trướng quyết liệt hơn, không bao giờ thay đổi.

Tham vọng bành trướng ở Biển Đông bắt đầu nảy sinh từ đầu thế kỷ 20, nổi lên mạnh mẽ hay yếu ớt phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử, và trở nên quyết liệt nhất vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, khi mà Trung Quốc trỗi dậy thành một trong các cường quốc kinh tế và quân sự lớn mạnh trên thế giới.

Ba là, có thể thấy Trung Quốc tiến hành mọi biện pháp và kế sách để thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.Các biện pháp bao gồm quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, sức mạnh mềm, pháp lý, tâm lý và thông tin tuyên truyền.Các kế sách được Trung Quốc vận dụng cũng rất đa dạng.

– Chiến thuật “tằm ăn dâu” hay còn gọi là chiến thuật cắt lát salami: bành trướng dần dần, gặm nhấm dần dần, tiến bước dần dần xuống Biển Đông.

– Kế sách biến không thành có: ngụy tạo các chứng cứ pháp lý và lịch sử; lấy các chứng cứ này làm cơ sở pháp lý để biện minh cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông; biến các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước khác trong khu vực thành vùng biển tranh chấp; sau đó, nêu chiêu bài “gác tranh chấp, cùng khai thác” những vùng biển đó.

– Chính sách chia để trị: phân hóa, chia rẽ giữa các nước là các bên tranh chấp, lợi dụng sự bất đồng về lợi ích, về quan điểm giải quyết tranh chấp để các nước này không thể đoàn kết thành một khối đối trọng với Trung Quốc; phân hóa, chia rẽ giữa các nước ASEAN là các bên tranh chấp và giữa các nước ASEAN không phải là các bên tranh chấp nhằm phân tán sức mạnh của ASEAN; chia rẽ các nước ASEAN và các nước ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, trong vấn đề Biển Đông, vừa nhằm cô lập ASEAN, vừa nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ và các lớn khác ở khu vực.

– Chính sách cây gậy và củ cà rốt: một mặt, phô trương sức mạnh quân sự, dọa dẫm, đe dọa sử dụng vũ lực, gây sức ép ngoại giao và chính trị đối với các nước không chịu khuất phục trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc hoặc gây trở ngại cho tham vọng bành trướng, sẵn sàng sử dụng sức mạnh với các nước nhỏ bé hơn khi cần thiết hoặc khi có thời cơ. Mặt khác, sử dụng lợi ích kinh tế và chính trị để làm mồi nhử các nước khác, chia rẽ các nước, vô hiệu hóa những nỗ lực chung chống tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

– Chiến thuật vùng xám: dân sự hóa sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông; dùng mọi công cụ sức mạnh phi quân sự mà không phải sử dụng trực tiếp các lực lượng quân sự thông thường; sử dụng các thủ thuật hung hăng, quyết đoán nhưng không vượt qua những ranh giới đỏ để tránh sự phản ứng và trả đũa của các nước khác.

Bốn là, để thực hiện mục tiêu lâu dài trên Biển Đông, Trung Quốc đang tiếp tục chuẩn bị cho những bước tiến mới trên Biển Đông và sẽ triển khai khi có thời cơ như thiết lập vùng nhận diện phòng không; đưa giàn khoan dầu khí ra Biển Đông; đánh chiếm những bãi ngầm chưa có nước nào chiếm giữ và thậm chí có thể đánh chiếm Trường Sa. Trong một vài năm tới, bên cạnh những hoạt động quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc có thể triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi và những lồng cá khổng lồ ra Biển Đông; vẽ đường cơ sở thẳng cho “Tứ Sa”, trong đó có Trường Sa. Không loại trừ khả năng, Trung Quốc có thể tiến tới tuyên bố vùng biển nằm giữa các đảo nhân tạo phi pháp là lãnh hải của họ. Những hành động này, nếu được triển khai, sẽ đe dọa ngày càng nghiêm trọng chủ quyền trên biển của các nước ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, Biển Đông 31 năm sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm một số đá, bãi ở Trường Sa vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, khó lường do Trung Quốc tiếp tục các hoạt động nhằm khống chế, kiểm soát và tiến tới độc chiếm Biển Đông và do sự gia tăng của cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh. Bên dưới bề mặt tưởng như lắng dịu của khu vực biển này là những cơn sóng ngầm, bất cứ lúc nào cũng có thể nổi lên, làm khuấy đảo khu vực Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới