Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột vài phân tích của học giả về cái gọi là “lợi...

Một vài phân tích của học giả về cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của TQ ở Biển Đông

Gắn liền với quá trình đòi hỏi chủ quyền phi pháp đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là việc Bắc Kinh cho rằng Biển Đông nằm trong “lợi ích cốt lõi” của nước này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những lập luận nhằm bao biện cho âm mưu, ý đồ muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên thệ. Nguồn: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng phát biểu “Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi con đường phát triển hoà bình. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ những quyền chính đáng của mình và cũng sẽ không bao giờ hy sinh các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình. Không một quốc gia nào nên kỳ vọng Trung Quốc sẽ đánh đổi lợi ích quốc gia cốt lõi của mình để đạt lấy một vài lợi ích nho nhỏ từ việc chà đạp lên lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển”. Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc đã thể hiện rằng, trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo đảm lợi ích cốt lõi của mình. Vì vậy, việc xác định Biển Đông nằm ở đâu trong phân loại các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nhận được rất nhiều sự quan tâm. Việc đặt các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc là một lợi ích cốt lõi là biểu hiện cho một chuyển biến quan trọng và đáng báo động trong lịch sử lập trường của nước này đối với vấn đề Biển Đông.

Vào cuối tháng 4/2010, tờ New York Times đã lần đầu tiên đưa ra một báo cáo về việc các quan chức Trung Quốc đã xác định việc bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của nước này trong một cuộc gặp không chính thức tổ chức tại Bắc Kinh tháng 3/2010 với hai quan chức cấp cao của Mỹ là Giám đốc phụ trách vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Jeffrey Bader và Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg. Sau đó, báo này tiếp tục cho biết ông Đới Bỉnh Quốc đã lặp lại điều này với bà Hilary Clinton vào tháng 5/2010 trong cuộc gặp tại Washington. Bản thân bà Clinton đã xác nhận nội dung này trong một cuộc họp báo tại Australia. Vấn đề này đã tạo ra hàng loạt quan ngại về việc Trung Quốc không muốn thoả hiệp lập trường của mình, từ đó sẵn sàng sử dụng vũ lực, nếu cần thiết.

Một số học giả đã khẳng định mạnh mẽ rằng Biển Đông không nằm trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. So sánh với một tranh chấp lãnh thổ tương tự, tranh chấp Trung – Nhật trong vấn đề Đảo Điếu Ngư/Senkaku, giúp làm sáng tỏ tính độc nhất về các mục tiêu của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Đầu năm 2013, Tư lệnh Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ trả lời tờ NHK tại Tokyo rằng, trong chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc đã cho biết Senkaku là “một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Thay vì việc giấu thông tin về báo cáo này như đã làm trước kia, Trung Quốc đã xác nhận điều này. Lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc coi quần đảo Senkaku là một “lợi ích cốt lõi” của mình. Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc “Đảo Điếu Ngư thuộc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là một phần của lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Thêm vào đó, vào tháng 11/2013, Trung Quốc đã đặt vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông mà không có bất kỳ một thông báo chính thức trước nào.

Năm 2016, Tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân, Vũ Thắng Lợi đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ hy sinh chủ quyền và các lợi ích của mình trên Biển Đông, đây là vấn đề thuộc về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Đã không có bất kỳ một phản hồi nào từ phía Bộ Ngoại giao về tuyên bố này, đồng thời, Sách Trắng về Biển Đông đã không nhắc tới cụm từ “lợi ích cốt lõi”. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí quốc gia sau phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông hồi tháng 7/2016, ông Dương Khiết Trì, Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc có nhắc tới cụm từ “lợi ích cốt lõi” xong không chỉ cụ thể tới Biển Đông, điều có thể dễ dàng được hiểu là ông đang cố gắng để làm hài lòng tất cả các bên trong nội bộ Trung Quốc.

Vấn đề lợi ích cốt lõi quan trọng đến mức, nó liên quan đến việc một quốc gia có bao nhiêu khát khao và quyết tâm để bảo vệ nó. Trong quan hệ quốc tế, về cơ bản, đó là một tín hiệu giao tiếp nhằm truyền tải mức độ sự cứng rắn và có thể là việc sử dụng quân sự đối với bất kỳ vấn đề gì có thể được định nghĩa là lợi ích cốt lõi. Nói một cách khác, thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” nghĩa là một thông điệp được gửi đến các quốc gia khác rằng vấn đề về cơ bản là không đàm phán được. Chẳng hạn, trong các bài diễn thuyết chính trị của Trung Quốc, khi đối mặt với các lợi ích cốt lõi, nước này sẽ “không bao giờ từ bỏ, thỏa hiệp hay nhượng bộ”, mặc cả hay thương lượng và phải cứng rắn, rõ ràng, có động lực để chiến đấu và những nguyên tắc trong đó Trung Quốc sẽ không bao giờ đầu hàng. Cụ thể, trong nội bộ Trung Quốc, lập trường về Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là bất khả xâm phạm và là những bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, được xếp vào hàng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và không cho phép đàm phán.

Tuy nhiên, cấu thành lợi ích cốt lõi của một quốc gia không cố định, bởi vì ít nhất ở cấp độ lý thuyết, chúng có thể chuyển đổi từ “không thể đàm phán” sang có thể đàm phán khi cái giá phải trả và lợi ích thu lại thay đổi lên hoặc xuống. Vì thế, khái niệm các lợi ích cốt lõi bao giờ cũng mang tính động chứ không phải tĩnh. Chẳng hạn, nghiên cứu của Michael Swaine đã khám phá ra rằng tại Trung Quốc những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cụm từ lợi ích cốt lõi được dùng trong truyền thông chính thức của nước này chỉ khi nói về lợi ích của các quốc gia khác. Các nguồn chính thức của Trung Quốc chỉ bắt đầu thường xuyên đề cập đến các lợi ích cốt lõi của bản thân nước này vào khoảng các năm 2003, 2004. Trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Hội đồng Nhà nước và chuyên gia đối ngoại của Trung Quốc, trong một bài phát biểu vào năm 2009, đã lần đầu tiên chỉ ra các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, tái thống nhất với Đài Loan và phát triển kinh tế. Hai năm sau, Sách Trắng năm 2011 của Trung Quốc về phát triển hòa bình nêu rằng Trung Quốc sẽ cứng rắn trong việc theo đuổi các lợi ích cốt lõi của mình, bao gồm những lợi ích sau đây: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, tái thống nhất đất nước, hệ thống chính trị của Trung Quốc, ổn định xã hội, những bảo đảm cơ bản cho phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Tính tinh chỉnh trong cấu thành các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đã một lần nữa cho thấy bản chất có thể thay đổi của khái niệm này. Tất nhiên, ngay cả khi sau khi Trung Quốc đưa ra Sách Trắng năm 2011, khái niệm lợi ích cốt lõi vẫn được để mở để Trung Quốc giải thích trong các bài diễn thuyết của mình. Cá nhân một vài học giả thậm chí còn mở rộng dải lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ra các nhân tố khác như sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên, và các lợi ích năng lượng tại Trung Đông.

Với bản chất có thể thay đổi, khái niệm “lợi ích cốt lõi” vì thế khiến cho vấn đề Biển Đông trở nên linh hoạt, thuộc hoặc không thuộc khái niềm này. Vấn đề Biển Đông sẽ được nằm trong số các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nếu được xem là không thể đàm phán và tất nhiên, sẽ bị loại ra nếu Trung Quốc sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán và thậm chí nhượng bộ. Khả năng Trung Quốc có tiến hành các cuộc đàm phán về vấn đề Biển Đông phụ thuộc vào các lợi ích khả thi đạt được từ đàm phán có lớn hơn lợi ích trong vấn đề Biển Đông hay không, điều sẽ hướng chúng ta trở lại các bản sắc mà một quốc gia sở hữu. Với bản sắc của một quốc gia bình thường, quan tâm chiến lược của Trung Quốc là bảo đảm và mở rộng chủ quyền và các lợi ích của nước này trên Biển Đông và các mục tiêu chính sách kéo theo đó sẽ tối đa hóa chủ quyền và các lợi ích biển của Trung Quốc trong tranh chấp. Vì thế hóa ra là các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc là không thể đánh đổi do bản thân chúng đã tự cấu thành nên các mục tiêu tối cao của Trung Quốc. Các yêu sách trên Biển Đông, điều không gì có thể đánh đổi được, vì thế cấu thành nên một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trong khi đó, quan tâm chiến lược đối với Trung Quốc với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy chính là thách thức cường quốc thống trị để thiết lập thế vượt trội hoặc tư cách lãnh đạo của riêng mình trong hệ thống quốc tế, và các mục tiêu chính sách nhắm đến việc cải thiện các biện pháp giải quyết tranh chấp.

Nói một cách khác, tầm quan trọng của các yêu sách trên Biển Đông là thấp hơn so với sự dịch chuyển quyền lực cấp hệ thống đối với một cường quốc đang trỗi dậy, và vấn đề Biển Đông có thể mang ra đàm phán và trao đổi với các lợi ích tốt hơn cho việc dịch chuyển này. Các yêu sách Biển Đông tiềm tàng có thể đàm phán được và vì thế không cấu thành các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Các quan điểm khác nhau về các lợi ích cốt lõi trong đó bao gồm các yêu sách trên Biển Đông, về cơ bản, là kết quả đến từ các hiểu của Trung Quốc về các bản sắc quốc gia. Trong nội bộ Trung Quốc, bản sắc kép, nói chính xác là một cường quốc đang trỗi dậy hay là một quốc gia bình thường, cho thấy nhận thức khác nhau của nước này về các lợi ích cốt lõi của mình, vì thế, như đã đề cập ở trên, cuộc tranh luận và mơ hồ trong nội bộ Trung Quốc xung quanh các yêu sách trên Biển Đông bắt đầu nảy sinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới