Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự kiện giàn khoan Hải Dương 981 cách đây 5 năm, Việt...

Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 cách đây 5 năm, Việt Nam đối phó với TQ như thế nào?

Cách đây 5 năm, vào những ngày đầu tháng 5 năm 2014, nhà cầm quyền Trung Quốc liều lĩnh cho kéo giàn khoan dầu khí nước sâu hiện đại mang tên Hải Dương Thạch Du 981 xuống hạ đặt trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Sự kiện này làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, đặt đất nước và toàn thể dân tộc Việt Nam trước thách thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, trước lựa chọn giữa đấu tranh hay khuất phục đối với thế lực láng giềng hùng mạnh đang tìm cách giải cơn “thèm khát” năng lượng và “không gian sinh tồn”. Đồng thời, làm cho tình hình an ninh Biển Đông đứng trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng, khiến cho cả cộng đồng quốc tế lo ngại. Nhưng sau hơn hai tháng “cố đấm ăn xôi”, cuối cùng Trung Quốc cũng buộc phải rút giàn khoan về nước. Kết cục là do sự đấu tranh ngoan cường và vô cùng khôn khéo của quân và dân Việt Nam đã làm cho Trung Quốc nhận thấy sai trái mà tự nguyện rút giàn khoan.

Nhằm đáp ứng tham vọng “độc quyền kiểm soát” Biển Đông, phục vụ nhu cầu phát triển chiến lược của quốc gia, bên cạnh việc đưa ra yêu sách về “chủ quyền” trên biển theo “đường chín khúc”, bên cạnh việc đào bới tìm kiếm các bằng chứng “lịch sử và pháp lý” hòng chứng minh cho cái gọi là “đường chín khúc” tưởng tượng đó rồi dùng phương tiện thông tin truyền thông để quảng bá rầm rộ cho nó, Trung Quốc còn đẩy mạnh thi hành chính sách chiếm dụng trên thực tế ở Biển Đông. Việc Trung Quốc ngang nhiên thăm dò dầu khí tại các vùng biển của các nước trên Biển Đông là một trong những hành động thực hiện chính sách đó. Ngày 02/5/2014, Trung Quốc cho tàu kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới hạ đặt tại vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn huy động khoảng 130 tàu, thuyền và lực lượng đi cùng, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự với cái cớ là để bảo vệ giàn khoan. Khi Việt Nam điều một số tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư ra thông báo về hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam, yêu cầu giàn khoan Trung Quốc dừng hoạt động thì tàu Trung Quốc đã đâm thẳng vào tàu Kiểm ngư của Việt Nam, dùng súng bắn nước và vòi rồng phun làm hư hại một số tàu và gây thương tích cho nhiều nhân viên Kiểm ngư của Việt Nam, khiến cho tình hình thêm căng thẳng.

Trước tình hình trên, Việt Nam nhận định: Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan đến thăm dò tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà không có sự thỏa thuận, nhất trí từ phía Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, tự ý áp đặt “chủ quyền” phi pháp tại vùng biển Việt Nam. Có thể nói, hành động gây chấn động dư luận quốc tế này của Trung Quốc làm tổn hại quan hệ hai nước Việt – Trung và làm cho tình hình an ninh Biển Đông khó có thể giải quyết, buộc Việt Nam phải hành động.

Về mặt nhà nước, ngày 22/5/2014, Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong trả lời phóng viên báo chí quốc tế tại Philippines đã tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Tiếp đó, ngày 18/6/2014, trong cuộc gặp Ủy viên thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Quan điểm về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi”. Đi cùng những tuyên bố, khẳng định đanh thép trên, Việt Nam đã triển khai đồng loạt các biện pháp đấu tranh toàn diện để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền nhưng hết sức mềm dẻo, hòa bình với Trung Quốc.

Đối với nhân dân Việt Nam, sau khi phương tiện truyền thông nhà nước loan truyền thông tin về giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước đã đồng loạt xuống đường tuần hành, mít tinh, biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc. Đi cùng là hoạt động phát tờ rơi tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, góp quỹ vì biển đảo quê hương, tổ chức hội thảo về Biển Đông… Trên các con phố ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác, hàng hóa do Trung Quốc sản xuất hầu như vắng bóng. Trên các kênh truyền hình chính thống và giải trí, người ta không thấy bóng dáng các phim truyện, phim truyền hình nhiều tập do Trung Quốc sản xuất đâu nữa. Trên tất cả con đường, ngõ xóm của đất nước Việt Nam, từ nông thôn, miền núi xa xôi, hẻo lánh đến thành thị, đồng bằng đông đúc, đâu đâu cũng rợp màu cờ đỏ sao vàng và khí thế bảo vệ chủ quyền dâng trào sục sôi.

Đối với cộng đồng quốc tế, diễn ra hàng loạt chuyến thăm nước ngoài dồn dập của lãnh đạo các cấp Việt Nam tới các nước bạn bè trên thế giới và trong khu vực. Những nước bạn bè ấy, người ta được thông báo, thông tin cụ thể, tường tận về hành động phi lý, phi nghĩa của Trung Quốc, người ta cũng được nghe tường trình cặn kẽ về chủ quyền hợp pháp và chính nghĩa của Việt Nam. Vì thế, lại một lần nữa “sức mạnh thời đại” được dấy lên để bênh vực và bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Việt Nam. Ngày 10/5/2014, Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN thống nhất đưa ra tuyên bố chung về tình hình Biển Đông, yêu cầu các bên liên quan trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện kiềm chế tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Ngày 11/6/2014, Hạ viện Nhật Bản nhất trí 100% ra tuyên bố về Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng và áp đặt chủ quyền một cách đơn phương trên Biển Đông. Ngày 13/7/2014, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết S. RES.412 về Biển Đông, chỉ đích danh yêu cầu Trung Quốc phải trở về vị trí nguyên trạng như trước ngày 01/5/2014, tức trước ngày Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong thềm lục địa Việt Nam. Tại một số nước, người dân yêu hòa bình, trọng công lý đã rầm rộ cùng nhau xuống đường, luân phiên đến tụ tập trước đại sứ quán Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối; đến trước đại sứ quán Việt Nam để thể hiện sự ủng hộ và tình đoàn kết. Khẩu hiệu, biểu ngữ với mọi loại kiểu chữ, hình dạng được giăng ra, không ồn ào nhưng đầy sức nặng. Một phóng viên nước ngoài chứng kiến cảnh tượng trên, đã phải thốt lên: “chưa bao giờ, người Trung Quốc lại bị cả thế giới quay lưng và phỉ nhổ đến thế”. Còn một quan chức Trung Quốc đang ở nước ngoài cũng thừa nhận “chưa bao giờ, chúng tôi cô đơn như vậy”.

Quan trọng hơn, Việt Nam đã tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng với Trung Quốc trên thực địa. Mặc cho phía Trung Quốc đưa tàu lớn có tải trọng hàng vạn tấn, số lượng gấp nhiều lần Việt Nam và được trang bị vòi rồng, súng phun nước; mặc cho Trung Quốc phái cả tàu hộ vệ, tàu ngư lôi bảo vệ giàn khoan ở vòng trong, quân và dân Việt Nam đã lựa chọn giải pháp đương đầu đấu tranh trực diện với lực lượng Trung Quốc trên Biển. Trong suốt hơn hai tháng trời, từng đoàn tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư và nhất là tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã ngày đêm quần lộn trên biển với tàu Trung Quốc. Tất cả nhân viên công vụ và ngư dân Việt Nam đều chung một tâm niệm kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền quốc gia, kiên trì đấu tranh không để nước ngoài xâm chiếm lãnh thổ của tổ quốc, nhưng tất cả cũng đồng tâm thực hiện “4 không”: Không nổ súng, không mắc mưu đối phương, không từ bỏ chủ quyền và không sợ hy sinh gian khổ. Hàng trăm nhân viên công vụ Việt Nam thay nhau theo tàu ra biển, tìm mọi cách áp sát giàn khoan Trung Quốc, căng biểu ngữ viết chữ Trung Quốc với nội dung yêu cầu giàn khoan, tàu thuyền Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam, treo khẩu hiệu tiếng Trung ca ngợi tình hữu nghị Việt – Trung. Nhiều nhân viên biết tiếng Trung Quốc đã lên mạn tàu, dùng loa hướng sang tàu Trung Quốc để nói điều hay, giảng lẽ phải cho công nhân trên giàn khoan, nhân viên công vụ và binh lính Trung Quốc, kêu gọi họ không nên theo đuôi nhà cầm quyền làm tổn hại quan hệ hai nước. Nhiều con tàu nhỏ bé của ngư dân Việt Nam cũng treo cờ tổ quốc, vươn ra biển xa, sát cánh cùng tàu công vụ Việt Nam quần nhau với tàu Trung Quốc. Có những lúc, tàu Trung Quốc tức tối tìm cách áp mạn để phun vòi rồng hoặc húc tàu Việt Nam, tàu Việt Nam tuy nhỏ nhưng xoay trở linh hoạt hơn nên tránh được những cú đâm va, chạy vượt lên phía trước hoặc vòng sang bên cạnh. Tàu Việt Nam không húc tàu họ nhưng dai dẳng bám theo tàu Trung Quốc mà đấu tranh. Phía Trung Quốc cũng không vừa, họ bắt chước Việt Nam, cũng treo biểu ngữ, cũng gọi loa để “đấu” lại với Việt Nam. Nhưng tàu họ lớn, chạy chậm, xoay trở kềnh càng, thủy thủ Việt Nam cứ cho tàu chạy trên hướng gió mà gọi loa, vì thế tàu Trung Quốc chạy sau, dưới hướng gió nên nghe được tiếng loa từ tàu Việt Nam, còn họ gọi loa thì bị gió tạt, họ nói, tai họ lại nghe chứ tàu Việt Nam không nghe thấy gì. Đêm xuống, tàu thuyền Việt Nam công khai bật đèn pha, hướng về tàu Trung Quốc mà kêu gọi, đấu tranh, khiến người phía tàu Trung Quốc không lúc nào được yên. Họ lại còn lo thấp thỏm phía Việt Nam cho đặc công nước vào đánh chìm giàn khoan thì nguy to, mất cả tỷ đô la chứ chẳng chơi. Thế là cứ phải thức suốt đêm quăng lưới chà đi, xát lại xung quanh giàn khoan để xem có ông “Yết Kiêu”, “Dã Tượng” nào của Việt Nam xâm nhập không. Hơn hai tháng trời bị Việt Nam kiên trì đấu tranh như thế, người Trung Quốc trên thwujc địa đều cảm thấy quá mệt mỏi, chỉ mong được về bờ. Thế mới biết, khi có chính nghĩa thì người ta không quản hiểm nguy, còn khi làm chuyện phi nghĩa, khó mà kiên gan bền chí. Xét cho cùng, những công nhân và nhân viên Trung Quốc ấy, họ cũng là con người có nhận thức. Không phải là những chiếc máy bảo sao nghe vậy.

Trước áp lực phản đối của dư luận Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đối diện với sự đấu tranh kiên trì, bền bỉ trên biển của quân và dân Việt Nam, cùng với những bước đi trong chuẩn bị giải pháp pháp lý và vận dụng các giải pháp đấu tranh khôn ngoan khác nữa của Việt Nam, kết cục cuối cùng như chúng ta đã thấy, ngày 15/7/2014, Trung Quốc đã phải tuyên bố rút giàn khoan ra khỏi khu vực hạ đặt trái phép trước thời hạn dự kiến một tháng với các lý do: Giàn khoan đã hoàn thành công việc tại khu vực; giàn khoan phải di chuyển để tránh cơn bão Rammansun sắp tới, tạo điều kiện thảo luận với Việt Nam về giảm bớt căng thẳng và giải quyết các vấn đề liên quan trên biển. Sau ngày 15/7/2014, tình hình Biển Đông dần trở lại yên tĩnh.

Có thể nói, cuộc đọ sức về ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc đã chứng minh: “cái gì không phải của mình mà cố giành lấy thì khó mà được”. Không biết người Trung Quốc có tỉnh ra để xem lại mình hay không.

RELATED ARTICLES

Tin mới