Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuân sự hóa Hải cảnh: TQ đang đe dọa hòa binh khu...

Quân sự hóa Hải cảnh: TQ đang đe dọa hòa binh khu vực

Những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành quân sự hóa lực lượng Hải cảnh, trang bị thêm cho lực lượng này nhiều loại trang thiết bị khí tài hiện đại, có khả năng sát thương cao nhằm tạo sức ép đối với các nước ở Biển Đông.

Tàu hải cảnh số hiệu 2901, một trong hai soái hạm 12.000 tấn của Hải cảnh Trung Quốc

Trung Quốc quân sự hóa lực lượng Hải cảnh

Kể từ ngày 1/7/2018, quyền chỉ huy Hải cảnh Trung Quốc sẽ được chuyển từ Cục hải dương quốc gia Trung Quốc sang Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Trước đó, quyền chỉ huy Vũ cảnh đã được chuyển hẳn cho Quân ủy Trung ương Trung Quốc kể từ ngày 1/1/2018 thay vì chịu sự quản lý kép Quân ủy – Quốc vụ viện. Như vậy, với sự thay đổi mới nhất, Hải cảnh sẽ chịu sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Điều này sẽ cho phép Hải cảnh có thể xuất hiện một cách đàng hoàng với tần suất nhiều hơn trong các cuộc tập trận và huấn luyện hàng ngày với Hải quân Trung Quốc. Nó cũng mở đường cho việc trang bị pháo hạm cỡ nòng lớn cho các tàu của Hải cảnh để gây sức ép, đe dọa lực lượng chấp pháp của các nước khác ở Biển Đông.

Theo truyền thông phương Tây, Trung Quốc có 164 tàu hải cảnh với 16.300 nhân lực. Con số này chắc chắn đã lỗi thời vào thời điểm hiện tại sau khi nó liên tục được bổ sung các tàu hải quân cũ và đón nhận các tàu hải cảnh thế hệ mới. Điều đáng nói, các tàu hải cảnh mới được biên chế đều có kích thước tương đương hay thậm chí lớn hơn các tàu của hải quân. Chẳng hạn, tàu hải cảnh số hiệu 2901 có lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn, gấp rưỡi tàu khu trục lớn nhất hiện có trong biên chế của hải quân là Type 052D chỉ 7.500 tấn. Hay như các tàu hải cảnh thuộc lớp Type 818B khi đặt cạnh các khinh hạm lớp Type 054A đều không hề kém cạnh, thậm chí có phần bề thế với đài chỉ huy được thiết kế cao hơn. Lớp tàu hải cảnh 4.000 tấn này chỉ kém “người anh em” bên hải quân về số lượng, với 8 chiếc so với 27 chiếc tính tới thời điểm tháng 12/2017. Các tàu nhỏ hơn, từ 1.000 đến 2.000 tấn như lớp Type 718B được đóng mới và biên chế liên tục trong 2 năm gần đây, tốc độ không hề thua kém hải quân.

Không những vậy, việc thiết kế các tàu hải cảnh dựa trên các bản thiết kế tàu hải quân khiến giới phân tích có thời gian suy đoán điều này nằm trong tính toán chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Theo đó, trong trường hợp cần thiết, các tàu hải cảnh sẽ được hoán đổi, lắp thêm vũ khí và hệ thống điện tử để trở thành tàu chiến thực thụ. Thực tế, trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không thực sự cần đến tàu hải quân để đối phó hay tiến hành các hoạt động mang tính cưỡng ép các nước trong khu vực. Bởi lẽ, Hải cảnh đã trở thành công cụ hiệu quả đến mức khiến lãnh đạo Trung Quốc bất ngờ trong việc thực thi các yêu sách chủ quyền vô lý của họ trên biển.

Hải cảnh Trung Quốc đang trang bị nhiều loại vũ khí siêu khủng

Thời gian gần đây, một số trang mạng đăng tải hình ảnh pháo phòng không tầm gần 6 nòng 30mm H/PJ-13 xuất hiện trên boong tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46301. Theo như số liệu được công bố, chiếc tàu hải cảnh được trang bị pháo phòng không tầm gần H/PJ-13 6 nòng cỡ 30mm đầu tiên thuộc lớp 818 (đây chính là biến thể của lớp tàu chiến Type 054A của Trung Quốc), có lượng giãn nước 2.500 tấn. Bên cạnh việc được trang bị hệ thống phòng không tầm gần thì tàu hải cảnh này còn được biên chế 1 pháo bắn nhanh 76,2mm kiểu H/PJ-26. Điều này cho thấy, chính phủ Trung Quốc đang rất quan tâm phát triển lực lượng hải cảnh nhằm nâng cao năng lực chấp pháp, thực thi pháp luật trên biển.

Thậm chí, có những tàu có lượng giãn nước lên tới trên 12.000 tấn như tàu Hải cảnh số hiệu 2901 và 3901; đây cũng là lớp tàu tuần duyên lớn nhất trên thế giới. Trên các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, trong đó pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2mm được trang bị trên các tàu hải cảnh cỡ vừa và lớn, còn pháo phòng không tầm gần H/PJ-17 30mm (loại một nòng) đảm nhiệm vai trò là pháo phụ. Pháo H/PJ-17 30mm mới được Trung Quốc nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đây là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc; tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên. So với các loại pháo đa nòng, thì pháo đơn nòng H/PJ-17 30mm có hạn chế nhất định về mật độ đạn và tốc độ bắn.

Trong khi đó, pháo H/PJ-13 6 nòng có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây. Như vậy, với 800 phát đạn thì rõ ràng sẽ khiến các tàu chấp pháp trọng tải lớn của đối phương phải hết sức cảnh giác và sợ hãi.

Do là phiên bản “sao chép” từ khẩu AK-630M nên H/PJ-13 cũng sẽ thừa hưởng nhiều tính năng ưu việt như khẩu AK-630M với việc được biên chế cơ số đạn lên tới 3.000 viên. Rõ ràng đây là điều kiện hết sức thuận lợi để lực lượng chức năng Trung Quốc chế áp toàn diện đối phương khi giải quyết các sự vụ phức tạp trên biển có thể xảy ra. Nếu như mục tiêu phải đối phó chỉ là tàu cá của nước ngoài thì tốc độ bắn chậm hoặc cơ số đạn ít của pháo H/PJ-17 sẽ không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng khi phải đối phó với các tàu có trọng tải lớn trên 5.000 tấn được vũ trang của đối phương đánh trả, bắn phá quyết liệt thì tàu Hải cảnh Trung Quốc trang bị pháo H/PJ-17 sẽ không đủ sức đối phó. Đó chính là những hạn chế mà pháo H/PJ-17 hiện nay đang gặp phải. Mặc dù ở phương diện nhất định nào đó pháo H/PJ-17 có thể là lựa chọn tương đối phù hợp, nhưng rõ ràng nó không phải là phương án lựa chọn hiệu quả nhất để đáp ứng đáp ứng tham vọng của Trung Quốc.

Cả hai loại pháo H/PJ-13 và H/PJ-17 mặc dù khác nhau về số nòng nhưng chúng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Mỗi loại sẽ phát huy tối đa ưu điểm khi phải đối phó với những mục tiêu thích hợp.

Nếu như phải đối phó với các mục tiêu là tàu thuyền dân sự được vũ trang nhẹ hoặc các tàu của cướp biển, buôn lậu thì pháo H/PJ-17 đơn nòng vẫn hoàn toàn phát huy hết sức mạnh của mình, thậm chí còn được đánh giá cao ngang với pháo H/PJ-14 (loại pháo có 11 nòng, dùng chung kiểu đạn).

Với tham vọng về chủ quyền lãnh hải, để đối phó hiệu quả đối với các hành động tranh chấp trên biển, việc các tàu có lượng giãn nước lớn của Trung Quốc hiện nay được trang bị pháo bắn nhanh H/PJ-26 76,2 mm thực sự là cuộc “vũ trang hóa”. Bởi lẽ loại pháo này có tầm bắn xa, tốc độ bắn cao và có năng lực sát thương lớn, thậm chí nhiều chuyên gia quân sự còn coi H/PJ-26 76,2mm là một trong những pháo tốc độ cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, loại pháo này vẫn có một hạn chế đó là khi tác chiến phòng thủ tầm gần thì tốc độ bắn của nó chưa đạt được yêu cầu lý tưởng. Từ góc độ này có thể thấy, khi tác chiến trực tiếp giữa tàu với tàu thì yếu tố tốc độ bắn là quan trọng hàng đầu. Do đó, trang bị pháo hạm có tốc độ bắn lớn nhất đạt 5.000 phát/phút chỉ trong 0,22 giây hoặc loại pháo hạm có thể bắn liên tục 400 phát đạn pháo, rõ ràng sẽ chiếm ưu thế hơn rất nhiều so với các loại pháo hạm của các nước khác chỉ có thể đạt tốc độ bắn 350 phát/phút.

Ngoài ra, hiện nay Trung Quốc đã bắt đầu đưa vào biên chế hàng loạt cho các tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022 loại pháo H/PJ-13 6 nòng; đây sẽ là điều kiện thuận lợi để trang bị pháo H/PJ-13 6 nòng trên các tàu hải cảnh có lượng giãn nước lớn, qua đó giúp tiết giảm chi phí nghiên cứu chế tạo và giá thành.

Hải cảnh Trung Quốc can dự vào hầu hết các vụ đụng độ ở Biển Đông

Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho thấy trong 45 vụ đụng độ trên Biển Đông từ năm 2010, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc “góp mặt” đến 30 vụ. Kết quả thống kê được trình bày chi tiết tại chuyên trang ChinaPower của CSIS cho thấy, ngoài lực lượng hải cảnh, hải quân Trung Quốc cũng “tham gia” vào bốn vụ. Số lượng các vụ đụng độ dày đặc nhất vào năm 2012 và 2014 là thời điểm Trung Quốc lần lượt xua tàu chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines (2012) và ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (2014).

Ngân sách hàng năm của Trung Quốc dành cho lực lượng Hải cảnh cũng nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực. Trung bình mỗi năm Bắc Kinh chi 1,74 tỉ USD cho lực lượng này trong 5 năm qua, nhiều hơn con số 1,5 tỉ USD của Nhật Bản. Bắc Kinh cũng được cho là đã mở rộng quy mô và trọng tải hạm đội hải cảnh lên hàng bậc nhất thế giới. Lực lượng này đang sở hữu tới 205 tàu, trong đó có 95 tàu có tải trọng hơn 1.000 tấn. Ngoài việc hoán cải các tàu chiến cũ của hải quân thành tàu hải cảnh, Trung Quốc còn cho đóng thêm hàng loạt các tàu tuần tra loại lớn, đáng kể nhất là hai tàu hải cảnh số hiệu 3901 và 2901 với lượng giãn nước đầy tải lên tới 12.000 tấn.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh khu vực của CSIS, cảnh báo rằng trong khi nguy cơ xung đột trên biển giữa các lực lượng hải quân vẫn hiện hữu, không nên đánh giá thấp sự nguy hiểm của các vụ đụng độ liên quan tới lực lượng tuần duyên. Các hành động cứng rắn của hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng mất ổn định. Chuyên gia này nhấn mạnh, cách mà Bắc Kinh đang tiến hành trên Biển Đông đi ngược lại những nhiệm vụ thông thường một lực lượng tuần duyên. Bà Glaser lo ngại, trong ngắn hạn, số lượng thương vong trong những vụ đụng độ kiểu này có thể trở nên tồi tệ hơn khi tần suất và cường độ của những sự cố như vậy đang ngày càng gia tăng.

Các nước tăng cường sức mạnh cảnh sát biển đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

Nhiều quốc gia quanh khu vực Biển Đông gần đây đã đầu tư phát triển sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để đối phó với những động thái phi pháp của Trung Quốc. Hải quân các nước Đông Nam Á đang tăng cường sức mạnh quân sự trên nhiều mặt để đối phó với các vụ việc căng thẳng trên Biển Đông và bảo quyền chủ quyền lãnh hải trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các động thái bành trướng tại vùng biển này. Nhiều nước trong khu vực đã mua sắm các tàu mới với quy mô lớn hơn. Trước đây, lực lượng hải quân của các nước phần lớn chỉ sử dụng các tàu tuần tra và tàu tấn công nhanh để triển khai cho các chiến dịch ven biển. Còn bây giờ, các lực lượng hải quân đều trang bị các tàu chiến có tầm hoạt động xa hơn, kích cỡ lớn hơn, thông thường là các tàu hộ vệ hoặc tuần dương.

Nhiều lực lượng hải quân trong khu vực cũng trang bị các tàu mới cho các hoạt động tác chiến xa bờ. Singapore đã tự thiết kế và đóng mới 4 tàu đổ bộ lớp Endurance, đồng thời đóng thêm một tàu cũng thuộc lớp này cho hải quân Thái Lan. Indonesia và Philippines cũng đều mua các tàu đổ bộ lớp Makassar do Hàn Quốc thiết kế, trong khi Thái Lan đang vận hành tàu sân bay duy nhất ở Đông Nam Á. Philippines gần đây đã tiếp nhận 10 tàu tuần tra dài 44m từ Nhật Bản.

Mặc dù xu hướng tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân các nước tại và xung quanh khu vực Biển Đông gây chú ý trong những năm gần đây, song lực lượng cảnh sát biển cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng không kém và được các nước đẩy mạnh phát triển. Các cuộc tuần tra của các lực lượng cảnh sát biển được tiến hành thường xuyên hơn và trong một số trường hợp trở nên cứng rắn hơn.

Cảnh sát biển Việt Nam đang ngày càng phát triển để bảo vệ chủ quyền đất nước

Bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt, chuyên trách của nhà nước trong thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, an toàn, trật tự và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam cùng các điều ước quốc tế có liên quan trên các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, đòi hỏi Lực lượng Cảnh sát biển phải có đầy đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, nhất là năng lực thực thi pháp luật.

Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức trên hàng nghìn lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đã tiến hành kiểm tra trên 10 nghìn lượt tàu thuyền các loại; xử phạt vi phạm hành chính trên 5.687 lượt tàu thuyền… Phối hợp các lực lượng điều tra, bắt giữ và xử lý 170 vụ có dấu hiệu vi phạm; khởi tố 40 vụ án hình sự; bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 200 vụ; tịch thu nhiều tang vật. Phối hợp và trực tiếp điều tra, khám phá 941 chuyên án, vụ án, bắt giữ 1.768 đối tượng. Tham gia tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân làm ăn sinh sống trên biển…

RELATED ARTICLES

Tin mới