Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnRơi vào bẫy nợ, Sri Lanka vẫn vay tiền TQ

Rơi vào bẫy nợ, Sri Lanka vẫn vay tiền TQ

Dù đã phải gán cảng chiến lược cho Trung Quốc để trừ nợ, Sri Lanka vẫn tiếp tục vay Trung Quốc khoản tiền lớn để xây cao tốc.

Ngày 22/3, Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết, Trung Quốc đã đồng ý cho nước này vay 989 triệu USD để xây dựng tuyến đường cao tốc nối vùng trồng chè với một cảng biển do Bắc Kinh vận hành ở bờ biển phía nam Sri Lanka.

Khoản tiền Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đồng ý cho Sri Lanka vay tương đương 85% giá trị hợp đồng xây dựng dự án Đường cao tốc trung tâm – Phần 1. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án này là 1,16 tỷ USD.

Theo Bộ Tài chính Sri Lanka, đây là khoản vay lớn nhất của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc dành cho hòn đảo này.

Khoản vay trị giá gần 1 tỷ USD nói trên được đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka đang phải vật lộn để thanh toán 5,9 tỷ USD tiền vay nước ngoài, trong đó phần lớn là các khoản vay đến từ Trung Quốc. Đó là các khoản vay để xây dựng các tuyến đường cao tốc và các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có những dự án không thực sự hiệu quả khiến gánh nặng nợ nần của Sri Lanka càng trầm trọng thêm.

Cuối năm 2017, Sri Lanka đã phải gán nợ cảng Hambanbota, một trong những tuyến vận tải đông – tây nhộn nhịp nhất thế giới, trong thời hạn 99 năm cho một công ty Trung Quốc vì không thể thanh toán khoản nợ 1,4 tỷ USD để xây cảng này.

Cảng Hambantota là một phần trong kế hoạch được gọi là chuỗi ngọc trai của Bắc Kinh gồm một loạt các cảng trải dài từ vùng biển của Trung Quốc tới vịnh Persian.

Mô hình cảng Hambantota ở Sri Lanka là điển hình cho các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Mô thức chung của những dự án này thường là công ty nhà nước Trung Quốc cung cấp một khoản lớn – thông qua các khoản vay hoặc đảm bảo tài chính – cho các nước phát triển dự án hạ tầng như đường cao tốc, đường tàu xe lửa hoặc lò phản ứng điện. Tiền thường đi kèm điều kiện các công ty Trung Quốc phải được tham dự vào quá trình hoạch định và xây dựng, đôi khi nhân công cũng là người Trung Quốc.

Vành đai và Con đường là một trong những công cụ đang tạo nên chiếc bẫy nợ cho nhiều quốc gia bị thu hút bởi các khoản vay hạ tầng gắn liền với viện trợ của Trung Quốc. Và khi các nền kinh tế nhỏ hơn không thể trả nổi nợ, Bắc Kinh đã chớp ngay lấy cơ hội để ép chính phủ những nước này nhượng bộ.

Theo giới phân tích, chiến lược này đe dọa chủ quyền các nước đang phát triển, đem lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, tạo thành lợi thế và tiền đề cho Bắc Kinh bành trướng trên toàn cầu.

Trở lại với những món nợ của Sri Lanka với Trung Quốc, Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc, Karunasena Kodituwakku vẫn bác bỏ những cáo buộc rằng hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho Sri Lanka đã khiến nước này rơi vào bẫy nợ.

Ông nói: “Chúng tôi không đồng ý với điều đó. Trung Quốc không bao giờ ép chúng tôi vay tiền. Nếu có vấn đề gì với những khoản vay mà chúng tôi thực hiện, đó là trách nhiệm của chúng tôi. Thật không công bằng khi đổ lỗi cho Trung Quốc hoặc một quốc gia khác, nói rằng Sri Lanka là nạn nhân”.

RELATED ARTICLES

Tin mới