Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ và TQ liên tục tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo

Mỹ và TQ liên tục tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo

Những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo. Các cuộc tập trận của Mỹ nhằm thể hiện thông điệp Washington sẵn sàng thực hiện sứ mệnh quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng trỗi dậy.

Mỹ tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo đề phòng Trung Quốc trên Biển Đông

Thủy quân lục chiến Mỹ (21/3) cho biết, Đơn vị Viễn chinh số 31 do sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 hỗ trợ cùng lực lượng đặc nhiệm, phi đội máy bay chiến đấu đã tiến hành phối hợp tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo với Nhật Bản tại đảo le Shima của Tokyo. Theo kịch bản, sau khi vượt qua lưới phòng thủ dày đặc giả định, nhiệm vụ của lính thủy đánh bộ là chiếm sân bay chiến lược trên đảo. Binh sĩ Mỹ ngay lập tức dọn dẹp khu vực để làm nơi máy bay cất và hạ cánh, tiếp nhiên liệu. Tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II Joint và vận tải cơ C-130J Super Hercules sau đó có mặt yểm trợ và vận tải thêm vũ khí lên đảo. Các tổ hợp pháo, rocket đa nòng triển khai từ vận tải cơ C-130 nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Ở trên bầu trời, tiêm kích F-35B tung các đòn tấn công chính xác từ xa dọn dẹp chiến trường.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết, cuộc tập trận trên thể hiện quân đội Mỹ sẵn sàng thực hiện sứ mệnh trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, nhấn mạnh đổ bộ chiếm đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lính thủy đánh bộ Mỹ. Ngoài ra, ông Joseph Dunford nêu rõ, quân đội Mỹ phải đối mặt với thách thức lớn hơn từ các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc. Ở Thái Bình Dương, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh, quân sự hóa Biển Đông và không giấu giếm ý định vượt qua chuỗi đảo thứ nhất.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã nhiều lần tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo. Lữ đoàn tác chiến đổ bộ nhanh của Nhật Bản và thủy quân lục chiến Mỹ (14-19/10/2018) đã tổ chức cuộc diễn tập đổ bộ trên đảo Tanegashima, phía Tây Nam Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa hai nước. Tham gia cuộc tập trên có 220 binh sĩ Nhật Bản và 10 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ. Đây là cuộc diễn tập bộ đầu tiên được tiến hành tại Nhật Bản, sau một cuộc tập trận ở Hawaii vào giữa tháng 7/2018. Trong cuộc diễn tập, Nhật Bản đã điều tàu vận tải Osumi chở theo 5 tàu đổ bộ và binh sĩ, trong khi Mỹ huy động các trực thăng CH-47 bay phía trên đảo. Sau khi đổ bộ lên đảo, lực lượng hai nước thực hành bài tập giành lại quyền kiểm soát một sân bay do đối phương chiếm giữ. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái quyết đoán tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông.

Trước đó, hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ và binh sĩ Nhật Bản (25/2/2017) đã tiến hành cuộc tập trận chung dùng xe lội nước đổ bộ tấn công nhằm mục tiêu tái chiếm đảo hẻo lánh. Cuộc tập trận diễn ra tại Bãi biển Đỏ thuộc Căn cứ thủy quân lục chiến Pendleton (bang California, Mỹ). Theo kịch bản, hàng trăm binh sĩ Mỹ và Nhật diễn tập tấn công ồ ạt vào bãi biển bằng các xe lội nước đổ bộ tấn công được triển khai từ tàu đổ bộ USS Anchorage đậu cách bờ hơn 3,6 km. Sau khi lên bãi biển, những binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) chiếm giữ phía Nam, còn lính thủy đánh bộ Mỹ chiếm phía Bắc. Các xe lội nước tấn công giúp các lực lượng chiếm nhanh chóng một ngôi làng ở phía Bắc. Ở phía Nam, binh sĩ Nhật Bản phải chờ di chuyển sâu vào đất liền để chiếm một ngôi làng khác.

Trung Quốc cũng không kém cạnh

Hạm đội Nam Hải Trung Quốc mới đây đã điều nhiều tàu chiến tham gia tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tham gia huấn luyện trên có 2 hạm tàu đổ bộ Type 071 và 3 tàu đổ bộ đệm khí cao tốc type 726.

Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành tập trận đánh chiếm đảo phi pháp ở Biển Đông, cụ thể:

Hải quân Trung Quốc (4/2017) tập trận đổ bộ chiếm đảo Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc đã điều 2 chiến hạm lưỡng thê đổ bộ Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn chở theo nhiều trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí ra Biển Đông tập trận bắn đạn thật xuyên ngày đêm liên tục trong vài ngày để kiểm tra khả năng tác chiến thực tế của Hạm đội Nam Hải. Cuộc tập trận này có nhiều khoa mục, bao gồm công – thủ 3 chiều, đổ bộ chiếm đảo bằng tàu đệm khí, cất hạ cánh đồng loạt trực thăng vũ trang, đổ bộ đường không và tất cả nội dung đều sử dụng đạn thật, tên lửa thật.

Trung Quốc và Nga (12-20/9/2016) tiến hành cuộc tập trận chung ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Cuộc tập trận hàng năm giữa quân đội Trung Quốc và Nga là hoạt động hàng hải chung lớn nhất giữa hai nước được tiến hành định kỳ từ năm 2012. Theo hải quân Trung Quốc, tham gia cuộc tập trận mang tên Joint Sea-2016 lần này có các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay, trực thăng và lính thủy đánh bộ. Phần lớn lực lượng Trung Quốc tham gia tập trận trực thuộc hạm đội Nam Hải. Trong các lần tập trận chung trước, hạm đội Bắc Hải và hạm đội Đông Hải mới là nòng cốt tham gia. Về phía Nga, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga điều một đội tàu 5 chiếc tham gia cuộc tập trận chung với Trung Quốc, gồm 2 khu trục hạm chống tàu ngầm, tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu kéo và tàu chở dầu. Trung Quốc và Nga thực hiện các khoa mục như bắn đạn thật, đổ bộ chiếm đảo và các hoạt động quốc phòng khác. Đặc biệt, đáng chú ý là khoa mục đổ bộ chiếm đảo được thực hiện trong cuộc tập trận lần này rất “nhạy cảm” khi tình hình Biển Đông, nơi cuộc tập trận diễn ra, đang căng thẳng.

Hạm đội Nam Hải Trung Quốc (8/2016) cho tàu đệm khí Zubr tập trận đánh chiếm đảo tầm xa ở Biển Đông. Trang tin Hải quân Trung Quốc cho biết, Hạm đội Nam Hải lần đầu tiên tổ chức cho các tàu đổ bộ đệm khí mới tiến hành diễn tập đổ bộ tập kích cực ly xa trong thời gian 4 ngày. Nhiều tàu đổ bộ đệm khí mới đã tiến hành đột kích tốc độ cao, tạo ra những con sóng lớn ở “vùng nước sâu trên Biển Đông”. Theo thông lệ diễn tập tác chiến đổ bộ trước đây, tàu đệm khí chủ yếu đảm đương nhiệm vụ đột kích vận chuyển lực lượng đổ bộ trong vài hải lý cuối cùng của tác chiến đổ bộ. Trong cuộc diễn tập lần này, Hạm đội Nam Hải phá vỡ hình thức tác chiến đổ bộ thông thường, loại bỏ mô hình tư duy việc sử dụng tàu đổ bộ đệm khí chỉ giới hạn ở “vượt qua km cuối cùng của tác chiến đổ bộ”, lần đầu tiên tổ chức cho tàu đổ bộ đệm khí tiến hành đổ bộ đột kích tập kích vài trăm hải lý. Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, các tàu đổ bộ đệm khí tiến hành diễn tập đổ bộ cự ly xa như vậy là một thách thức không nhỏ, đã kiểm tra tối đa khả năng điều khiển và chỉ huy hiệp đồng của binh sĩ, đã kiểm tra tối đa tính năng kỹ chiến thuật các loại của trang bị, đã tiếp tục mở rộng chức năng tác chiến cho tàu đổ bộ đệm khí mới. Báo chí Trung Quốc không hề tiết lộ địa điểm tập trận cụ thể, nhưng việc đưa tin như trên làm cho dư luận suy đoán có thể cuộc tập trận này đã tổ chức ở khu vực các đảo đá trên Biển Đông. Nếu thực sự như vậy đây là một cuộc tập trận bất hợp pháp và một lời cảnh báo về mối đe dọa trên biển cho các nước xung quanh Biển Đông.

Không những vậy, 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc (11/2015) tụ tập ở Biển Đông lần lượt tập trận tự chủ đối kháng khoa mục săn ngầm, ngoài ra, Hạm đội Nam Hải còn diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo phi pháp. Theo đó, từ ngày 17-19/11/2015, cả 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải đã tụ tập ở Biển Đông tiến hành tập trận săn ngầm và đổ bộ quy mô lớn. Tham gia diễn tập gồm có các tàu khu trục, tàu hộ vệ, máy bay trực thăng hải quân và tàu ngầm mới thuộc 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc. Trong đó có sự tham gia của tàu khu trục tên lửa Trường Xuân số hiệu 150 Type 052C của Hạm đội Đông Hải; 2 tàu hộ vệ Type 054 A (tàu Hành Dương số hiệu 568 và tàu Ngọc Lâm số hiệu 569) và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn số hiệu 071 thuộc về Hạm đội Nam Hải… Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng đầu tư vào chế tạo tàu đổ bộ mới, hơn nữa còn có các trang bị mới như tàu đổ bộ đệm khí Zubr (mua của Ukraine và tự chế tạo theo giấy phép), năng lực đổ bộ không ngừng được tăng cường thông qua các hoạt động huấn luyện cường độ lớn. Trước đây, Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không quen với đổ bộ lập thể, để có được năng lực tác chiến trên phương diện này thì phải dựa vào huấn luyện. Đáng chú ý là, từ động thái diễn tập thực tế và qua phân tích của các chuyên gia, Hải quân Trung Quốc đang tăng cường năng lực tác chiến liên hợp, tức là có sự phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các hạm đội, các lực lượng khác nhau, điều này đã thể hiện rõ trong cuộc diễn tập lần này.

Trung Quốc (7/2015) cũng tập trận đổ bộ phi pháp quy mô lớn ở Biển Đông. Theo CCTV, cuộc tập trận nói trên có sự tham gia của một lữ đoàn đổ bộ đường không, lực lượng lính thủy đánh bộ, lực lượng đổ bộ đường thủy và các đơn vị trực thăng không quân. Truyền thông Trung Quốc còn đưa tin rằng tàu đệm khí đổ bộ lớp Bison cũng lần đầu tiên được triển khai trong cuộc tập trận này. Đây là loại tàu đổ bộ có thể mang theo 3 xe tăng hạng nặng, hoặc 10 xe bọc thép với 140 binh sỹ.

Hạm đội Nam Hải (6/3/2013) tập trận chiếm đảo trên Biển Đông. Tham gia cuộc tập trận này có một biên đội tàu lưỡng thê đổ bộ do tàu Cảnh Cương Sơn chỉ huy. Số lượng tàu chiến, binh lính cũng như vũ khí trang bị, thời gian và địa điểm cụ thể diễn ra cuộc tập trận không được tiết lộ. Giới truyền thông Trung Quốc cho biết, tàu Cảnh Cương Sơn cơ động đến một vùng biển trên Biển Đông được xác định trước, chia quân thành 3 cánh dùng xuồng cao tốc…. nhanh chóng đổ bộ và đánh chiếm đảo “bị địch chiếm đóng”. Dưới mặt biển, xuồng cao tốc và xe tăng lội nước chở theo lính thủy quân lục chiến đổ bộ chiếm đảo từ 3 hướng. Trên bầu trời, trực thăng hải quân vận chuyển lính đặc nhiệm thủy quân lục chiến đổ bộ đường không phía sau lưng phòng ngự của đối phương.

Phản ứng của Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; nhấn mạnh duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực; tuyên bố việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tái khẳng định Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới