Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHệ thống tín nhiệm xã hội: TQ đang giám sát mọi hoạt...

Hệ thống tín nhiệm xã hội: TQ đang giám sát mọi hoạt động của người dân

Hệ thống chấm điểm “tín nhiệm xã hội” của Trung Quốc đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được triển khai toàn diện vào năm 2020. Nó đã trở thành công cụ đắc lực để chính quyền Trung Quốc kiểm soát mọi hoạt động của người dân.

Khái quát về hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc

Trung Quốc đang thiết lập hệ thống đánh giá khổng lồ để theo dõi “nhất cử nhất động” của công dân nước này và xếp hạng họ dựa trên điểm số “tín nhiệm xã hội”. Hệ thống “tín nhiệm xã hội” được công bố lần đầu năm 2014 với mục đích củng cố ý tưởng “duy trì tín nhiệm là vinh quang, phá hoại niềm tin là đáng hổ thẹn”. Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc từ năm 2020 nhưng đang được thí điểm với hàng triệu người. Hệ thống có tính bắt buộc, không loại trừ cá nhân nào. Tại thời điểm hiện tại, hệ thống đang được xử lý dần dần, một số được điều hành bởi chính quyền thành phố, số khác lại được chấm điểm bởi các nền tảng công nghệ tư nhân nắm giữ dữ liệu người dùng.

Cũng như điểm số tín dụng cá nhân, điểm số xã hội của một người có thể tăng hay giảm phụ thuộc vào hành vi của họ. Phương thức chấm điểm chính xác là một bí mật song một số hành vi vi phạm có thể bao gồm hút thuốc tại khu vực cấm, mua quá nhiều game video, đăng tin giả mạo trên mạng hay lái xe ẩu.

Những người có điểm số thấp phải “trả giá” bằng nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như dưới đây: (1) Cấm bay hoặc đi tàu. Channel News Asia dẫn thống kê từ nhà chức trách cho biết 9 triệu người có điểm số tín nhiệm xã hội thấp đã bị cấm mua vé trong các chuyến bay nội địa, 3 triệu người bị cấm mua vé tàu hạng thương gia. Hệ thống còn trừng phạt các hành khách có hành vi xấu như đi lậu vé, đi lảng vảng trước cổng ra vào hay hút thuốc tại các khu vực cấm. (2) “Bóp” tốc độ Internet. Đó là theo Rachel Botsman, tác giả một cuốn sách về bảo mật công nghệ, đăng trên Wired năm 2017. Còn theo Foreign Policy, hệ thống tín nhiệm theo dõi mọi người có thanh toán hóa đơn đúng hạn hay không, rất giống với cơ chế đánh giá tín dụng tài chính nhưng đây cũng là một thước đo đạo đức. Các hành vi khác có thể bị trừng trị bao gồm dành quá nhiều thời gian chơi game video, lãng phí tiền bạc vào mua sắm phù phiếm và đăng lên mạng xã hội. Phát tán tin giả mạo, đặc biệt về tấn công khủng bố hay an ninh sân bay, cũng bị trừng phạt. (3) Cấm công dân và con cái theo học trường điểm. Theo Beijing News, 17 người từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự năm 2017 bị cấm đăng ký học ở cấp cao hơn, xin học trung học hay tiếp tục học tập. Tháng 7/2018, một trường đại học không cho một tân sinh viên theo học vì bố của người này có điểm tín nhiệm xã hội thấp. (4) Không có công việc tốt. Những cá nhân “phá hoại tín nhiệm” cũng bị cấm làm các công việc quản lý tại những doanh nghiệp quốc doanh, ngân hàng lớn. Một số tội ác như tham nhũng, biển thủ còn có tác động xấu đến tín nhiệm xã hội. (5) Không được ở khách sạn tốt. Những người không thực hiện nghĩa vụ quân sự bị cấm lưu trú tại các khách sạn và không được hưởng các kỳ nghỉ. Những người có điểm số cao được tăng tốc quá trình cấp phép đến các nơi như châu Âu. Một phụ nữ nói với BBC năm 2015 rằng cô được đặt phòng khách sạn mà không phải trả tiền vì có điểm số cao. (6) Không được nuôi chó. Thành phố Thiên An bắt đầu áp dụng hệ thống tín nhiệm xã hội với những người nuôi chó vào năm 2017. Những người này sẽ bị giảm điểm nếu chó đi lung tung mà không có xích hay gây ra bất tiện nơi công cộng. Người nào mất hết điểm sẽ bị tịch thu chó và phải làm bài kiểm tra về quy định cần thiết để sở hữu chó. (7) Bị cho vào “danh sách đen”. Công khai tên tuổi và chế giễu cũng là một biện pháp. Thông báo năm 2016 từ chính phủ khuyến khích các công ty tham khảo “danh sách đen” trước khi tuyển nhân viên hay ký hợp đồng. Tuy nhiên, mọi người sẽ được tòa án thông báo trước khi có tên trong danh sách và được phép kháng cáo trong vòng 10 ngày nhận thông báo. Ngoài các cá nhân, các công ty trong “danh sách đen” cũng có thể mất các hợp đồng của chính phủ hoặc mất quyền tiếp cận các khoản vay ngân hàng hoặc bị cấm phát hành trái phiếu hoặc nhập khẩu hàng hóa. Các sai phạm của các công ty bị phạt theo tín nhiệm xã hội năm ngoái bao gồm quảng cáo sai hoặc vi phạm các quy tắc an toàn dược phẩm, trung tâm thông tin chính phủ cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có những cách để người dân Trung Quốc trở thành một “công dân tốt”. Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đức đã phân tích 194.829 hồ sơ hành vi và 942 báo cáo của chính phủ về hành vi “tốt” và “xấu” của công dân và đưa ra một danh sách các hành động có thể mang lại điểm tín nhiệm tích cực, bao gồm: Giúp đỡ, chăm sóc người tàn tật; Quyên góp cho các quỹ đại học cho sinh viên nghèo; Chăm sóc người già, ngay cả khi họ không phải là họ hàng, thân thích; Giúp đỡ các nông dân trồng rau thu hoạch mùa màng; Trả nợ một khoản vay ngay cả sau khi ngân hàng đã hủy bỏ nó. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn chưa đầy đủ. Danh sách đầy đủ những việc làm giúp tăng điểm tín nhiệm vẫn chưa được hoàn thiện, và nó có thể còn phụ thuộc vào quyết định của những cơ quan khác nhau.

Bắc Kinh sẽ áp dụng từ năm 2021

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sẽ bắt đầu việc chấm “điểm tín nhiệm” của công dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố từ năm 2021, đưa kế hoạch đánh giá 1,3 tỉ dân của Trung Quốc dựa trên hành vi xã hội của họ tiến gần thực tế hơn 1 bước. Theo chính quyền Bắc Kinh, với gần 22 triệu cư dân, thành phố sẽ thu thập dữ liệu từ một số phòng, ban thuộc chính quyền để cho điểm người dân dựa trên hành vi và danh tiếng của họ. Để đảm bảo điểm số này chính xác, Bắc Kinh cũng đã khuyến khích những cơ quan có liên quan chia sẻ dữ liệu của họ về các hoạt động của người dân. Các chỉ số tín nhiệm xã hội của người dân dự kiến sẽ tác động lên phương thức tiếp cận thị trường, các dịch vụ công, du lịch, đi lại, tìm việc làm và năng lực khởi nghiệp. Theo đó, những công dân đạt “điểm số tín nhiệm xã hội” cao sẽ hưởng nhiều lợi ích tốt trong khi những người có điểm phạt hoặc vi phạm pháp luật sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống.

Theo kế hoạch đề ra, Bắc Kinh cũng sẽ cải thiện hệ thống danh sách đen, để những người bị xem là không đáng tin cậy sẽ “không thể di chuyển dù chỉ một bước” trong khi những người được đánh giá là có uy tín hoàn toàn có thể sử dụng tất cả các dịch vụ một cách bình thường.

Song song với việc chấm điểm tín nhiệm của các công dân, Bắc Kinh cũng sẽ giám sát độ tín nhiệm của các cán bộ, công chức và các sở, ban, ngành, các cơ quan trong chính quyền bằng cách giám sát việc thực hiện các cam kết, những lời hứa mà họ đã đưa ra. Điểm số này cũng sẽ được tích hợp trong đánh giá tín nhiệm cá nhân của các quan chức, cán bộ hưởng lương từ ngân sách.

Chính quyền Trung Quốc cho rằng việc áp dụng hệ thống đánh giá này sẽ giúp tăng cường sự minh bạch của chính quyền, phơi bày tình trạng tham nhũng, từ đó giúp việc xử phạt trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ở Bắc Kinh cũng sẽ được chấm điểm. Chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh rằng hệ thống điểm tín nhiệm này sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh cũng như môi trường xã hội của thành phố. Dĩ nhiên, điểm số này cũng có thể tăng hoặc giảm ở từng thời điểm, phụ thuộc vào hành vi của họ.

Theo Ủy ban Phát triển và Cải cách của Bắc Kinh, thành phố cũng sẽ nâng cấp hệ thống danh sách đen và thường xuyên công bố danh sách các cá nhân và doanh nghiệp bị đánh giá là không đáng tin cậy để tiến hành xử phạt hành vi như vậy. “Đây là một cách tiếp cận quan trọng của Bắc Kinh nhằm đánh giá tín nhiệm của các cá nhân và gắn sự tín nhiệm đó với toàn bộ cuộc sống của họ”, một người phát ngôn của chính quyền thành phố Bắc Kinh nói.

Phương Tây quan tâm, song người dân Trung Quốc “hững hờ”

Theo giới truyền thông xã hội phương Tây, hệ thống tín nhiệm xã hội mới này lại được mô tả như một “cốt truyện khoa học viễn tưởng với sắc màu ảm đạm”. Từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, công cụ tìm kiếm Google cho biết đã đưa ra kết quả cho hơn sáu triệu lượt tìm kiếm cụm từ “hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc” bằng tiếng Anh. Số kết quả hiển thị cho cụm từ này rơi vào khoảng 160 triệu. Số liệu thống kê của Google Trends cũng cho thấy sự quan tâm trên phạm vi toàn thế giới với hệ thống hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc đã đạt đỉnh trong nhiều năm qua. 

Nhưng ngược lại, thuật ngữ “hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc” bằng tiếng Trung, chỉ có 19,2 triệu kết quả hiện ra khi kiểm tra bằng Google. Google Trends cũng cho thấy ít người quan tâm tới thuật ngữ này bằng tiếng Trung so với tiếng Anh. Một phần nguyên nhân có thể bởi Google bị chặn ở Trung Quốc, nên người dùng nước này không thể tiếp cận. Nhưng thậm chí cả trên Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất ở quốc gia này, cũng chỉ có 7,7 triệu kết quả cho các truy vấn về hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc. Trên Twitter, các đề tài về hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc thu hút sự chú ý và tương tác chỉ sau 5-10 phút. Còn trên Weibo, mạng xã hội tương tự Twitter, thậm chí có số người dùng lớn hơn, cần tối thiểu một tới 2 tiếng, các bài viết về chủ đề này mới được thảo luận. Thậm chí chúng không hề có lượt yêu thích hoặc bình luận. Các minh chứng trên nói lên một điều rằng trong khi cả thế giới đang xôn xao và tò mò về hệ thống tín nhiệm xã hội thì ở chính Trung Quốc, nơi hệ thống này đang được thử nghiệm, người dân lại không quá quan tâm.

Lý giải một phần cho thái độ “thờ ơ” này, chính là từ chính sách tuyên truyền và vận động khéo léo của chính quyền Trung Quốc. Nó tương phản hoàn toàn với cách mà các chủ đề được thảo luận trên báo chí hay mạng xã hội phương Tây. Trong khi báo chí quốc tế sử dụng các từ ngữ như “đáng sợ”, “ớn lạnh”, “rủi ro”, “đáng báo động” để mô tả và cảnh báo về hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc lại dùng các tiêu đề với những từ ngữ như “tin cậy”, “hài hòa”, cùng với hình ảnh các quan chức đang họp trong các bài viết tuyên truyền.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng hệ thống này quá cứng nhắc và có thể trở nên không công bằng khi coi ai đó là không đáng tin mà không nói với họ rằng họ đã mất tín nhiệm xã hội, hoặc làm thế nào để họ có thể khôi phục tín nhiệm xã hội.

Ý đồ sâu sa

Viện chính sách quốc tế ASPI cho biết, hệ thống xếp hạng tín nhiệm xã hội của Trung Quốc, với mục đích theo dõi và định hướng hành vi của các doanh nghiệp và công dân tại nước này, đang vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc để tác động đến các công ty nước ngoài theo hướng phù hợp với tiêu chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo cáo mới của chuyên gia nghiên cứu Samantha Hoffman, thuộc Viện chính sách quốc tế ASPI (Canberra) nhận định, hệ thống xếp hạng tín nhiệm xã hội của Trung Quốc có “tiềm năng can thiệp trực tiếp vào chủ quyền của các quốc gia khác”. Hofman dẫn chứng một động thái gần đây của chính quyền Trung Quốc khi ép các hãng hàng không quốc tế ở Mỹ và Australia sử dụng thuật ngữ ưu tiên của Bắc Kinh khi nhắc đến Đài Loan và Hồng Kông, như một phần lãnh thổ của nước này. Đây là một ví dụ điển hình chứng minh tác động của quy tắc hệ thống tín nhiệm xã hội lên các công ty nước ngoài. Bà giải thích: “Điểm tín nhiệm được sử dụng đặc biệt trong những trường hợp này để buộc các hãng hàng không quốc tế chấp nhận và tuân thủ theo phiên bản sự thật mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẽ ra, qua đó trấn áp mọi quan điểm bất đồng về vấn đề lãnh thổ của Đài Loan”

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc kiểm soát tất cả các doanh nghiệp thông qua mã ID của họ, mọi vi phạm sẽ được báo cáo lên Hệ thống thông tin tín nhiệm doanh nghiệp quốc gia của Trung Quốc. Hệ thống sau đó tiếp tục mở rộng kiểm soát các tổ chức phi lợi nhuận, công đoàn và các tổ chức xã hội sau ngày 30/6/2018. Điều này khiến các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc.

Hiện tại, hình phạt dành cho các công ty vi phạm là phạt tiền, điển hình là nhà bán lẻ Nhật Bản Muji, đã bị phạt 200.000 nhân dân tệ trong tháng 5/2018 do liệt kê Đài Loan như một quốc gia trên nhãn các sản phẩm bán tại Trung Quốc. Nguyên nhân được nêu ra là công ty này đã vi phạm luật quảng cáo của chính phủ Trung Quốc: gây thiệt hại “nhân phẩm hoặc lợi ích của nhà nước”. Bên cạnh đó, vi phạm cũng được ghi lại trên Hệ thống tín nhiệm doanh nghiệp quốc gia của Hệ thống tín nhiệm xã hội. Danh sách này có thể tạo tiền đề cho các hình phạt từ các cơ quan nhà nước khác.

Những kết quả ban đầu

Kể từ khi ra mắt các hình phạt như vậy, hệ thống này đã khiến 3,5 triệu người “tự nguyện thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình”, trung tâm thông tin cho biết. Trung tâm nói rằng việc “thực hiện nghĩa vụ pháp lý” này bao gồm 37 người đã trả tổng cộng 150 triệu nhân dân tệ (31,3 triệu đô la) qua các khoản phạt hoặc tịch thu quá hạn.

Đến tháng 2/2017, Toà án Nhân dân Tối cao của Trung Quốc tuyên bố rằng đã có 6,15 triệu công dân bị cấm tham gia các chuyến bay trong 4 năm qua vì những “hành động xấu” trên mạng xã hội. Ngoài ra, có 1,65 triệu người bị liệt vào danh sách đen không thể đi tàu hỏa. Lệnh cấm là một bước tiến tới lập danh sách đen trong Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội.

RELATED ARTICLES

Tin mới