Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTruyền thông: Công cụ tuyên truyền phục vụ cho những yêu sách...

Truyền thông: Công cụ tuyên truyền phục vụ cho những yêu sách chủ quyền phi pháp của TQ ở Biển Đông

Cùng với các hoạt động bồi đắp xây dựng đảo và quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông, Trung Quốc đã triệt để sử dụng truyền thông làm công cụ tuyên truyền, hướng lái dư luận phục vụ cho ý đồ độc chiếm Biển Đông của nước này.

Các công cụ truyền thông được TQ sử dụng để tuyên truyền cho các yêu sách ở Biển Đông. Nguồn: AFP

Trong suốt những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí như báo Tân Hoa xã, Phượng Hoàng, Thời báo Hoàn Cầu, Sina, Sohu, CCTV, Nhân dân Nhật báo…) để đưa tin, hình ảnh, bài viết cập nhật về hoạt động bảo vệ “chủ quyền” biển đảo của quân, dân Trung Quốc, trong đó mở nhiều diễn đàn như Diễn đàn quân sự, Diễn đàn Nam Hải… chuyên đăng các thông tin liên quan Biển Đông nhằm tuyên truyền về vấn đề “chủ quyền”, tinh thần dân tộc và tán phát các thông tin xuyên tạc sự thật khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngộ nhận về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc còn thông qua nhiều biện pháp khác để tuyên truyền về “chủ quyền” ở Biển Đông như thuê, mua chuộc các hãng báo chí quốc tế và nhà nghiên cứu viết bài ủng hộ lập trường của Trung Quốc, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin như phát hành các loại game, lồng ghép bản đồ có “đường 9 đoạn”, “đường lưỡi bò” vào các dịch vụ ứng dụng công nghệ của Trung Quốc… để kích động tinh thần bảo vệ biển đảo, xuyên tạc, gây ngộ nhận cho người dân.

Trung Quốc cũng vận động, tranh thủ sức ảnh hưởng của những ngôi sao, văn nghệ sỹ trong giới giải trí để tuyên truyền các tin, hình ảnh nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Nhiều diễn viên, ca sỹ nổi tiếng của Trung Quốc đã phải đưa ra nhưng tuyên bố thể hiện “lòng yêu nước” khi tìm cách lồng ghép vấn đề Biển Đông trên trang cá nhân (Twin, Weibo…) mặc dù nhiều người trong số họ không hề quan tâm và thậm chí không biết Biển Đông ở đâu. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thông qua giới chuyên gia, học giả trong nước, Chính phủ Trung Quốc đưa ra những bình luận, bài viết tìm cách bao biện cho “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông và lấp liếm các hành động phi pháp của Chính phủ Trung Quốc. Tất cả những cách thức trên đều được truyền tải trên các phương tiện truyền thông và bắn thông tin đến nhiều đối tượng khác nhau một cách có chủ ý.

Thông qua các phương tiện truyền thông, Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao, tìm cách biện minh, giải thích các hành động trên là nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết nối thương mại, cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải ở khu vực, chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn “Vành đai, con đường” nhằm xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn các nước bên ngoài tìm cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

Cũng lợi dụng truyền thông, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các thành tựu nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị quân sự mới như hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên; thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tên lửa Đông Phong 5C (DF-5C), Đông Phong 16 (DF-16), máy bay tiêm kích J-20… hay hoạt động tập trận bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, triển khai tên lửa phòng không HQ-9B và tên lửa chống hạm YJ-12B. Trung Quốc cũng bắn các thông tin ên mạng truyền thông về việc đang đẩy nhanh quy hoạch quản lý biển, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực như việc mở chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc “thành phố Tam Sa”, thử nghiệm các chuyến bay dân sự, hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu; xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn về giao thông liên lạc, năng lượng, phủ sóng mạng di động, bệnh viện, rạp chiếu phim… ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng bằng việc lợi dụng các phương tiện truyền thông, Trung Quốc nhắm đến mục tiêu xây dựng hình ảnh về một nước lớn có trách nhiệm, thiện chí và nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Trung Quốc luôn tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế. Trong những dịp mà Trung Quốc và ASEAN tiến hành các đàm phán về Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục đưa các tuyên bố lên mạng truyền thông về việc nhờ nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN thời gian qua, tình hình Biển Đông đã ổn định, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh muốn duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Cuối cùng, Trung Quốc đã sử dụng truyền thông để chỉ trích các nước bên ngoài can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Sau khi các nước như Mỹ và các nước có các hoạt động, tuyên bố chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa, cải tạo phi pháp, cản trở hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Trung Quốc thường thông qua các kênh chính thống (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Đại sứ quán Trung Quốc tại các nước…), kênh truyền thông (Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, CCTV…), các diễn đàn đa phương, hội thảo quốc tế do nước này tổ chức để chỉ trích các nước tìm cách can thiệp vào vấn đề Biển Đông, gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, từ đó khẳng định Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, yêu cầu các nước tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cho rằng nhiều nước đang tìm cách gây cản trở vấn đề Biển Đông dưới chiêu bài luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới