Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐiểm lại quan điểm và sự tham gia của Nhóm G7 vào...

Điểm lại quan điểm và sự tham gia của Nhóm G7 vào vấn đề Biển Đông thời gian qua

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (gọi tắt là G7), gồm Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Canada và Mỹ. Trong những năm qua, thông qua các Hội nghị Ngoại trưởng thường niên, các nước G7 đều lên tiếng về vấn đề Biển Đông, trong đó nhìn chung phản đối hoạt động quân sự hóa, bồi đắp đảo của Trung Quốc, kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế.

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G7 tại Pháp (5-6/4/2019). Nguồn: AFP

Năm 2019

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gọi tắt là G7, diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Breton ở Dinard, Pháp (5-6/4/2019), các Ngoại trưởng G7 ra Tuyên bố chung trong đó có nội dung đề cập đến tình hình Biển Đông, các nước việc phản đối việc Trung Quốc xây dựng đảo phi pháp trên quy mô lớn ở Biển Đông đã khiến gia tăng căng thẳng khu vực. Tuyên bố chung cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên trong nỗ lực buộc nước này phải phi hạt nhân hóa. Liên quan việc Trung Quốc quân sự hóa tiền đồn ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông và dự định làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, G7 đã bày tỏ phản đối mọi hành động đơn phương làm xói mòn sự ổn định khu vực và trật tự dựa trên quy tắc của quốc tế.

Năm 2018

Tại Hội nghị Ngoại trưởng G7, diễn ra tại Toronto của Canada (22-23/4/2018), các nước đã ra Tuyên bố chung trong đó tuyên bố mạnh mẽ về tình hình Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề tự do hàng hải và bảo vệ môi trường ở các vùng biển quốc tế. Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị, các ngoại trưởng G7 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tự do hàng hải và việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuyên bố viết: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác quản lý hàng hải quốc tế để duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật định của luật pháp quốc tế và quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhằm xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh; đồng thời quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có hành động cưỡng chế, phù hợp với luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp đã được công nhận và cơ chế trọng tài”.

Cũng theo tuyên bố, các ngoại trưởng G7 tái khẳng định cam kết đối với tự do đi lại trên biển, bao gồm tự do tàu thuyền và máy bay, và các quyền khác, bao gồm các quyền và thẩm quyền của các quốc gia ven biển trong sử dụng các vùng biển theo đúng luật pháp quốc tế.Các quốc gia G7 hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do dựa trên pháp quyền, đồng thời mong muốn làm việc với ASEAN và các nước khác trong nỗ lực này.Liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh “sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và suy yếu ổn định khu vực cũng như trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, chẳng hạn như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất đai quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự”. Các Ngoại trưởng G7 kêu gọi “tất cả các bên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện”. Các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán đang diễn ra đối với một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, đồng thời hoan nghênh một thỏa thuận không vi phạm quyền của các bên theo luật quốc tế, hoặc không làm ảnh hưởng đến quyền của bên thứ ba. Theo các Ngoại trưởng G7, để đảm bảo ổn định trong khu vực, những nỗ lực ngoại giao như vậy sẽ dẫn đến việc phi quân sự hóa các điểm tranh chấp và duy trì một Biển Đông hòa bình, cởi mở theo luật pháp quốc tế. Các Ngoại trưởng G7 coi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc là cơ sở hữu ích cho những nỗ lực tiếp theo để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng G7 tái khẳng định quan tâm đối với việc phá hủy các hệ sinh thái biển ở Biển Đông đe dọa sự bền vững và trữ lượng cá trong khu vực. G7 cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tăng cường bảo vệ môi trường biển và tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa về an ninh, an toàn hàng hải, bảo vệ và quản lý bền vững môi trường biển.

Năm 2017

Tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra tại Silicy, Italy (26-27/5/2017), các Ngoại trưởng đã ra Tuyên bố chung, trong đó phản đối mọi hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và kêu gọi phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp tại vùng biển này. Tuyên bố khẳng định các thành viên của G7 bày tỏ sự quan ngại về “tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông”, đồng thời “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng” trong khu vực. Các nhà lãnh đạo G7 cũng khẳng định cam kết “duy trì một trật tự dựa trên pháp luật trong lĩnh vực hàng hải, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, trong đó có UNCLOS. Ngoài ra, G7 cũng ủng hộ việc giải quyết các hòa bình các tranh chấp trên biển “thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, bao gồm tòa trọng tài”. Trong thông báo chung, đại diện các nước thành viên G7 cũng nhất trí kêu gọi tất cả các bên “phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp” trên Biển Đông. Giới nhận định cho rằng thông báo này cho thấy G7 đã nhận thức được thực trạng đáng quan ngại trên Biển Đông hiện nay sau khi Trung Quốc bị “tố” ngang nhiên tiến hành một loạt động thái bồi đắp và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo ở vùng biển này.

Ngay sau khi G7 bày tỏ quan điểm về Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 28/5 tuyên bố Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ thông báo của G7, đồng thời cho biết nước này cam kết giải quyết tranh chấp với tất cả các bên liên quan thông qua đàm phán, đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Ông Lục còn kêu gọi G7 và các nước bên ngoài kiềm chế thể hiện quan điểm và ngừng “đưa ra những bình luận vô trách nhiệm”. Tuyên bố chung của G7, trong đó có vấn đề Biển Đông, được đưa ra 3 ngày sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Hải quân Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một trong những thực thể đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Năm 2016

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị G7 mở rộng diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản trong hai ngày 26-27/5/2016, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung tuy không nêu đích danh Trung Quốc nhưng các nhà lãnh đạo G7 cho rằng họ kêu gọi các quốc gia “ngưng các hoạt động như cải tạo đảo” và xây dựng các tiền đồn “vì mục đích quân sự” có thể mạo hiểm sự ổn định hoặc thay đổi tình trạng khu vực. Theo đó, tranh chấp nên được giải quyết “bằng sự tin cậy và theo luật pháp quốc tế”. Một ngày trước khi hội nghị diễn ra, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner đã nhắc lại quan điểm xuyên suốt của Washington là thảo luận về các vấn đề an ninh tại bất kỳ cuộc họp nào với các đối tác quan trọng ở châu Á. Hồ sơ Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh đó.

Phản ứng lại, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhắc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực này. Người phát ngôn Trung Quốc cảnh báo các bộ trưởng ngoại giao “ngưng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm và tất cả những hành động vô trách nhiệm, và thực sự đóng vai trò xây dựng hòa bình và ổn định trong khu vực”. Ngày 09/04/2016, Bắc Kinh cũng đã tìm cách tác động lên Anh, một thành viên G7. Nhân cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ở Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cho rằng G7 không nên “thổi phồng” vấn đề Biển Đông và không ngần ngại khuyên nhủ Luân Đôn nên duy trì “lập trường khách quan và công bằng” trong vấn đề Biển Đông và không nên “thiên vị”.

Quan điểm chung của Nhóm G7 về Biển Đông

Qua những lần lên tiếng về tình hình Biển Đông như nói ở trên, có thể rút ra quan điểm chung của Nhóm G7 về Biển Đông như sau: Thứ nhất, khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác quản lý hàng hải quốc tế để duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật định của luật pháp quốc tế và quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhằm xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh; đồng thời quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có hành động cưỡng chế, phù hợp với luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp đã được công nhận và cơ chế trọng tài. Thứ hai, phản đối việc Trung Quốc xây dựng đảo phi pháp trên quy mô lớn và tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông khiến gia tăng căng thẳng khu vực, làm xói mòn sự ổn định khu vực và trật tự dựa trên quy tắc của quốc tế. Từ đó, G7 kêu gọi tất cả các bên “phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp” trên Biển Đông. Thứ ba, kêu gọi tất cả các bên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện. G7 hoan nghênh một thỏa thuận không vi phạm quyền của các bên theo luật quốc tế, hoặc không làm ảnh hưởng đến quyền của bên thứ ba.

RELATED ARTICLES

Tin mới