Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNguyên nhân căng thẳng Phi-Trung về vấn đề Thị Tứ

Nguyên nhân căng thẳng Phi-Trung về vấn đề Thị Tứ

Quan hệ Philippines – Trung Quốc đang hoà dịu bỗng trở nên căng thẳng. Trung Quốc điều động nhiều tàu hiện diện xung quanh Thị Tứ. Philippines rầm rộ phản đối. Nguyên nhân là gì?

Thị Tứ là thực thể nằm ở phía Bắc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (toạ độ 11o03’11”Bắc – 114o17’5” Đông) bị Philippines chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1970. Đây là thực thể lớn nhất mà Philippines chiếm đóng trong yêu sách Nhóm đảo Kalayaan hình quả trám tại Trường Sa. Thị Tứ hiện là căn cứ quân sự trọng yếu của Philippines tại Trường Sa, có bến tàu, đường bay dài khoảng 1,3 km xây từ năm 1975 có khả năng cho máy bay quân sự cất hạ cánh như máy bay vận tải Lookheed C-130 Hercules. Thị Tứ còn là nơi duy nhất có cư dân Philippines sinh sống (khoảng trên dưới 100 người) trong số các thực thể do Philippines chiếm đóng ở Trường Sa, có cơ sở để ngư dân Philippines tránh trú, trường học, trạm y tế và các cơ sở thông tin giám sát…

Căng thẳng nổi lên

Căng thẳng Thị Tứ xuất hiện từ giữ tháng 12/2018 khi Trung Quốc điều động gần 100 tàu thuyền các loại hiện diện và hoạt động cách thực thể này từ 3-5 hải lý (khoảng 3,6-9 km), gồm cả tàu hải quân (Type-053H1G), tàu hải cảnh (Type 818) và tàu cá (có ý kiến cho rằng phần nhiều là tàu cá ngụy trang) nhưng chính quyền Duterte chưa có phản ứng do có thể vẫn tin vào giao thiệp ngoại giao. Tình hình xấu đi trong 3 tháng đầu năm 2019 khi Trung Quốc tiếp tục điều động lượng lớn tàu hiện diện xung quanh Thị Tứ với tổng số khoảng 275 tàu, tính trung bình mỗi tháng khoảng 80 tàu. Đoàn đại biểu chính phủ Philippines gồm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Tài chính thăm Trung Quốc, và hai bên tổ chức họp Cơ chế tham vấn song phương (BCM) lần thứ 4 có bàn nhưng dường như không đạt kết quả như Philippines mong muốn là Trung Quốc rút tàu khỏi Thị Tứ và các khu vực lân cận.

Do đó, các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các quan chức cấp cao của Philippines mới đồng loạt lên tiếng phản đối. Bộ Quốc phòng Philippines ngày 01/4/2019 ra tuyên bố xác nhận (i) Bộ Tư lệnh miền Tây của Quân đội Philippines giám sát liên tục vùng biển xung quanh Thị Tứ và nhận thấy sự hiện diện của tàu Trung Quốc và các hoạt động của họ ở khu vực này; (ii) Bộ Quốc phòng báo cáo sự việc với Bộ Ngoại giao để có biện pháp phản ứng phù hợp; (iii) Philippines tôn trọng các nghĩa vụ và nghị định thư quốc tế nên mong các nước khác (Trung Quốc) và tàu thuyền của họ làm tương tự, đặc biệt là khi đi qua và đánh bắt ở vùng biển quốc tế. Điều này là cần thiết để tránh hiểu lầm và để giảm căng thẳng giữa các nước ở khu vực; và (iv) khuyến khích ngư dân Philipines tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá của họ ở trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối; ngày 04/4/2019 ra tuyên bố phản đối, cho rằng: (i) Thị Tứ là một phần của Nhóm đảo Kalayaan (KIG), là một phần lãnh thổ không tách rời của Philippines mà Philippines có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán (điều này không đúng vì Thị Tứ thuộc Trường Sa của Việt Nam, Việt Nam luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền ở đây, gần đây nhất là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14/3/2019); (ii) sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở gần và xung quanh Thị Tứ và các thực thể ở nhóm đảo KIG là bất hợp pháp. Các hành động đó rõ ràng là một sự vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo quy định UNCLOS 1982. Hơn nữa, theo quan sát thấy rằng các tàu của Trung Quốc hiện diện với số lượng lớn và thời gian liên tục – với chiến thuật “số đông” – dấy lên quan ngại về ý đồ cũng như về vai trò của các tàu đó trong việc hỗ trợ các mục tiêu cưỡng ép (của Trung Quốc); (iii) Philippines sẽ có hành động thích hợp dù sự hiện diện của các tàu Trung Quốc bên trong KIG là tàu quân sự, tàu cá hay tàu khác; (iv) Philippines đã thực thi liên tục lập trường với Thị Tứ và KIG, và nêu phản đối quan ngại đối với các hoạt động bất hợp pháp, gây căng thẳng hoặc cưỡng ép, thông qua hành động ngoại giao, gồm công hàm và gặp gỡ với phía Trung Quốc và Cơ chế tham vấn song phương Philippines – Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (BCM); (v) kêu gọi dừng các hành động và hoạt động trái với DOC làm gia tăng căng thẳng, mất lòng tin, không chắc chắn và đe doạ đến hoà bình và ổn định ở khu vực; (vi) triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC trong khi đàm phán COC đang diễn ra, tránh các hành động làm phức tạp tình hình và huỷ hoại hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực; (vii) kêu gọi Trung Quốc từ cấp cao nhất cho tới các cơ quan ban ngành và quân đội tuân thủ Tuyên bố chung Philippines – Trung Quốc nhân chuyến thăm Philippines của Tập Cận Bình, nhất là tự kiềm chế liên quan đến các hoạt động ở Biển Đông làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định.

Tổng thống Duterte lên tiếng ngụ ý cảnh báo tàu Trung Quốc rời khỏi Thị Tứ bởi vì có lính của Philippines ở đó, nếu không quân đội Philippines sẽ chuẩn bị cho “nhiệm vụ cảm tử”. Đây được cho là ngôn từ mạnh mẽ nhất mà ông Duterte sử dụng khi công khai phát biểu về vấn đề Biển Đông liên quan đến Trung Quốc từ khi ông đắc cử Tổng thống vào tháng 5/2016.

Người Phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng tàu Trung Quốc tiếp tục hiện diện ở đó là “tấn công” vào chủ quyền của Philippines, cảnh báo rằng ngư dân Trung Quốc ở xung quanh đảo Thị Tứ nên bắt đầu rời khỏi Thị Tứ sau khi Chính phủ Philippines gửi công hàm phản đối, hàm ý rằng nếu không Philippines sẽ có hành động để khẳng định chủ quyền, có thể là cử quân đội để thực hiện Phán quyết, hoặc cáo buộc Trung Quốc xâm lấn vào khu vực tranh chấp ở Biển Đông lên Đại hội đồng Liên hợp quốc theo ý tưởng của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana khẳng định Philipines tiếp tục cải tạo Thị Tứ theo kế hoạch cho đến khi hoàn thành. Người Phát ngôn quân đội Philippines, tướng Edgard Arevalo kêu gọi(i) ngư dân Philippines báo cáo về các vụ việc sách nhiễu hoặc vi phạm tới quyền của Philippines; (ii) khuyến khích ngư dân tiếp tục hoạt động đánh bắt cá vì đó là hoạt động mưu sinh hàng ngày; và (iii) khẳng định quân đội tiếp tục giám sát chặt chẽ khu vực này.

Ngoại trưởng Philippines Locsin thì cho rằng toà án cao nhất thế giới (ám chỉ PCA) phán quyết khu vực đó thuộc về Philippines nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ. Vấn đề là làm thế nào để lấy lại được. Trong khi đó hàng nghìn người dân Philippines tổ chức biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để phản đối hành động của Trung Quốc ở Thị Tứ và trên Biển Đông. Người dân Philippines mang theo các biểu ngữ như “bảo vệ chủ quyền của chúng ta”, “Trung Quốc cút đi”, “chính quyền Duterte không có phản ứng gì. Những gì Trung Quốc đang làm là xâm lược”…

Vì sao căng thẳng?

Thứ nhất trên thực địa, Trung Quốc điều tàu hiện diện ở Thị Tứ và các thực thể Philippines cải tạo và xây dựng để giám sát và thu thập thông tin về hoạt động của Philippines, cảnh giác việc Philippines có mở rộng ra các thực thể chưa có người chiếm đóng. Tàu của Trung Quốc hiện diện ở Trường Sa và xung quanh Thị Tứ từ lâu (ít nhất là từ 2012) nhưng với số lượng hàng trăm tàu khi thấy Philippines bắt đầu cải tạo và xây dựng tại Thị Tứ. Tháng 4/2017, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố chi 32 triệu USD để nâng cấp các cơ sở ở Thị Tứ, đặc biệt là đầu phía Tây của đường băng trên thực thể này. Sau đó Philippines đưa hai xà lan đến neo đậu (một xà lan lắp đặt máy hút cát và một chiếc lắp máy xúc). Philippines cũng xây dựng các cơ sở trên Thị Tứ, gồm 7 toà nhà mới với 4 toà gần khu dân cư ở phía đông của Thị Tứ, một toà gần cơ sở hành chính ở trung tâm Thị Tứ, một toà ở gần bờ biển phía bắc và một toà ở phía tây bên cạnh sân bóng rổ. Tháng 11/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Philippines đã khởi công xây dựng một dốc bãi biển mới (dự kiến hoàn tất trong năm 2019) để dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu cho việc sửa chữa đường băng và xây dựng tại Thị Tứ (mục đích thực sự có vẻ tham vọng hơn vì diện tích Philippines cải tạo mới lớn hơn so với dự định ban đầu, lên đến 32.000 m2). Philippines còn dự định xây dựng một cảng cá, nhà máy khử muối, trạm điện mặt trời, cơ sở nghiên cứu khoa học biển. Ngoài ra, Philippines còn cải tạo và xây dựng ở các thực thể chiếm đóng khác như xây dãy nhà mái vòm mới ở phía Đông của đơn vị đồn trú tại Công Đo, nhà hình lục giác bên cạnh đơn vị đồn trú tại bãi cát ngầm Loại Ta (Trung Quốc cũng điều khoảng 15 tàu cá đánh bắt ở khu vực cách Loại Ta khoảng 1,8 km).

Thứ hai về phía Trung Quốc, tăng cường hiện diện tàu cá ở xung quanh Thị Tứ nhằm ý đồ tạo và đẩy khủng hoảng để thuận thời chiếm đóng bãi cát ngầm chưa có bên nào chiếm đóng (Sandy Cay) ở gần Thị Tứ. Minh chứng là nếu chỉ giám sát việc Philippines cải tạo và xây dựng ở Thị Tứ thì đâu cần phải điều số lượng lớn các tàu thuyền đến vậy (tháng 8/2018 Trung Quốc thường xuyên cho máy bay trực thăng từ tàu hải quân bay qua khu vực bãi cát ngầm này).

Theo nhận định của giới phân tích quốc tế, đây là một phần trong chiến thuật “cải bắp” của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc tăng cường phối hợp hoạt động giữa ba lực lượng hải quân, hải cảnh và tàu cá dưới quyền chỉ huy và kiểm soát thống nhất. Chính phủ Trung Quốc xây dựng các đội tàu cá khơi xa có tổ chức, được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ (nhiều tàu có binh lính Trung Quốc giả làm ngư dân), cung cấp trang thiết bị kết nối thông tin liên lạc với các tàu hải quân và hải cảnh để nhận chỉ đạo thi hành nhiệm vụ. Trung Quốc sử dụng tàu cá là lực lượng ở vòng ngoài cùng để đánh bắt, xâm nhập vào vùng biển của nước khác, khi tình huống khẩn cấp, tàu hải cảnh xông vào giải cứu (ví dụ vụ Natuna tháng 3/2016), hoặc tàu hải quân tham gia chiếm đóng và phong toả vĩnh viễn khu vực xảy ra khủng hoảng nếu phía đối phương sử dụng tàu chiến hoặc chấp pháp để ép tàu cá của Trung Quốc (ví dụ vụ Scarborough 2012).

Ngoài ra, đây cũng có thể là chiến thuật để Trung Quốc gây sức ép trên thực địa với Philippines để đạt được lợi thế trong đàm phán về thăm dò chung dầu khí ở bãi Cỏ Rong hoặc thúc ép Philippines điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc đàm phán COC theo hướng có lợi cho Trung Quốc…

Thứ ba liên quan đến chính quyền Tổng thống Duterte, một mặt nhằm phục vụ tranh cử giữa kỳ, mặt khác có thể chỉ dấu cho thấy chính sách hoà dịu với Trung Quốc thất bại.

Về tranh cử, lên kế hoạch tổ chức vào ngày 13/5/2019 là phép thử về sự ủng hộ của cử tri và người dân đối với chính quyền Tổng thống Duterte. Cử tri Philippines sẽ đi bỏ phiếu bầu lại 12/24 ghế trong Thượng viện, khoảng 300 ghế trong Hạ viện và hơn 17.000 vị trí trong chính quyền các địa phương. Cuộc bầu cử Thượng viện còn là cuộc đua thử nghiệm cho các ứng cử viên Tổng thống tiềm năng. Ông Duterte đã công khai ủng hộ một số ứng cử viên thân cận, đặc biệt là cựu Cảnh sát trưởng quốc gia Rolando Dela Rosa và trợ lý của ông là Bong Go. Chính quyền Duterte đột nhiên thể hiện phản ứng mạnh về Thị Tứ nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri thuộc nhóm có quan điểm cứng rắn trong vấn đề Biển Đông với Trung Quốc.

Về chính sách với Trung Quốc, đây có thể là chỉ dấu cho thấy chính sách hoà dịu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông của chính quyền Duterte đã thất bại vì chính quyền Duterte làm nhiều việc trái khoáy (so với chính quyền tiền nhiệm) mà Trung Quốc vẫn không nhượng bộ. Từ khi lên cầm quyền tháng 5/2016 chính quyền Duterte gác lại phán quyết, duy trì nhưng giảm cấp độ quan hệ quân sự với đồng minh Mỹ nhất là những khía cạnh liên quan đến Biển Đông, đàm phán song phương với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy thăm dò chung, hợp tác nghề cá, cảnh sát biển… Nhưng Trung Quốc vẫn điều động các loại vũ khí tấn công nguy hiểm ra Trường Sa ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Philippines, vẫn đòi hỏi chủ quyền và ép khai thác chung kiểu Trung Quốc tại bãi Cỏ Rong, và không coi Philippines ra gì, ngang nhiên điều tàu thuyền hiện diện trong vùng biển Philippines yêu sách. Chính quyền Duterte phải lùi bước để tránh sự cố bất ngờ xảy ra, tránh trường hợp Trung Quốc có thể vin cớ để chiếm đóng bãi cát ngầm gần Thị Tứ. Philippines phải rút tàu chiến neo đậu gần Thị Tứ về. Tháng 12/2018, tàuBRP Ramon Alcaraz của Philippines neo gần Thị Tứ cách tàu hải quân của Trung Quốc khoảng 7 hải lý (khoảng 12,6 km) nhưng đến tháng 01/2019 tàu chiến của Trung Quốc vẫn hiện diện gần Thị Tứ trong khi tàu chiến của Philippines không còn ở đấy.

Qua những diễn biến căng thẳng tại Thị Tứ lại càng thấy đánh giá của nhiều chuyên gia trên thế giới là chính xác khi cho rằng “tranh chấp trên Biển Đông là tranh chấp phức tạp nhất thế giới”. Trong khi nhiều chứng cứ khẳng định Việt Nam có chủ quyền từ lâu đời và liên tục đối với quần đảo Trường Sa, trong đó có Thị Tứ, nhưng Philippines lại chiếm đóng phi pháp và nay thì Trung Quốc lại tìm cách để gây hấn chiếm đoạt. Thiết nghĩ chính quyền Việt Nam không chỉ lên tiếng mà cần hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền và những lợi ích chính đáng của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới