Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuan chức Philippines kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ra Tòa...

Quan chức Philippines kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ra Tòa án Hình sự quốc tế

Nhật báo Philippines Daily Inquirer (21/03/2019) đưa tin, cựu N goại trưởng Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales, nguyên là lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đề nghị Tòa truy tố ông Tập Cận Bình về tội ác chống nhân loại do những hành động “tàn bạo” của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong lãnh hải Philippines.

Theo đó, ông Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales đã đệ đơn kiện nhân danh người dân Philippines và nhân danh hàng trăm ngàn ngư dân Philippines “bị bách hại” do việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo vùng Biển Tây Philippines (Biển Đông). Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales cho biết: “Với việc thực hiện kế hoạch chiếm Biển Đông một cách có hệ thống, chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là gây những tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây tổn hại cho các ngư dân, mà còn cho cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước”.

Ông Del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động của Bắc Kinh trong tuyến đường thủy bị tranh cãi làm suy yếu an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ven biển ở Biển Đông, trong đó có Philippines, cho rằng điều này thuộc thẩm quyền của ICC vì Quy chế Rome tuyên bố rằng “các tội phạm nghiêm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế nói chung không được bỏ qua và phải đảm bảo việc truy tố hiệu quả của họ”.

Ông Del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cũng kêu gọi ICC tiến hành kiểm tra sơ bộ để “xuất hiện các tội ác của Trung Quốc không chỉ chống lại người dân Philippines, mà còn chống lại người dân của các quốc gia khác, mà tội phạm đã được cộng đồng quốc tế biết đến”.

Được biết, ông Del Rosario đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Philippines nộp đơn khiếu nại chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, một phần trong đó là Biển Tây Philippines. Đơn kiện của hai cựu quan chức Philippines nêu rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác chống nhân loại như thế nào, trong đó có lời khai của các ngư dân Philippines, bị mất phương tiện sinh sống do các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Lá đơn kiện đã được hai cựu quan chức cao cấp Philippines gởi cho Tòa án Hình sự Quốc tế vào ngày 15/03, tức là trước khi Manila chính thức rút khỏi hiệp ước thành lập tòa án ICC 17/03/2019. Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định rút Philippines khỏi Hiệp ước thành lập ICC sau khi tòa án này vào tháng 02/2018 tiến hành “xem xét sơ bộ” về tội ác chống nhân loại mà tổng thống Duterte bị cáo buộc, do đã có quá nhiều người bị sát hại ở Philippines trong chiến dịch bài trừ ma túy mà ông phát động.

Đáng chú ý, ICC ra đời năm 2002 để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước tội ác tàn bạo của mình với nhân loại. Trong động thái nhằm chống lại tội phạm quốc tế, vào năm 1988 nhiều quốc gia đã cùng ký Quy chế Rome 1988. Sau khi được nhiều quốc gia thành viên phê chuẩn, Bản Quy chế Rome chính thức có hiệu lực vào 2002, khai sinh Tòa án Hình sự quốc tế, viết tắt là ICC. Coalitionfortheicc cho hay ICC ra đời để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước tội ác tàn bạo của mình với nhân loại, từ đó giúp ngăn chặn tội phạm loại này được thực hiện trong tương lai. Hiện số quốc gia thành viên của Quy chế Rome là 123, không có Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Singapore và Việt Nam…

Tòa án này đặc biệt ở chỗ được hình thành từ sự kí kết của một hiệp ước mà không phải do Liên Hợp quốc lập. ICC gồm bốn cơ quan: Ban chánh án; Ban thẩm phán có 18 vị thẩm phán được chia làm 3 bộ phận: dự thẩm, sơ thẩm và kháng cáo; Văn phòng công tố: cơ quan độc lập với tòa án, chuyên tiến hành điều tra và đưa vụ việc ra xét xử trước tòa; Hội đồng lục sự, có chức năng hỗ trợ hành chính để đảm bảo tòa vận hành trơn tru.

Về phạm vi tài phán, ICC chỉ xét xử cá nhân, không xét xử tổ chức hoặc quốc gia. ICC có quyền xét xử các tội phạm quốc tế đặc biệt nghiêm trọng, gồm bốn tội danh: diệt chủng, tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người và tội phạm xâm lược. Tuy nhiên, vì thành lập vào 7/2002 và không có quyền tài phán hồi tố, ICC không thể xét xử những tội phạm được thực hiện trước tháng 7/2002. ICC có quyền tài phán với những vụ việc sau: Xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đã chấp nhận quyền tài phán của ICC; Người phạm tội mang quốc tịch của quốc gia thành viên hoặc của nước đã chấp nhận quyền tài phán của ICC; Do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông báo cho công tố viên của ICC theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương LHQ.

Ngoài ra, ICC không thay thế mà chỉ có tác dụng bổ sung cho tòa án quốc gia. ICC sẽ đưa vụ việc ra xét xử khi và chỉ khi một quốc gia không tự nguyện hoặc không thể tiến hành xét xử một cách thực chất. Dù có thẩm quyền xuyên biên giới, ICC không thể ra lệnh cho các quốc gia thành viên thực hiện theo yêu cầu hoặc phán quyết của mình. ICC chỉ có thể hợp tác và tranh thủ sự trợ giúp của các quốc gia để hoàn thành những công việc như bắt giữ và thuyên chuyển phạm nhân tới trại giam của ICC ở The Hague (Hà Lan), phong tỏa tài sản của nghi phạm và thực thi bản án.

RELATED ARTICLES

Tin mới