Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiPháp cảnh giác điều gì khi đón tiếp ông Tập Cận Bình?

Pháp cảnh giác điều gì khi đón tiếp ông Tập Cận Bình?

Sau nghi thức đón tiếp long trọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dưới chân Khải Hoàn Môn (Paris) là cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Pháp -Trung tại điện Elysées.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc họp hôm 25.3 – Ảnh: NYT

Bên dưới sự hào hoa, tráng lệ, có những tuyên bố cảnh giác về ảnh hưởng của Trung Quốc xuất phát từ chính Tổng thống Emmanuel Macron.

Tuần trước, Ý đã bỏ mặc châu Âu để ký kết dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc – sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Phản ứng trước điều này, ông Macron đã thể hiện lập trường thống nhất của EU khi nhận thức được tầm quan trọng trong việc đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Khi nghênh đón ông Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp đã cố thuyết phục Trung Quốc chấp nhận hành xử theo các quy tắc trong quan hệ đa phương, trong bối cảnh nội bộ Liên Minh Châu Âu đang chia rẽ trước sự “ve vãn” ngoại giao – thương mại của Bắc Kinh bằng những lời mời mọc hợp tác “đôi bên cùng có lợi”.

Bên dưới những nụ cười thân mật cùng những cái bắt tay nồng ấm, những từ ngữ sắc bén của ông Macron vang lên dường như muốn tỏ thái độ mạnh mẽ của mình đối với Trung Quốc, một quốc gia có lượng khách du lịch mua sắm xa xỉ tràn ngập nước Pháp nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp về lợi ích địa chính trị chung ở châu Phi.

Sau khi tuyên bố tuần trước rằng “mối quan hệ ngây thơ” của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc đã chấm dứt, ông Marcon đã nhấn mạnh một lần nữa với nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm 25.3.

Không rõ làm thế nào Pháp có thể ngay lập tức tránh được sự “ngây thơ” mà ông Macron đã đề cập trước đó, cũng như việc củng cố cách tiếp cận thống nhất đa phương trong việc ký các thỏa thuận trị giá hàng tỉ euro hôm thứ hai (25.3), bao gồm một đơn đặt hàng máy bay Airbus có giá trị khổng lồ với Trung Quốc.

Hai nước đã ký 15 thỏa thuận kinh doanh, với tổng trị giá khoảng 40 tỉ euro (45 tỉ USD), bao gồm một đơn đặt hàng 300 máy bay Airbus ước tính khoảng 30 tỉ euro. Tuy nhiên, không giống như Ý, Pháp đã đẩy lui dự án “Vành đai Con đường” của Trung Quốc.

Ngay từ trước lúc ông Tập Cận Bình đặt chân xuống Pháp, Paris đã liên tiếp tung ra nhiều tín hiệu, nêu rõ quan điểm dè dặt của Pháp đối với sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc. Dù không nêu đích danh, nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 13.3 đã nêu một thông điệp đến Trung Quốc, vốn hiện diện mạnh mẽ ở châu Phi, khi nhắc đến “những con đường tơ lụa” trong lịch sử vốn không hề là những con đường “một chiều”.

Khiếu nại với Trung Quốc với tư cách là đối tác, ông Marcon đã đề cập đến Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump – người đã từ chối các thỏa thuận đa quốc gia như Hiệp định Khí hậu Paris hay gạt bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tổng thống Pháp cho biết, trật tự trên thế giới đã bị lung lay, để đối mặt với nguy cơ phá hủy trật tự đa phương, Pháp và Trung Quốc phải có trách nhiệm với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Macron khẳng định Pháp giống như Trung Quốc, sẽ tuân theo thỏa thuận với Iran, và nói rằng hai nước đã đạt được tiến bộ về vấn đề biến đổi khí hậu, và về dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với thịt bò và gia cầm của Pháp.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, ông Macron dường như ngầm muốn phản ánh chủ trương của nước Pháp trong việc thúc đẩy một lập trường chung của EU nhằm thúc giục Trung Quốc giảm bớt các tham vọng đang làm thay đổi cục diện của thế giới, và ảnh hưởng đến các lợi ích của châu Âu.

Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp đúng vào thời điểm Galeries Lafayette, cửa hàng bách hóa xa xỉ nổi tiếng của Pháp, đang dự kiến ​​mở rộng nhanh chóng ở Trung Quốc. Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào một loạt các lĩnh vực của Pháp, bao gồm rượu vang, khách sạn và sản xuất thực phẩm công nghiệp. Pháp là quốc gia nhận 9% trong tổng đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu trong năm 2018.

Trung Quốc đã mua hơn 150 nhà máy rượu vang ở Bordeaux và biến mình thành thị trường xuất khẩu hàng đầu cho rượu vang Bordeaux. Sự đẩy mạnh của Trung Quốc vào lĩnh vực biểu tượng văn hóa đã tạo ra một số phản ứng dữ dội, nhưng không đủ để ngăn chặn các chủ doanh nghiệp Pháp bán tài sản của họ.

Các nhà phân tích quan hệ Pháp – Trung hôm 25.3 cho rằng quan hệ thương mại là chủ đề thực sự của mối bận tâm hiện nay. Jean-Philippe Béja của Trường đại học nghiên cứu Science-Po cho biết: “Pháp đã mở cửa cho thương mại và đầu tư cho người Trung Quốc nhưng họ chưa bao giờ cho chúng tôi tham gia vào thị trường ở nước họ”.

François Godement, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Montaigne ở Paris cho hay: “Pháp có lý do để cảnh giác nhiều hơn các thành viên khác của Liên minh châu Âu về quyền lực và mức ảnh hưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh đang chi phối những ‘con rối’ của mình đặc biệt là ở khu vực châu Phi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới