Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHợp tác hàng hải Việt Nam với các nước đóng góp tích...

Hợp tác hàng hải Việt Nam với các nước đóng góp tích cực vào hòa bình, phát triển của khu vực

Trong những năm qua, Việt Nam và các nước đã tăng cường hoạt động hợp tác giao lưu giữa các lực lượng hải quân. Điều này đã góp phần tích cực trong việc xây dựng một môi trường hoà bình, hợp tác, hữu nghị trong khu vực và thế giới.

Hoạt động giao lưu, hợp tác giữa Hải Việt Nam với các nước. Nguồn: AP

Với Ấn Độ

Tàu tuần tra ICGS VIJIT số hiệu 31 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ với 95 thủy thủ đoàn do đại tá Ashish làm thuyền trưởng đã có chuyến thăm hữu nghị đến Đà Nẵng (Việt Nam) trong vòng 4 ngày (từ 01/4 – 04/4/2019). Trong chuyến thăm lần này, đoàn thủy thủ của tàu tuần tra ICGS VIJIT đã chào xã giao và gặp gỡ ban, ngành Việt Nam, giao lưu thể thao, thăm một số địa điểm văn hóa tại Đà Nẵng, Hội An và Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ngoài ra, còn có chương trình Cảnh sát Biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ diễn tập chung tìm kiếm và cứu hộ trên biển. Trước đó, tàu SAMRAT của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ cùng 140 sĩ quan và thủy thủ đã thăm hữu nghị Đà Nẵngvào tháng 10/2016; 3 chiến hạm SAHYADRI, SHAKTI và KAMORTA của Hải quân Ấn Độ cũng đến thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào tháng 5/2018; tàu Hải quân Ấn Độ INS RANA thăm bến cảng Nhà Rồng tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2018. Trong khi đó, phía Việt Nam có tàu Cảnh sát biển CBS 8001 thăm Chennai (Ấn Độ) từ ngày 02-6/10/2018.Ấn Độ và Việt Nam luôn có sự đồng thuận trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Cả hai đều cam kết xây dựng một khu vực châu Á và Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại không bị cản trở.

Với Mỹ

Hôm 29/3/2019, Mỹ đã bàn giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark “45 Defiant” do hãng Gravois Aluminium Boats LLC sản xuất cùng các thiết bị trị giá 12 triệu USD cho lực lượng tuần duyên Việt Nam tại Khánh Hòa. Đây là đợt bàn giao thứ ba, đánh dấu một bước quan trọng nữa trong việc tiếp tục hợp tác an ninh giữa Mỹ và Việt Nam. Quan hệ hợp tác song phương giữa Mỹ và Việt Nam tiếp tục phát triển. Với đợt bàn giao mới nhất này, tổng số tàu tuần tra Việt Nam đã nhận được là 24 chiếc, góp phần nâng cao khả năng chấp pháp, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải khu vực. Trước đó, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ,với khoảng 3.000 lính đã tới thăm thành phố Đà Nẵng (3/2018). Cùng với tàu USS Carl Vinson là tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam kể từ năm 1975.

Với New Zealand

Tàu khu trục Te Mana của Hải Quân Hoàng Gia New Zealand với thùy thủ đoàn gồm 178 người do nữ Trung tá Lisa Hunn dẫn đầu (9/2018) đã cập cảng Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian 4 ngày, các thủy thủ trên Tàu Khu Trục Te Mana của Hải Quân Hoàng Gia New Zealand và Hải quân Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động chung nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và New Zealand. Trước đó, vào tháng 6/2017, tàu Khu trục Ta Kaha của New Zealand cũng đã đến thăm Cảng Đà Nẵng. Các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước, đồng thời đóng góp vào an ninh và ổn định khu vực cũng như trên thế giới.

VớiCanada

Tàu Hải quân Hoàng gia Canada HMCS Calgary (một trong số 12 tàu hải quân tuần tra Canada) đã cập cảng Tiên Sa trong chuyến thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng (9/2018). Trong 5 ngày lưu lại Đà Nẵng, thuỷ thủ đoàn đã giao lưu với trẻ em nhiễm chất độc da cam, trẻ em khuyết tật; giao hữu bóng đá với Vùng 3 Hải quân; gặp gỡ các đối tác thương mại trên tàu để giới thiệu công nghệ Canada. Ngoài tàu khu trục Calgary, chuyến thăm lần này của Canada còn có tàu hậu cần MV Asterix.

Với Anh

Trong chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 03 – 06/9/2018 của tàu đổ bộ HMS Albion (L14), lớp Albion của Hải quân Hoàng gia Anh, hai bên đã có nhiều hoạt động giao lưu về hàng hải. Chuyến thăm là một phần trong các hoạt động của tàu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tàu đổ bộ HMS Albion có chiều dài 176 m, rộng 28,9 m, với lượng choán nước 21.000 tấn có thể chở theo 67 xe thiết giáp, 405 binh sĩ, là một trong những trụ cột cho sức mạnh đổ bộ của hải quân Hoàng gia Anh.

Với Pháp

Tàu Surcouf của Hải quân Pháp đã cập Cảng Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 01 – 05/6/2018. Ngay sau khi cập cảng Sài Gòn, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh và Tư lệnh tàu Surcouf đã có buổi tiếp xúc với báo chí chia sẻ 4 mục tiêu chính của chiến dịch là triển khai trong những khu vực chiến lược, hợp tác quốc tế, hỗ trợ quan hệ ngoại giao, và đào tạo tác chiến thực tế cho các sĩ quan tham gia khóa học…

Với Thái Lan

Sáng 3/12/2018, hai tàu hải quân Thái Lan là H.T.M.S Rattanakonsin và H.T.M.S Kamronsin do Đại tá Papon Hanphaiboon, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân Thái Lan làm trưởng đoàn cùng 213 thủy thủ đoàn đã cập cảng Phú Quốc, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị tại Việt Nam từ ngày 3 đến 6 tháng 12. Trong thời gian ở thăm Phú Quốc, các sỹ quan chỉ huy và thủy thủ tàu hải quân Thái Lan đã giao lưu hợp tác Vùng 5 của Hải quân Việt Nam.

Với Brunei

Biên đội tàu Gepard 3.9, gồm HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ, cùng hơn 200 sĩ quan và thủy thủ, do Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Kiệm, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam làm trưởng đoàn, đã tới thăm Brunei hôm 21/11/2018. Chuyến thăm nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hải quân hai nước lên tầm cao mới. Việt Nam và Brunei thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 2/1992. Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương vào tháng 11/2005. Hai bên đã đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ thông tin tình báo; hợp tác đào tạo học viên quân sự, khoa học quân sự; trao đổi kinh nghiệm và phối hợp trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển.

Với Nhật Bản

Hai tàu huấn luyện Setoyuki và Shimayuki của Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản với 390 sỹ quan, thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng (6-9/3/2019). Trong thời gian thăm Đà Nẵng, các sĩ quan và thủy thủy của hai tàu Nhật Bản được nói sẽ giao lưu thể thao với các bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân của Việt Nam và tham quan một số danh thắng cảnh ở địa phương. Trước đó là hàng loạt chuyến thăm như, tàu ngầm huấn luyện Kuroshio của Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản cùng thủy thủ đoàn do đại tá Ueta Yasuteru, Tư lệnh Đơn vị tàu ngầm huấn luyện số 01, làm trưởng đoàn cập Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) của Việt Nam (9/2018). Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu ngầm huấn luyện Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản tới Việt Nam, một trong những hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, triển khai thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao và Bộ Quốc phòng của hai nước. Chuyến thăm của tàu ngầm huấn luyện Kuroshio cùng thủy thủ đoàn góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản. Sáng ngày 24/7/2018, Tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản Kojima cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng cùng 80 thủy thủy. Trưa ngày 13/6/2017, tàu Echigo chở 85 sĩ quan và thủy thủy Nhật cũng đã cập cảng Tiên Sa. Hôm 11/4/2017, tàu hộ tống của lực lượng phòng vệ Nhật Bản Fuyuzuki trang bị rất hiện đại cũng thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Trong khi đó, Tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo của Hải quân Việt Nam (10/2018) đã cập cảng Sakai, tỉnh Osaka, miền trung Nhật Bản, bắt đầu chuyến thăm kéo dài ba ngày tại thành phố này. Đây là hoạt động cuối cùng trong chuyến công tác dài ngày của tàu hộ vệ Trần Hưng Đạo tại Nhật Bản. Trước khi đến Osaka, tàu Trần Hưng Đạo đã tới thăm quân cảng Yokosuka, nơi đặt tổng hành dinh của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF). Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới