Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chuyên gia đề xuất một số biện pháp giúp Philippines đối...

Giới chuyên gia đề xuất một số biện pháp giúp Philippines đối phó với TQ ở Biển Đông

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục điều tàu dân quân biển bao vây, cô lập vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép. Hành động của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để đánh chiếm đảo Thị Tứ.

Trung Quốc liên tục điều tàu cá trá hình bao vây đảo Thị Tứ

Từ tháng 12/2018 đến nay, tàu cá trá hình của Trung Quốc liên tục bị phát hiện gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Philippines, Trung Quốc đã điều khoảng 275 tàu đến khu vực này. Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) Edgard Arevalo dè dặt nhận định việc thống kê tổng số tàu Trung Quốc xuất hiện cùng một thời điểm là rất khó.

Trước đó, truyền thông phương Tây cho biết, TQ (5/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Trong khi đó, báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ghi nhận gần 100 tàu Trung Quốc, gồm các tàu hải quân, hải cảnh và hàng chục tàu cá đã áp sát đảo Thị Tứ vào giữa tháng 12/2018. 

Phản ứng yếu ớt của Chính phủ Philippines

Bộ Ngoại giao Philippines (1/4) đã gửi công hàm “phản đối” sự hiện diện của hơn 200 tàu thuyền của Trung Quốc xung quanh đảo Thị Tứ. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng “các tàu hiện diện gần đảo Thị Thứ hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines”; nhấn mạnh “Trung Quốc đang cố tạo ra một thực trạng tại khu vực mà chúng ta khó có thể thay đổi về sau. Mỗi ngày trôi qua mà chúng ta không hành động đều là một cơ hội bị phí hoài”. Ông Salvador Panelo cũng cho biết thêm, Manila đặt ra nhiều câu hỏi cho phía Bắc Kinh về sự hiện diện đáng lo ngại của “hạm đội” khổng lồ này. Theo đó, Philippines muốn xem Trung Quốc có thừa nhận tình trạng trên thực địa đã được Manila thông báo không; Philippines cần biết nguyên do của động thái này; Philippines sẽ đề nghị Trung Quốc chấm dứt hoạt động một cách lịch sự”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (5/4) đã mạnh dạn cảnh báo sẽ sử dụng “quân cảm tử” chiến đấu với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Rodrigo Duterte doạ sẽ gửi binh sĩ đến đảo Thị Tứ (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để ngăn chặn nếu các tàu của Trung Quốc không dừng việc vây hãm xung quanh.

Trong khi đó, hai cựu viên chức trong chính quyền Philippines, bao gồm cựu ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales (15/3) đã kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC), với cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo các đảo phi pháp ở khu vực Biển Đông là “sự hủy diệt gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Vụ kiện này không có hiệu quả khi một trong những lý do quan trọng là Trung Quốc hiện nay không phải thành viên của ICC. Tuy nhiên, nó có tác động gây tiếng vang trong chính trị Philippines, khi vụ kiện này chứng tỏ giới tinh hoa ở Manila ngày càng trở nên không hài lòng với chính sách “quá thân thiện” của ông Duterte với Bắc Kinh. Hành động của ông Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales đã thu hút sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của đông đảo người dân Philippines.

Giới chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ đánh chiếm đảo Thị Tứ

Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á Gregory Poling cho rằng các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ chỉ là dấu hiệu cho thấy dân quân Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Biển Đông. Theo ông Gregory Poling, hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang được sử dụng để giám sát và hăm dọa các nước láng giềng mỗi khi họ có hoạt động gì đó mà Bắc Kinh không ưa. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mục kiểm soát toàn bộ khu vực trên biển và trên không ở Biển Đông, nằm trong “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra. Do đó, Bắc Kinh muốn các bên tranh chấp phải từ bỏ và ngừng theo đuổi các quyền kinh tế ở khu vực này. Ngoài ra, ông Poling cảnh báo các dân quân Trung Quốc sẽ dần dần tác động đến hoạt động của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, đến khi hai nước “không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế rằng Bắc Kinh kiểm soát khu vực”. Theo đó, các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ cho phép các hạm đội dân quân, quân đội và hải cảnh Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ở toàn bộ khu vực thuộc “đường 9 đoạn”. Điều đó có nghĩa là Philippines và Việt Nam cần chuẩn bị sẵn tâm lý rằng mọi hoạt động của mình sẽ bị các lực lượng Trung Quốc theo dõi và phản ứng.

Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal nhận định, động thái này của Trung Quốc là chiến lược để ngăn chặn các tàu của Philippines có thể tiến vào khu vực tranh chấp. Để đạt được mục đích, Bắc Kinh sử dụng chiến thuật dùng số đông các tàu đánh cá dân sự quây kín một khu vực, ngăn cản các tàu khác tiếp cận.

Trong khi đó, chuyên gia Alexander Neill cho rằng sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ cho thấy nếu Trung Quốc muốn thì khả năng hòn đảo này sẽ bị xâm chiếm một cách “không mấy khó khăn”. Ông Neill cho rằng, Trung Quốc mở ranh giới của mình đến đảo Thị Tứ bởi “các lực lượng Philippines không có khả năng phản ứng lại các chiến thuật thăm dò của tàu Trung Quốc”. Theo chuyên gia này, Trung Quốc sẽ rất khó chịu về khả năng xuất hiện thách thức đối với sự hiện diện của nước này ở đá Xu Bi nên hoạt động của các tàu dân quân biển Trung Quốc tại đây có thể là hành động đối phó với việc Philippines nâng cấp đường băng ở đảo Thị Tứ. Theo đó, lực lượng dân quân biển sẽ đóng vai trò là “tai mắt” cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Dưới sự chỉ đạo của PLA, lực lượng dân quân biển Trung Quốc sẽ giám sát các hoạt động của Philippines và chuyển các thông tin liên quan đến đá Xu Bi. Tốc độ và quy mô hoạt động của Trung Quốc sẽ tương ứng với các hoạt động nâng cấp tại đảo Thị Tứ. Bên cạnh đó, ông Neill cũng cho rằng, khả năng Trung Quốc chiếm đảo Thị Tứ sẽ là hành động châm ngòi chiến tranh, kích hoạt phản ứng của Mỹ – đồng minh của Philippines. Mỹ có thể giúp Philippines bằng cách tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi hoặc xây dựng khả năng phát hiện và ngăn chặn trên đảo Thị Tứ. Trong khi đó, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận có vẻ sẽ không giúp ích được gì, Trung Quốc sẽ không giảm bớt sự hiện diện của mình tại các bãi cát quanh khu vực này.

Nhà phân tích Neill cho rằng hiện vẫn chưa muộn để Philippines đẩy lùi các hoạt động của Trung Quốc. Theo đó, Philippines cần lựa chọn các giải pháp như: Công bố các hoạt động trên biển, trên không của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ; Ủng hộ chính quyền tỉnh Palawan đoàn kết với hội ngư dân Philippines; Ghi lại và công bố các vụ việc đe dọa các tàu cá và ngư dân Philippines; Phát tán các trao đổi từ lực lượng dân quân biển Trung Quốc; v) Cung cấp các số liệu và hình ảnh của lực lượng dân quân biển gần các bãi cát; Hợp tác với các quốc gia thân thiện để xây dựng nhận thức tốt hơn về biển quanh đảo Thị Tứ; Củng cố đảo Thị Tứ với các hệ thống vũ khí nhằm ngăn ngừa sự xâm lược; Nêu quan ngại tại các diễn đàn đa phương và ngoại giao; Nhấn mạnh và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, đặc biệt là Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016; và có hành động phản đối đối với Đại sứ Trung Quốc tại Manila bất cứ khi nào xảy ra các vụ xâm nhập của lực lượng dân quân biển.

Trên thực tế, đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ ngoại Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới