Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại chủ trương, chính sách biển của Indonesia dưới thời Tổng...

Nhìn lại chủ trương, chính sách biển của Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo

Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có nhiều điều chỉnh chính sách về biển, đảo nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia. Với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Joko Widodo sẽ tiếp tục triển khai chính sách biển đảo như hiện nay.

Tổng thống Joko Widodo thị sát căn cứ quân sự mới ở Natuna

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joko Widodo đã công bố Học thuyết Trục biển toàn cầu (GMF), Indonesia ban hành văn kiện Chính sách Biển theo Sắc lệnh Tổng thống số 6/2017. Văn kiện này được cho là tuyên bố toàn diện nhất từ trước đến nay của Indonesia về các vấn đề biển, chi tiết hoá các mục tiêu, các nguyên tắc và biện pháp. Chính sách biển đề ra kế hoạch hành động để triển khai GMF và thống nhất chỉ dẫn các bộ ngành và địa phương của Indonesia trong việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực phù hợp để triển khai, giám sát và kiểm điểm quá trình thực hiện. Nhìn chung, chính sách biển của Indonesia hướng đến phục vụ các nhu cầu đối nội hơn là tìm kiếm vai trò quốc tế lớn hơn.

Học thuyết Trục biển toàn cầu và văn kiện Chính sách Biển của Indonesia

Về Học thuyết Trục biển toàn cầu: Tháng 11/2014 tại Hội nghị cấp cao Đông Á tại Naypidaw (Myanmar), Tổng thống Widodo công bố tầm nhìn phát triển đất nước của Indonesia với Học thuyết Trục biển toàn cầu, trong đó biển được coi là hướng mở rộng chính. Mục tiêu trung tâm của Học thuyết Trục biển toàn cầu là tối ưu hóa các nguồn lực và lợi thế sẵn có về biển của Indonesia để phát triển Indonesia thành một “quốc gia biển” giữa Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Học thuyết xác định năm trụ cột chính gồm: (1) Xây dựng văn hóa biển; (2) Quản lý tài nguyên; (3) Phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối biển; (4) Ngoại giao biển; (5) Phát triển hải quân.

Tuy nhiên, Trục biển toàn cầu chỉ đề ra các nguyên tắc chung, không nêu chi tiết các biện pháp triển khai cụ thể. Do đó, sau gần 4 năm từ khi Tổng thống Widodo công bố Trục biển toàn cầu, các bộ ngành và địa phương của Indonesia vẫn có các diễn giải và triển khai khác nhau, khiến họ phản ứng thiếu phối hợp về những vụ việc liên quan tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia. Nhánh ngoại giao chủ trương xử lý mềm mỏng vấn đề, nhánh nghề cá thể hiện sự hung hăng còn quân sự tăng cường khả năng răn đe. Nhánh ngoại giao Indonesia hành xử mềm mỏng vì tin rằng Indonesia sẽ được yên và chủ quyền xung quanh Natuna vẫn toàn vẹn nếu tiếp tục giữ lập trường không phải là nước yêu sách mà là “bên môi giới trung thực” và tránh mọi tình huống tạo ra tranh chấp với Trung Quốc. Trong khi đó, nhánh nghề cá dẫn đầu bởi Bộ trưởng Susi Pudjiastuti thể hiện quan điểm rất cứng rắn, lên án mạnh mẽ Trung Quốc ngăn cản trái phép hoạt động chống đánh bắt cá của Indonesia (IUU). Nhánh quốc phòng thể hiện sức mạnh, tăng cường khả năng răn đe trên thực địa. Tuy nhiên, giới quan sát hoài nghi về khả năng Indonesia điều lực lượng quân đội để đẩy tàu thuyền của Trung Quốc ra ngoài vùng biển Natuna vì hành động quân sự của Indonesia chủ yếu để phô diễn lực lượng hơn là sử dụng vũ lực chống Trung Quốc.

Về Chính sách biển: Tháng 2/2017, Tổng thống Widodo ban hành Sắc lệnh Tổng thống số 6/2017 về chính sách biển, nêu chi tiết các mục tiêu, nguyên tắc, biện pháp và kế hoạch hành động để triển khai Trục biển toàn cầu.

Về mục tiêu, chính sách biển xác định Indonesia phấn đấu trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển, đảm bảo chủ quyền và độc lập, đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới phù hợp với lợi ích quốc gia của Indonesia. Cụ thể, Chính sách Biển của Indonesia nhằm: Quản lý tối ưu và phát triển bền vững tài nguyên biển; phát triển chất lượng nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ biển; phát triển lực lượng an ninh quốc phòng biển mạnh; tăng cường chủ quyền, luật pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương tốt; đảm bảo phúc lợi xã hội công bằng cho người dân ở khu vực ven biển và các đảo nhỏ; gia tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng của kinh tế và các ngành công nghiệp gắn với biển; xây dựng cơ sở hạ tầng biển chắc chắn; lên kế hoạch quản lý không gian biển; bảo vệ môi trường biển; ngoại giao biển; và xây dựng bản sắc văn hóa biển.

Về nguyên tắc triển khai, chính sách biển tập trung tăng cường nhận thức coi Indonesia là quốc gia quần đảo thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; phát triển bền vững: khai thác tài nguyên sinh vật không vượt quá khả năng tái tạo và phục hồi; khai thác tài nguyên phi sinh vật không vượt quá khả năng phát triển của các tài nguyên thay thế;  mức độ khai thác hiện tại không vượt quá nhu cầu sử dụng trong tương lai; dự liệu các tác động tiêu cực có thể xảy đến trong quá trình khai thác tài nguyên; phát triển kinh tế xanh: phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường; quản lý thống nhất và minh bạch: quản lý trong một hệ thống đồng nhất, xây dựng các quy định rõ ràng và minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin để người dân hiểu; khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình lên kế hoạch, quyết định, triển khai, giám sát, kiểm soát, tiếp cận thông tin và sử dụng tài nguyên; tạo sự bình đẳng và công bằng: mọi cá nhân, nhóm và tầng lớp dân cư từ các vùng miền và tôn giáo khác nhau đều được đối xử bình đẳng, cùng có lợi; tăng cường kết nối giữa các trung tâm kinh tế với các vùng miền, phát triển các dự án ở các đảo ngoài xa, ưu tiên cải thiện phúc lợi cho nhóm thu nhập thấp, đặc biệt là ngư dân.

Về biện pháp triển khai, chính sách biển đề ra 76 biện pháp tập trung trong 7 trụ cột gồm quản lý tài nguyên biển và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường quốc phòng an ninh từ biển, chấp pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương; phát triển kinh tế biển, cơ sở hạ tầng và phồn vinh cho người dân; quản lý không gian biển và bảo vệ môi trường biển; xây dựng văn hóa biển và xây dựng ngoại giao biển.

Chính sách biển đồng thời đề ra kế hoạch hành động 5 năm theo nhiệm kỳ tổng thống. Kế hoạch hành động hiện tại từ 2016-2019 đề ra 425 hoạt động được phân bổ trong 5 nhóm ưu tiên, gồm: Biên giới biển, không gian biển và ngoại giao biển do Bộ Ngoại giao, Quân đội, Bộ các vấn đề biển và nghề cá và Bộ Thông tin chủ trì thực hiện; Công nghiệp biển và kết nối do Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Việc làm và nhà ở, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn chủ trì; Dịch vụ, tài nguyên biển và quản lý môi trường biển do Bộ các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Năng lượng và khoáng sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Môi trường và rừng chủ trì; Quốc phòng và an ninh biển do Quân đội, Bộ Quốc phòng, Cơ quan an ninh biển, Bộ Các vấn đề biển và nghề cá chủ trì; Văn hóa biển do Bộ Các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Giao thông, Bộ Nghiên cứu khoa học và giáo dục và Bộ Nhân lực chủ trì thực hiện.

Nhìn tổng thể, hầu hết các hoạt động mà văn kiện phác thảo tập trung vào nội bộ hơn là hướng ngoại nhằm biến Indonesia thành một cường quốc biển. Ví dụ, các Bộ Giao Thông, Bộ Công nghiệp và Bộ các vấn đề Biển và Nghề cá của Indonesia đảm nhiệm 181 hoạt động, trong khi Bộ Ngoại giao của Indonesia chỉ phải đảm nhiệm 23 hoạt động. Phần ngoại giao biển chỉ đề cập đến việc xây dựng các quy chuẩn và ngoại giao biển song và đa phương nói chung. Phát triển quân sự chủ yếu đề cập đến các chương trình phát triển căn cứ hải quân, duy tu bảo dưỡng các cơ sở, chỉ huy và kiểm soát, chủ yếu phục vụ mục tiêu bảo vệ vùng biển của Indonesia hơn là phát triển quân đội thành một lực lượng mạnh hoạt động tại các vùng biển bên ngoài giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Indonesia có điều kiện tự nhiên thuận lợi để triển khai chính sách biển

Thứ nhất, Indonesia có ưu thế về vị trí địa chiến lược do nằm ở trung tâm khu vực. Indonesia không chỉ nằm giữa hai lục địa châu Á và châu Australia, giữa hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mà còn nằm giữa cường quốc chi phối và cường quốc mới nổi, giữa trung cường phía Nam và cường quốc phía Bắc, giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Thứ hai, Indonesia có nguồn tài nguyên biển dồi dào tạo nền tảng vững chắc cho phát triển. Indonesia là nước quần đảo lớn nhất thế giới với hơn 17.000 hòn đảo, có rừng nhiệt đới lớn thứ ba thế giới sau rừng Amazon và rừng Công-gô với 5,8 triệu km2 lãnh hải trong khi diện tích đất chỉ 1,9 triệu km2. Indonesia có bờ biển dài 92.000 km, đứng thứ hai thế giới sau Canada. Các vùng biển của Indonesia là nơi cư trú của khoảng 20% lượng và 76% chủng loài san hô, 20% rừng đước của thế giới, có 3 triệu hecta cỏ biển. Các loài thực vật này có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, các vùng biển của Indonesia có nguồn cá phong phú, cung cấp 16% lượng cá ngừ thế giới… Nguồn tài nguyên phong phú cung cấp cho Indonesia nền tảng phát triển lâu dài.

Thứ ba, Indonesia có vị trí địa chính trị quan trọng, án ngữ của tuyến hàng hải huyết mạch qua khu vực, đặc biệt là Eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), 50% tổng thương mại đường biển toàn cầu được vận chuyển qua các Eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Eo biển Malacca giữa Indonesia, Singapore và Malaysia là cửa ngõ giao thương của châu Á. Tuyến đường biển qua Malacca là đường biển kết nối chính giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từ thời cổ xưa. Các thương lái người La Mã, Hy Lạp, Trung Hoa và Ấn Độ vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường này. Giá trị chiến lược của eo biển Malacca càng tăng lên khi kênh đào Suez được mở vào năm 1869, rút ngắn khoảng cách đường biển giữa châu Âu và Viễn Đông xuống còn 1/3, và làm tăng sự nhộn nhịp của Eo biển Malacca. Trong khi đó, eo biển Sunda và Eo biển Lombok nhỏ hơn Malacca nhưng cũng quan trọng trong việc kết nối giao thương đường biển từ Biển Đông, qua biển Java và Ấn Độ Dương. Hàng năm có khoảng 2.280 tàu chạy qua Eo biển Sunda vận chuyển khoảng 100 triệu tấn hàng hóa trị giá 5 tỷ USD, trong khi hơn 240 tàu chạy qua Eo biển Lombok vận chuyển khoảng 36 triệu tấn hàng trị giá 40 triệu USD. Các eo biển này làm tăng giá trị chiến lược của Indonesia.

Thứ tư, về mặt chiến lược, Trục biển toàn cầu và Chính sách Biển của Indonesia dung hòa với các chiến lược của các nước lớn ở khu vực như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ. Với Trung Quốc, chính sách biển của Indonesia hài hòa với Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSR) mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra tại Quốc hội Indonesia trong chuyến thăm tháng 10/2013. Chính sách biển của Indonesia thể hiện tính hướng nội nhiều hơn, các biện pháp đối ngoại cũng nhằm phục vụ ưu tiên phát triển trong nước, trong khi Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc thể hiện tính quốc tế, hướng đến tăng cường hợp tác với các nước dọc theo con đường tơ lụa này. Song, hai chiến lược này có tính bổ sung lẫn nhau khá chặt chẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng biển. Mục tiêu của Trung Quốc là tăng cường ảnh hưởng thông qua các dự án đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng biển nối Trung Quốc với châu Âu qua Đông Nam Á và châu Phi. Trong khi đó, Indonesia chủ trương phát triển hệ thống giao thông biển, cảng biển nối hệ thống các đảo dày đặc của nước này. Do vậy, Indonesia và Trung Quốc có nhiều cơ hội hợp tác cùng phát triển.

