Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ - Philippines đàm phán song phương lần thứ 4 về vấn...

TQ – Philippines đàm phán song phương lần thứ 4 về vấn đề Biển Đông

Ngày 3/4, Trung Quốc và Philippines đã tổ chức cuộc họp lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM). Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Monte Yale Gray dẫn đầu.

Tại cuộc họp lần này, hai bên đã trao đổi về tình hình hiện nay và các mối lo ngại ở Biển Đông cũng như thảo luận về vấn đề hợp tác biển. Truyền thông Trung Quốc tuyên truyền cho rằng hai bên đã nhất trí duy trì sự tự kiềm chế và không có hành động làm phức tạp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của BCM là nền tảng cho thúc đẩy đối thoại chặt chẽ thường xuyên giữa hai nước; qua đó hai bên sẽ tìm cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, xử lý đúng đắn sự khác biệt, ngăn chặn và kiểm soát các sự cố trên biển, liên tục tăng cường đối thoại và hợp tác chung.

Phía Trung Quốc cho rằng hai nước đã trao đổi quan điểm thẳng thắn, thân thiện và xây dựng về các vấn đề quan tâm gần đây đối với tình hình Biển Đông và các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực; thảo luận biện pháp quyết các vấn đề mâu thuẫn còn tồn tại thông qua hợp tác và đàm phán song phương. Hai bên nhắc lại rằng sự khác biệt có liên quan giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông không phải là toàn bộ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines và không nên để vấn đề này ảnh hưởng đến “hợp tác cùng có lợi” trong các lĩnh vực khác giữa hai nước. Hai bên đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp theo các nguyên tắc được thừa nhận trong luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, mà không cần dùng đến vũ lực hoặc Lực lượng vũ trang đe dọa.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng hai bên đã tiến hành trao đổi hiệu quả về tăng cường hợp tác hàng hải thông qua nhóm làm việc kỹ thuật thuộc BCM. Các lĩnh vực liên quan bao gồm sự phát triển của tình hình an ninh chính trị ở Biển Đông, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, an toàn hàng hải, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường. Với tiền đề không ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và vị trí tài phán tương ứng của họ, hai bên cũng thảo luận về hợp tác phát triển dầu khí ngoài khơi. Ngoài ra, Trung Quốc và Philippines khẳng định tầm quan trọng của các nền tảng đa phương khác bao gồm Đối thoại Trung Quốc – ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á… trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên đã tái khẳng định cam kết của mình đối với việc thực thi đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, tích cực thúc đẩy đảm phán, tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Liên quan vòng tham vấn thứ 4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (4/4) cho biết, dưới sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines, hai nước đã chính thức thiết lập cơ chế tham vấn song phương (BCM) về vấn đề Biển Đông vào đầu năm 2017. Thông qua nền tảng này, hai bên tìm hiểu các biện pháp để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, xử lý đúng đắn sự khác biệt, phòng ngừa và kiểm soát tai nạn trên biển, thúc đẩy hợp tác thực dụng trên biển và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương. Giống như ba cuộc họp trước, tại vòng tham vấn lần này, Trung Quốc và Philippines đã trao đổi quan điểm với nhau về các vấn đề quan tâm đến tình hình Biển Đông và các hoạt động hàng hải một cách thẳng thắn, thân thiện và mang tính xây dựng và đạt được kết quả tốt đẹp. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh: Đầu tiên, trong cuộc họp này, Trung Quốc và Philippines đã tái khẳng định rằng sự khác biệt có liên quan giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực khác. Các tranh chấp và sự khác biệt sẽ được giải quyết một cách hòa bình bởi các nước thân thiện liên quan trực tiếp thông qua các cuộc tham vấn và đàm phán thân thiện; Thứ hai, Trung Quốc và Philippines đã tiến hành trao đổi hiệu quả về việc tăng cường hợp tác hàng hải trong các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, hai bên cũng thảo luận về hợp tác phát triển dầu khí ngoài khơi mà không ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và các vị trí tài phán tương ứng; Thứ ba, Trung Quốc và Philippines cũng tái khẳng định cam kết đối với việc thực thi toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, duy trì động lực tích cực của các cuộc tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trung Quốc mong muốn hợp tác với Philippines để tiếp tục thực hiện tinh thần đồng thuận quan trọng của lãnh đạo hai nước và nỗ lực tích cực để bảo vệ lợi ích chung của hợp tác Trung Quốc-Philippines và hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Điểm lại ba lần tham vấn giữa Trung Quốc và Philippines

Cuộc tham vấn lần đầu diễn ra tại Quý Châu (Trung Quốc) vào tháng 5/2015, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago L. Sta. Romana chủ trì. Tại vòng tham vấn này, hai bên đã đánh giá, trao đổi quan điểm liên quan vấn đề Biển Đông, thảo luận khả năng hợp tác hàng hải và việc thiết lập các nhóm công tác kỹ thuật liên quan, nhất trí các vòng tham vấn tiếp theo sẽ diễn ra luân phiên ở Trung Quốc và Philippines, trong khoảng thời gian 6 tháng một lần. Đại sứ Santa Romana cho biết hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến Biển Đông song chưa đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Trung Quốc và Philippines nhất trí sẽ tổ chức các phiên tham với tần suất 2 lần/năm nhằm “tạo cơ hội để trao đổi quan điểm” về Biển Đông.

Cuộc tham vấn thứ hai ở Manila vào tháng 2/2018, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo là đồng chủ tọa. Tại vòng tham vấn, hai bên đã trao đổi các sáng kiến chung liên quan vấn đề Biển Đông và đạt được thỏa thuận về việc triệu tập các nhóm công tác kỹ thuật trong những lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển và an ninh chính trị. Giới truyền thông cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc và Philippines đã đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để tìm ra cách cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà không thiên vị tuyên bố chủ quyền của bên nào trong khu vực.

Cuộc tham vấn thứ ba diễn ra vào ngày 18/10/2018, tại Trung Quốc do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo là đồng chủ tọa. Tại cuộc họp lần này, hai bên đã trao đổi về tình hình hiện nay và các mối lo ngại ở Biển Đông cũng như thảo luận về vấn đề hợp tác biển, trong đó có khai thác chung dầu, khí.

Sau ba vòng đàm phán, Trung Quốc và Philippines vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại, các vòng tham vấn mới chỉ mang tính chất trao đổi quan điểm của hai nước về vấn đề Biển Đông và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, bảo vệ môi trường và tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước. Có lẽ thành quả lớn nhất trong hai vòng đàm phán vừa qua là các công ty của Trung Quốc và Philippines đang trao đổi thỏa thuận thăm dò dầu khí tại lô 57 và lô 72 (nằm trong vùng tranh chấp ở Bãi Cỏ Rong – Reed Bank) của Philippines. Song những thỏa thuận trên cũng đang rơi vào thế bế tắc do tồn tại bất đồng giữa hai bên. Đáng chú ý, có một số ý kiến cho rằng kế hoạch thăm dò dầu khí chung của doanh nghiệp Philippines với công ty nhà nước Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tính pháp lý của phán quyết do Tòa Trọng tài. Từ đó, Trung Quốc sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các tuyên bố kêu gọi tuân thủ, thực thi phán quyết của Tòa và phản đối những hành động đơn phương, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

BCM không giúp hai nước giải quyết mâu thuẫn ở Biển Đông

Xuất phát từ quan hệ giữa hai nước gần đây cho thấy, vòng tham vấn vừa qua chủ yếu vẫn là trao đổi, thảo luận quan điểm song phương liên quan vấn đề Biển Đông, gia tăng lòng tin chính trị giữa hai nước và có chăng, hai nước cũng sẽ tìm cách hợp tác chung trong một số vấn đề ít nhạy cảm như môi trường sinh thái, an ninh hàng hải, tuần tra chống khủng bố.

Trung Quốc tìm cách thúc đẩy tham vấn với Philippines cũng chỉ là biện pháp đánh bóng chủ trương, chính sách của Bắc Kinh liên quan vấn đề Biển Đông. Đối với Trung Quốc, việc thúc đẩy Cơ chế tham vấn song phương là nhằm tuyên truyền và tái khẳng định việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nên được thực hiện thông qua đàm phán và tham vấn giữa các nước liên quan trực tiếp; thông qua tham vấn để phản bác và chỉ trích Mỹ và một số nước can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc và ASEAN có thể “tự giải quyết ổn thỏa” các tranh chấp mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài; củng cố quan điểm rằng các tranh chấp Biển Đông chỉ liên quan đến Trung Quốc và một số nước ASEAN; từng bước phản bác quán quyết của Tòa trọng tài.

RELATED ARTICLES

Tin mới