Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBốn khả năng TQ có thể đưa ra “đường cơ sở thẳng”...

Bốn khả năng TQ có thể đưa ra “đường cơ sở thẳng” trên Biển Đông

Tổ chức “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải” (AMTI) thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Mỹ (CSIS) vừa nhận định Trung Quốc có khả năng sớm tuyên bố “đường cơ sở thẳng” qua toàn bộ các thực thể ở Biển Đông.

Yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của TQ ở Biển Đông. Nguồn: AFP

Tổ chức “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải” (AMTI) thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Mỹ (CSIS) hôm 21/3 nhận định Trung Quốc có khả năng sớm tuyên bố “đường cơ sở thẳng” qua toàn bộ các thực thể ở Biển Đông bất chấp luật quốc tế. Đường cơ sở được các quốc gia ven biển áp dụng để xác định vị trí và chiều rộng của các vùng biển để từ đó xác định chủ quyền trên biển căn cứ theo Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS). Hiện khu vực Biển Đông cùng các thực thể tại đây là vùng tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Theo dự đoán của tổ chức AMTI, có 4 khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra “đường cơ sở thẳng” đối với phần còn lại của Biển Đông như sau: Một là, Trung Quốc sẽ phớt lờ tất cả các quy định trong UNCLOS và bao gồm tất cả các thực thể ở Quần đảo Trường Sa vào đường cơ sở của mình, tức là bao gồm cả Trường Sa, bãi Luconia và James Shoal của Malaysia và Vanguard Bank, cùng những thực thể nửa chìm nửa nổi thuộc thềm lục địa Việt Nam. Hai là, Trung Quốc sẽ bao gồm tất cả quần đảo Trường Sa vào các phân khúc của đường cơ sở với chiều dài lớn hơn 100 dặm. Ba là, Trung Quốc sẽ vẽ các đường cơ sở quanh các thực thể nổi và bãi cạn lúc chìm lúc nổi. Bốn là, Trung Quốc sẽ bao gồm chỉ những nhóm thực thể nổi trong các đường cơ sở. AMTI kết luận dù có trong trường hợp nào thì chắc chắn một điều rằng những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ vượt ra khỏi phạm vi “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà nước này đã đưa ra.

Theo AMTI, Trung Quốc đã tuyên bố một loạt “đường cơ sở thẳng” qua quần đảo Hoàng Sa từ năm 1996 mà nước này chiếm được từ Việt Nam vào năm 1974. “Đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc tuyên bố ở khu vực quần đảo này khiến Trung Quốc mở rộng phần lãnh hải qua việc áp dụng đường cơ sở thẳng đối với toàn bộ các thực thể thuộc quần đảo, thay vì vẽ riêng với từng thực thể như quy định của luật quốc tế. Không những thế, Trung Quốc cũng tuyên bố tất cả vùng nước phía trong của những đường cơ sở thẳng này là vùng nội thủy của Trung Quốc. Kết quả là Trung Quốc khẳng định các tàu thuyền và máy bay nước ngoài không có quyền đi qua vùng nước và vùng trời khu vực quần đảo Hoàng Sa, kể cả khi ở bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo.

Các nước đã phản đối mạnh mẽ tuyên bố của Trung Quốc. Trong đó, Mỹ lập luận rằng, theo UNCLOS, các nước ven biển như Trung Quốc không được áp dụng đường cơ sở thẳng. Đường này chỉ có thể áp dụng với các quốc đảo như Philippines và Indonesia. Sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông (7/2016), Mỹ cũng một lần nữa khẳng định lập trường của mình về “đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc đưa ra. Theo phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, việc áp dụng “đường cơ sở thẳng” của Trung Quốc cũng không được chấp nhận. Không những thế, phán quyết của tòa còn quy định các phân khúc đường cơ sở không thể dài quá 100 dặm và tỷ lệ vùng nước và đất trong đường cơ sở không thể vượt quá 9/1. Tuy nhiên theo AMTI, đường cơ sở mà Trung Quốc vẽ ra ở quần đảo Hoàng Sa dù không quá 100 dặm nhưng lại có tỷ lệ là 1.891/1. Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và một lần nữa khẳng định chính sách của nước này từ năm 1958 là áp dụng đường cơ sở thẳng đối với tất cả các khu vực Đông Sa, Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough, bãi Macclesfield và Trường Sa, cùng tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc. Theo AMTI, động cơ để Trung Quốc tuyên bố “đường cơ sở thẳng” ở quần đảo Trường Sa là để gia tăng đòi hỏi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với các thực thể, dù phán quyết của Tòa Trọng tài trước đó xác định các thực thể này không phải là các đảo để có thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

RELATED ARTICLES

Tin mới