Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChuyển giao Su-35 cho Trung Quốc: Nga đang hỗ trợ Bắc Kinh...

Chuyển giao Su-35 cho Trung Quốc: Nga đang hỗ trợ Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự

Truyền thông Nga (16/4) cho biết, Nga đã hoàn tất việc chuyển giao các tiêm kích đa năng Sukhoi Su-35 cho Không quân Trung Quốc theo một hợp đồng được hai bên ký kết từ năm 2015.

 

Nga hoàn thành hợp đồng mua bán Su-35 đầu tiên với Trung Quốc

Theo thông báo của phía Nga, các tiêm kích trên được bán cho Trung Quốc theo một thỏa thuận kí năm 2015. Trong hợp đồng này, Bắc Kinh mua 24 tiêm kích Su-35 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD. Nga đã bàn giao 14 chiếc cho Trung Quốc trong các đợt vào năm 2016 và 2017. Truyền thông Nga dẫn nguồn tin riêng nói rằng Moscow sẽ cung cấp cả cho Bắc Kinh các dịch vụ đi kèm như các thiết bị mặt đất và động cơ thay thế, cũng như một số tên lửa theo đúng các quy định quốc tế. Trung Quốc là quốc gia nước ngoài đầu tiên sở hữu máy bay Su-35 và cũng là lực lượng không quân thứ hai trên thế giới sau không quân Nga sở hữu loại chiến đấu cơ này.

Ban đầu, vào năm 2012 đã từng có nguồn tin cho biết Moscow yêu cầu Trung Quốc đặt mua ít nhất 48 chiếc chiến đấu cơ Su-35 – tương đương với giá trị hợp đồng lên tới gần 4 tỷ USD. Phía Nga lập luận, số tiền này mang tính “bảo hiểm” cho Nga vì nguy cơ bị Trung Quốc sao chép loại chiến đấu cơ này. Tuy nhiên tới cuối năm, sau sự can thiệp của chính phủ Nga, Rosoboronexport đã giảm bớt số lượng tối thiểu các chiến đấu cơ Su-35 trong hợp đồng bán cho Trung Quốc, giảm xuống còn 24 chiếc.

Bốn chiếc chiến đấu cơ Su-35 đầu tiên đã được Nga chuyển giao cho Không quân Trung Quốc hồi tháng 12/2016. Trong năm 2017, phía Trung Quốc nhận được liên tục 10 chiếc Su-35 tiếp theo và dự kiến, hợp đồng Su-35 đã được Trung Quốc và Nga chốt xong từ năm 2018. Tuy nhiên, do nhu cầu của Không quân Nga tăng cao, các chiến đấu cơ Su-35 đã bị chậm tới tay Không quân Trung Quốc trong năm 2018 và phải tới đầu năm 2019 mới chính thức hoàn thành.

Su-35 là tiêm kích chiến đấu đa năng thế hệ 4++ của Nga, được phát triển từ năm 1988 trên cơ sở tiêm kích Su-27 với tên gọi ban đầu là Su-27M. Mẫu thử nghiệm Su-35 cải tiến cất cánh lần đầu tháng 2/2008 và được biến chế năm 2014. Tiêm kích Su-35 nặng 19 tấn, có tốc độ tối đa Mach 2,25 (khoảng 2.778 km/h), có trần bay là 20.000m, tầm bay tối đa 3.600 km và bán kính chiến đấu khoảng 1.600 km.

Điểm đáng chú ý của Su-35 là việc nó được trang bị 2 động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều AL-117S, radar đa chức năng có thể theo dõi 30 mục tiêu và có thể tấn công 8 mục tiêu cùng lúc. Phiên bản Su-35 xuất khẩu cho Trung Quốc được trang bị bộ thu tín hiệu vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu thay vì GPS hay GLONASS. Vũ khí chính của loại tiêm kích này bao gồm một khẩu súng phòng không 30 mm, cùng 8 tấn vũ khí bao gồm tên lửa và bom các loại gắn trên 12 điểm cứng dưới cánh máy bay. Su-35 đã phục vụ trong quân đội Nga từ năm 2015.

Sau Trung Quốc, Indonesia cũng đã trở thành quốc gia thứ hai sau ký hợp đồng mua 11 chiếc chiến đấu cơ Su-35 với Nga. Theo dự kiến, chiếc Su-35 đầu tiên sẽ được chuyển tới tay Indonesia trong năm 2019 này bất chấp sự cản trở của Mỹ.

Su-35 có ưu thế vượt trội so với các loại tiêm kích khác

Tiêm kích Su-35 của Nga được cho là vượt trội hơn hẳn so với các máy bay thế hệ thứ 4 hiện nay của phương Tây. Sức mạnh tiêm kích Su-35 của Không quân Nga đã khiến các phi công lái F-22, F-35 của Mỹ cũng phải bày tỏ sự lo ngại, sợ sệt. Đợt cuối năm 2014, khi trao đổi về máy bay chiến đấu thế hệ mới, một quan chức cấp cao của Quân đội Mỹ đã dành những lời khen “có cánh” với tiêm kích Su-35 của Không quân Nga.

Một phi công Hải quân Mỹ lái F/A-18 Super Hornet đưa ra nhận định: “Su-35 có thể thắng hầu hết các loại máy bay chiến đấu của Mỹ. Chỉ có tiêm kích tàng hình F-35 là có thể hi vọng vào tính năng tàng hình và khả năng xử lý tổng hợp của hệ thống cảm biến”.

Một sĩ quan không quân có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu F-35 cho biết thêm: “Su-35 có thể có khả năng bay với tốc độ nhanh ở độ cao lớn là một lo ngại không hề nhỏ với các loại chiến đấu cơ của Mỹ, bao gồm cả F-35. Su-35 có thể phóng tên lửa khi đang bay ở tốc độ siêu âm Mach 1,5 trong khi với F-35 là Mach 0,9”.

Bên cạnh đó, Su-35 được phát triển dựa trên nền tảng khung thân tiêm kích đa năng Su-27 Flanker vốn đã rất mạnh. Trong nhiều khía cạnh, hiệu suất khí động học của Su-27 cũng đã cho thấy sự vượt trội hơn máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ. “Từ lý thuyết, một máy bay mạnh là máy bay có động cơ lớn, khả năng bay xa và thiết bị điện tử hàng không rất tốt. Nó có một radar mạng pha quét điện tử thụ động, có khả năng tấn công mạnh và thiết bị gây nhiễu tuyệt vời”, một phi công có kinh nghiệm lái F-22 của Mỹ nói.

Không chỉ có ưu thế về cơ động, vũ khí, máy bay chiến đấu Su-35 còn được trang bị khả năng tấn công điện tử mạnh mẽ có thể tác động lên các hệ thống radar của Mỹ, phương Tây. Loại vũ khí quân sự này có thể làm mù radar chủ động trên các tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120 của Không quân Mỹ.

Đặc biệt, chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4++ Su-35 còn có khả năng tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại mạnh, đặt ra trở ngại lớn cho máy bay chiến đấu của phương Tây. “Su-35 còn được trang bị tổ hợp trinh sát quang-hồng ngoại có thể giúp nó phát hiện máy bay khác, hữu ích cho việc trinh sát từ xa”, phi công máy bay F/A-18 của Mỹ nói.

Một ưu thế lớn khác của Su-35 là khả năng mang tên lửa không đối không hạng nặng. “Đặc điểm đặc biệt của Su-35 là nó giống một xe tải cao cấp. Nó có thể mang được vũ khí không đối không nặng 1 tấn tham gia chiến đấu”, sĩ quan Hải quân Mỹ nói.

Su-35 sẽ tăng cường năng lực tác chiến cho Không quân Trung Quốc?

Theo nhiều nguồn tin, 24 chiếc tiêm kích Su-35 đều được phía Trung Quốc cho đóng tại căn cứ sân bay quân sự nằm ở tỉnh Quảng Đông, Đông Nam Trung Quốc – khu vực tiếp giáp với Biển Đông. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định số tiêm kích Su-35 này sẽ giúp không quân Trung Quốc tăng cường đáng kể năng lực và phạm vi tác chiến trên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho rằng các công nghệ trên S-35 có thể giúp Trung Quốc phát triển các biến thể tiêm kích nội địa và chiến đấu cơ thế hệ tương lai. Nhà phân tích Tống Trung Bình ở Bắc Kinh lại cho rằng 10 tiêm kích Su-35 mới tiếp nhận sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy quá trình huấn luyện phi công cho dòng tiêm kích thế hệ 5 J-20 do nước này sản xuất. Theo ông Tống, Trung Quốc hiện không có máy bay nào hiện đại hơn Su-35 để phi công có thể làm quen trước khi điều khiển J-20.

Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong những nước có diện tích lãnh thổ thuộc loại lớn nhất thế giới, không phận gồm cả mặt đất và trên biển cực lớn thì 24 máy bay tiêm kích Su-35 mà Trung Quốc mới nhận từ Nga sẽ “chẳng thấm tháp vào đâu”. Theo các số liệu quốc tế không chính thức, hiện Không quân Trung Quốc được trang bị 2.700 – 3.000 máy bay các loại và số lượng sẽ còn tăng. Trong đó, máy bay chiến đấu khoảng 1.700 chiếc gồm tiêm kích, cường kích, máy bay ném bom chiến lược.

Về phần số lượng máy bay tiêm kích đóng vai trò “xương sống” trong Không quân Trung Quốc hiện có hơn 800 chiếc tiêm kích Su-27/30, J-11 và J-10. Vậy nên, 24 chiếc thật sự là quá nhỏ bé so với các nhiệm vụ của Không quân Trung Quốc hiện nay. Do đó, nếu thực sự muốn phát huy sức mạnh của Su-35 nhằm thay đổi toàn diện lực lượng không quân thì Bắc Kinh cần thiết phải mua thêm loại máy bay này. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin Bắc Kinh muốn có thêm Su-35 trong tương lai. Thậm chí, chẳng thể loại trừ việc sẽ không có thêm Su-35 từ Nga, nếu có sẽ không có nhiều bởi khoảng 10-15 năm nay Trung Quốc thể hiện rõ họ muốn đi theo con đường “tự lực tự cường”, tự sản xuất máy bay bao hàm mọi công nghệ.

Trung Quốc sẽ “ăn cắp” công nghệ Su-35

Từ thời Liên Xô, Trung Quốc sao chép máy bay, xe tăng, các loại súng ống và xuất khẩu ra nước ngoài kiếm lời đã quá nổi tiếng. Đến thời Liên bang Nga, “đòn đau nhớ nhất” là việc Trung Quốc sao chép dòng máy bay Su-27 và tạo ra mẫu tiêm kích J-11, J-16. Có thời điểm, Trung Quốc còn tham vọng xuất khẩu J-11. Không chỉ Su-27, vô vàn công nghệ gồm cả tên lửa, radar, xe tăng nổi tiếng của Nga hiện nay đều đã bị Trung Quốc sao chép hoàn toàn và thậm chí còn cải tiến hơn thế. Thế nên, sự việc tương tự nếu xảy đến với dòng máy bay Su-35 thì không phải quá lạ lùng.

Hiện nay, Trung Quốc đang trong quá trình phát triển một loạt các chương trình máy bay chiến đấu nội địa như J-10 (cải tiến), J-11 (cải tiến), J-20, J-31. Nhất là các dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 như J-20 và J-31, hơn bao giờ hết Trung Quốc được cho là đang rất khao khát các công nghệ quân sự mới để hoàn thiện những loại hình máy bay này.

Dĩ nhiên, Nga chắc chắn phải cân nhắc rất kỹ trước khi bán tiêm kích Su-35 cho Bắc Kinh và tìm cách ngăn chặn hoặc bán hẳn công nghệ chế tạo cho Trung Quốc, tránh đề nước này sao chép công nghệ Su-35 mà không phải trả giá. Theo giới quân sự Trung Quốc, tiêm kích Su-35 mà Nga bán cho Trung Quốc được trang bị công nghệ chống sao chép đặc biệt. Cụ thể, các động cơ AL-41F1S lắp trên Su-35 được phủ một lớp vật liệu chặn tia X-quang và các phương pháp soi chiếu. Có nguồn tin còn cho rằng động cơ cũng được “hàn chết” – tuy nhiên việc này không rõ ràng vì còn liên quan tới việc sửa chữa, thay mới khi cần.

Trước đó, Trung tướng Yevgeny P. Buzhinsky – Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính sách Nga cho biết, Moscow sẽ thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn công nghệ tiêm kích hiện đại của mình rơi vào tay Bắc Kinh. Vậy nên, khả năng cao nếu muốn lấy công nghệ trên Su-35 như radar, động cơ, hệ thống điện tử khác, Trung Quốc có thể phải phá hỏng toàn bộ máy bay lấy thứ họ muốn và mất vĩnh viễn luôn 100-150 triệu USD. Dĩ nhiên đó sẽ là sự đánh đổi có lời để lấy công nghệ tối tân nhất rồi phát triển, nhân bản tăng cường cho lực lượng của mình trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới