Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSách Trắng “Cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan và bảo vệ...

Sách Trắng “Cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan và bảo vệ quyền con người ở Tân Cương”

Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc (18/3) đã công bố Sách Trắng có tựa đề “Cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan và bảo vệ quyền con người ở Tân Cương”. Được biết, Tân Cương là khu vực chung biên giới với một số quốc gia bao gồm Pakistan và Afghanistan, từ lâu lâm vào tình trạng bất ổn. Trung Quốc tuyên bố nguyên nhân do phong trào khủng bố có tổ chức đang muốn giành độc lập cho khu vực này.

Sách Trắng gồm hơn 15.000 chữ, chia làm 7 phần chính, trong đó khẳng định Tân Cương là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, giới thiệu sự hình thành của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương, sự vi phạm nhân quyền của các hành vi khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ kiên trì việc chống khủng bố mang tính phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu, tổng kết kinh nghiệm và tiếp tục tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong chống khủng bố.

Sách trắng cho rằng Tân Cương là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ lâu nhưng “các lực lượng khủng bố và cực đoan” đã thúc đẩy phong trào ly khai bằng cách “làm sai lệch” lịch sử khu vực; cho biết, từ năm 1990 đến cuối năm 2016, ba thế lực đã gây ra hàng nghìn vụ khủng bố bạo lực tại Tân Cương, làm nhiều dân thường bị sát hại, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát công an hy sinh, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, đáng chú ý là vụ bạo động xảy ra năm 2009 làm gần 200 người thiệt mạng, hơn 1.700 người bị thương và nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy; từ năm 2014, Tân Cương đã tiêu diệt 1.588 băng đảng khủng bố và bạo lực, bắt giam 12.995 phần tử khủng bố, thu giữ 2.052 thiết bị nổ, trừng phạt 30.645 người vì tiến hành 4.858 hoạt động tôn giáo trái phép, tịch thu 345.229 tài liệu tuyên truyền trái phép; đồng thời khẳng định công cuộc chống khủng bố và đấu tranh chống cực đoan ở Tân Cương luôn được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nội dung Sách Trắng nêu rõ “Chính phủ Trung Quốc kiên quyết chống lại mọi thức khủng bố và cực đoan, không ngừng đấu tranh, trên cơ sở phù hợp với luật pháp, chống mọi hành vi ủng hộ khủng bố và cực đoan, cũng như bất kỳ hành động nào liên quan đến việc tổ chức, lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động khủng bố, hoặc xâm phạm quyền con người của các công dân”. Theo Sách Trắng, có thời điểm vùng Tân Cương của Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng của các phần tử ly khai, cực đoan tôn giáo và khủng bố, thường xuyên phải chứng kiến các vụ tấn công khủng bố, gây tổn hại cuộc sống và tài sản của người dân thuộc mọi sắc tộc ở Tân Cương và chà đạp phẩm giá của người dân; nhấn mạnh “Trung Quốc là nước pháp trị, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người phù hợp với các nguyên tắc trong Hiến pháp của Trung Quốc”.

Sách Trắng này cũng khẳng định cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan của Trung Quốc là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan của cộng đồng quốc tế và Trung Quốc sẽ luôn kiên định các mục tiêu đã đề ra, cũng như tuân thủ các nguyên tắc của Liên hợp quốc trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ các quyền con người cơ bản. Sách Trắng cho rằng, trong bối cảnh thế giới hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ khủng bố và cực đoan, không một quốc gia nào có thể né tránh mối đe dọa đó. Vì vậy, “chỉ có thể ngăn chặn hiệu quả khủng bố và cực đoan vì lợi ích của hòa bình và ổn định thế giới bằng cách củng cố sức mạnh cộng đồng với một tương lai chung, từ bỏ các tiêu chuẩn kép, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, đạt được sự đồng thuận về chiến lược, thúc đẩy trao đổi và hợp tác”.

Sách Trắng khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, cũng là đối tượng đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho biết, thời gian gần đây, khu vực Tân Cương và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước nhiều vụ tấn công khủng bố của ba thế lực, gồm: ly khai dân tộc, cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực. Sách Trắng cho biết, bên cạnh việc nghiêm trị các tội phạm khủng bố bạo lực, nước này còn chú trọng việc cải thiện dân sinh, tăng cường công tác tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm đảm bảo quyền con người cơ bản cho người dân sở tại.

Trung Quốc cũng tái khẳng định việc chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, song phản đối việc gắn liền chống khủng bố, cực đoan với một quốc gia mặc định nào đó hoặc các vấn đề dân tộc, tôn giáo, phản đối việc dùng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề chống khủng bố.

Về hợp tác quốc tế, cùng với việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định quốc tế, trong đó ủng hộ vai trò chủ đạo và điều phối của Liên Hợp Quốc trong hợp tác quốc tế chống khủng bố, Trung Quốc còn ký kết nhiều Công ước quốc tế, tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố, tiến hành giao lưu hợp tác song phương và đa phương nhằm trao đổi thông tin tình báo và hợp tác tư pháp…

Ngay sau khi Trung Quốc công bố Sách Trắng trên, một nhóm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ chỉ trích, gọi đây là “cái cớ chính trị để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ”. Người phát ngôn của Hội đồng Đại biểu Duy Ngô Nhĩ Thế giới Dilxat Raxit cho biết, mục đích của việc phát hành cái gọi là sách trắng là một phương tiện để nhận ủng hộ của địa phương cho những chính sách cực đoan và che đậy hành vi vi phạm nhân quyền.

Động thái của chính quyền Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều áp lực quốc tế liên quan đến cáo buộc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Một báo cáo của quốc hội Mỹ ước tính ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam trong “các trại cải huấn” tại khu tự trị này.

Được biết, từ sau các vụ nổi dậy năm 2009 làm hàng trăm người chết, chính quyền trung ương Trung Quốc đã đẩy nhanh chương trình an ninh đại quy mô tại Tân Cương. Ngân sách dành cho an ninh được tăng gấp mười và theo thống kê, đã đạt đến 10 tỉ đô la vào năm 2017. Con số này trùng hợp với thời điểm ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) được điều về làm Bí thư đảng ủy Khu tự trị Tân Cương. Từ quân đội chuyển sang chính trị, Trần Toàn Quốc đã có 5 năm kinh nghiệm đàn áp Tây Tạng và dưới mắt Bắc Kinh, đây là quan chức lý tưởng để “ổn định” vùng đất bị cho là chủ trương ly khai. Theo số liệu thống kê, trên 100.000 đồn công an mới được thiết lập tại các thành phố lớn, ở ngoại ô và nông thôn. Ngoài việc giám sát trực tiếp bằng con người, công nghệ cao, Trung Quốc còn được vận dụng: camera ở các nơi công cộng, thiết bị bay không người điều khiển (drone), internet, điện thoại di động… Các bảng số xe đều được ghi vào ống kính, dữ liệu smartphone bị thu thập, tin nhắn bị đọc lén, khuôn mặt bị nhận diện bằng công nghệ… Đối với Trung Quốc, Tân Cương là một phòng thí nghiệm khổng lồ về giám sát điện tử, để áp dụng vào các miền khác của đất nước, thậm chí xuất khẩu.

Sự giám sát chặt chẽ này giúp bóp nghẹt mọi ý định phản kháng, nhưng không chỉ dừng ở đó, từ cuối năm 2017, Bắc Kinh mở ra khoảng mấy chục trung tâm cải tạo. Chuyên gia Marc Julienne cho biết “chắc chắn là hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã bị tống vào trại cải tạo để nhồi sọ về chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Tập Cận Bình, cũng như chống lại cực đoan tôn giáo”. Người ta đếm được khoảng 70 trại cải tạo ở Tân Cương, chưa kể những trại khác đang được xây dựng. Một báo cáo của Quốc Hội Mỹ nêu ra con số 500.000 người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm, đánh giá Tân Cương là “trung tâm giam giữ hàng loạt người thiểu số lớn nhất thế giới hiện nay”. Một số phải đi cải tạo nhiều tuần lễ, số khác trải qua nhiều tháng trong những điều kiện vô nhân đạo, ăn uống chỉ đủ cầm hơi. Không hề thông qua xét xử, các cán bộ đảng, công an và quân đội có toàn quyền trấn áp, đe dọa trả thù gia đình nếu tù nhân không chấp hành.

Trong khi đó, Trung Quốc từ lâu cho rằng khu vực Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ phiến quân Hồi giáo và những phần tử cực đoan, đồng thời bác bỏ các báo cáo về hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành hồi tuần trước tuyên bố các trại cải huấn mà truyền thông phương Tây đề cập thực chất là trường nghề và cơ sở đào tạo. Ông cho rằng nhờ những trung tâm đào tạo này, Tân Cương từ một khu vực chứng kiến hàng nghìn vụ tấn công khủng bố trong thập niên 1990 đã trở nên yên bình trong 27 tháng qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới