Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 29/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 29/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 29/03/2019.

Đối thoại Mỹ – ASEAN nhấn mạnh giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 28/3 tại Washington D.C., đã diễn ra Đối thoại Mỹ – ASEAN lần thứ 32. Đối thoại nhấn mạnh phạm vi rộng trong hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trên các trụ cột chính trị, kinh tế, xã hội, đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – ASEAN trong việc bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Các đại biểu tham dự đối thoại nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải đối với việc bảo đảm sự ổn định của khu vực cũng như hợp tác trên biển để chống lại ô nhiễm chất thải nhựa, đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo, và không quản lý. Các đại biểu tái khẳng định sự cần thiết về việc giải quyết hòa bình tranh chấp, trong đó có tranh chấp Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế. Phía Mỹ bày tỏ ủng hộ đối với một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có ý nghĩa, hiệu quả, ủng hộ quyền lợi của bên thứ ba và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các quy định được nêu trong Công ước Luật Biển 1982.

Tổng thống Duterte gặp gỡ quan chức Trung Quốc, hạ thấp vai trò đơn kiện về Biển Đông

Ngày 28/3, RFA dẫn tin từ hãng Benar News cho biết, tại buổi tiếp Tống Đào, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có chuyến thăm Philippines ngày 27/3, Tổng thống Philippines Duterte khẳng định, Chính phủ Philippines không tham gia vào việc kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tội chống lại loài người ở Biển Đông tại Tòa án Hình sự quốc tế. Phát biểu này được đưa ra sau khi ông Song Tao tuyên bố Trung Quốc đồng ý cấp 1 tỷ peso (tương đương 19 triệu USD) hỗ trợ quân đội Philippines nhằm tăng cường hợp tác song phương với chính quyền Tổng thống Duterte. Tổng thống Duterte cho biết, ông rất hài lòng với chuyến thăm của ông Tống, nhấn mạnh thêm rằng điều này giúp thắt chặt quan hệ giữa hai nước vốn bị xáo trộn trong nhiều năm bởi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Yêu sách Biển Đông của Trung Quốc là “lịch sử sai lầm của thiên niên kỷ, tin tức sai lệch của thế kỷ”

Ngày 28/3, hãng ABS-CBN đưa tin, tại Trung tâm Hội nghị Iloilo, thành phố Iloilo, Philippines, ngày 27/3, Quyền Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio có buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông. Ông Carpio giải thích cách Trung Quốc dạy trẻ em từ những năm 1950 rằng toàn bộ Biển Đông là của họ. Do vậy, chúng ta phải thuyết phục người dân Trung Quốc rằng yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là “lịch sử sai lầm của thiên niên kỷ, tin tức sai lệch của thế kỷ, sự gian lận khổng lồ của loài người”. Ông Carpio cũng đưa ra các bản đồ của Trung Quốc cho thấy tỉnh Hải Nam là điểm cực Nam của Trung Quốc, cho đến khi nước này dần dần mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, trong đó có việc chiếm đá Vành Khăn (1995), bãi Scarborough (2012) và đá Sandy (2017) từ tay Philippines.

Bằng chứng về sự biến đổi môi trường do hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc

Ngày 28/3, Tạp chí khoa học quốc tế Nature công bố báo cáo đưa ra các bằng chứng về sự biến đổi môi trường do hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc gây ra ở Biển Đông. Báo cáo đánh giá các tác động môi trường của hoạt động cải tạo đảo từ việc nạo vét đáy biển và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thực vật, động vật biển và cả hệ sinh thái. Báo cáo cho biết mức độ hủy hoại là rất lớn bởi các rạn san hô ở Biển Đông là nơi tập trung sự đa dạng sinh học lớn nhất Trái Đất. Thông qua việc sử dụng hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động xây dựng ở đá Vành Khăn, cho thấy mức độ tán xạ ở vùng biển quanh cấu trúc này lên tới 350%, lượng phù sa vượt quá 250km2 trong thời gian cải tạo đảo và diện tích khu vực bị tác động bởi việc nạo vét vượt quá 1.200km2. Báo cáo cho biết, hoạt động nạo vét dẫn đến việc môi trường sống tự nhiên bị che phủ và các rạn san hô bị trầm tích hóa, khiến cho nguồn lực sinh học của khu vực bị suy giảm. Báo cáo khẳng định, theo các chuyên gia, hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là hoạt động làm xói mòn các rạn san hô nhanh nhất trong lịch sử loài người. Hoạt động này không chỉ phá hủy các rạn san hô, tác động đến các khu vực xung quanh mà còn làm giảm trữ lượng các đàn cá cũng như giảm khả năng giải độc chất thải của Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các cấu trúc nhân tạo như sân bay và bản thân các hòn đảo nhân tạo có thể phá hoại môi trường sống của san hô, dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài cá, động vật không xương sống và một số thành phần quan trọng của hệ sinh thái bản địa. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, báo cáo này sẽ đóng vai trò là cơ sở để các cơ quan liên chính phủ đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó có thể đưa ra các chính sách hạn chế cải tạo đảo cũng như yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại này.

RELATED ARTICLES

Tin mới