Với Mỹ, chính sách biển của Indonesia cũng hòa hợp với chiến lược châu Á của Mỹ. Dưới chính quyền Obama, Indonesia là một trong các đối tác chính trong Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á (MSI) mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter công bố tại Diễn đàn đối thoại Shangri-la tháng 6/2015. Trong đó, Mỹ hỗ trợ các nước Đông Nam Á phát triển lực lượng chấp pháp, năng lực tuần tra, trinh sát và giám sát để bảo vệ quyền chủ quyền biển. Dưới chính quyền Donald Trump, Mỹ có vẻ hướng nội nhiều hơn, song quan hệ chiến lược với Indonesia vẫn quan trọng. Về chính trị, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mike Pence tháng 4/2017 nhằm khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Indonesia. Về an ninh biển và quân sự, tháng 6/2017, Bộ trưởng điều phối các vấn đề biển và nghề cá Indonesia Luhut Pandjaitan thăm Mỹ, hội kiến với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác trong các vấn đề biển, nhận thức về biển, chia sẻ thông tin và chống các thách thức xuyên quốc gia đến từ biển. Mỹ cũng tỏ ý ủng hộ nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của Indonesia thông qua các cuộc tập trận song phương, phối hợp chung và buôn bán vũ khí.

Với Ấn Độ, quốc gia đang trong quá trình triển khai chính sách Hành động hướng Đông (Act East Policy), có thể mang đến nhiều cơ hội tăng cường hợp tác biển với Indonesia kết nối Ấn Độ Dương và Biển Đông. Hai nước chia sẻ biên giới chung trên biển ở Đông Ấn Độ Dương, cùng là thành viên của Hiệp hội khu vực Ấn Độ Dương (IORA). Hai nước có nhiều lợi ích chung trên biển, đặc biệt là trật tự dựa trên luật pháp trên biển, an ninh, an toàn tự do trên biển và kinh tế biển, kết nối các cảng biển và giao thương giữa hai nước, đối phó với các thách thức và mối lo chung của hai nước như nạn như cướp biển, khủng bố trên biển, di cư bất hợp pháp theo đường biển…

Một số hành động trên thực địa của Indonesia

Mở vùng đánh bắt ở Biển Đông: Bộ trưởng phụ trách vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan (20/2) cho biết, Indonesia có kế hoạch mở một vùng đánh bắt cá mới ở vùng biển Natuna, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở rìa phía Nam của Biển Đông. Khu vực này từng bị Trung Quốc (2016) tuyên bố là “ngư trường truyền thống” của Bắc Kinh. Theo Bộ trưởng Luhut Pandjaitan, Indonesia hiện duy trì một tàu hải quân và một tàu cung cấp dầu trong vùng biển Natuna để bảo vệ, cũng như cung cấp nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển này. Thời gian tới, Indonesia sẽ triển khai thêm một chợ cá, trung tâm trữ lạnh và xứ lý thủy sản cùng nhiều cơ sở khác sẽ được xây tại quần đảo Natuna trong quý 3 năm nay. Bộ trưởng Luhut Pandjaitan cho biết, Chính phủ Indonesia quyết tâm mở khu vực đánh bắt cá ở Natuna là nhằm ngăn chặn “nước khác” tuyên bố khu vực này là ngư trường truyền thống của họ, một lời ám chỉ tới tuyên bố của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Indonesia mở vùng đánh bắt cá mới ở Natuna cũng chưa chắc có thể ngăn chặn tàu cá Trung Quốc vào đánh trộm hải sản. Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Giám sát đánh cá toàn cầu (Global Fishing Watch) công bố hôm 23/2/2018 cho thấy, hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vươn xa nhất thế giới và có quy mô rầm rộ nhất, lớn hơn cả tổng quy mô của 10 vị trí tiếp theo. Theo Báo cáo tàu cá Trung Quốc đã hoạt động khoảng 17 triệu giờ trong năm 2016, tập trung tại khu vực Biển Đông. Ông David Kroodsma, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Global Fishing Watch cho biết “Trung Quốc là quốc gia đánh cá nhiều nhất và tầm hoạt động của các tàu cá Trung Quốc còn lớn hơn nhiều người nghĩ”.

Mở căn cứ quân sự mới: Tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto (18/12/2018) tuyên bố quân đội Indonesia sẽ thành lập căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna gần khu vực Biển Đông. Theo đó, căn cứ quân sự này này nằm trong Bộ Chỉ huy hỗn hợp phòng thủ khu vực, có trụ sở đóng tại được tỉnh đảo Riau, Indonesia. Sau khi được thành lập, căn cứ quân sự này sẽ bao gồm vài trăm quân nhân và các lực lượng kỹ thuật quân sự, với nhiệm vụ chính là ngăn chặn các nguy cơ như đánh bắt cá trái phép và tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, căn cứ này được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không cùng các cơ cở khác như một cảng, nhà chứa máy bay quân sự và một bệnh viện. Indonesia mở căn cứ mới là nhằm: (i) Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải và đảm bảo an ninh trong vùng biển; khẳng định quần đảo Natuna và các vùng biển xung quanh là thuộc chủ quyền của Indonesia, không tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa Indonesia và Trung Quốc ở khu vực này. Việc lập căn cứ hải quân mới cũng sẽ góp phần đảm bảo an ninh của Indonesia, thúc đẩy việc bắt giữ, trấn áp và đánh đắm tàu cá xâm phạm vùng biển của Indonesia. Thông qua hành động trên, Indonesia muốn khẳng định nước này đang thực thi luật pháp và có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực này. (ii) Lập căn cứ hải quân mới sẽ là hành động thiết thực ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, quản lý và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Việc sử dụng các biện pháp cứng rắn đối với tệ nạn đánh bắt trộm hải sản ở Biển Đông là hành động thiết thực thể hiện quyết tâm của Indonesia trong việc bảo vệ tài nguyên trong vùng biển của mình. (iii) Thông qua việc lập căn cứ hải quân mới sẽ góp phần cảnh cáo, răn đe và ngăn chặn tàu cá các nước đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Chính sách cứng rắn của Indonesia đã có hiệu quả răn đe không nhỏ trong việc hạn chế, ngăn chặn tàu cá các nước đến đánh bắt trộm hải sản trong vùng biển của Indonesia. Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng tàu các phi pháp hoạt động trong vùng biển của Indonesia đã giảm đáng kế. Hầu hết các tàu cá chẳng dại gì đến vùng biển này đánh bắt trộm hải sản. Trong bối cảnh tình hình đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia đang ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Indonesia. Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết, hằng năm Indonesia bị thất thoát khoảng 300.000 tỉ rupiah (23 tỉ USD) do thủy sản bị đánh bắt trộm bởi tàu cá nước ngoài và hằng ngày có khoảng 5.400 tàu cá hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia. Từ cuối năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng của Indonesia đã thực hiện chính sách đánh chìm tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển của nước này. Tính đến nay, Indonesia đã đánh chìm gần 488 tàu cá nước ngoài, chủ yếu là các tàu cá của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Papua New Guinea. Việc đánh chìm các tàu cá nói trên chủ yếu được tiến hành tại các căn cứ hải quân: Tarempa (tỉnh Batam), Rinai (tỉnh Riau Islands), Bitung (Bắc Sulawesi), Pontianak và Tarakan (tỉnh Kalimantan). (iv) Đề phòng khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm vùng biển Natuna của Indonesia.

Phản ứng cứng rắn đối với tàu cá các nước: Trong những năm gần đây, Indonesia đã có nhiều hành động cụ thể (bắt giữ, xử tù, đánh đắm tàu cá vi phạm vùng biển của mình) khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, tài nguyên biển và ngành công nghiệp đánh bắt cá trong nước. Những chính sách cứng rắn của Indonesia đã góp phần không nhỏ trong việc răn đe, ngăn chặn tàu cá các nước vào đánh bắt trộm hải sản của nước này ở Biển Đông. Theo số liệu thống kê không chính thức, trong 4 năm qua, Indonesia đã cấm 10.000 tàu cá nước ngoài đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Indonesia. Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti (3/8/2018) cho biết, “Indonesia sẽ rất cứng rắn và không thỏa hiệp với các hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia”. Indonesia (21/8/2018) thông báo đã phá hủy và đánh đắm tổng cộng 125 tàu thuyền chủ yếu thuộc sở hữu nước ngoài do khai thác thủy sản trái phép trong vùng lãnh hải của nước này. Việc đánh đắm 125 con tàu diễn ra tại 11 địa điểm ở Indonesia, trong đó bao gồm 86 tàu có treo cờ Việt Nam, 20 tàu Malaysia và 14 tàu từ Philippines. Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cho biết, hoạt động này nhằm mục đích răn đe những tàu thuyền có ý định đánh bắt cá và khai thác trái phép các nguồn tài nguyên khác trên vùng biển của Indonesia; nhấn mạnh Indonesia sẽ tăng cường bảo vệ các vùng biển của mình trước các hoạt động xâm phạm và khai thác trái phép của các tàu nước ngoài. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia Lily Pregiwati (22/8/2018) cho rằng biện pháp đánh chìm tàu cá nước ngoài vi phạm không được công bố trước để tránh căng thẳng với các nước láng giềng. Chính phủ Indonesia cũng tuyên bố các tàu thuyền bất hợp pháp là một mối đe dọa cho ngành đánh cá địa phương của Indonesia. Các chủ tàu vi phạm đó thường là thủ phạm nạn nô lệ hiện đại, sử dụng nhân công bị buôn bán từ các quốc gia Đông Nam Á.

Xu hướng chính sách của Indonesia trong thời gian tới:

Sau khi Indonesia tổ chức bầu cử Tổng thống, ông Joko Widodo (18/4) tuyên bố giành được 54,5% phiếu bầu, dựa trên kết quả của 12 trung tâm khảo sát ngoài phòng phiếu. Theo kết quả trên, ông Joko Widodo sẽ tiếp tục giữ chức Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ thứ hai trong 5 năm tiếp theo. Được biết, cuộc bầu cử Indonesia diễn ra hôm 17/4 với hơn 192 triệu người đủ tiêu chuẩn đi bầu để chọn ra 20.000 nhà lập pháp cấp địa phương và cấp quốc gia, trong đó gồm Tổng thống. Tính đến chiều 18/4, kết quả kiểm nhanh 90% số phiếu bầu do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ISIS và Mạng lưới Cyrus thực hiện cho thấy Widodo tái đắc cử với 55,8% phiếu bầu cho liên danh Jokowi – Maruf Amin (ứng viên phó tổng thống). Trong khi đó, liên danh Prabowo Subinato – Sandiaga Uno giành được 44,2% phiếu bầu.

Thời gian tới, Indonesia sẽ tiếp tục thực thi chính sách cứng rắn trên nhằm bảo vệ tối đa chủ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông, vì: (1) Chính sách cứng rắn của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân và nghị sỹ Quốc hội. (2) Tình trạng đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia đã giảm nhanh chóng, các nước thường có tàu cá bị bắt giữ đều cảnh báo ngư dân không nên xâm phạm vùng biển của Indonesia. Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti tuyên bố chiến dịch đánh chìm tàu cá bất hợp pháp đã khiến số tàu cá hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển Indonesia giảm tới 90%. (3) Indonesia sẽ điều thêm các tàu tuần tra cỡ lớn tới vùng biển xung quanh quần đảo Natuna để đề phòng các tàu hải cảnh Trung Quốc có hành vi chống đối, hỗ trợ tàu cá phi pháp của Bắc Kinh.

Tuy nhiên,về lâu dài Indonesia sẽ gặp khó khăn trong việc thực thi chính sách cứng rắn trên. Vì Indonesia sẽ không có đủ nguồn lực để bắt, đưa ra tòa xử lý rồi bắn hủy hết các tàu vi phạm, đặc biệt là các tàu lớn. Chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài cũng có một số điểm không phù hợp với luật pháp của Indonesia cũng như Luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo điều 69, khoản 4, Luật số 45 năm 2009 về thủy sản của Indonesia cũng không quy định rõ khu vực quản lý đánh cá. Trong khi đó, điều 73, điều 292 của UNCLOS cũng có những quy định liên quan đến việc phóng thích ngay lập tức tàu và thủy thủ nước khác. Không những vậy, các nước có tàu cá bị Indonesia bắt giữ và đánh đắm đều có những biện pháp phản đối, gây sức ép buộc Indonesia cần đối xử nhân đạo hơn với ngư dân vi phạm luật pháp Indonesia. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia đều có tuyên bố thể hiện quan ngại trước việc Indonesia đánh chìm một số tàu cá của nước mình; yêu cầu Indonesia khi xử lý các ngư dân vi phạm phải phù hợp với quan hệ giữa song phương và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân. Trong khi đó, Trung Quốc thường dùng lực lượng Hải Cảnh, Hải Giám tấn công các tàu chấp pháp của Indonesia để giải cứu cho các tàu cá vi phạm; một số quan chức ngoại giao gửi thư, tin nhắn mang tính cảnh cáo Indonesia sẽ phải chịu hậu quả nếu đánh chìm tàu cá của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới