Tuesday, April 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgười dân Philippines đang ủng hộ kiện Chủ tịch TQ Tập Cận...

Người dân Philippines đang ủng hộ kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ra ICC

Đông đảo người dân Philippines đang ủng hộ cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales về việc kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) do những hành động “tàn bạo” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Diễn biến mới về vụ kiện

Trong đơn kiện gửi tới Văn phòng Công tố viên của ICC, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales thay mặt cho hàng trăm ngàn ngư dân và người dân nước này, cáo buộc ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao Trung Quốc đã phạm tội “gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng, gần như tàn phá vĩnh viễn môi trường biển trên khắp các quốc gia”. Họ nói rằng thiệt hại về môi trường xảy ra khi ông Tập Cận Bình và các quan chức khác thực hiện “kế hoạch mang tính hệ thống của Trung Quốc nhằm chiếm lấy Biển Đông”. Theo nội dung của đơn kiện: “Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác đã có những hành vi vi phạm luật quốc tế khi gây ra tổn hại nghiêm trọng cho (a) nhóm những người quốc tịch Philippines, những người phụ thuộc vào việc đánh bắt cá để kiếm sống, và (b) cho các thế hệ cư dân ven biển hiện tại và tương lai của các quốc gia ở Biển Đông, bao gồm cả những người mang quốc tịch Philippines, bằng cách đẩy nhanh sự sụp đổ nghề cá và do đó dẫn tới tình trạng thiếu lương thực ở một số quốc gia”; nhấn mạnh “mặc dù được công bố rộng rãi, những hành động vô nhân đạo và tàn bạo này của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông và trong lãnh thổ Philippines vẫn chưa bị trừng phạt, và chính xác chỉ ICC mới có thể bắt họ chịu trách nhiệm với người Philippines và cộng đồng quốc tế. Chỉ ICC mới khiến Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp”.

Không những vậy, trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales kêu gọi Công tố viên Fatou Bensouda của ICC  khởi xướng “cuộc khảo sát sơ bộ” nhằm “đánh giá các hành vi phạm pháp của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác”. Theo ông del Rosario và bà Morales, một chỉ thị do Công tố viên trưởng ICC Fatou Bensouda đưa ra vào năm 2016 có khả năng củng cố trường hợp hiện tại của họ. Chỉ thị đó đã nói rằng ICC sẽ ưu tiên các hành vi dẫn đến việc “phá hủy môi trường” cùng những thứ khác.

Một số chuyên gia đồng ý rằng chỉ thị trên đã cho các cựu quan chức Philippines lý do để hy vọng. Ông Jay Batongbacal, người đứng đầu Viện Đại học Luật Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, cho biết chỉ thị của Công tố viên Bensouda cho thấy “một mối quan tâm trong việc theo đuổi các vụ xâm hại môi trường được sử dụng để tiếp tục phạm tội trong phạm vi quyền hạn của ICC”.

Tuy nhiên, ông Tan Qingsheng, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho rằng hành động của ông del Rosario và bà Morales “không đại diện cho quan điểm của chính phủ và người dân Philippines” và sẽ “không ngăn chặn sự phát triển quan hệ song phương”; nhấn mạnh Trung Quốc không có kế hoạch phản hồi đơn kiện của hai cựu quan chức Philippines.

Quan chức và người dân Philippines ủng hộ đơn kiện

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cho biết bà “rất vui mừng vì chúng ta đã đạt đến điểm mà chúng ta đang mất đi niềm hy vọng. Chúng ta liên tục bị lấn chiếm. Ít nhất với vụ kiện này này, có những người có đủ can đảm để đưa vấn đề đến cơ quan có thẩm quyền”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson ca ngợi vụ kiện là một “động thái yêu nước, xứng đáng nhận được sự ủng hộ của mọi người dân Philippines yêu tự do, có nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta”.

Theo báo South China Morning Post, đến trưa ngày 26/3, đã có hơn 25.000 người ký vào bản “Tuyên bố ủng hộ” dành cho ông Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales trong vụ kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hiện số người tham gia ký vào “Tuyên bố ủng hộ” vẫn đang tiếp tục gia tăng. Theo South China Morning Post, hiện chưa rõ tác động một phán quyết thông cảm từ ICC sẽ có tác động gì với cả Manila lẫn Bắc Kinh.

Những người ủng hộ đơn kiện ca ngợi hành động dũng cảm của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales khi đệ đơn kiện ông Tập Cận Bình trước Tòa ICC về “những hành động sai trái của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông”, khẳng định người dân Philippines sẽ hoàn toàn ủng hộ Bộ trưởng del Rosario và bà Morales trong bất kỳ bước đi nào khác cần phải thực hiện để thúc đẩy vụ kiện này; đồng thời cho rằng vấn đề những người Philippines liên quan có lập trường chống chính phủ Trung Quốc vì những hành động ở Biển Đông, bao gồm cả lãnh thổ thuộc chính phủ Philippines chỉ là về thời gian.

Trước phản ứng của người dân, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo (22/3) nhấn mạnh cả Philippines và Trung Quốc đều không phải là thành viên ICC và đơn kiện là “hành động vô ích”. Tuy nhiên, cá nhân các công dân Philippines có quyền bày tỏ thái độ “phẫn nộ chính đáng” của họ đối với Trung Quốc vì đã xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông và đưa vụ việc ra trước Tòa ICC; đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ không ngăn cản các cá nhân nộp đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước tòa án quốc tế về các vi phạm môi trường ở Biển Đông có thể được coi là tội ác chống nhân loại.

Trung Quốc sẽ dùng chiêu bài cũ

Vào năm 2016, Trung Quốc đã phớt lờ ICC khi tòa này khi đứng về phía Philippines trong một vụ kiện khác do del Rosario dẫn đầu chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông del Rosario khi đó là Ngoại trưởng Philippines dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino.

Manila giành thắng lợi trong vụ kiện vào tháng 7/2016, tuy nhiên Tổng thống Duterte sau khi nhậm chức đã gạt bỏ phán quyết của Tòa trọng tài, tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh từ đó cam kết tài trợ cho sáng kiến cơ sở hạ tầng của ông Duterte và hai bên cũng đồng ý thăm dò chung ở Biển Đông.

Cách tiếp cận Trung Quốc của Tổng thống Duterte khiến ông hứng chịu nhiều chỉ trích vì thể hiện lập trường mềm yếu. Giới quan sát thậm chí cho rằng ông Duterte bị lừa bởi chính sách thân Trung Quốc của ông không đem lại kết quả đáng kể gì cho Philippines.

Thẩm quyền thụ lý của ICC

Vụ kiện được công bố trong bối cảnh các quan chức hàng đầu Philippines, bao gồm Ngoại trưởng Teodoro Locsin và Bộ trưởng Tài chính Carlos Sebastuez, đang ở Bắc Kinh để họp với các đối tác Trung Quốc về hợp tác hàng hải và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đơn kiện được nộp chỉ hai ngày trước khi Philippines chính thức rút khỏi ICC trong bối cảnh tòa đang xác định khả năng xảy ra tội ác chống lại nhân loại trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trung Quốc không phải thành viên của ICC và điều này đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa.

ICC là tòa án hình sự quốc tế thường trực, độc lập đầu tiên của cộng đồng quốc tế. Tòa án có thẩm quyền điều tra và xét xử các cá nhân chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng nhất như: tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội xâm lược. Năm 2016, ICC ra tuyên bố mới, cho biết tòa án này sẽ bắt đầu thụ lý và xét xử cả những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp. ICC nhấn mạnh hành động hủy hoại môi trường và chiếm đoạt đất đai có thể dẫn tới việc khởi tố các vụ án về tội ác chống lại loài người. ICC hiện có 116 quốc gia thành viên, bao gồm tất cả các quốc gia Nam Mỹ, gần như toàn bộ châu Âu và gần một nửa các quốc gia ở châu Phi.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp không là thành viên của ICC, một quốc gia cũng có thể phải chịu ảnh hưởng của việc thực hiện thẩm quyền của tòa án. Trường hợp phổ biến là nếu công dân của nước đó phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia là thành viên của ICC thì hành vi này thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án. Một trường hợp nữa là hành vi phạm tội diễn ra trên lãnh thổ một nước không phải thành viên của ICC, nhưng lại do công dân của một nước thành viên tiến hành, thì ICC vẫn có thẩm quyền xét xử công dân đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới