Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ lần đầu xác nhận cử thủy quân lục chiến đến Đài...

Mỹ lần đầu xác nhận cử thủy quân lục chiến đến Đài Loan: “Con bài” tưởng giá rẻ, hiệu quả cao nhưng phải trả giá đắt?

“Nước Mỹ ở xa tận chân trời, Đại lục gần ngay trước mắt. Đài Loan tốt nhất nên tự tìm giải pháp giải quyết vấn đề an ninh”, cựu quan chức Đài Loan nhận định.

Xác nhận công khai đầu tiên của Washington

Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) ngày 3/4 lần đầu tiên xác nhận, kể từ năm 2005, các lực lượng hải-lục-không quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã được triển khai tại trụ sở của AIT.

Đáng chú ý, đến tối 3/4, tờ United Daily News (Đài Loan) dẫn nguồn tin quân sự Đài Loan tiết lộ, thực tế kể từ năm 2005, trụ sở AIT ngoài các sĩ quan trong biên chế các lực lượng hải-lục-không quân thì chỉ tăng thêm một sĩ quan thủy quân lục chiến – thiên về công tác ngoại giao quân sự, chứ không phải một lính gác thuộc biên chế thủy quân lục chiến đứng gác ngoài cổng cơ sở ngoại giao.

Theo thông lệ ngoại giao, chỉ các quốc gia có quan hệ chính thức với nhau mới tiếp nhận nhân viên quân sự tới thực hiện nhiệm vụ ngoại giao và lực lượng thủy quân lục chiến luôn chịu trách nhiệm duy trì an ninh Đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài.

Được biết, AIT có một tổ kỹ thuật và một tổ liên lạc sự vụ, phụ trách trao đổi thông tin quân sự Mỹ-Đài. Tiền thân của tổ kỹ thuật là đội ngũ cố vấn quân sự Mỹ trước khi Washington chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và đến năm 2012 đổi tên thành “tổ hợp tác an ninh”. Còn tổ liên lạc sự vụ vốn là đội ngũ sĩ quan ở đại sứ quán trước đây.

Theo Thời báo Hoàn cầu, thời gian đầu sau khi chấm dứt quan hệ ngoại giao, thành viên hai tổ trên đều là các quan chức quân đội Mỹ đã nghỉ hưu được bổ nhiệm nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự song phương nhưng đến năm 2004, đội ngũ này do các sĩ quan đang trong biến chế đảm nhận.

Ông Lâm Dĩnh Hựu, học giả thuộc Đại học Trung Chính, Đài Loan cho rằng, “AIT đang thừa nhận một vấn đề đã là sự thật” nhưng thời điểm xác nhận trùng khớp với thời điểm máy bay quân sự Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan nên việc Mỹ đã chọn thời điểm này để công khai cho thấy ý nghĩa chính trị của sự việc lớn hơn hẳn ý nghĩa quân sự, thể hiện sự ủng hộ của Washington với Đài Loan.

Ông Đinh Thụ Phạm, Giáo sư danh dự Học viện quan hệ quốc tế, Đại học chính trị Đài Loan nhận định, luôn có binh lính Mỹ đóng quân ở trụ sở của AIT nhưng họ chỉ mặc trang phục thường chứ không phải quân phục nên tuyên bố công khai lần đầu này của AIT có thể cho thấy ở một mức độ nào đó, mối quan hệ Mỹ-Đài đã được tăng cường.

Tuy nhiên, ông này cho rằng các bên không nên lạc quan quá mức mà cần theo dõi sát sao tình hình trong tương lai về quy mô quân đội Mỹ ở AIT hay việc trang bị quân phục của các lính Mỹ ở AIT…

Ông Trần Duy Khiết, Tổng biên tập tạp chí quân sự Đài Loan thì cho rằng, các thành viên của thủy quân lục chiến Mỹ ở AIT có cấp bậc không cao vì thế không có vấn đề gì khi hợp tác với cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Truyền thông TQ đe dọa sẽ trả giá đắt

Theo Thời báo Hoàn cầu, việc AIT lần đầu xác nhận ba lực lượng hải-lục-không quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã được triển khai ở AIT kể từ năm 2005 được coi là dự nối tiếp “con bài Đài Loan” của Mỹ.

Tờ này dẫn lời một chuyên gia về vấn đề Đài Loan cho biết, năm nay là một năm vô cùng đặc biệt quan trọng và nhạy cảm về các vấn đề liên quan tới mối quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Đài-Mỹ và quan hệ giữa hai bờ eo biển.

Trong thời điểm nhạy cảm, Mỹ ngày càng công khai hóa các chính sách thách thức về vấn đề Đài Loan, cường điệu tuyên bố về sự hiện diện của quân đội ở AIT, thực tế nhằm để ủng hộ chính quyền bà Thái Anh Văn, đồng thời thể hiện sự thách thức với Bắc Kinh, chuyên gia Trung Quốc bình luận.

Trước đây, trụ sở mới của AIT được khánh thành vào tháng 6/2018 sau quá trình xây dựng mất khoảng 9 năm với 255 triệu USD trên một khu đất với diện tích 6.5 ha. Trong hai năm qua, không có tin tức về thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân ở AIT được truyền ra ngoài nhưng phía Washington cũng chưa từng xác nhận công khai.

Hồi tháng 2/2017, cựu lãnh đạo AIT Dương Tô Đệ tiết lộ, Mỹ sẽ đưa lính thủy quân lục chiến tới trụ sở mới của AIT cũng như sẽ xây dựng “nhà của thủy quân lục chiến” và cho biết AIT có vai trò như một “đại sứ quán” của Mỹ ở nước ngoài – là biểu tượng của cam kế Mỹ với Đài Loan.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu cho hay, trước động thái mới này của Mỹ và Đài Loan, nhiều học giả của vùng lãnh thổ này đã bày tỏ lo ngại về vấn đề duy trì an ninh.

Ông Lâm Úc Phương, cựu thành viên cơ quan lập pháp Đài Loan cho rằng, dù Mỹ đã thông thông Đạo luật lữ hành Đài Loan hay các chuyến thăm quân sự lẫn nhau nhưng về vấn đề đóng quân ở AIT, chính quyền Đài Loan không nên suy diễn quá mức mà vấn đề cần giải quyết là vấn đề giữa hai bờ eo biển.

“Nước Mỹ ở xa tận chân trời, Đại lục gần ngay trước mắt. Đài Loan tốt nhất nên tự tìm giải pháp giải quyết vấn đề an ninh của mình, tránh phụ thuộc quá nhiều hoặc đặt kỳ vọng cao nhưng không cần thiết vào Mỹ”, ông Lâm nhấn mạnh.

Một cựu lãnh đạo AIT khác là Lâm Dĩnh Hựu thì cho rằng, thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại AIT sẽ không bảo về Đài Loan mà khi chiến tranh phát sinh, lực lượng này sẽ chỉ hỗ trợ quan chức Mỹ và người dân Mỹ di tản khỏi Đài Loan còn Đài Loan thì cuối cùng vẫn phải dựa vào chính bản thân mình.

Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn China Review (Hồng Kông) cảnh báo, Mỹ sẽ không thể thỏa hiệp với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan và phải trả giá đắt dù Nhà Trắng cho rằng dùng “con bài Đài Loan” sẽ chịu ít chi phí mà hiệu quả cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới