Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ thể hiện thái độ cứng rắn phản đối hành động phi...

Mỹ thể hiện thái độ cứng rắn phản đối hành động phi pháp của TQ ở quần đảo Trường Sa

Sau khi thông tin Trung Quốc điều lượng lớn tàu dân quân biển bao vây vùng biển quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ đã có các tuyên bố, hành động cụ thể nhằm phản đối hành động phi pháp trên của Bắc Kinh.

Các tiêm kích F-35B trên tàu USS Wasp

Truyền thông phương Tây cho biết, Trung Quốc (5/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Trong khi đó, báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ghi nhận gần 100 tàu Trung Quốc, gồm các tàu hải quân, hải cảnh và hàng chục tàu cá đã áp sát đảo Thị Tứ vào giữa tháng 12/2018. 

Phản ứng ngoại giao chính thức

Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Joseph Felter (5/4) cho biết, sự hiện diện của một số lượng lớn các tàu Trung Quốc gần các đảo đang do Philippines quản lý (phi pháp) tại Biển Đông là mối quan ngại đối với Mỹ. Ông Felter cũng cho biết thêm, “Mỹ quan ngại về các hành động hiếu chiến của bất kỳ nước nào trên Biển Đông và trong trường hợp này là Trung Quốc. Các hành động của Bắc Kinh tỏ ra hung hăng, khiêu khích, chúng tôi thấy rằng đó là vô ích và không chính đáng”.

Tuy nhiên, quan chức cao cấp Mỹ nói thêm, Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Song những cam kết tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương buộc Washington phải làm việc với các đồng minh và đối tác, nhằm bảo đảm không có quốc gia nào bị xâm hại chủ quyền; đồng thời nhấn mạnh Mỹ hy vọng tất cả các nước đều có thể tự do lưu thông trên những vùng biển và không phận được luật pháp quốc tế cho phép.

Mỹ điều siêu tàu tấn công đổ bộ tới Biển Đông

Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp gần đây đã được chứng kiến xuất hiện tại biển Đông khi đang trên đường tới Philippines. Đặc biệt, con tàu này mang một lượng chiến đấu cơ F-35 nhiều chưa từng có. Tàu USS Wasp, mang theo ít nhất 10 chiến đấu cơ tàng hình F-35B Lightning II, nhiều hơn tải trọng thông thường là 6 chiếc.

Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không. Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm – gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.

F-35 hiện là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới. Mỹ đã phát triển F-35 thành 3 biến thể khác nhau, trong đó F-35A dành cho không quân, F-35C cho hải quân và F-35B dành cho thủy quân lục chiến. F-35 cũng là một vũ khí gây tranh cãi vì thời gian phát triển lâu hơn dự kiến cũng như các lỗi kỹ thuật từ đơn giản tới nghiêm trọng đã phát sinh khiến cho dự án bị đội chi phí lên rất cao, biến nó trở thành máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất thế giới. F-35 được cho là hội tụ những yếu tố của một vũ khí chiến đấu uy lực như khả năng tàng hình trước radar, tốc độ siêu âm ấn tượng, tính linh hoạt cao, hệ thống cảm biến hiện đại.

Ngoài số lượng ít nhất 10 chiếc F-35B, tàu Wasp còn mang theo 4 máy bay cánh xoay MV-22 và 2 trực thăng MH-60S Seahawk. Thông thường, số lượng tiêm kích hạm và máy bay cánh xoay mang theo sẽ ít hơn mức này. Tờ Business Insider nhận định, việc triển khai F-35 với số lượng lớn hơn thông thường có thể là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu triển khai tàu sân bay hạng nhẹ – một hướng tiếp cận, mà về mặt lý thuyết, có thể giúp tăng cường không chỉ quy mô lực lượng tàu sân bay của Mỹ, mà còn cả hỏa lực của chúng. Song, đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng. Trong cuộc tấn công vào Iraq năm 2003, các tàu đổ bộ tấn công của Mỹ đã mang theo tới 20 máy bay AV-8B Harrier, khiến chúng được gọi là “tàu sân bay Harrier”. Trong khi đó, tờ War Zone cho biết, các tàu đổ bộ tấn công kế nhiệm lớp Wasp thậm chí có thể mang từ 16-20 chiếc F-35 theo cấu hình tàu sân bay hạng nhẹ.

Theo Hải quân Mỹ, tàu Wasp và các tiêm kích F-35B đi cùng “cho thấy sự gia tăng trong năng lực quân sự của Mỹ nhằm cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”.

Trung Quốc hiện chưa bình luận gì về việc Mỹ tiếp tục đưa tàu chiến đi qua khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ không bỏ qua hành động này của Hải quân Mỹ bởi lâu nay Trung Quốc luôn phản ứng đầy tức giận trước những vụ việc như vậy. Sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ cùng với hàng loạt chiến đấu cơ tối tân ở Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc thêm phần bất an và vụ việc này sẽ đẩy mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước leo thang hơn nữa.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Tại một diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của châu Á hồi năm ngoái, Mỹ từng công khai chỉ trích những hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian qua đồng thời cảnh báo Bắc Kinh về những đòn trừng phạt nặng nề trong tương lai. Không chỉ dừng lại ở lời nói, Mỹ còn liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sau Hải quân Mỹ, đến lượt Hải quân Anh và Hải quân Pháp cũng tuyên bố sẽ thẳng tiến vào Biển Đông, cụ thể là vào khu vực Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi lý, nhằm mục đích bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh đồng thời khiến Bắc Kinh phải thay đổi cách hành xử trong khu vực. Việc Mỹ thường xuyên đưa chiến hạm và máy bay ném bom B-52 vào Biển Đông cũng là một trong những đòn răn đe nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông.

Đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pag-asa) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc, Philippines và Đài Loan. Philippines hiện đang chiếm đóng trái phép hòn đảo này.

Đề cập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và hoạt động của các bên ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ ngoại Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới