Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiện hạt nhân ở TQ và những quan ngại của Việt Nam

Điện hạt nhân ở TQ và những quan ngại của Việt Nam

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực hạt nhân, nhất là trong lĩnh vực điện hạt nhân. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phát triển điện hạt nhân cũng đặt ra nhiều nguy cơ, quan ngại cho Việt Nam.

Bản đồ phân bố các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc: (Đang hoạt động – đỏ, đang xây dựng – vàng, đã phê duyệt – xanh, và đang thiết kế – trắng)

Chương trình phát triển

Vào đầu những năm 1970, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua nghị quyết về ứng dụng điện hạt nhân. Năm 1991, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên được đưa vào vận hành thương mại ở Trung Quốc có công suất 279 MWe. Năm 2004, Trung Quốc đã thay đổi chủ trương phát triển năng lượng hạt nhân từ “phát triển ổn định” sang “phát triển năng động”. Năm 2007, quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn “Kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân trung và dài hạn (2005-2020)” với mục tiêu nâng tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân lên 40 GW vào năm 2020 và tăng tỷ trọng của các nhà máy điện hạt nhân trong hệ thống điện lên 4% về công suất.

Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra nhanh hơn kế hoạch. Mục tiêu cho năm 2020 đã đạt được ngay từ năm 2010. Tính đến năm 2010, tổng công suất của 13 tổ máy phát điện hạt nhân đang hoạt động ở Trung Quốc đã đạt 10 GW và tổng công suất của 32 tổ máy điện hạt nhân đang xây dựng đã đạt hơn 30 GW. Ngoài ra, còn 30 nhà máy điện hạt nhân đang được thiết kế.

Như vậy, tổng số tổ máy điện hạt nhân chỉ tính đến 2010 của Trung Quốc đã đạt con số gần 100. Trong khi đó, tại thời điểm 2011 trên thế giới (TG) có tổng số 442 tổ máy điện hạt nhân. Vì vậy, Trung Quốc đã điều chỉnh mục tiêu phát triển nhà máy điện hạt nhân đến năm 2020 có khoảng 130 tổ máy với tổng công suất lắp đặt khoảng 86 GW, và với mức tăng bình quân khoảng 6,5 GW/năm. Theo đó, các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng lần lượt ở các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Sơn Đông, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy, Tứ Xuyên, Cát Lâm, Trùng Khánh và các tỉnh/khu vực ven biển khác.

Việc Trung Quốc xây dựng nhiều các nhà máy điện hạt nhân chủ yếu ven biển và ở phía Đông là do yêu cầu kỹ thuật: (i) Gần các phụ tải lớn; (ii) Gần nguồn nước làm mát (khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và Đông – Nam); và, (iii) Tránh xa các khu vực có nguy cơ động đất (phía Tây).

Tính đến đầu 2017, Trung Quốc có 35 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động, 22 tổ máy đang xây dựng và 40 tổ máy đã được khởi công.

Trên thế giới, nếu tính theo số lò phản ứng, Mỹ hiện đứng đầu với khoảng 100 lò, Pháp đứng thứ hai với 58 lò, Nhật đứng thứ ba với 43 lò. Trung Quốc và Nga đứng thứ 4 và thứ 5, tiếp theo là Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada.

Nhưng, chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá về sự phát triển của năng lượng điện hạt nhân là tỷ trọng điện hạt nhân trong cân bằng điện của mỗi quốc gia. Theo chỉ tiêu này, Pháp đang dẫn đầu với tỷ trọng của nhà máy điện hạt nhân là 76%, Hungary đứng thứ 4 – tuy chỉ có một nhà máy với 4 lò phản ứng nhưng cung cấp hơn 50% sản lượng điện. Mỹ đứng thứ 15 với tỷ trọng ĐHN có 20%. Nga đứng thứ 17 với tỷ trọng ĐHN khoảng 19%. Trung Quốc chiếm vị trí 30 với tỷ trọng điện hạt nhân có 3%.

Tổng Công ty Hạt nhân Trung Quốc (China National Nuclear Corp – CNNC) tuyên bố kế hoạch đến năm 2025 sẽ bán được 30 lò phản ứng/năm loại “Dragon-1” thế hệ 3, chủ yếu cho Rumani, Achentina, Kenia, Ả Rập Xê Út và các quốc gia nằm trong vùng dọc theo “con đường tơ lụa”.

Theo đánh giá của CNNC, gần 60 nước tham gia vào sáng kiến Vành đai kinh tế của con đường tơ lụa trên đất liền và con đường tơ lụa trên biển đang và có ý định phát triển và chinh phục năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đến năm 2030, trong khuôn khổ của các nước này sẽ có khoảng 200 tổ máy điện hạt nhân được xây dựng. Và Trung Quốc dự tính sẽ ký được hợp đồng để triển khai 30 tổ máy.

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, để phục vụ trực tiếp cho việc khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên ngoài thềm lục địa, Trung Quốc dự tính xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi ngoài khơi. Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên có giá khoảng 461 triệu U$ đã được khởi công xây dựng từ 2016 và sẽ được công ty Shipbuilding Industry Corporation của Trung Quốc xây dựng xong trong năm 2019 và sẽ đưa ra đặt ở Biển Đông.

Ngành điện hạt nhân của Trung Quốc đã có chỗ đứng trên thế giới

Vào năm 2012, hai tập đoàn nhà nước Trung Quốc, gồm Tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc (CGN) và Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), đã dựa trên hai loại công nghệ là CPR-1000 và CAP1000 để cùng phối hợp với nhau và cho ra đời một công nghệ có tên Hoa Long 1 với mục tiêu xuất khẩu các lò phản ứng thế hệ thứ ba sản xuất tại Trung Quốc- loại lò dựa một phần vào công nghệ Pháp. Đây là loại lò có vòng đời vận hành 60 năm và có công suất 1.150 MW. Dù liên doanh này đã xuất khẩu được 6 lò phản ứng ở nước ngoài nhưng Trung Quốc vẫn muốn gia tăng số lượng này lên nhiều hơn nữa. Các quốc gia mà Trung Quốc đã xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân và dự kiến xuất khẩu là: Pakistan, Romania, Argentina, Anh, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Kenya, Ai Cập, Sudan, Armenia, Kazakhstan.

Năm 2015, tại Nam Phi, Chính phủ Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật hạt nhân. Tại Romania và Argentina, CNNC cũng đã ký một bản ghi nhớ cho việc xây dựng hai lò phản ứng CANDU-6 do Canada thiết kế với số tiền 15 tỷ USD, nhưng phần lớn số tiền này do Trung Quốc hỗ trợ. Ngoài ra chính phủ Argentina đã cho phép xây dựng một lò phản ứng Hoa Long 1 tại Atucha, Buenos Aires. Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Quốc gia (SPIC), doanh nghiệp hạt nhân lớn thứ ba Trung Quốc, hiện đang đàm phán với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc xây dựng 2 lò phản ứng CAP1400. Tháng 8/2015, dự án xây dựng Hoa Long 1 ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc đã khởi công tại Karachi (Pakistan). Các dự án cao cấp nhất của CNNC được thực hiện tại Pakistan, với 2 lò phản ứng cỡ nhỏ đã đi vào hoạt động và hai lò khác đang triển khai xây dựng. Tuy Trung Quốc tuyên bố rằng thiết kế lò phản ứng Hoa Long 1 là một trong những lò phản ứng an toàn nhất trên thế giới, nhưng công nghệ này hiện chưa được kiểm chứng.

Ngoài việc phát triển và xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân, Trung Quốc hiện bắt đầu tham gia xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C tại Anh có trị giá 18 tỷ bảng Anh (tương đương 24 tỷ USD). Dự án này, ngày 15/9/2016, được Chính phủ Anh thông báo đồng ý cho triển khai. Đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân mới nhất ở Anh được xây dựng kể từ sau khi nhà máy điện hạt nhân Sizewell B được đưa vào vận hành thương mại năm 1995. Dự án gồm 2 tổ lò phản ứng nước áp lực thế hệ III+ EPR (European Pressurized Reactor), có công suất điện lắp đặt mỗi tổ máy là 1670 MWe.

Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) là chủ đầu tư và Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) giữ 33,5% cổ phần trong dự án. Bên cạnh đó, 2 tập đoàn còn có kế hoạch phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân mới sử dụng công nghệ lò phản ứng của Trung Quốc (Hoa Long 1) sẽ được xây dựng tại Sizewell ở Suffolk và Bradwell ở Essex (Anh). Theo đà của Trung quốc, các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Lào và Campuchia hiện cũng đang rất quan tâm tới việc xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng và để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững. Hiện Lào và Campuchia đã có những bước đi đầu tiên như việc ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Nga, một cường quốc về phát triển và xây dựng công nghệ điện hạt nhân.

Một số nhà máy điện hạt nhân lớn của Trung Quốc

Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn ở tỉnh Triết Giang có 5 lò phản ứng, lò thứ nhất công suất 279 MW do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, khởi công tháng 3.1985, đưa vào vận hành thương mại tháng 4.1994. Lò thứ hai và thứ ba cũng thuộc loại lò nước áp lực như lò thứ nhất, công suất mỗi lò là 610 MW, do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, đưa vào vận hành thương mại năm 2002 và 2004. Lò thứ tư và thứ năm dùng lò kiểu CANDU.6 PHWR (Pressurized Heavy Water Reactor – Lò phản ứng nước nặng dưới áp lực) do Công ty năng lượng Nguyên tử Canada (Atomic Energy of Canada – AECL) xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay. Công suất của mỗi lò phản ứng là 665 MW. Lò thứ tư được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 9.2002 và lò thứ năm vào tháng 4.2003.

Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại á trên bờ biển tỉnh Quảng Đông có 2 lò phản ứng nước áp lực (Pressurized Water Reactor – PWR), mỗi lò 944 MW do Công ty Pháp Framatome cung cấp, Công ty Điện lực Pháp (EDF – Electricité de France) xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay. Việc xây dựng khởi đầu vào tháng 8.1987, lò thứ nhất vận hành thương mại vào tháng 2.1994, lò thứ hai vào tháng 5.1994. Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại á mỗi năm sản xuất điện năng 13 tỷ kWh , trong đó 70% cho Hồng Công và 30% cho tỉnh Quảng Đông.

Nhà máy điện hạt nhân Linh áo trên bờ biển tỉnh Quảng Đông ở sát cạnh NMĐHN Daya Bay, có 2 lò phản ứng PWR do Công ty Pháp Framatome cung cấp nhưng được nội địa hóa 30%.

Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan ở tỉnh Giang Tô gồm hai lò phản ứng kiểu VVER (giống như PWR) do Nga cung cấp, mỗi lò công suất 1060 MW. Lò thứ nhất được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 6.2007 và lò thứ 2 vào tháng 8.2007.

Mối quan ngại và nguy cơ đối với Việt Nam

Sau thảm họa hạt nhân ở Fukusima ở Nhật Bản, Trung Quốc có vẻ hơi “chững lại” trong việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân trong một thời gian không lâu. Về tổng thể, Trung Quốc không thể từ bỏ các nhà máy điện hạt nhân vì: (i) Sự phát triển nhanh của nền kinh tế đã kéo nhu cầu tiêu dùng điện cũng tăng cao; (ii) Năng lượng hạt nhân góp phần giảm phát thải và ô giảm nhiễm đang ở mức độ cao do sử dụng quá nhiều than đá; và, (iii) Năng lượng hạt nhân có tốc độ phát triển cao (về qui mô công suất đặt cũng như sản lượng điện), và nhanh (về thời gian xây dựng).

Ngay sau xẩy ra sự cố Fukusima, phản ứng của các nước rất khác nhau: Tổng thống Pháp khi đó là Nicolai Sakozi đã tuyên bố Pháp không có ý định từ bỏ điện nguyên tử. Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình điện hạt nhân. Đức, ngược lại, đã tuyên bố đóng cửa tạm thời 7 nhà máy điện hạt nhân và có kế hoạch đến năm 2022 sẽ đóng cửa vĩnh viễn các lò phản ứng hạt nhân. Ở Trung Quốc, ngay sau khi xẩy ra thảm họa Fukusima, ngày 16/3/2011 thủ tướng Ôn Gia Bảo đã yêu cầu đưa ra các biện pháp về quản lý an toàn các nhà máy điện hạt nhân, các yêu cầu mới (nghiêm ngặt hơn) về bảo vệ môi trường. Trong đó, việc lựa chọn địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đã được quan tâm đặc biệt (về điều kiện địa chất, về nguy cơ động đất và các nguy cơ thiên nhiên khác như sóng thần, núi lửa, hạn hán, ngập lụt…).

Tuy nhiên, quá trình phát triển, vận hành điện hạt nhân ở Trung Quốc còn tồn tại nhiều rủi ro. Theo chuyên gia Entoni Froggat của Trung tâm phân tích rủi ro London Chatham House, việc xây dựng ở Trung Quốc nhiều tổ máy trong một thời gian ngắn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro: sai lầm và vi phạm về kỹ thuật an toàn. Chính phủ Trung Quốc có tham vọng đưa Trung Quốc chiếm vị trí hàng đầu trong xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Điều này có thể sẽ dễ dẫn đến tính không bền vững của các công trình và thiết bị do Trung Quốc xây dựng và chế tạo không đạt mức tiên tiến của thế giới.

Không những vậy, cũng theo các chuyên gia, là nhiều tổ máy xây dựng ở khu vực các tỉnh phía Đông ven bờ biển có nguy cơ sóng thần cao. Nhưng việc đưa địa điểm xây dựng các tổ máy điện hạt nhân vào sâu đất liền cũng không an toàn hơn vì, ở các tỉnh phía Tây Trung Quốc lại có nguy cơ cao về động đất và khô hạn thường xuyên. Việc thiếu nước để làm mát được coi là rủi ro tương tự sóng thần, hay động đất.

Ngoài ra, đối với các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc là thói quen bưng bít thông tin. Ở Trung Quốc đã từng xẩy ra sự cố tại một tổ máy điện hạt nhân. Chủ đầu tư đã không công bố thông tin cho đến khi bị các phương tiện thông tin đại chúng công bố. Thói quen này gây bất an trong cư dân.

Theo nhận định của các chuyên gia, dần dần trên thế giới người ta cũng nhận ra rằng các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng theo công nghệ mới sẽ an toàn hơn rất nhiều so với các nhà máy điện hạt nhân xây dựng trước 2011. Vấn đề thứ hai cũng đã được các chuyên gia khuyến nghị như một điều kiện quan trọng để triển khai các nhà máy điện hạt nhân mới là không nên xây dựng chúng ở những nơi nguy hiểm về thiên tai và ở những vùng không ổn định của vỏ trái đất.

Vấn đề xử lý chất thải của điện hạt nhân và đóng cửa các lò phản ứng: Đây là vấn đề khó xử lý về mặt kỹ thuật, nhưng lại liên quan đến tính khả thi về kinh tế và về môi trường của nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này cũng đã được giảm nhẹ cơ bản vì: (i) Nhìn chung, tuổi thọ của các lò phản ứng hiện đại đã tăng lên đáng kể, có thể đạt tới trên 50 năm; và, (ii) Phương pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này là xây dựng các lò phản ứng nơtron nhanh cho phép sử dụng plutoni làm nhiên liệu.

Chính vì vậy, việc Trung Quốc tập trung phát triển và xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân sát biên giới với Việt Nam đã, đang đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới